Thời điểm này, Bảy Hoành dùng lò võ chiêu mộ học trò, thật ra là quy tựu binh sỹ cho lực lượng quân sự Hòa Hảo sau này.
Ba Cụt sinh năm 1923, ở rạch Bằng Tăng, phường Thới Long, quận Ô Môn, Cần Thơ. Có tài liệu cho rằng Ba Cụt sinh ra trong một gia đình khá giả. Tuy nhiên, những cụ già cao niên hiện đang sinh sống tại rạch Bằng Tăng khẳng định, gia đình Ba Cụt rất nghèo. Từ nhỏ, ông đã phải đi chăn vịt chạy đồng cho một điền chủ ở cù lao Cát (ngày nay là phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt).
Tính tình ngang bướng và nóng nảy, Ba Cụt mê đánh lộn hơn chăn vịt. Một hôm, chủ vịt phát hiện Ba Cụt để vịt đói nên đã rầy la. Thế là Ba Cụt đập chết hết bầy vịt rồi bỏ về nhà cha mẹ.
Bị chủ vịt mắng vốn, người cha tức giận đét vào mông Ba Cụt vài roi. Không ngờ, Ba Cụt đấm cha ruột một phát bất tỉnh rồi lấy dao thái chuối chặt đứt một ngón tay với lời thề: "Có chết phanh thây cũng không về căn nhà này nữa". Vì lý do đó, ông ta có hỗn danh là Ba Cụt.
Sau khi bỏ nhà đi bụi, Ba Cụt đến Chắc Cà Đao (nay thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) đến nhà người cậu ruột là ông Huỳnh Kim Hoành xin tá túc. Huỳnh Kim Hoành là họ hàng của giáo chủ Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ. Trong kế hoạch xâm chiếm Đông Dương bằng chiêu bài "Ủng hộ Cường Để", Nhật đã chọn lực lượng Hòa Hảo làm 1 trong những lực lượng nội ứng nhằm hất chân Pháp khỏi Việt Nam.
Huỳnh Kim Hoành quy tựu lực lượng vũ trang thông qua nhiều hình thức. Trong đó có hình thức "chiêu sinh luyện võ". Trước khi nhập mộn, võ sinh mới phải tuyên thệ gia nhập "Nghĩa sỹ đảng". Tại đây, Ba Cụt được cậu, tức Huỳnh Kim Hoành giao cho nhiệm vụ chỉ huy đám võ sinh.
Hàng đêm, võ sư Bảy Hoành huấn luyện vò thuật còn võ sư Sáu Kim huấn luyện điều lệnh đội ngũ quân đội, sử dụng các lại binh khí, vũ khí.
Là cháu ruột võ sư, Ba Cụt dễ dàng lôi kéo đám võ sinh chiếm bến đò Chắc Cà Đao làm lãnh địa. Chúng dùng nắm đấm và mã tấu tranh cướp việc bốc dỡ hàng hóa từ ghe hàng lên bến. Trong đó có cả Bảy Đởm và Sâm "chó đẻ".
Tuy lớn hơn Ba Cụt đến 5 tuổi nhưng trong lớp võ, Bảy Đởm phải chịu làm sư đệ.
Học được 1 tuần, Bảy Đởm và Sâm "chó đẻ" không đủ nhẫn nại theo tiếp nên đào tẩu trở về núi. Dù vậy, Bảy Đởm cũng khoe với thuộc hạ là mình đã có bùa trong người, đạn bắn không thủng.
Sâm "chó đẻ" và Bảy Đởm cùng ca tụng nhau về những ngày theo sư phụ Bảy Hoành uống bùa, luyện võ thần. Để cho đám lâu la tin mình có bùa thật, Bảy Đởm đứng dựa người vào gốc cây cho Sâm "chó đẻ" dùng súng rulo ngắm bắn.
Sâm "chó đẻ" nhắm thẳng mặt Bảy Đởm bắn liền 4 phát súng. Súng nổ, Bảy Đởm giật nảy người, há mồm đớp nhanh không khí. Trước ánh mắt kinh hoàng của đám lâu la, Bảy Đởm phun từ mồm ra 3 đầu đạn và xòe bàn tay để khoe đầu đạn thứ 4. Đám lâu la thán phục quì xuống lạy Bảy Đởm như lạy thánh.
Họ đâu biết rằng, Sâm "chó đẻ" bắn bằng đạn mã tử. Bảy Đởm ngậm sẵn 3 đầu đạn, tay nắm sẵn 1 đầu đạn.
Trong khi Bảy Đởm vẫn tiếp tục lấy núi Bà Đội Om làm bản doanh thu tiền mãi lộ của dân thương hồ thì Ba Cụt đã được đưa vào đội bảo vệ bí mật giáo chủ Hòa Hảo.
Hầu như mọi tín đồ Hòa Hỏa đều truyền tai giai thoại "Phật thầy trùm bội nhốt gà vào đầu Ba Cụt". Đó là năm 1940, Ba Cụt đi xem Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ thuyết giảng đạo pháp Phật giáo Hòa Hảo tại Chắc Cà Đao.
