Viết cho người vừa nằm xuống: Nhạc sỹ Phú Quang

Đang ngồi họp thấy zalo báo có một tin nhắn. Mở ra xem, lòng không khỏi bùi ngùi, nhung nhớ, buồn thương khi hay tin nhạc sĩ Phú Quang đã rời bỏ Hà Nội. Thế là “Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố” đã gửi lại “cây bàng mồ côi mùa đông”, “nóc phố mồ côi mùa đông”, “mảnh trăng mồ côi mùa đông” để đi về “một nơi kia xa lắm”.

img-bgt-2021-nhac-si-phu-quang-2625-1638931131-width700height470-1640364504.jpg
Nhạc sĩ Phú Quang qua đời sau 1 năm nằm viện điều trị bệnh

Những “trăng lạnh mờ sương”, “sương giăng phố vắng”, “chiếc lá thu vàng”, “cây bàng lá đỏ”, “hàng cây lặng câm”, “tháp cổ mặc trầm” hay “mùi hoa sữa nồng nàn”, “không gian dạ hương”, “tiếng chim đêm khắc khoải”... cũng bất lực, không thể níu giữ được ông ở lại. Mặc cho “gió mùa đông bắc se lòng”, kệ cho “nắng gió Tây Hồ thổi mãi mái rêu phong” hay “dòng sông Hồng cuộn đỏ” Phú Quang đã theo “hạc trắng bay về”, rời bỏ Hà Nội trong những ngày “ngây ngất nắng” xen lẫn “run run heo may” giữa “mênh mang một chiều đông” còn thoang thoảng “mùi hoa sữa”.

Với Phú Quang, Hà Nội luôn ở trong trái tim ông. Những bản tình ca của Phú Quang luôn chất chứa một tình yêu Hà Nội sâu lắng và da diết. Dù ở phương trời nào Phú Quang cũng đau đáu hướng về Hà Nội. Hà Nội là quê hương; là nơi có những kỷ niệm của tuổi thơ ông; là bầu sữa mẹ nuôi dưỡng tâm hồn ông. Cho nên chẳng lạ lẫm gì khi ông rung động, đắm đuối với Hà Nội như với một người tình. Những hoài niệm về Hà Nội trong ca khúc của Phú Quang tựa như những kỷ niệm của mối tình đầu. Cứ thế Hà Nội hiện lên trong ông như một người con gái đẹp để cho người nhạc sĩ tình si thổn thức.

Âm nhạc của Phú Quang đã làm đẹp cho Hà Nội. Quả thực những ca khúc viết về thủ đô yêu dấu của Phú Quang không chỉ làm đẹp mà còn làm cho Hà Nội trở nên sang trọng, thanh lịch, hào hoa. Những bản tình ca của Phú Quang đã làm người nghe đắm chìm trong một không gian đầy chất trữ tình, lãng mạng, say đắm của một Hà Nội chất chứa những yêu thương. Cái vẻ đẹp của thủ đô yêu quý được Phú Quang gợi lên từ những hình ảnh ẩn chứa trong những ca từ và những giai điệu thiết tha, sâu lắng, thấm đẫm cảm xúc trong các bản tình ca. Cho nên những khúc ca về Hà Nội của Phú Quang mỗi khi vang lên là dẫn nẻo hồn người về với một thủ đô ngàn năm văn hiến vừa nhẹ nhàng, thơ mộng vừa tĩnh lặng, cổ kính, thâm nghiêm làm cho người nghe không khỏi đồng cảm mà rưng rưng. Chẳng thế mà khi tha hương, người Hà Nội ở bất kỳ chân trời nào mỗi khi nghe “Em ơi Hà nội Phố”, “Nỗi nhớ mùa đông”, “Hà Nội ngày trở về”, “Về lại phố xưa”, “Tôi muốn mang Hồ Gươm đi”... trong lòng không khỏi những nức nở, thổn thức để tìm về cố hương.

