Những ám ảnh kinh hoàng về trùm phỉ Bảy Đởm vùng thất sơn - Những ngày cô độc (Kỳ cuối)

Đám tang Bảy Đởm diễn ra lặng lẽ. Ngoài thân tộc và tổ mai táng của quân đội Việt Nam Cộng hòa không ai muốn đưa tiễn lần cuối cùng kẻ đã gieo rắc tang thương cho hàng trăm gia đình lương thiện. Bảy Đởm chết trong lặng lẽ, cô độc.

Sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Nguyễn Văn Thiệu được Mỹ phù phép lên ghế Tổng thống. Lúc này, theo sự gợi ý của các cố vấn quân sự Mỹ, viên Trung tá tỉnh trường Châu Đốc là Nguyễn Văn Huệ cử người vào núi Cấm gởi thư cho Bảy Đởm. Viên Trung tá lòng vòng về chuyện trên trời dưới đất, cho đến gần cuối thư mới đề nghị Bảy Đởm nên "về với chính nghĩa quốc gia" để hưởng những sự đãi ngộ. Nguyễn Văn Huệ còn tán dương Bảy Đởm như là một chí sỹ yêu nước, vì chưa gặp minh chủ nên thất cơ lỡ vận.

Dù không biết chữ nhưng ghe giọng đọc ai oán của gã thuộc hạ, Bảy Đởm rưng rưng nước mắt. Ông ta gật đầu đồng ý ngay.

Viên "sứ giả" của Nguyễn Văn Huệ vừa rời núi Cấm những thuộc hạ thân tín của Bảy Đởm tranh nhau cản. Họ cho rằng Nguyễn Văn Huệ chỉ dùng kế "điệu hổ ly sơn" để sát hại Bảy Đởm chứ không hề có chuyện chính quyền mời tướng cướp ra thành. Họ đem gương của Ba Cụt ra dẫn chứng khiến Bảy Đởm tháo mồ hôi.

01-1639638404.JPG
Mộ Bảy Đởm dưới chân núi Voi

Để chắc ăn, Bảy Đởm cử người ra gặp Nguyễn Văn Huệ đưa ra điều kiện: "Nếu chính phủ thật sự tin dùng tôi thì phải gởi vào núi cái quyết định thăng hàm Trung tá do chính Tổng thống Thiệu ký".

Đúng 1 tháng sau, Bảy Đởm nhận được công văn của Nguyễn Văn Thiệu phiên hàm cho Bảy Đởm là Trung tá. Toàn bộ lâu la của Bảy Đởm đều được cấp hàm và hưởng lương chính thức của chính phủ VNCH, kể cả vợ con.

Nhận được công văn nhưng Bảy Đởm vẫn chưa tin. Ông ta lại cử người ra Châu Đố gặp tỉnh trưởng Nguyễn Văn Huệ thăm dò. Người đệ tử của Bảy Đởm vào dinh tỉnh trưởng được Nguyễn Văn Huệ gọi là Đại úy và chiêu đãi ăn uống một bữa thịnh soạn. Những hạ sỹ quan trong dinh tỉnh trưởng gặp y đều dập gót chào đúng quân cách nhà binh. Khi trở về, anh ta báo cáo đầy đủ những chi tiết đó, Bảy Đởm mới tin là mình không bị Thiệu lừa như Diệm lừa Ba Cụt.

Bảy Đởm gởi thư mời Nguyễn Văn Huệ vào tham quan bản doanh trên núi Cấm. Nguyễn Văn Huệ cho biết là sẽ đưa khoảng 1 đại đội lính theo để học hỏi kinh nghiệm chiến đấu của "đội quân cảm tử núi Cấm". Bảy Đởm đồng ý.

Một ngày cuối tháng 12-1966, Nguyễn Văn Huệ cùng 1 đại đội võ trang đầy đủ đi xe vận tải quân sự GMC thành một đoàn dài tiến lên núi Cấm. Bảy Đởm và các thuộc hạ đứng dàn hàng chào nghiêm chỉnh. Nguyễn Văn Huệ bước đến bắt tay Bảy Đởm. Trong lúc đó, các binh sĩ của Nguyễn Văn Huệ bất ngờ tước hết súng của các thuộc hạ Bảy Đởm.