Khi kết thúc buổi buổi thuyết giảng, Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ bị Ba Cụt chặn đường, ngổ ngáo thách đố: "Ông là Phật sống, có ngon dùng phép thuật biến hóa cho tui coi. Ông làm được, tui theo đạo của ông". Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ chẳng nói chẳng rằng, vơ cái bội nhốt gà ven đường chụp lên đầu Ba Cụt rồi đi thẳng. Những người chứng kiến tưởng Ba Cụt sẽ tấn công Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ. Không ngờ Ba Cụt cứ đứng im lặng suy nghĩ rất lâu. Không ai hiểu vì sao Ba Cụt lại đứng "chết trân" như thế. Khi trở thành tư lệnh một đơn vị quân đội Hòa Hảo, Ba Cụt tâm sự với Bảy Đởm: "Lúc ổng mới trùm bội nhốt gà lên đầu, tao cứ tưởng ổng dùng phép thuật gì đó. Tao đứng yên để xem phép thuật biến hóa ra sao. Ai dè, đứng hoài không thấy gì hết. Khi ngẩng lên thì ổng đã đi mất tiêu rồi".
Thời điểm này, phong trào ủng hộ Cường Để đang ngấm ngầm lan rộng khắp các tỉnh Nam Bộ. Một lực lượng quân sự kháng Pháp trong giáo phái Hòa Hảo dần hình thành. Lúc đầu, lực lượng này được gọi chung chung là "Nghĩa sỹ đảng".
Đến năm 1944, đội Bảo An quân ra đời. Ba Cụt nghiễm nhiên trở thành chỉ huy 1 đại đội. Ai ghi danh đều được đưa vào lực lượng này mà không cần tham gia khóa huấn luyện nào cả. Vì vậy, Đại đội của Ba Cụt nhanh chóng nảy nở quân số dần thành Tiểu đoàn, rồi Trung đoàn.
Ngày 9-03-1945 Nhật Đảo chính Pháp, ở Cần Thơ chủ tỉnh De Montaigut trốn về Cán Gáo, Cà Mau trú ẩn. Bất ngờ, Huỳnh Khai - Một người họ hàng với Bảy Hoành và Huỳnh Phú Sổ, đã từng du học từ Nhật về đã chỉ huy lực lượng Nghĩa sỹ đảng xông vào trú đóng các dinh thự bỏ trống của Pháp. Ba Cụt cũng chỉ huy 1 cánh quân "Nghĩa sỹ đảng" kéo vào Cần Thơ để thi uy lực lượng. Hôm sau, tức ngày 10-03-1945, tướng Sato Nhật kéo 600 lính bộ binh và 100 lính hiến binh đến Cần Thơ bắt tay với Huỳnh Khai lập 1 chính quyền thân Nhật và giao cho Lưu Văn Tào - một cựu Đốc phủ sứ của Pháp làm tỉnh trưởng. Một cựu đốc phủ sứ khác của Pháp là Nguyễn Ngọc Thơ được chính quyền thân Nhật giao làm quận trưởng Châu Thành (Sau này, ông Thơ được Diệm giao nhiệm vụ dụ hàng Ba Cụt để chém đầu). Được thế, đội quân ô hợp Nghĩa sỹ đảng ngông nghênh hống hách gây nhiều phiền toái cho dân lành.
Chỉ vài tháng sau, chính quyền thân Nhật ở miền Tây Nam bộ sụp đổ vì quốc vương Nhật đầu hàng quân Đồng Minh (ngày 15-08-1945). Toàn Nam bộ, chính phủ thân Nhật bàn giao chính quyền cho lực lượng Việt Minh.
Thế nhưng, các lực lượng quân sự Hòa Hảo vẫn không giải tán mà rút về các vùng ngoại thành lập căn cứ đế bắt tay với quân Pháp đang âm mưu tái chiếm Nam bộ. Khi Pháp tái chiếm Nam Bộ, nhóm vũ trang của Ba Cụt được sáp nhập với lực lượng Vệ quốc Liên đội Nguyễn Trung Trực, trực thuộc lực lượng quân sự Hòa Hảo do Trần Văn Soái làm chỉ huy. Ba Cụt được giao "lãnh địa" trải dài từ Ô Môn (Cần Thơ) đến Long Xuyên, sang Tri Tôn (hiện giờ là tỉnh An Giang). Khu vực Tà Đét, núi Bà Đội Om nằm trong vùng trách nhiệm của Ba Cụt. Trước khi hồi hương, quân Nhật trao toàn bộ vũ khí cho lực lượng Nghĩa sỹ đảng. Nhờ vậy, quân Nghĩa sỹ đảng rất mạnh về hỏa lực.
Thời điểm này, Ba Cụt và Bảy Đởm tái ngộ.
Sau khi Ngô Đình Diệm được Mỹ tiếp sức trao quyền làm Tổng thống chính quyền ngụy tạo, nhận thấy lực lượng quân sự Nghĩa sỹ đảng (được người dân gọi là lực lượng quân đội Hòa Hảo) là một cái gai trong mắt cần phải loại bỏ. Ngô Đình Diệm đã xua quân về miền Tây Nam bộ để triệt tiêu lực này. Trước khi thực hiện chiến dịch quân sự càn quét, Mỹ đã cử 1 sỹ quan cao cấp của CIA đi tiếp xúc để mua chuộc từng nhân vật chỉ huy của quân đội Hòa Hảo đem quân về "phò" Diệm.
Cuộc chiến giữa chính quyền Ngô Đình Diệm và các lực lượng quân sự Hòa Hảo đã khiến người dân vùng miền Tây Nam bộ chịu nhiều thống khổ, mất mát. Và cũng chính cuộc chiến này đã tạo cơ hội cho Bảy Đởm - Một tướng cướp mang linh hồn ác quỷ - được trọng dụng./.
Nông Huyền Sơn
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nhung-am-anh-kinh-hoang-ve-trum-phi-bay-dom-vung-that-son-lo-vo-bay-hoanh-ky-5-a19870.html