Dù hai thằng cứ nhởn nhơ vạ vật khắp vỉa hè tỉnh Châu Đốc vẫn không bị đám cò Tây phát hiện. Có lẽ, bọn cò không ngờ hung thủ giết On Cụt một cách man rợ là 2 thằng nhóc hỷ mũi chưa sạch. Trong khi đó, cò Tây ở Long Xuyên căn cứ vào mô tả của các nhân chứng đã lần mò ra nhà cha mẹ của Bảy Đởm. Ngay lập tức, chúng trói thúc ké pháp sư Phải lên xe đưa về Long Xuyên điều tra.
Cú sốc ấy đã khiến mẹ Bảy Đởm ngã bệnh.
Sau một ngày điều tra, cò Tây thả ông pháp sư Phải về nhà với điều kiện: Phải giao nộp Bảy Đởm và nộp tiền bồi thường nhân mạng cho 2 nạn nhân. Ngoài ra, ông Phải còn bị buộc giải tán các đệ tử và bỏ nghề pháp sư. 2 tuần sau, vợ ông tức bà Ngô Thị Có qua đời ở tuổi 49 (tháng 8 - 1933). Vì lo nghĩ, sau khi hoàn tất đám tang cho vợ, ông pháp sư Phải cũng ngã bệnh. Hôm đó trời mua sụt sùi, đang vun vén nấm mộ mới cho vợ, trời đang âm u vần vũ bỗng nổ bùng một tiếng sét gần dó. Ông pháp sư Phải ôm ngực ho một tràng dài rồi phun máu mồm, ngã ra đất bất tỉnh. Được người thân đưa vào nhà, ông nằm liệt giường cả tuần lễ mới gượng dậy nỗi. Đứa con bất hiếu Bảy Đởm hoàn toàn không hay biết mình đã giết chết mẹ và hạ gục cha.
Tuy vậy, khi trở thành chỉ huy 1 đội quân của lực lượng Dân Xã, Bảy Đởm thường kể với thuộc hạ rằng, ông ta thù Tây vì Tây giết mẹ ông. Ông đi ăn cướp để… trả thù cho mẹ.
Tết năm đó, Bảy Đởm mò về nhà mới biết hung tin. Dù vẫn còn đau yếu nhưng pháp sư Phải vẫn quyết bắt Bảy Đởm trói lại để giao cho Tây. Bảy Đởm vùng vẫy thoát được, chạy biến đi. Từ đó, Bảy Đởm đoạn tuyệt luôn với gia đình.
Tháng 6-1934, pháp sư Phải trút hơi thở cuối cùng. Khi chết, ông vẫn mở trừng mắt như chờ đứa con hư đốn trở về nhìn mặt lần cuối. Ông đâu ngờ, lúc này Bảy Đởm trở thành hung thần của dân buôn tại dốc Tà Đét, dưới chân núi Bà Đội Om. Bảy Đởm lên núi Bà Đội Om chọn một hang đá làm bản doanh, quy tụ đàn em lập băng cướp cạn.
Thuở đó, từ Châu Đốc đi Long Xuyên chỉ có 2 con đường. Con đường thứ nhất là đường thủy xuôi dòng sông Hậu. Nếu đi đường thủy, khách bộ hành phải mất 12 giờ ngồi trên ghe chạy đò (một loại xuồng máy có mui).
Con đường thứ 2 là đường bộ, chỉ mất 5 giờ ngồi trên xe đò "Bộ Hiền". Đó là loại xe ô tô du lịch 5 chỗ ngồi, được cải tạo kỹ thuật thùng xe để có thể chứa 12 hành khách và chất cả tấn hàng trên mui. Lúc đó chỉ có duy nhất con đường bộ nối liền Châu Đốc đến Long Xuyên, phải đi qua đoạn dốc Tà Đét - Núi Cấm - Tri Tôn. Gọi là đường bộ nhưng nó chỉ là một con đường mòn chạy xuyên giữa những cánh rừng cây rậm rạp qua những quả núi thấp. Vào những năm đầu thế kỷ 20, quân Pháp có đưa phu cưa cây đắp đất khai thông con đường này để làm đường tiếp liệu, chi viện vũ khí cho tỉnh Châu Đốc.
Khách thương hồ Châu Đốc thường chọn chuyến "tài nhất" (chuyến xe đầu tiên trong ngày), khởi hành lúc 1 giờ sáng để kịp giao hàng tươi sống thu mua từ nông dân Cao Miên cho các chủ sạp ở Long Xuyên, Cần Thơ bán phiên chợ sáng. Vì vậy chuyến tài nhất luôn đắt khách hàng con buôn hơn các chuyến tài trong ngày. Nhà xe chở con buôn có lợi hơn chở khách bộ hành vì xe luôn đầy hàng hóa.
Để có được chuyến "tài nhất" trên đường bộ, chủ hãng kinh doanh xe vận tải hành khách Tân Thành chấp nhận cho chủ tỉnh Châu Đốc là Roger Nais một cổ phần hùn. Gọi là hùn hạp nhưng Roger Mais không bỏ ra 1 đồng xu, vẫn được chia tiền hàng ngày từ chủ hãng xe Tân Thành.
