Chuyện Tết Mậu Thân 1968 từ quán phở Đặc biệt: "Mục tiêu số 10" và cuộc hành quân thần tốc

Câu chuyện về ý chí và niềm tin mãnh liệt về ngày toàn thắng của những chiến sĩ Biệt động Sài Gòn luôn xông lên trước làn tên mũi đạn kẻ thù, có những tình tiết rất mới… Không biết Sài Gòn có bao nhiêu quán phở nhưng có lẽ quán phở này có “hương vị” đặc biệt hơn bởi nơi đây cũng là Di tích lịch sử Quốc gia.

nguoi-linh-1641786238-1642062419.jpg
Ông Ngô Văn Lập kể lại việc ông trực tiếp chứng kiến liên quan đến cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết 1968 tại Di tích lịch sử Quốc gia là quán Phở Bình (nhà ông)

“Việc thực hiện mục tiêu số 10 có một phần quan trọng gắn với quán Phở Bình này”, ông Ngô Văn Lập, 65 tuổi, người của quán phở đã có lịch sử tồn tại hơn 50 nói như thế rồi hướng dẫn chúng tôi bước lên tầng trên của quán. “Đây là nơi diễn ra buổi lễ xuất quân của cụm lực lượng Biệt động Thành để thực hiện mệnh lệnh tiến công vào mục tiêu số 10, được xem là một trong những trận khai hoả cho việc tấn công hàng loạt mục tiêu cơ quan đầu não của Mỹ - Thiệu tại trung tâm nội đô Sài Gòn Tết 1968”, ông Lập kể thêm.

Theo nhiều tài liệu được trưng bày tại Di tích lịch sử Quốc gia Phở Bình, chuẩn bị “Tổng công kích – Tổng khởi nghĩa” Tết Mậu Thân 1968, được giao nhiệm vụ “khai hỏa”, Phân khu nội đô Sài Gòn – Gia Định (PK6) chỉ huy lực lượng biệt động thành, lên kế hoạch tác chiến bao gồm 9 hồ sơ mục tiêu trong 25 mục tiêu đầu não, trọng yếu của Mỹ - Thiệu trong nội đô Sài Gòn đã được Bộ tư lệnh Miền và Quân khu Sài Gòn – Gia Định xác định trước đó, trong số này có Tổng nha Cảnh sát, Biệt khu Thủ đô, Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy, Đài Phát thanh Sài Gòn, Dinh Độc lập, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Trại Phi Long, khám Chí Hòa... Khi giờ G sắp đến, cụ thể vào ngày 25/1/1968, Bí thư Khu ủy Sài Gòn – Gia Định Võ Văn Kiệt, đại diện Bộ tư lệnh tiền phương 2, quyết định bổ sung thêm “mục tiêu số 10”…

Đúng ngày đưa ông Táo về trời, Bộ chỉ huy PK6 bao gồm Tư lệnh Trần Hải Phụng (Hai Phụng), Chỉ huy trưởng lực lượng Biệt động Nguyễn Đức Hùng (Ba Tam, Tư Chu), Tham mưu trưởng Trần Minh Sơn (Bảy Sơn) báo cáo Thường vụ Khu ủy toàn bộ kế hoạch tác chiến 9 mục tiêu nội thành Sài Gòn.

Hồi ký của Đại tá Trần Minh Sơn thể hiện, sau khi đánh giá cao công tác chuẩn bị tấn công các mục tiêu Dinh Độc Lập, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh Hải quân,… đồng chí Võ Văn Kiệt, khi đó là Bí thư Khu ủy Sài Gòn – Gia Định, bất ngờ hỏi: “Sao không đánh vào Đại sứ quán Mỹ?”. Không chờ câu trả lời, ông phân tích và đấy cũng là mệnh lệnh: “Phải đánh Tòa đại sứ Mỹ mới đặt ra những vấn đề mới !”. Sau ý kiến của Bí thư Khu ủy, Hai Phụng và Tư Chu không trả lời được, mà chỉ hứa sẽ cố gắng để Bí thư yên tâm.

