Phân lô, bán nền tràn lan tại Lâm Đồng: Sự phát triển hay phi phát triển?

Hàng chục quả đồi với hành trăn héc-ta (ha) đất nông nghiệp chuyên canh trồng chè, trồng cà phê tại huyện Bảo Lâm và TP. Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) bị các cá nhân, doanh nghiệp “san phẳng” để phân lô, tách thửa, lập thành những dự án bất động sản trái phép. Hậu quả của việc này là quy hoạch đất đai, môi trường bị phá vỡ, làm ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

hinh-1-ld-1639453249-1639460712.jpg
Những đồi trồng chè, trồng cà phê đang được san phẳng. Ảnh: NLĐO

Hàng trăm ha đất nông nghiệp bị “phù phép” thành các dự án bất động sản

Trong những năm gần đây liên tục xảy ra hiện tượng người dân, doanh nghiệp “hô biến” hàng trăm ha diện tích đất nông nghiệp chuyên canh chè, cà phê tại TP. Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm và một số địa phương khác thuộc tỉnh Lâm Đồng thành các “dự án” bất động sản và được rao bán rầm rộ. Để “lách luật” nhiều người dân, doanh nghiệp dùng các “chiêu trò” như hiến đất làm đường, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với diện tích lớn sau đó cho cá nhân đứng tên để tiến hành phân lô, bán nền trái phép. 

Theo tìm hiểu của PV, tính đến cuối tháng 11 và đầu tháng 12/2021, tại TP. Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm có hàng loạt dự án bất động sản trái phép đang thi công rầm rộ, nhỏ thì vài ha, lớn thì hàng chục ha trở lên. Đa số các dự án này đều có điểm chung là không có giấy chứng nhận đầu tư dự án bất động sản, không được cấp phép thi công đường, san gạt đất, không phép đấu nối với đường giao thông hiện hữu.

Điển hình như Công ty Phúc Long PNJ với các dự án:  Bảo Lộc Park Hill (TP.  Bảo Lộc, diện tích 6,4ha; Green Valley (Phường B'lao, TP. Bảo Lộc), diện tích 2,2ha và Forest Hill (xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, diện tích trên 5ha)… Chủ đầu tư hiện đang quảng cáo và rao bán rầm rộ với giá bán mỗi m2 đất từ 3 đến 5 triệu đồng. Các khu phân lô của Phúc Long PNJ được thực hiện theo hình thức các cá nhân mua khu đất lớn và tách thành nhiều lô nhỏ hơn, sau đó chuyển mục đích sang thổ cư. Tuy nhiên, việc phân lô, tách thửa tràn lan, hình thành nên những khu dân cư tự phát như cách Công ty Phúc Long PNJ đang làm sẽ tạo áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật gây ra tình trạng phá nát quy hoạch ở Bảo Lộc và Bảo Lâm.

Một Công ty cũng có một quỹ đất tương đối lớn là Công ty CP đầu tư và Phát triển Bất động sản Khải Hưng (Công ty Khải Hưng) có trụ sở TP.Hồ Chí Minh. Công ty Khải Hưng đang thực hiện dự án  Khu nghỉ dưỡng Sun Valley Bảo Lộc (thuộc địa giới khu vực giáp ranh giữa xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm với đường Tản Đà, xã Đam B’Ri, TP. Bảo Lộc). Dự án này rộng 41 ha, với hơn 500 nền, diện tích từ 180 m2 - 1.000 m2 chiếm gần một nửa quả đồi tại phường 1, TP. Bảo Lộc. Công ty Khải Hưng quảng cáo là người mua đất nền hoặc các căn biệt thự ở dự án này sẽ được sở hữu lâu dài, sổ đỏ riêng. Theo nguồn tin chúng tôi có được, quả đồi này trước đây trồng chè, cà phê nay bị san ủi, cạo trọc để xây dựng dự án bất động sản. Một số công trình nhà mẫu đã được hoàn thành, còn lại phần lớn đang là đất trống, hệ thống hạ tầng cơ sở chưa được thi công.