Bảy Đởm chưa kịp nói lời nào thì Nguyễn Văn Huệ vỗ vai cười vui bảo: "Dù sao, toa cũng đã chính thức là sỹ quan cao cấp của VNCH, không thể để binh sỹ xài các loại vũ khí cổ lỗ sĩ thời Pháp thuộc. Moa cho anh em lấy để nhập kho. Vài hôm nữa về Châu Đốc làm lễ qui thuận quốc gia, moa cho trang bị lại súng của Mỹ, ngon hơn".

Bảy Đởm đành cười chiếu lệ.

Thật ra, Nguyễn Văn Huệ vẫn e ngại Bảy Đởm phản trắc nên tước súng cho an tâm.

Một ngày đầu tháng 1-1967, một đoàn xe GMC chạy lên núi Cấm chở hết lâu la của Bảy Đởm đưa đến sân lễ Tiểu khu Châu Đốc trước sự chứng kiến của vài phóng viên báo quân đội của VNCH.

Hình ảnh các phóng viên Tâm lý chiến là toàn bộ lâu la của Bảy Đởm râu tia xồm xoàm, quần áo rách tả tơi. Họ trông như những con ma đói.

Vừa bước xuống xe, họ xếp hàng ngay ngắn rồi được các binh lính quân nhu phân phát mỗi người 1 ba lô quần áo, kèm súng ống. Trong buổi lễ qui thuận, Bảy Đởm súng sính trong bộ đồ trận rằn ri mới toanh, nói lám giáp không đầu không đuôi khoảng 30 phút nhưng có thể hiểu ngắn gọn thành 1 câu: Đội quân của Bảy Đởm sẽ hết lòng phục vụ chính quyền Nguyễn Văn Thiệu với điều kiện phát lương đầy đủ và kịp thời hàng tháng.

Kể từ đó, lực lượng phỉ Bảy Đởm được đồng hóa thành Tiểu đoàn địa phương quân tỉnh Châu Đốc chịu sự chỉ huy của Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Huệ.

Lúc đầu, Bảy Đởm và tiểu đoàn địa phương quân được đóng doanh trại ở Thành Lính Tây (Thời Pháp là đồn lính nên dân địa phương gọi nơi đây là Thành Lính Tây) sát nách Tiểu khu. Trở thành Tiểu đoàn trưởng địa phương quân Châu Đốc, suốt ngày Bảy Đởm ngồi xe jeep đi săn lùng người lương thiện bắt cóc về tra tấn khảo của rồi nhắn tin cho người nhà đem tiền đến chuộc.

Ban đêm thì đám lính ô hợp thiếu tính chính qui của Bảy Đởm đón gái về nhảy múa nhậu nhẹt đến sáng.

02-1639638442.JPG
Miếu Bảy Đởm dưới chân núi Ba Đội Om

Không chịu đựng nỗi, tỉnh trưởng Nguyễn Văn Huệ cho lính công binh lên núi Cấm xây cất doanh trại rồi đẩy hết đám Bảy Đởm trở về đó đóng quân. Trước khi về doanh trại mới trên nền bản doanh cũ, Bảy Đởm cho binh lính thuộc quyền điệu võ dương oai rất ầm ĩ.

Đoàn xe GMC đến chân núi dừng lại. Binh lính trên xe bồng súng nhảy xuống rồi ẩn nấp vào các tảng đá như thể sắp nhảy vào giữa ổ phục kích của đối phương. Sau đó, Bảy Đởm cho lính truyền tin gọi pháp bầy từ Tiểu khu nã vào đỉnh núi Cấm suốt 1 buổi.

Nơi đó, trước khi ra hàng Việt Nam Cộng hòa, Bảy Đởm đã sai đàn em chôn giấu một số súng ống thời Pháp. Sau khi nã hàng trăm quả cối, Bảy Đởm cho đàn em ôn súng di chuyển lên núi từng chút một. Lính Bảy Đởm bò tới đâu, phóng viên Tâm Ký chiến bò theo quay phim đến đó. Khi quân Bảy Đởm tiếp cận "bãi chiến trường" thì không thấy tử thi đối phương mà chỉ thấy toàn vũ khí. Hôm sau, tại Châu Đốc diễn ra một cuộc triển lãm thành tích "đánh bật một tiểu đoàn Việt Cộng ra khỏi núi Cấm" của tiểu đoàn địa phương quân Bảy Đởm.

