Đền Giẻ Sen - Công tác bảo tồn và phát huy thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu

Đền Giẻ Sen nằm tại địa bàn thôn Nội, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 20km theo trục Quốc lộ 32 từ Hà Nội đi Sơn Tây, có một đầm sen rộng khoảng vài chục mẫu trên cánh đồng trũng thuộc thôn Nội, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, một làng thuộc vùng Kẻ Trôi xưa (vì có đầm sen lớn mà làng còn có tên gọi là Trôi Ao Sen).

den-gie-sen-1-1642405593-1642426880.jpg
Đền Giẻ Sen (Ảnh: Hoài Đức Online)

Về kiến trúc và lịch sử xây dựng Đền Giẻ

Giữa đầm sen nổi lên một gò lớn chiếm diện tích khoảng 2.000m2, trên gò có một ngôi đền cổ, tục gọi là Đền Giẻ, thờ Mẫu Thủy Trôi Ao Sen. Tại đền Giẻ Sen còn có phần mộ của Mẫu Thủy và một số di tích gắn với truyền thuyết về Mẫu Thủy đền Giẻ Trôi Ao Sen đang được lưu truyền tại đây.

Theo hồ sơ khoa học xếp hạng di tích đền Giẻ Sen thì đền Giẻ Sen thờ Mẫu Thủy tại thôn Nội, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, được xây dựng vào thời Nguyên nhằm tôn vinh, đề cao vai trò người phụ nữ được suy tôn để bảo vệ và chở che cho con người.  Đền được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống, phía trước có hồ sen rộng tạo sự cân đối, hài hòa trong tổng thể kiến trúc. Công trình gồm các hạng mục nghi môn, tiền tế, hậu cung và tả hữu mạc. Đồng thời, tại di tích còn lưu lại nhiều hiện vật mang giá trị nghệ thuật kiến trúc từ thời Nguyên, gắn liền với di tích và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.

Đền Giẻ được thiết kế theo kết cấu chữ “ĐINH”: đằng trước là tòa Tiền tế 5 gian 2 dĩ được nối với Hậu cung gồm ba gian nóc dọc song song (chuôi vồ), phía cuối “chuôi vồ” đươc xây cao vượt lên làm thượng cung, nóc thượng cung có bốn mái, phía trước có bốn chữ đại tự “Thủy Thần Vương Từ”. Năm gian giữa tòa Tiền tế làm theo lối kẻ chuyền, các vì được chạm khắc khá tinh xảo hình tượng long ly quy phượng, 5 gian của bức bàn thượng song hạ bản vừa đẹp vừa chắc chắn. Cạnh đó là hai dĩ xây gạch. Các mái của Đền được lợp ngói mũi hài, bò nóc tòa tiền tế có đôi rồng chầu mặt trời đắp nổi.Đền nhìn về hướng đông nam, mùa hè thì mát mẻ, mùa đông thì ấm cúng. Cách cửa Đền một khoảng sân rộng là tấm Bình phong - Trán ba dựng sát mép nước hồ, vừa che gió vừa chắn sóng, ngăn bụi trần phàm tục, tạo cho bên trong một khoảng không gian thanh tịnh, linh thiêng.Đến thời Lê Trung Hưng, cách nay gần 400 năm, cùng với việc tôn Bà Từ Đại làm Mẫu Thủy, dân làng Nội mới lập đền thờ Bà trên đảo Rùa Nổi và vô hình trung, đã dựng vào vị trí ngôi đền thờ vua Thủy Tề đã bị vùi lấp.