Liên quan đến dự án Sun Valley Bảo Lộc, trong một lần trả lời báo chí gần đây ông Lê Văn Tuế - chủ tịch UBND xã Lộc Quảng cho biết: khu vực mà dự án Sun Valley đang triển khai trước đây của người dân địa phương canh tác cà phê rồi được nhiều người khác mua lại. Sau đó, họ xin hiến đất làm đường, đấu nối với đường liên thôn 4 và thôn 6 đang được thi công.

Một dự án “khủng” khác cũng  được báo chí đưa tin là có dấu hiệu trái phép là khu nghỉ dưỡng sinh thái The Tropicana Garden 1 và The Tropicana Garden 2 nằm tại xã B’Lá (huyện Bảo Lâm). Dự án The Tropicana Garden 1 là một cụm hơn 80 căn nhà lớn được xây dựng giữa bạt ngàn cà phê và rừng thông. Còn dự án Tropicana Garden 2 với hơn 70 lô được phân chia sẵn, hạ tầng đồng bộ với đường nội khu, hồ bơi, công viên... trong nội khu. Toàn bộ khu vực đang xây dựng và sắp được mở bán cho khách dưới dạng đất nền, mỗi nền ở đây có giá hàng tỷ đồng, những căn có view rừng thông, view đồi núi tuyệt đẹp, khách hàng phải bỏ ra từ 3 - 4 tỉ đồng. Theo thông tin phản ánh từ báo chí, cả 2 khu nêu trên chưa có giấy chứng nhận đầu tư và nhiều loại giấy phép khác để có thể thực hiện dự án bất động sản.

hinh-2-ld-1639453249-1639460685.jpg
Hàng chục ha đã thi công xong hạ tầng đường sá... Ảnh: TTO

Tại xã Lộc Tân và xã Lộc Quảng (huyện Bảo Lâm) khu vực gần Quốc lộ 20, nơi từng là đất nông nghiệp, dựa sát vào rừng cũng xuất hiện hàng chục "dự án" đang được thi công hạ tầng, nhà ở như: Dự án Kiwuki (địa phận khu vực giáp ranh huyện Bảo Lâm và TP. Bảo Lộc), Country Dream 2... Đây là những dự án từng bị cơ quan chức năng điểm danh vào nhóm “dự án ma” nằm sát rừng, khu đất gần đường đang phân thành từng lô nhỏ.

Bên cạnh các doanh nghiệp tại TP. Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm có nhiều cá nhân cũng tham gia vào việc phân lô bán nền trái phép với các “chiêu trò” hiến đất làm đường để chia nhỏ đất làm phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, gây hoang hóa đất đai của địa phương.

Theo thông báo của UBND TP. Bảo Lộc, đến nay trên địa bàn Thành phố chỉ có 6 dự án được chính quyền cấp chủ trương đầu tư bất động sản gồm: Dự án khu dân cư 6B, khu đô thị mới đường Lý Thường Kiệt, khu dân cư kế cận khu công nghiệp Lộc Sơn, khu dân cư Đinh Tiên Hoàng (phường 2), khu nhà ở biệt lập đường Lý Thường Kiệt (Phường 1) và dự án khu dân cư trung tâm xã Đạm Bri.

Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng vào cuộc

Trước sự bức xúc và nghi ngờ của dư luận, đầu năm 2021 ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo thanh tra vào cuộc điều tra xử lý tình trạng kinh doanh bất động sản trái phép. Thanh tra tỉnh này đã vào cuộc tiến hành thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP. Bảo Lộc trong công tác quản lý, sử dụng đất và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn giai đoạn 2018-2020.

Thanh tra tỉnh Lâm Đồng khẳng định, Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng với chức năng là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh về công tác quản lý Nhà nước về đất đai nhưng đã thiếu trách nhiệm, không hướng dẫn, không rà soát hồ sơ, thủ tục đối với các trường hợp hiến đất mở đường dẫn đến việc phân lô, tách thửa tràn lan trên địa bàn TP. Bảo Lộc. Bên cạnh đó, Thanh tra tỉnh Lâm  Đồng cũng cho rằng, Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Lâm Đồng và Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Bảo Lộc có dấu hiệu buông lỏng việc kiểm soát trình tự, thủ tục, tính pháp lý khi lập hồ sơ thẩm định, tham mưu cho Sở TN&MT Lâm Đồng các thủ tục tách thửa, cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất sau khi tách thửa. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm về sử dụng đất sai mục đích, vi phạm về trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp, có dấu hiệu của hành vi không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.

