Đền thiêng bên dải Lam Giang (Kỳ III)

Đền Bà Chúa (xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương) không chỉ đẹp bởi nét vẽ linh thiêng từ những truyền thuyết, sự tích của Tam tòa thánh Mẫu. Nơi đây còn ghi dấu những ẩn tích còn đó với hậu thế, vọng mãi cùng lịch sử. Về Thanh Chương, đắm mình trong dòng chảy thời gian, nhòe mắt trước khói hương nơi đây mới cảm nhận hết được sự linh thiêng của ngôi đền cổ này.

Mẫu đệ Tam Thoải phủ

Mẫu Thoải là vị thánh mẫu chịu trách nhiệm quản lý vùng sông nước. Chữ “thoải” là đọc chệch từ chữ “thủy” có nghĩa là nước. Mẫu còn có nhiều danh hiệu khác như Mẫu Đệ Tam Thủy Cung, Xích Lân Công Chúa, Động Đình Công Chúa Ngọc Hồ Thần Nữ, Thủy Tiên Công Chúa, Thủy Cung Thánh Mẫu. 

Trong số những Thủy Phúc Thần trong tín ngưỡng người Việt thì Mẫu Thoải là vị Thần quan trọng nhất. 

Theo tư duy dân gian thì Mẫu tức là mẹ, là người khởi nguyên sáng tạo ra vạn vật thế gian. Theo đó, Mẫu Thoải là người khởi nguyên sáng tạo ra mọi miền sông nước như biển, hồ, ao, đầm… Mẫu Thoải hội tụ, hồi quang và tỏa chiếu sức mạnh của mọi Thủy Thần, là người có thế lực và quyền năng điều hòa gió, mưa, nguồn nước. Mẫu là con gái út của Vua Cha Bát Hải Động Đình. 

20211229-122418-1640755682.jpg
Mẫu đệ Tam Thoải phủ, là người khởi nguyên sáng tạo ra mọi miền sông nước như biển, hồ, ao, đầm… được thờ tại Đền Bà Chúa (xã Thanh Đồng, huyện Thanh Chương). Ảnh: Nguyễn Diệu

Tương truyền, mẫu vốn là con gái út của Vua Cha Bát Hải Động Đình, sống dưới thời vua Hùng Vương. Đến khi lớn lên, tiên chúa được Vua Cha gả cho Kinh Xuyên – thần ốc trên núi. Vợ chồng sống hòa thuận đầm ấm cho đến khi Kinh Xuyên lấy tiểu thiếp là Thảo Mai. Khi Kinh Xuyên đi vắng, tiên chúa ngồi khâu áo rồi bị kim đâm vô ngón tay đã lấy mảnh vải trắng thấm máu rồi bỏ vào thùng rác nhưng bị Thảo Mai giấu đi. Kinh Xuyên trở về Thảo Mai gáo gở vu oan cho Tiên Chúa là cắt máu thề nguyền tư thông cùng kẻ khác. Kính Xuyên không luận trước sau mà đem đầy Tiên Chúa vào chốn rừng sâu mặc cho thú dữ ăn thịt. Khi ở trong rừng, lúc thì chúa hiện thành long xà, lúc chúa hiện thành mỹ nhân trút âu sầu với cỏ cây hoa lá.

Lòng từ bi của tiên chúa khiến cho mọi loài thú đều yêu mến và nghe lời. Cũng hay cho con tạo xoay vần mà Tiên Chúa đã gặp được Liễu Nghị đang trên đường đi lai kinh ứng thi đi ngang qua. Tiên chúa đã viết thư và gửi Liễu Nghị cùng một chiếc kim thoa nhờ chàng gửi tới thủy cung. Liễu Nghị nghe theo mà tới Bể Đông. Chàng dùng kim thoa gõ vào cây ngô đồng như lời tiên chúa dặn thì y như rằng làn nước rẽ làm đôi đón chàng tới thủy cung. Ở đây chàng đã tâu trình bức thư được tiên chúa gửi nhờ tới Vua Cha. Đọc xong, Vua Cha Thoải Quốc nổi giận sai Trưởng Tử Xích Long Hầu đi đón tiên chúa hồi cung và lập tức trừng trị Kính Xuyên và Thảo Mai. Đồng thời gắn kết mối nhân duyên của tiên chúa với Liễu Nghị. 