Năm 1943, Đền Giẻ được xây dựng lại theo kết cấu đơn giản chỉ là ngôi nhà nhỏ mái dọc 2 gian, mặt tiền 3m, chạy sâu vào 4m. Cửa của ngôi đền này được xác định bởi hai vị Môn thần (thần gác cửa) lúc đầu là tranh vẽ, sau đó được đắp nổi trên tường hai bên cửa Đền, nay vẫn còn.Năm 1952, Đền Giẻ được tu sửa, xây thêm tòa Tiền tế 3 gian 2 dĩ dàn hàng ngang phía trước, tòa nhà mái dọc cũ trở thành Hậu cung, hình thành mặt bằng kiến trúc chữ “ĐINH”.Năm 1998, với sự công đức của người dân thôn Nội và du khách thập phương, Đền Giẻ đã được nâng cấp từ ngôi đền nhỏ thành ngôi đền bề thế như ngày nay; tòa Tiền tế được xây lại thành 5 gian 2 dĩ; Hậu cung được mở rộng chiều ngang bằng hai nhà mái dọc và xây thêm tòa thượng điện, nên nhìn toàn cục, ngôi đền vẫn có kết cấu chữ “ĐINH” nhưng lớn hơn.Dự định ban đầu của dân làng là xây dựng lại Đền Giẻ với quy mô lớnhơn diện mạo hiện có khá nhiều, nhưng khi đào móng, phát hiện ra trong lòng đất 4 trụ đá giống hình người và một cây hương đá thì Ban Kiến thiết cho dừng lại. Họ cho chụp ảnh các trụ đá rồi xây một bục gạch lấp kín như một hình thức “bảo tồn”, chỉ để cây hương đá làm dấu tích khảo cổ.

Trong khoảng 10 năm gần đây (2005-2015), Đền Giẻ được xây dựng bổ sung nhiều hạng mục góp phần quan trọng hình thành diện mạo khang trang bề thế của ngôi đền ngày nay, tiêu biểu là: Đảo Phật Bà  giữa Đầm cách Đền gần 100m được xây dựng trong các năm 2003 – 2010; Cổng Đền làm theo cách thức tam quan trụ biểu, trong đó cổng chính 3 tầng 8 mái, hai cổng phụ 2 tầng 8 mái, được hoàn thành vào đầu năm 2012; Bình phong – Trấn ba với cuốn thư trụ biểu trang trí hai mặt được hoàn thành vào cuối năm 2012; Ngoài ra, khu Nhà khách và các cơ sở phục vụ nhà đền cũng được hoàn tất trong các năm 2010 - 2012, đáp ứng nhu cầu phục vụ khách thập phương hằng ngày tới tham quan, lễ bái và phụ vụ Lễ hội…

Điện thần ở Đền Giẻ Sen

Điện thần ở đền Giẻ Sen về cơ bản tuân theo chuẩn mực điện thần của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Điểm khác biệt lớn nhất ở đây là vị trí thần chủ của Đền thuộc về Mẫu Thủy. Tượng Mẫu Thủy được tạc bằng gỗ mít, bên trong mặc áo trắng (màu tượng trưng của Thủy phủ), bên ngoài là lớp áo thếp vàng màu nhạt, gần với màu trắng. Tượng được đặt tại trung tâm Thượng cung sau bức cửa võng cổ chạm bong nhiều bông sen, lá sen liền nhau tượng trưng cho đầm sen bát ngát, hoa lá đua chen… Phía trên cửa võng có bức đại tự cổ “Linh từ” (nghĩa là Đền linh thiêng) được khảm ốc do Hội Đàm cung tiến năm Bính Ngọ (1918) triều vua Khải Định.

Hàng thứ hai, bày tượng Ngũ vị Tôn quan gồm: Quan Đệ Nhất Thượng Thiên mặc áo đỏ, Quan Đệ Nhị Giám sát mặc áo xanh, Quan Đệ Tam Thoải phủ mặc áo trắng, Quan Đệ Tứ Khâm sai mặc áo vàng và Quan Đệ Ngũ Tuần Tranh mặc áo tím.