Tình yêu của Phú Quang dành cho Hà Nội thì đã rõ. Nhưng nếu chỉ nói như thế thôi thì hẳn là chưa đủ. Âm nhạc của Phú Quang còn có không ít những bản tình ca viết cho lứa đôi. Trong cái cõi nhân gian này đề tài về tình yêu đôi lứa giống như một thứ bùa mê. Nó có một ma lực đặc biệt lôi cuốn bất kỳ ai. Phú Quang cũng không phải là ngoại lệ. Phú Quang cũng viết nhiều ca khúc về tình yêu với những rung động, day dứt, tiếc nuối làm lay động lòng người. Tình yêu đôi lứa ấy có khi lồng trong tình yêu Hà Nội nhưng cũng có khi lồng trong tình yêu cỏ cây hoa lá… của tiết trời bốn mùa, đặc biệt là mùa thu và mùa đông: “Em ru gì, lời ru cho anh/ Một đời đam mê, một đời giông tố/ Em ru gì cho ta, qua bao ngày phôi pha/ Câu hát ngân lên bỗng tắt nửa chừng/ Thôi đừng hát ru, thôi đừng ray rứt/ Lá trút rơi nhiều, đâu phải bởi mùa thu” (Đâu phải bởi mùa thu); “Ngày mai rồi em đi/ Để lại cho anh hun hút con đường mong nhớ” (Mây xưa) hay “Anh xa em trăng cũng chợt lẻ loi thẫn thờ/ Biển vẫn thấy mình dài rộng thế!/ Xa cánh buồm một chút đã cô đơn...” (Biển nỗi nhớ và em); “Mưa vẫn giăng đầy trên triền sông chiều đông giá rét/ Em vẫn âm thầm đi về đâu để ta thương lắm/ Yếm rách còn ngăn được gió, tình em dang dở, yếm nào che/ Thương lắm tóc dài ơi, cánh chim chiều đã mỏi/ Ta hát cho em bỏng rát tiếng ca buồn” (Thương lắm tóc dài ơi)... Vốn là một người đa tình, từng trải hẳn là Phú Quang rất thấu hiểu những nỗi niềm của những trái tim yêu cho nên trong ca khúc của người nhạc sĩ tài hoa ấy không chỉ chất chứa những nỗi niềm mà còn có cả ăm ắp những yêu thương: “Người yêu ơi dù mai này cách xa/ Mãi mãi diệu kỳ là tình yêu chúng ta/ Và ta biết một điều thật giản dị/ Càng xa em ta càng thấy yêu em”.

Mùa đông của thủ đô yêu dấu đã đón Phú Quang trở về với đất mẹ. Với bảy mươi hai năm của một kiếp con người, Phú Quang đã để lại cho đời trên sáu trăm ca khúc. Gia tài ấy quả là không nhỏ. Bây giờ “trần gian xin trả lại” tất cả ngoài những tình khúc vượt thời gian làm mê đắm lòng người và đi cùng với năm tháng. Phú Quang “vội vã trở về” rồi lại “vội vã ra đi” để lại cho âm nhạc Hà Nội nói riêng và âm nhạc Việt Nam hiện đại nói chung một khoảng trống không dễ gì bù lấp ngay được.

Có lẽ với những ân tình của Phú Quang dành cho Hà Nội như vậy, hy vọng ngoài những giải thưởng được bình chọn là “Công dân Thủ đô ưu tú”, “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”, thủ đô yêu dấu của chúng ta sẽ có một con đường mang tên Phú Quang và trên con đường ấy, cả những con phố khác nữa sẽ có những phòng trà/ quán cà phê Phú Quang ca như đã từng có Trịnh ca.

Nhạc sĩ Phú Quang sinh năm 1949, quê ở xã Trạng Bùng, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp hệ Trung cấp kèn cor, năm 1967 - 1978, ông công tác tại Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng - Nhạc Vũ Kịch. Năm 1987, ông theo học tại Nhạc viện Hà Nội ngành Chỉ huy dàn nhạc. Năm 1982 ông công tác tại Dàn nhạc Giao hưởng. Năm 1986, ông công tác ở Phòng Ca Múa Nhạc Sở Văn hóa - Thông tin TPHCM.

Phan Anh

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/viet-cho-nguoi-vua-nam-xuong-nhac-sy-phu-quang-a20093.html