Thực trạng đáng suy nghĩ
Trước đây, hầu hết sách thiếu nhi đều thuộc thể loại văn học, thì bây giờ, các loại sách khoa học, công nghệ, kỹ năng... dành cho thiếu nhi ngày một phát triển, dần dần chiếm thị phần lớn. Theo một thống kê đáng tin cậy, thì hiện nay trên thị trường sách đang có một số sách thiếu nhi được “người tiêu dùng” quan tâm hâm mộ. Trong đó có 12 cuốn sách khoa học chủ yếu của các tác giả nước ngoài; 10 cuốn sách kỹ năng sống cho trẻ em được tìm đọc nhiều, thì phần lớn cũng là sách dịch. Đáng lưu ý là trong số 19 đầu sách văn học thiếu nhi được độc giả say mê, thì 17 cuốn là của nước ngoài, như: Hoàng tử bé; Chuyện con mèo dạy hải âu bay; Charlotte và wilbur; Chuyến phiêu lưu diệu kỳ của edward Tulane; Chuyện phiêu lưu của Mít đặc và các bạn; Nhóc Nicolas; Peter pan; Nghìn lẻ một đêm; Chú bé mang pyjama sọc; Ông già Khottabych; Những tấm lòng cao cả v.v… Chỉ có 2 cuốn sách Việt Nam lọt trong top này là Dế Mèn phiêu lưu ký củaTô Hoài và Tôi là Bêtô của Nguyễn Nhật Ánh. Thật là một tỉ lệ rất đáng suy nghĩ.
Tìm hiểu sâu hơn một chút, lại càng đáng suy nghĩ hơn. Cũng thheo một thống kê đáng tin cậy thì trong số 10 cuốn sách Việt Nam dành cho thiếu nhi đang được đọc nhiều, có tới 8 cuốn của các tác giả “tiền bối”, là: Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam - Nguyễn Đổng Chi sưu tầm và biên soạn, Dế mèn phiêu lưu ký (1942) - Tô Hoài, Đất rừng phương Nam (1957) - Đoàn Giỏi, Góc sân và khoảng trời (1968) - Trần Đăng Khoa, Quê nội (1973) - Võ Quảng, Chuyện hoa chuyện quả (1974) - Phạm Hổ, Búp sen xanh (1980) - Sơn Tùng, Tuổi thơ dữ dội (1988) - Phùng Quán. Chỉ có 2 cuốn trong top này là “mới xuất bản” từ… hơn chục năm trước. Đó là Kính vạn hoa (1995 - 2010) - Nguyễn Nhật Ánh và Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (2004) - Nguyễn Ngọc Thuần. Tuy nhiên, cũng cần phải kể thêm một số nhà văn có tác phẩm viết cho thiếu nhi thời gian gần đây được chú ý, như: Trần Hoài Dương, Lê Phương Liên, Đình Tú, Phong Điệp, Nguyễn Quang Thiều, Phạm Việt Long, Lê Khắc Hoan, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Quốc Vương, Võ Thu Hương...
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều từng phát biểu: “Chúng ta đang trống vắng nền văn học thiếu nhi ở Việt Nam trong nhiều năm nay”. Và: “Chúng tôi kiếm tìm hàng năm để trao giải thưởng văn học thiếu nhi nhưng rất khó. Trong khi đó, văn học thiếu nhi từ nước ngoài dịch vào rất nhiều, chất lượng đều tốt cả”. Nhà thơ Chủ tịch Hội cũng nhấn mạnh thêm: Văn học thiếu nhi đang gặp phải vấn đề đời sống hóa, nôm na những câu chuyện ở trường, chuyện chơi, không truyền tải được những điều thực sự có ý nghĩa. Hơn nữa, xu hướng "đạo đức hóa" bằng văn chương đôi khi còn hơi khô cứng, hơi nghị luận, tạo thành một “lề thói” trong sáng tác dành cho trẻ em. Truyện và thơ thiếu nhi Việt Nam đang dần xa rời thiên nhiên, trong khi thiên nhiên kỳ vĩ luôn là nguồn đề tài phong phú…
Người viết bài này sau khi viết trên chục cuốn sách cho người lớn, thì may nhờ một cơ duyên, mới có một tác phẩm dành cho thiếu nhi, được đánh giá khá và được bạn đọc đón nhận nhiệt tình. Đó là bộ Truyện cổ tích thời hiện đại Bibi và Mặt Đen gồm 5 tập, dày trên 1.000 trang, với trên 200 truyện, do NXB Dân trí xuất bản năm 2016, đoạt giải 3 sách hay Giải thưởng sách Quốc gia lần thứ nhất. Cuốn sách được hình thành trong quá trình tác giả kể chuyện cho cháu ngoại, một cháu gái 4 tuổi rất ham nghe chuyện kể do chính ông “bịa” ra. Từ kinh nghiệm bản thân cho thấy viết văn cho thiếu nhi cần có sự hiểu biết sâu sắc và tình yêu thương nồng thắm với trẻ thơ, có khả năng diễn đạt theo cách của trẻ thơ... Đó là một trong những lý do khiến hiện nay còn thiếu vắng những nhà văn chuyên tâm viết cho thiếu nhi trong thời đại bùng nổ thông tin chi phối cả tâm lý sáng tạo lẫn tâm lý tiếp nhận.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tác giả vừa đoạt Giải thưởng sách Quốc gia năm 2020 cũng bộc bạch: “Các nhà văn trên thế giới cũng như các nhà văn Việt Nam đều có một đam mê, một khát vọng viết được một cuốn sách hay cho thiếu nhi. Ở Việt Nam, đã có những tác giả trở thành nhà văn của thiếu nhi, nhưng có thể thấy nhà văn trong nước chuyên tâm viết cho thiếu nhi mỗi ngày một thưa vắng đi. Nhiều người chỉ coi đó là một mảng phụ trong chặng đường văn nghiệp của họ”.