Hàng thứ ba là Tứ phủ Ông Hoàng. Ở đây chỉ bày tượng ba ông Hoàng tiêu biểu là ông Hoàng Bơ (Hoàng Ba) thuộc Thủy phủ mặc áo trắng ngồi giữa, bên phải là ông Hoàng Bảy thuộc Nhạc phủ mặc áo xanh, bên trái là ông Hoàng Mười thuộc địa phủ mặc áo vàng.Chính giữa Hậu cung là cây hương đá cổ được phát lộ năm 1998 cùng với bốn trụ đá là những di vật đặc hữu quý giá của Đền Giẻ. Sát bên nóc điện thờ là đôi rắn thần mào đỏ, nhắc tới tích “Ông Cộc, Ông Dài”, các con của Mẫu Thủy với Vua Thủy Tề. Và từ nóc điện buông xuống các loại nón thờ năm màu rực rỡ…Cũng tại Hậu cung, gian bên phải (theo hướng nhìn của tượng Mẫu Thủy) có Ban Sơn Trang, phía trên cửa võng có bức đại tự đề “U hiển sơn lâm” (Rừng núi âm u). Còn gian bên trái là Ban Trần Triều thờ Đức Thánh Trần (tức Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, một đại anh hùng dân tộc được hiển thánh).

Ở tòa Tiền tế, gian chính có Ban Công đồng; phía dưới là dinh quan Ngũ Hổ.Ngoài sân, chầu hai bên cửa Đền là đôi voi gỗ, ngựa gỗ tạc to như thật đặt trên bánh xe, có lọng che. Hai bên sân Đền, vuông góc với tòa Tiền tế là hai dãy tả mạc dành cho khách hành hương sắp lễ và xin sớ cầu khấn.Trên bức Bình phong – Trấn ba trước cửa Đền còn có những hoành phi câu đối rất sinh động, hàm súc.Mặt ngoàitrên cao có bức cuốn thư đề ba chữ đại tự “Quá tất tu”để nhắc nhở khách vào đền.

Thờ phụng và Lễ hội hàng năm

Theo Ban Quản lý di tích đền Giẻ Sen cho biết, ngày thường, Đền Giẻ Sen thu hút hàng trăm con nhang đệ tử, khách thập phương đến thăm viếng, lễ bái hầu đồng. Những ngày Sóc Vọng (Mồng một, ngày Rằm hàng tháng) số người đổ về Đền càng đông gấp bội. Vì thế Đền Giẻ quanh năm nghi ngút hương đèn và nhộn nhịp những khóa lễ, những khóa hầu đồng, hát văn… Qua nghiên cứu tư liệu tại đền Giẻ Sen và UBND xã Đức Thượng được biết, những năm có hội lớn (5 năm một lần), dân làng còn tổ chức rước kiệu Mẫu từ Đền vào làng để Mẫu thăm lại nơi đã sinh ra, nơi ăn ở với chồng con, xóm giềng, nơi đứng đợi chồng kéo cá (Gò Giương Vó), nơi đợi bạn đi chợ (Cầu Đình Giang). Sau đó lại rước kiệu Mẫu về Đền, nơi Mẫu ngự vĩnh hằng để ban ân đức, tài lộc cho dân làng và bàn dân thiên hạ…

Cả ba đêm hội được dành cho các chiếu chèo, với các tích xưa chuyện cũ, các canh hát quan họ, các giá hầu đồng cùng hát văn nghệ thuật… Ngày nay, còn có các đoàn nghệ thuật từ trung ương hoặc các địa phương lân cận kéo về biểu diễn giao lưu với các “nghệ sĩ” cây nhà lá vườn của các đoàn thể thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi, thiếu nhi… Trong các chương trình biểu diễn, được ưu tiên đặc biệt là các bài hát ca ngợi công ơn, đức hy sinh cao cả, lòng chung thủy tiết hạnh của các bà, các mẹ, các chị, các cô trong đời thường cũng như trong khói lửa chiến tranh giữ nước./.

Đạt Tân - Bình An

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/den-gie-sen-cong-tac-bao-ton-va-phat-huy-thuc-hanh-tin-nguong-tho-mau-a20356.html