Một vài sự tích Mẫu Thoải được lưu truyền khác lại cho rằng Mẫu là con gái của Động Đình Quân và là mẹ của Lạc Long Quân.

20211119-111135-1640755894.jpg
Tương truyền, mẫu vốn là con gái út của Vua Cha Bát Hải Động Đình, sống dưới thời vua Hùng Vương. Đến khi lớn lên, tiên chúa được Vua Cha gả cho Kinh Xuyên – thần ốc trên núi. Ảnh: Nguyễn Diệu

Ở vùng Nghệ An, nhân dân tương truyền rằng lúc mới mở nước, Kinh Dương Vương đi xem cảnh núi sông, tìm nơi đất lành để xây dựng kinh đô. Khi về tới phương nam, đến vùng Ngàn Hống, thấy cảnh núi non hùng vĩ, 99 ngọn cao vút trấn trên tiên Hội, có thế rồng vây hổ chầu, Dương Vương lấy làm vừa ý bèn sai đắp thành dưới núi, xây dựng lâu đài thành lũy…

Công việc tạm xong, vương lại cưỡi truyền trở ra phương bắc tiếp tục cuộc tuần du. Thuyền của vua theo dòng Thanh Long (tên cũ của Sông Lam) đến gần cửa Hội, bỗng thấy người con gái mặt Hoa da phấn, tóc đen mườn mượt, má đỏ hây hây từ dưới nước nổi lên. Sau khi tự xưng là Thần Long, người con gái ấy trở thành vợ của An Dương Vương và là mẹ của Lạc Long Quân – vị vua Hùng Vương thứ nhất.

Ki Hồng Bàng thị trong phần Ngoại ký của Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Kinh Dương Vương trị vì phương Nam, gọi tên là nước Xích Quỷ, Vua lấy con gái của Động Đình Quân tên là Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân.” Hay trong Lĩnh Nam chích quái cũng kể thêm: “Kinh Dương Vương có tài đi dưới thủy phủ, lấy con gái của hồ Động Đình là Long Vương, sinh ra Sùng Lãm, hiệu là Lạc Long Quân.” Hay Phan Huy Chú viết Lịch triều hiến chương loại chí – quyển VI phần nhân vật chí coi Kinh Dương Vương là dòng dõi thần Nông, vua khởi đầu nước Việt ta. Khi trước cháu ba đời Thần Nông là Đế Minh, đi tuần thú ở biển Nam, gặp nàng Vụ Tiên rồi lấy làm vợ, đẻ con là Lộc Tục. Lộc Tục có Thánh Đức, Đế Minh yêu lắm, muốn lập là con nối, nhưng Lộc Tục cố nhường cho anh là Nghi; Đế Minh liền phong cho Lộc Tục ở đất Việt (miền nam), tức Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân, đẻ ra Lạc Long Quân.

Như vậy, 3 bộ sử giá trị nhất của Việt Nam thời xưa đã ghi nhận vợ của Kinh Dương Vương tức Mẫu Thoải chính là mẹ của Vua Hùng Vương Thứ nhất. 