Trước hàng loạt sai phạm nghiêm trọng trên, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo Thanh tra tỉnh chuyển toàn bộ hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh để tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm các sai phạm đối với cơ quan, cá nhân trong các vụ việc liên quan tại huyện TP. Bảo Lộc.

Ngày 3/12/2021, Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết đang tiến hành kiểm tra, xác minh tin báo về tội phạm của Thanh tra tỉnh Lâm Đồng về một số dấu hiệu sai phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai tại TP. Bảo Lộc gồm: Thời gian hình thành các tuyến đường; mục đích xây dựng đường và cơ sở pháp lý hình thành; việc hình thành tuyến đường có phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của TP. Bảo Lộc... Công an tỉnh đề nghị cung cấp hồ sơ liên quan đến hơn 10 khu đất có biểu hiện tách thửa, hợp thửa và hiến đất mở đường không đúng quy định trên địa bàn phường Lộc Phát và xã Đam B’ri (TP. Bảo Lộc).

hinh-3-ld-1639453249-1639460813.jpg
Diện tích trồng chè, cà phê đang bị thay thế thành nhà cửa, đường sá, khu nghỉ dưỡng… trái phép? Ảnh: TN&MT

Ngày 7/12, UBND tỉnh Lâm Đồng ra văn bản hỏa tốc giao UBND TP. Bảo Lộc và UBND huyện Bảo Lâm tổng hợp, báo cáo các nội dung liên quan đến việc hiến đất làm đường giao thông mới và tách thửa trên địa bàn từ năm 2018 đến nay để có thông tin phục vụ công tác kiểm tra, chỉ đạo chấn chỉnh và xử lý.

Ngày 9/12, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh Lâm Đồng khóa X, các đại biểu HĐND tỉnh đã đề cập đến việc phân lô, bán nền và hình thành loạt dự án bất động sản không phép tại TP. Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. Giải trình tại phiên chất vấn, ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết:

"Tình trạng phân lô, tách thửa trái pháp luật và mượn danh dự án đã nói rất nhiều nhưng vẫn còn xảy ra tại một số huyện, thành phố, đặc biệt là TP. Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm. Đã có dấu hiệu lan sang huyện Di Linh và Lâm Hà nhưng chưa được kiểm tra, chưa được xử lý kiên quyết, tiếp tục diễn biến phức tạp, gây dư luận xấu và bức xúc trong nhân dân. Trong này có lợi ích cá nhân, có lợi ích nhóm, có lợi ích cục bộ, chúng tôi đã chuyển sang cơ quan điều tra để xác minh, để làm rõ".

Hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, thực trạng phân lô, bán nền trái phép trên đất nông nghiệp của tỉnh này, đặc biệt là hai điểm “nóng” TP. Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm sẽ sớm được xử lý dứt điểm. Trách nhiệm của những người liên quan cũng sẽ được làm sáng tỏ.

Đồng thời, việc quản lý, khai thác tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên đất đúng quy hoạch là một trong những nhân tố cơ bản và quan trọng cho sự ổn định kinh tế - xã hội nói riêng, bảo vệ môi trường, chấn chỉnh quy hoạch đất đai và phát triển bền vững của địa phương nói chung. 

Các nhà đầu tư thường cho rằng họ đang “giúp” cho sự phát triển kinh tế, du lịch của địa phương, nhưng về cơ bản đó là sự phi phát triển. Bởi sự phát triển tự phát không theo quy hoạch, trái pháp luật chỉ mang lại lợi ích cho các nhà “đầu tư”, còn người dân khi không còn đất để canh tác thì họ sẽ sống bằng gì? Và tất nhiên, những người mua đất tại các “dự án” này dễ lâm vào tình cảnh “tiền mất tật mang” khi các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là cơ quan Công an tỉnh đang tiến hành điều tra, xử lý theo đúng những quy định của pháp luật.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến quý độc giả vấn đề này trong các bài báo sau./.

Phạm Sinh

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/phan-lo-ban-nen-tran-lan-tai-lam-dong-su-phat-trien-hay-phi-phat-trien-a19915.html