Nẻo về nguồn cội
Nền văn hóa của dân tộc Việt Nam thống nhất trong đa dạng bởi văn hóa của nhiều tộc người với nhiều sắc thái, đa dạng nhưng hòa nhập vào dòng chảy văn hóa chung. Tục thờ thần gắn với các ngôi đền đã trở thành một nét đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Đền, nơi in dấu của lịch sử, của thời gian, phản ánh lịch sử huyền thoại liên quan. Đó là nơi giao tiếp giữa con người với thế giới tâm linh, đưa con người trở về quá khứ, cũng là nơi con người gửi gắm những ước vọng tâm linh về cuộc sồng tốt đẹp hơn.
Đắm mình trong dòng chảy văn hóa, Đền Cờn uy nghi nghiêng mình cùng lịch sử ngót nghìn năm.
Theo sử sách, đền được xây dựng vào năm 1235 đời nhà Trần, lúc đầu làm bằng tranh tre nứa lá nhỏ bé. Đền thờ tứ vị thánh nương là 3 mẹ con công chúa nước Nam Tống: Từ Hy Thái hậu Dương Nguyệt Quả, 2 công chúa là Triệu Nguyệt Khiêu và Triệu Nguyệt Hương và bà nhũ mẫu. Đền còn thờ cả các vị thần là vua Tống Đế Bính, các quan Trương Thế Kiệt, Lục Tú Phu… Đền còn thờ một khúc gỗ thiêng và vỏ hạt lúa.
Truyền thuyết về các bà, ngoài sự lưu truyền, thêu dệt trong dân gian ở các vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đà Nẵng... còn được các sách Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, Ô châu cận lục, Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí, Hải Nam linh dự tập, Thần Người và đất Việt, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, Địa chí Văn hóa dân gian Nghệ Tĩnh, Địa chí Quỳnh Lưu, v.v... ghi lại với ít nhiều sai biệt về tình tiết.
Thực tế, Tứ vị Thánh Nương không chỉ được thờ ở đền Cờn (Quỳnh Phương), mà trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu (trước đây) còn có nhiều làng thờ Tứ vị Thánh Nương. Ở các huyện như Diễn Châu, Nghi Lộc… (Nghệ An) hoặc các địa phương khác: Thanh Hóa, Nam Định, Hà Tĩnh, Huế, Quảng Nam, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cần Thơ… cũng có nhiều làng lập đền thờ Tứ vị Thánh Nương.
Cửa Cờn, lâu dần phát triển rộng rãi ở nhiều nơi trong cả nước. Vậy, Tứ vị Thánh Nương là ai?
Theo luận văn Thạc sĩ Lịch sử và Văn hóa đền Cờn của Hoàng Thị Bích Hiền, chương 47 của bộ Tống sử, bộ sử được biên soạn dưới thời Nguyên, gồm 496 tập, được biên soạn từ năm 1343 đến 1345 do Trần Quỳnh Hương dịch đã chép về chung cục nhà Tống như sau: “Thừa tướng Lục Tú Phu,… ngậm ngùi nước mắt cõng vị hoàng đế còn nhỏ tuổi nhảy xuống biển tự tử. Dương Thái Hậu biết tin con trai đã chết, bèn than khóc rằng: “Ta từ ngàn dặm xa xôi đến đây, cũng là vì cốt nhục nhà Triệu, hôm nay chết rồi, ta còn sống được nữa ư?”.
Nói rồi cũng nhảy xuống biển tự tử theo con trai. Trương Thế Kiệt và hoàng thất Nam Tống Triệu Nhược Hòa phiêu dạt trên biển, không ngờ gặp sóng thần nên cũng bị dìm chết. Hôm sau, trên biển nổi lên 100 nghìn thi thể. Vị hoàng đế cuối cùng cùa nhà Nam Tống đã chết, cuối cùng triều Tống cũng bị tiêu diệt. Sau khi Triệu Bính chết, xác nổi trên mặt biển. Ngư dân trông thấy một xác chết trẻ con, người mặc long bào, chân đi tất đen, đi hài, đầu đội vương miện, cờn có ấn vua. Dưới chân sặc mùi chất hôi. Mọi người nhận ra xác chết đó là Triệu Bính, bèn đưa về mai táng ở làng Tống Thiếu Đế (làng Xích Loan, Triều Châu ngày nay)”.
Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sỹ Liên cũng chép về sự thất thủ của nhà Nam Tống: “Thiên Bảo năm thứ nhất, 1279. Người Nguyên đánh úp quân Tống ở Nhai Sơn. Quân Tống thua, tả thừa tướng của nhà Tống là Lục Tú Phu cõng vua Tống nhảy xuống biển chết. Hậu cung và các quan chết theo rất nhiều. Qua 7 ngày có đến hơn 10 vạn xác chết nổi lên mặt biển. Xác vua Tống cũng ở trong số đó.”
Sách “Sử Trung Quốc” của Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn hóa, Hà Nội, trang 39, tập II có đoạn viết: “Quân Mông Cổ vào được Lâm An, bắt được Cung Đế, Thái hậu và mấy ngàn người đưa lên phương Bắc (1276). Bọn di thần là Lục Tú Phu (tể tướng), Trương Thế Kiệt tôn vua Đoan Tống lên ngôi, đưa xuống Phúc Kiến. Văn Thiên Tường đốc thúc nghĩa quân chống Mông Cổ, nhưng mấy lần đều thua.