Khắc phục, chấn hưng thế nào?
Có lẽ, cách khắc phục cơ bản nhất là toàn xã hội phải có cái nhìn thấu đáo về văn học thiếu nhi, từ đó, tùy theo chức năng xã hội, mỗi thành phần xã hội có hành động thiết thực giúp cho văn học thiếu nhi phát triển. Các bậc phụ huynh đóng vai trò hết sức quan trọng, vừa là người hướng dẫn, chọn lựa và là người mua sách cho thiếu nhi. Tiếp đó là vai trò của nhà trường, coi văn học thiếu nhi là một bộ phận quan trọng của việc dạy văn và dạy làm người, xây dựng các thư viện, tủ sách cho học sinh… Trên nền tảng như vậy, sẽ có một hệ thống độc giả luôn luôn quan tâm tới sách thiếu nhi, qua đó kích thích sự sáng tạo của nhà văn và cũng tạo điều kiện cho các nhà xuất bản hoạt động có hiệu quả.
Về phía nhà văn, phải có những tác giả chuyên viết cho thiếu nhi và có nhiều tác giả quan tâm tới việc viết cho thiếu nhi. Để làm được điều này, tác giả phải tự thay đổi rất nhiều. Trên tinh thần yêu thương những mầm non của đất nước, các nhà văn, nhất là nhà văn trẻ, cần dấn thân vào con được sáng tạo tác phẩm cho tuổi thơ. Phải có một tình yêu sâu sắc, rộng mở với các cháu, coi sự sáng tạo cho các cháu là chính nhu cầu, là lẽ sống, là niềm vui của bản thân. Phải sâu sát đời sống thiếu nhi, từ sự gần gũi, quan sát, thấu hiểu, đồng cảm với trẻ thơ mà tự trẻ hóa mình, khiến cho tâm hồn của mình trở lại tuổi thơ, tự bật ra được ngôn từ, cách diễn đạt mang tính trẻ thơ, phù hợp với trẻ thơ. Công việc này đòi hỏi người viết phải thực sự có tài và có tâm. Tài năng sáng tạo, đó là nhờ thiên bẩm cộng với sự phấn đấu. Mà thiên bẩm, trong đông đảo con người, chỉ có thể có một số ít người có được. Về tâm, người viết phải đặc biệt yêu quý thiếu nhi, thực sự mong muốn và thực sự dành thời gian cho việc sáng tạo này. Khi có khả năng nhận thức và viết, có tình yêu thương thiếu nhi, muốn cống hiến cho thiếu nhi, nhà văn mới có thể đi sâu vào đời sống để hiểu thiếu nhi, đồng cảm với thiếu nhi và viết nên được những tác phẩm phù hợp, được thiếu nhi đón nhận.
Đồng thời, nhà văn phải hiểu biết những vấn đề về công nghệ và có kỹ năng để đưa những chủ đề này vào văn học, văn học hóa công nghệ. Có một điều đáng quan tâm, là bây giờ con người, trong đó có thiếu nhi, lại quay về cảm hứng cổ tích, thần thoại, nhưng không phải là kiểu cổ tích, thần thoại nguyên thủy, mà có sự kết hợp với tư duy, công nghệ hiện đại, tạo nên một thế giới huyền ảo mới. Tầm nghĩ của thiếu nhi cũng mở rộng hơn xưa, cho nên tác phẩm cũng cần có tầm rộng hơn, vượt ra khỏi khuôn khổ quốc gia, vươn ra tầm thế giới, giải quyết những vấn đề mang tính nhân loại toàn cầu.
Việc Hội Nhà văn Việt Nam gần đây khôi phục lại Ban văn học thiếu nhi và phát động Giải thưởng văn học thiếu nhi hằng năm là một tin vui, hứa hẹn những chuyến động tích cực cho văn học thiếu nhi trong thời gian tới. Mong sao các nhà xuất bản cũng tích cực đồng hành với các nhà văn viết cho thiếu nhi, hợp tác với các lực lượng xã hội để có nguồn lực đầu tư vào mảng sách này, từ đó chọn xuất bản được những cuốn sách thiếu nhi có chất lượng tốt. Việc tuyên truyền, quảng bá sách thiếu nhi cần được tăng cường bằng nhiều phương tiện hiện đại, trong đó có mạng xã hội, báo chí, truyền hình. Sách thiếu nhi cần được phát hành bằng nhiều phương thức, như tham gia các hội chợ, các phố sách, và đưa sách tới tận các trường học, khu dân cư. Nhà nước cũng cần có một nguồn đầu tư nhất định dành cho hệ thống thư viện mua sách thiếu nhi về phục vụ bạn đọc./.
Phạm Việt Long
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tieng-noi-nha-van-hi-vong-tu-nhung-ban-khoan-a20061.html