“Trên đường về không ai nói gì cả, nhưng đầu cứ suy nghĩ về kế hoạch tác chiến cho mục tiêu số 10. Tuy là bổ sung nhưng đây lại là mục tiêu trọng yếu nhất. Cái khó nhất là cán bộ đã tung ra hết rồi; các kho vũ khí đều phân phối, đặc biệt, chiến sỹ kinh nghiệm qua trận mạc đều phân quân bố trí cho 9 mục tiêu trước đó! “Tham mưu tính sao?”, Hai Phụng hỏi. Chợt nhớ tới Ba Đen, tôi trả lời: Chỉ còn Ba Đen (tức Ngô Thành Vân, Nguyễn Văn Vân). Ngặt nỗi Ba Đen đang giữ chìa khóa của 14 hầm vũ khí bí mật trong nội đô, có bề gì là không ổn!”, hồi ký thể hiện.

Thời gian chỉ còn đúng một tuần, Bộ chỉ huy PK6 cùng Chỉ huy trưởng Biệt động cấp tốc thành lập đội Biệt động B11 với nhân sự chủ yếu được lấy từ Phòng Tham mưu PK6 với 14 đồng chí (làm công tác văn phòng, quân báo - chủ yếu là trinh sát mặt đất) và một số chiến sĩ của đơn vị bảo đảm chiến đấu (A20 và A30). Sa bàn Tòa đại sứ được dàn dựng tại rừng cao su Thanh Tuyền (nay thuộc Bến Cát, Bình Dương).

Các chiến sĩ mới của đội B11 được huấn luyện cấp tốc kỹ năng bắn súng, đánh chất nổ, các kỹ chiến thuật trong đánh lô cốt, phá tường rào, đánh chiếm tầng cao. Ba Đen được chọn làm Đội trưởng. Hai cấp phó của Ba Đen cũng là những cán bộ chỉ huy kỳ cựu, là Út Nhỏ và Bảy Tuyền. “Biên chế cứng” của B11 là 17 chiến sĩ..

Ba Đen khi đó đang bí mật chuẩn bị chiến dịch đánh vào các mục tiêu đầu não nội thành Sài Gòn, được lệnh “hỏa tốc” trở về căn cứ An Tịnh (Trảng Bàng, Tây Ninh). Lúc 23h ngày 28/1/1968, ông nhận lệnh về mục tiêu bổ sung số 10. Đối với các mục khác được vạch ra trước đó, Ba Đen giao cho Hai Trí – chính trị viên và Ba Duy – Chỉ huy phó tiếp tục tổ chức liên lạc các cơ sở, tổ võ trang nội thành và ven đô chuẩn bị tác chiến.

Theo lệnh của cấp trên, Ba Đen phải tập trung chuyển quân, chuyển vũ khí, tập kết, ém quân cho mục tiêu số 10, đúng 12h ngày 30/1/1968 tại các điểm hẹn nội thành Sài Gòn để đúng 12 tiếng đồng hồ sau đó, phải tiếp cận mục tiêu, nổ súng tấn công Tòa đại sứ Mỹ. “Quân lệnh như sơn”, điều này cũng có nghĩa là Ba Đen phải tổ chức một cuộc hành quân công khai thần tốc, táo bạo, bất ngờ nhằm đưa toàn bộ phân đội (đội B11) cùng vũ khí đột nhập vào nội đô đúng kế hoạch.

Với đề xuất của Tư lệnh Trần Hải Phụng, Bí thư Khu ủy Võ Văn Kiệt chuẩn y chuyển ngay cho Ba Đen 200 ngàn đô la Mỹ để tổ chức toàn bộ trận đánh, trong đó có chi phí “bịt mắt, trám miệng” bọn lính tráng, an ninh trên tuyến đường di chuyển Củ Chi vào trung tâm Sài Gòn.

Chứng nhân lịch sử duy nhất còn sống sau cuộc hành quân thần tốc là bà Nguyễn Ngọc Huệ (Thu Ba), y tá và là giao liên của Ba Đen. Bà Huệ nhớ như in, từchợ Suối Sâu đi vào ấp Bầu Mây khoảng hơn cây số, có cơ sở là nhà bà Út Ấu. Bà đào hầm bí mật cất giấunhiều thứ, trong đó có cả quần áo dân sự, quân phục lính Sài Gòn, quân hàm quân hiệu, giày dép các loại… để phục vụ cho cuộc tổng tấn công.

