Hương ước, quy ước góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở cơ sở

Sáng 28/12, Hội thảo đánh giá việc thực hiện Đề án tăng cường thực thi pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước giai đoạn đến năm 2021 đã được Vụ Pháp chế (Bộ VHTTDL) tổ chức tại Hà Nội. Hội thảo có sự tham gia của đại diện lãnh đạo các đơn vị của Bộ VHTTDL, các chuyên gia, nhà khoa học, đại diện cho các Bộ, ngành liên quan.

Theo ông Lê Thanh Liêm – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, ngày 8/5/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Quyết định này thay thế Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg và có nhiều nội dung mới về xây dựng, thực hiện hương ước, qui ước trong đó tại khoản 1 Điều 17 giao Bộ VHTTDL chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Uỷ ban dân tộc và các cơ quan, tổ chức liên quan tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước.

huong-uoc-1640672032212974073590-1640678073421-16406780833881885931525-1640684651.jpg
Ông Lê Thanh Liêm, Vụ trưởng Vụ Pháp chế chủ trì Hội thảo

Triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, ngày 4/10/2018, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 3727/QĐ-Bộ VHTTDL về việc phê duyệt Đề án tăng cường thực thi pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước giai đoạn đến năm 2021 trong đó giao Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện Đề án.

"Các văn bản nêu trên đã tạo khung khổ pháp lý quan trọng cho việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trong cả nước. Tính đến năm 2018, trong số 106.383 thôn, làng được rà soát, có 99.073 bản hương ước, quy ước đã được phê duyệt (chiếm 93,1%)", ông Lê Thanh Liêm cho biết.

Đánh giá việc thực hiện hương ước, quy ước cũng cho thấy nhận thức của cấp uỷ, chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị về vị trí, vai trò của hương ước, quy ước đối với quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư được nâng lên. Hương ước, quy ước đã khẳng định vị trí, vai trò trong xây dựng, thực hiện nếp sống văn minh, thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò tự quản và xây dựng tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng, đưa pháp luật, chủ trương, chính sách đi vào cuộc sống, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, giữ gìn, phát huy truyền thống, tập quán tốt đẹp của cộng đồng, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án, nhìn chung công tác quản lý nhà nước về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước đã dần đi vào nề nếp và đã có những bước chuyển biến tương đối căn bản trong đó nhận thức của chính quyền các cấp, của các cơ quan, đơn vị về vị trí, vai trò của hương ước, quy ước đối với quản ly xã hội tại cộng đồng dân cư được nâng cao.

Kể từ khi Thủ tướng ban hành Quyết định về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước, định hướng của nhà nước đối với công tác quản lý hương ước, quy ước đã có bước chuyển biến mới, coi hương ước, quy ước là thiết chế tự quản để thể chế những giá trị văn hóa tốt đẹp, ghi nhận các phong tục, tập quán tiến bộ, hạn chế tiến tới xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu thay bằng nhìn nhận hương ước, quy ước nặng về tính quy phạm, bắt buộc thực hiện hoặc xử lý bằng cưỡng chế, phạt vật chất. Đến nay, hương ước, quy ước đã được xây dựng, công nhận và tổ chức thực hiện ở hầu hết các địa phương trên cả nước…

z3060774128644685b722fcd0f012f34cb7b95c85901c6-16406720322221820470116-1640678090988-164067809107328453693-1640684702.jpg
Toàn ảnh Hội thảo

Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như một số hương ước, quy ước có nội dung trái pháp luật, xâm phạm hoặc hạn chế quyền con người, quyền công dân, nhiều hương ước, quy ước sơ sài về nội dung, sao chép lặp lại chính sách, pháp luật, thiếu nét đặc trưng văn hoá, xã hội, phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục của các địa phương.

Việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước ở một số địa phương còn hình thức, phong trào, kém hiệu quả nhiều nơi việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước không xuất phát từ nhu cầu thực tiễn mà chủ yếu là để ghi nhận thành tích khi thực hiện việc công nhận các danh hiệu văn hoá. Điều này làm sai lệch bản chất, suy giảm vai trò, vị trí của hương ước, quy ước với tư cách là thiết chế tự quản của cộng đồng dân cư…

Vụ trưởng Vụ Pháp chế cũng cho biết, Hội thảo ngày hôm nay là dịp để các cơ quan, đơn vị, các chuyên gia, nhà khoa học cùng nhìn nhận lại xem trong hơn 3 năm qua đề án đã thực hiện được những gì để tiếp tục chỉ đạo triển khai nhiệm vụ trong công tác xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước trong năm 2022 và các năm tiếp theo trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp tại Đề án đã ban hành, không ban hành Đề án mới.

Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo các đơn vị, các nhà khoa học, chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp cho việc thực thi pháp luật về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước…

Theo GS.TS Bùi Quang Thanh, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, trong điều kiện phát triển xã hội hiện nay, hương ước, quy ước mới đã có vai trò quan trọng đối với việc can dự trực tiếp hoặc gián tiếp vào quá trình thực hiện quy chế dân chủ ở các bản, làng, vừa đảm bảo tính tộc người, phù hợp với mục tiêu phát triển chung của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam. Các thành viên trong cộng đồng đều có quyền can dự vào quá trình xây dựng các quy định về lối sống ăn ở hiếu nghĩa, xử thế từ gia đình đến dòng họ, làng xóm, xây dựng các cặp quan hệ vợ- chồng; anh- em; bố mẹ- con cái; ông bà- cháu chắt... theo đúng nề nếp có văn hóa. Với xã hội, giúp đỡ nhau trong hoạn nạn, ăn ở hòa thuận trong xóm làng, chống mọi tệ nạn xã hội... và có quyền, có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ với làng xóm, xã hội nói chung.

Trong thời gian tới, để hương ước, quy ước tiếp tục thấm sâu vào đời sống văn hóa cơ sở, các đại biểu cho rằng, cần thống nhất cao từ cấp huyện đến xã, phường; có khen thưởng, xử phạt.../.

Theo bvhttdl.gov.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/huong-uoc-quy-uoc-gop-phan-xay-dung-moi-truong-van-hoa-lanh-manh-o-co-so-a20129.html