Dù hùm báo với dân chúng nhưng suốt thời gian chỉ huy tiểu đoàn thổ phỉ mang danh "Quân đội quốc gia", mỗi lần đụng trận với du kích Tri Tôn là mỗi lần đám phỉ chạy thục mạng.

Cùng thời điểm đó, Châu Uốt cũng đem đảng cưới Khăn Trắng ra đầu hàng chính phủ Thiệu. Băng đảng của Châu Uốt cũng được phiên thành 1 tiểu đoàn Biệt Động quân gồm 3 đại đội đóng tại khu vực núi Cô Tô.

Thỉnh thoảng, nhớ thù xưa, Bảy Đởm và Châu Uốt cho vài đàn em sang phía kia bắn lén vài phát rồi rút về. Tuy chưa có trận nào ầm ĩ nhưng có ít nhất 10 người thiệt mạng trong các vụ tấn công bí mật này.

Năm 1969, Châu Uốt bị lực lượng du kích xử tử hình tại vùng núi Cô Tô khi y đang ngồi xe jeep trở về doanh trại sau 1 chầu bia với gái nhảy ở Long Xuyên. Mối oán thù giữa Bảy Đởm và Châu Uốt kể như được xóa.

Ngày 12-11-1969, (Lúc này tỉnh trưởng Châu Đốc là Lý Bá Phẩm) Bảy Đởm ngồi trên xe jeep chỉ huy đám thuộc hạ càn quét, mở đường cho xe chở đạn của Trung đoàn 16 tiếp tế cho đơn vị Pháo binh trên núi Cấm. Bảy Đởm không hề biết Tòa án chính quyền cách mạng đã tuyên án tử cho hắn. Một du kích có tài bắn tỉa đã nằm trên lưng chừng núi Bà Đội Om chờ Bảy Đởm suốt 7 giờ. Khi trông thấy xe jeep của Bảy đởm tiến đến khu vực núi Bà Đội Om, xạ thủ siết cò. Một phát đạn duy nhất xuyên thẳng vào hốc mắt, thủng sọ đã kết thúc cuộc đời tàn ác của tướng cướp của Bảy Đởm. Người ta đồn rằng, vì Bảy Đởm chưa luyện được mắt sắt nên bị đạn Bảy Đởm không chết ngay. Trong 1 giờ cuối cùng cuộc đời, Bảy Đởm cứ rống ồ ồ và toàn thân co giật cho đến khi có một vị sư được dời đến đọc 1 bài kinh sám hối. Có lẽ những oan hồn nạn nhân của ông ta đã bao vây đòi nợ trần thế. Bảy Đởm đền tội ngay Dốc Tà Đảnh, dưới chân núi Bà Đội Om - Nơi ông ta khởi sự gây tội ác cũng là nơi ông ta trả mạng. Thời điểm cận tử của ông cũng giống như kiểu cận tử của những người bị ông dùng chày vồ đập đầu cho đến chết.

bia-chi-tren-mo-bay-dom-1639638557.JPG
Bia chí trên mộ Bảy Đởm

Đám tang Bảy Đởm diễn ra lặng lẽ. Ngoài thân tộc và tổ mai táng của quân đội Việt Nam Cộng hòa không ai muốn đưa tiễn lần cuối cùng kẻ đã gieo rắc tang thương cho hàng trăm gia đình lương thiện. Bảy Đởm chết trong lặng lẽ, cô độc. Để an ủi Bảy Đởm, chính quyền Việt Nam Cộng hòa "đôn" cho ông ta hàm đại tá. Một người cháu của ông ta cho biết, kể từ ngày Bảy Đởm chết đến nay, chưa từng có bất kỳ một người bạn, một thuộc hạ hay bất cứ ai đến viếng mộ, ngoài thân tộc.

Cho đến tận bây giờ, những đứa con của ông ta - kết quả của những vụ cưỡng hôn - cũng không muốn nhận mình là dòng máu của đồ tể Bảy Đởm.

Dù bị ông ta gieo rắc nhiều nỗi tang thương, cư dân địa phương vẫn cất một ngôi miếu nơi Bảy Đởm trút hơi thở cuối cùng dưới chân núi Bà Đội Om để làm nơi trú ngụ linh hồn không siêu thoát của ông ta./.

Nông Huyền Sơn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nhung-am-anh-kinh-hoang-ve-trum-phi-bay-dom-vung-that-son-nhung-ngay-co-doc-ky-cuoi-a19942.html