Đúng theo kế hoạch, sáng 30/1/1968 (ngày mùng 1 Tết), Ba Đen cùng toàn thể phân đội của đội B11 dậy sớm, vệ sinh tươm tất, ăn mặc quần áo mới dân sự chỉnh tề. Tất cả lên xe tải camion rời khỏi Bầu Mây, ra QL1 (nay là QL22) tiến về Sài Gòn. Xe mới đi được một đoạn là mấy chiến sĩ trẻ đã đùa giỡn không có biểu hiện gì của một đội quân cảm tử đang chuẩn bị vào một trận đánh quyết tử. “Chợt tôi nhìn thấy một tên phóng xe honda bám theo đuôi xe tải.

Nhìn kỹ lại, tôi nhận ra đó là tên Tám Cao – một du kích đã ra chiêu hồi đầu hàng giặc, nhà ở Củ Chi. Hắn biết mặt tôi. Khi tên Tám Cao vượt qua mặt xe một đoạn xa, tôi báo cáo ngay với Ba Đen với nhận định chúng có thể tổ chức đón lõng xe mình tại Cầu Bông (nay là cầu An Hạ 1) hoặc tại trạm ngã ba Hồng Châu. Thế là Ba Đen tìm cách liên lạc với Bảy Hoàng đang từ Sài Gòn chạy ra đón. Thật may, xe Jeep của Bảy Hoàng cũng vừa trờ tới. Ba Đen lệnh cho xe tải chở quân ta quay đầu trở về Bầu Mây - điểm xuất phát”, bà Huệ kể.

Xe Jeep của Bảy Hoàng bám đuôi xe tải. Lúc này, ông mặc quân phục lính Sài Gòn, cạnh bên “nữ sinh trường Đức Trí” Nguyễn Kim Thùy (Nguyễn Thị Trừ), thực chất là trinh sát nội đô của Ban Quân báo. Khi về đến cơ sở ở Bầu Mây, Ba Đen cho anh em thay đổi quần áo khác và cả biển xe tải. “Tất nhiên, tôi phải ở lại vì đã lộ diện”, bà Huệ kể thêm. Ba Đen cùng 3 chiến sĩ khác chuyển qua ngồi xe Jeep. Bảy Hoàng vẫn mặc bộ đồ lính Sài Gòn lái xe cùng “nữ sinh” Kim Thùy với bộ áo dài trắng, vào vai như con em quan lớn về quê ăn Tết, ngồi phía trước. Hai xe rời Bầu Mây, tiến về Sài Gòn. “Trên đường đi gặp địch cản trở, sẽ nổ súng tiêu diệt”, Ba Đen ra lệnh.

14h cùng ngày mùng Một Tết 1968, dù muộn mất 2 tiếng đồng hồ so kết hoạch nhưng toàn phân đội đã vào được trung tâm nội đô Sài Gòn an toàn. Khi đó, lực lượng đảm bảo đã tổ chức vận chuyển một số vũ khí từ Trảng Bàng về Sài Gòn nhưng do cơ sở trong nội thành bị lộ nên chiếc xe chở hàng tấn vũ khí, thuốc nổ chạy trên đường phố mà vẫn không tìm được chỗ cất giấu.

May mà Ba Đen sau đó đã vận động, thuyết phục được chủ ngôi nhà số 59 Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ) là một garage xe ôtô do một phụ nữ làm chủ. Vũ khí được giấu tại đây khi đó gồm 12 khẩu AK, 3 khẩu B40, 200kg thuốc nổ TNT, 2 khẩu súng ngắn, 100 quả lưu đạn. Tối đó, Ba Đen cùng Hai Trí lên xe Peugeot 208 màu trắng đi thị sát mục tiêu số 10 lần cuối rồi cùng dự lễ xuất quân tại quán Phở Bình...

Trước khi bổ sung mục tiêu số 10, với 9 mục tiêu tấn công ban đầu của Biệt động thành và nhiều nhiệm vụ khác, chỉ trong thời gian ngắn đều được đảng bộ, LLVT và nhân dân Sài Gòn – Gia Định chuẩn bị và hoàn tất với quyết tâm và nỗ lực rất cao. Công tác bảo đảm được tiến hành song song. Ta đã chuẩn bị được các kho bí mật để cất giấu vũ khí, những chỗ ém quân trong nội thành; xây dựng được 19 lõm chính trị sát những sào huyệt địch ở nội thành (với 325 gia đình), tạo nên 400 điểm ém quân, cất giấu vũ khí tương đối vững chắc, an toàn…

Theo Trái tim người lính

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/chuyen-tet-mau-than-1968-tu-quan-pho-dac-biet-muc-tieu-so-10-va-cuoc-hanh-quan-than-toc-a20311.html