Năm 1277, Trương Thế Kiệt dắt Đoan Tống xuống Quảng Đông, năm sau Đoan Tống chết ở Can Châu (Quảng Đông). Văn Thiên Tường, Trương Thế Kiệt và Lục Tú Phu lại lập em là Quảng Vương (Triệu Bính) lên thay đưa ra đảo Nhai Sơn (Quảng Đông). Mông Cổ bắt được Văn Thiên Tường, tiến đánh Nhai Sơn. Không thể chống cự được nữa, Lục Tú Phu cầm kiếm xua hết vợ con phải gieo mình xuống biển, rồi cõng vua nhảy xuống theo… Văn Thiên Tường bị bắt đưa về Yên Kinh, Trương Thế Kiệt vẫn chưa tuyệt vọng, đi đường biển qua Việt Nam mưu sự khôi phục, nhưng giữa đường gặp bão, thuyền chìm, chết”.
Những điều trên đã lý giải vì sao đền Cờn Ngoài thờ Đế Bính, Lục Tú Phu, Văn Thiên Tường, Trương Thế Kiệt
Sách “Việt điện u linh” do Lý Tế Xuyên biên soạn vào đầu thế kỷ XIV kể lại: “Phu nhân họ Triệu, là công chúa nước Nam Tống, tất cả có ba mẹ con, phu nhân là con gái út”.
Trong năm Thiệu Bảo thứ nhất (1279), đời Trần Nhân Tông, bên Trung Quốc Trường Hoằng Phạm đem quân đánh úp quân Tống ở Nhai Sơn. Quân Tống tan vỡ, quan Tả thừa tướng là Lục Tú Phu ôm vua Đế Bính nhảy xuống bể, tướng sỹ nhà Tống chết dưới bể có hơn 10 vạn người. Ba mẹ con phu nhân ôm lấy cột buồm của một chiếc thuyền trôi dạt đến một ngôi chùa bên bờ bể. Sư chùa thương, bèn cho mẹ con vào ở chùa và nuôi cho ăn. Được mấy tháng, mẹ con khi đã lại sức, trở nên béo tốt, vẻ mặt phu nhân coi tuyệt đẹp.
Sư động lòng muốn tư thông, bị phu nhân cự tuyệt. Sư xấu hổ quá gieo mình xuống bể chết. Mẹ con phu nhân khóc rằng: “Chúng ta vì sư mà được sống, nay sư vì chúng ta mà phải chết, sao nở yên tâm”. Rồi ba mẹ con cùng nhảy ra biển mà chết, xác trôi đến cửa Càn Hải thuộc huyện Quỳnh Lưu, phủ Diễn Châu nước ta, vẻ mặt tươi như lúc còn sống. Thổ dân lấy làm lạ, vớt lên an táng thấy rất hiển linh, mới lập đền thờ. Phàm những thuyền đi bể, gặp khi sóng gió nguy hiểm, kêu cầu được thoát nạn. Sau các nơi cửa bể đều lập đền thờ, đền nào cũng có tiếng thiêng”.
Sách “Thanh Chương huyện chí” của Bùi Dương Lịch (1758-1828) nguyên văn chữ Hán, Bùi Văn Chất dịch viết về Tứ vị Thánh Nương như sau: “Thánh Nương sinh thời là hoàng hậu, là đấng thân minh. Khi chết là vị thánh anh minh, vị thần phúc đức, từ xưa tới nay, trong cõi vũ trụ này chưa có vị thần nào thịnh bằng Tứ vị Thánh Nương. Này xem, các cửa biển ở Hải Dương, Yên Bang, Nghệ An, Thanh Hóa đều lập đền thờ phụng… Há chẳng là đức của thánh rất thịnh đó sao?
Kẻ ngu muội này thời trẻ đi học đã nghe được tục truyền rằng: “Tứ vị Thánh Nương là bốn vị trong cung triều Tống dong thuyền ra biển để tránh quân Nguyên, gặp gió bão trôi dạt đến cửa Cờn, chết ở đó. Sau khi chết đã hóa thành thần Nam Hải. Phàm những ai qua lại trên biển, nếu khẩn cầu đều được linh ứng”.
Như vậy, “Thanh Chương huyện chí” nói về Tứ vị Thánh Nương cũng không khác so với “Tống sử” hay “Đại Việt sử ký toàn thư”.
Trải qua thời gian, “Tứ Vị Thánh Nương” đã được các triều đại phong kiến Đại Việt ban tặng nhiều tước hiệu: “Đại Càn Thánh Nương”, “Đại Càn Quốc Gia Nam Hải”, “Đại Càn Thánh Mẫu”, thậm chí, nhà Nguyễn đã phong tặng các bà rất nhiều mỹ tự: “Hàm Hoằng Quảng Đại Chí Đức Phổ Bác Hiển Hóa Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ Vị Thánh Nương Vương Thượng đẳng thần”.
Còn tiếp…
Nguyễn Diệu
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/den-con-ky-i-truyen-thuyet-ve-tu-vi-thanh-nuong-a20335.html