4 lần hiển linh giúp Vua cứu nước

20211229-122345-1640755983.jpg
Một vài sự tích Mẫu Thoải được lưu truyền khác lại cho rằng Mẫu là con gái của Động Đình Quân và là mẹ của Lạc Long Quân. Ảnh: Nguyễn Diệu

Mẫu hiển linh giúp vua Lý Thái Tổ: Tương truyền vùng Đồng Bằng Bắc Bộ thường xuyên có lũ lụt. Khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, ông bắt đầu công việc trị thủy. Công việc kéo dài đến tận thời vua Lý Thái Tông mới căn bản xong. Các đoạn đê được nối liền vào với nhau và có quy mô rộng lớn như ngày nay. Trong suốt quá trình xây dựng hệ thống đê, lũ lụt vẫn thường xuyên xảy ra gây khó khăn cho nhân dân. Mẫu Thoải đã phái các thủy thần, tướng lĩnh của mình đến các làng ven Thăng Long để âm phù giúp dân đắp đê chống lụt. Thần tích này còn được ghi tại các làng Nhật Chiêu, Quảng Bá, Tây Hồ, Yên Phụ,…

Mẫu hiển linh giúp Trần Hưng Đạo: Quân Nguyên xâm lăng đất nước, vua Trần Nhân Tông khi ấy triệu Hưng Đạo Vương phong làm Đại Nguyên Soái cất quân đi dẹp giặc. Lúc ấy khi đi ngang qua sông Xâm Miện (khu đền Dầm) thì mặt trời vừa lặn. Ông cho quân lính cắm trại dừng chân bên bãi sông còn mình thì ở lại trên thuyền.

Đêm đến, trong cơn mơ, ông thấy một người con gái áo trắng, mang đai ngọc lưu ly cưỡi rồng vàng đến trước mặt ông và nói rằng: “Thiếp là con gái Long Vương là Thủy Tinh Ngọc Dung công chúa, được lệnh đến giúp ngài diệt giặc. Ngài hãy đem quân đuổi giặc, thiếp nguyện âm phù trợ giúp.” Tỉnh dậy ông biết là mộng báo có người phù trợ bèn xua quân đại chiến với giặc. Hai bên giao tranh ác liệt thì gió bấc thổi lên, nước sông cuồn cuộn, sóng nổi ngập trời làm cho chiến thuyền của giặc bị nhấn chìm tả tơi.

20211204-001827-1640756113.jpg
Mẫu đệ Tam Thoải phủ 4 lần hiển linh giúp Vua cứu nước. Ảnh: Nguyễn Diệu

Thắng trận trở về, ông tâu vua báo công và nêu rõ việc Ngọc Dung báo mộng. Vua sai sứ giải về Xâm Miện vào miếu (nay là đền Dầm) bái tạ và ban sắc phong:

“Hoàng Long tĩnh mạch, đoan trang
Anh linh Thục Diệu phu nhân Trung Đẳng Thần”

Mẫu hiển linh giúp vua Lê Thánh Tông: Tích này liên quan đến ngôi đền Hàn Sơn nổi tiếng tại Thanh Hóa. Tích xảy ra trong quá trình vua Lê đem quân đi đánh Chiêm Thành. Khi thuyền đi qua sông Lèn thì gặp một trận cuồng phong. Vua bèn lập đàn tràng để xin các vị thần phù trợ. Mẫu Thoải hay tin đã phái một nữ tướng đến trị. Ngay lập tức sông yên, gió lặng. 

Sau khi thắng trận trở về, nhà vua nhớ công ơn, phong tặng cho Mẫu làm Thủy Phủ Thần Nữ tại đền Hàn Sơn. Từ đó, ngôi đền trở thành một trong những đền thờ Mẫu Thoải nổi tiếng nhất vùng.

Mẫu hiển linh giúp vua Lê Thần Tông: Đời vua Lê Thần Tông, mẫu Thoải hiển linh phù âm giúp dân chống lụt xua đuổi thủy quái khi nhân dân gặp nạn nước sông Hồng dâng cao bất thường tràn vào cả Yên Phụ. Nhà vua phải đích thân hành lễ Nam Giao (Lễ tế cáo trời đất) để cầu các vị thần linh phù trợ.

Còn tiếp…

Nguyễn Diệu

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/den-thieng-ben-dai-lam-giang-ky-iii-a20139.html