Chủ hãng xe Tân Thành tên là Giang Ý Hía - Một người Việt gốc Hoa. Còn Roger Nais mang quốc tịch Pháp, không giỏi tiếng Việt, vốn là một cha cố Thiên Chúa giáo xin hoàn tục để đăng lính mặc áo nhà binh. Nhờ có công đánh chiếm Châu Đốc nên quân Pháp giao cho ông ta làm chủ tỉnh. Tuy xuất thân từ nhà dòng nhưng ông ta rất thâm độc, tham lam và xảo quyệt. Kể từ khi nhận chia chác với Giang Ý Hía, Rogers Nais ra lệnh chỉ mỗi hãng xe Tân Thành mới được xuất bến đầu tiên trong ngày, tức được quyền khai thác "tài nhất".
Kể từ khi Bảy Đởm đóng "bản doanh" ở núi Bà Đội Om, hãng xe Tân Thành trở thành "kho lương thực" của hắn. Chuyến đầu tiên, Bảy Đởm cùng Sam "chó đẻ" chỉ huy đàn em chặt cây rừng ngáng ngang con đường ở đoạn giữa dốc Tà Đét. Do không tu bổ thường xuyên nên đoạn đường dốc Tà Đét đầy những ổ gà, ổ voi và đá lởm chởm. Xe chở nặng, gặp ổ gà lại bò lên dốc, bất ngờ gặp cây lớn nằm ngang, tài xế chỉ còn biết đạp cứng thắng và chờ… đám thảo khấu trên núi tràn xuống vơ vét. Thời đó, xe chưa có thắng tay nên tài xế cứ gồng người đạp giữ chân thắng.
Đám thảo khẩu nhảy lên xe kề dao vào cổ từng con buôn khảo tiền. Lần đầu tiên bị cướp, ai nấy kinh hồn bạt vía, vội vã móc hết "ruột gà", "ruột tượng" (một loại túi vải đựng tiền buộc quanh bụng ngày xưa) dâng cho đám cướp. Bảy Đởm hạ lệnh cho đàn em khiêng hết những bội gà thịt trên xe đem về "doanh trại".
Lúc chuẩn bị rút đi, Bảy Đởm chợt trông thấy một phụ nữ xinh đẹp trạc 30 tuổi đang run rẩy trong góc xe. Đó là vợ nhỏ của Giang Ý Hía đi theo để thu tiền xe. Bảy Đởm túm tóc người phụ nữ đè nghiến xuống nền xe, điềm nhiên hiếp dâm trước mặt hàng chục bạn hàng đang tái xanh, tái xám mặt mày.
Chờ cho đám cướp cạn rút đi hết, tài xế mới dám nhả thắng xe, chạy ngược về Châu Đốc báo cáo.
Nhận được tin, chủ tỉnh Châu Đốc Roger Nais lệnh cho viên Chánh sở Cẩm (sở cảnh sát) là Henri Ribes phải đích thân điều tra vụ việc và tổ chức tiểu trừ đám phỉ Bảy Đởm.
Henri Ribes cũng xuất thân từ giới cướp cạn ở Marseille, Pháp. Thời đó, mật thám Pháp thường tuyển những thành phần bất hảo, từng có kinh nghiệm sống trong thế giới đầu trộm đuôi cướp để đào tạo. Nhờ có kinh nghiệm cướp cạn nên Henri Ribes nhanh chóng phá được nhiều vụ án tưởng chừng mất hút dấu vết. Khi còn là Chánh sở Cẩm ở Bạc Liêu, Henri Ribes nỗi tiếng độc ác, có nhiều ngón đòn tra tấn kinh hoàng khiến người ta thường nói ví von rằng: "Cục đá bị Hăng Ri tra tấn cũng phải khai nhận tội". Năm 1940, chính Henri Ribes là tác giả cuộc truy lùng, đàn áp đẫm máu cuộc khởi nghĩa kháng Pháp Hòn Khoai. Hễ nơi nào bất ổn về tình hình trị an là chính quyền thuộc địa Pháp điều chuyển Hanri Ribes về đó làm Chánh sở Cẩm.
Nhận được lệnh của chủ tỉnh, Hanri Ribes trưng dụng 1 trung đội lính Commander trang bị vũ trang tiến lên núi Ba Đội Om lùng sục. Sau 3 ngày săn lùng, toán lính này chỉ lùa được hơn 1 chục nhà sư theo trường phái Mật tông đang ẩn tu trong các hang đá ra khỏi núi. Bọn Bảy Đởm lặn mất tăm hơi, chỉ để lại một số lông gà ở lưng chừng núi.
Đêm hôm sau, viên chủ tỉnh Roger Nais đang ngủ, bị đánh thức. Mở mắt ra, ông ta trông thấy toàn bộ gia đình mình bị trói gô nằm lăn lóc dưới đất. Hai tên đàn em của Bảy Đởm đang cầm con dao dâu mài dọa trên cổ từng người. Bảy Đởm thì đang cầm con dao dâu bén ngót vừa cạo bộ râu củ ấu của viên chủ tỉnh vừa hầm hừ đòi giết. Viên chủ tỉnh hoảng vía năn nỉ xin tha mạng và hứa không đụng chạm đến lãnh địa của Bảy Đởm. Dù nửa đêm, Roger Nais cũng phải "gọi dây thép" cho Chánh sở Cẩm là Henri Ribes phải hủy lệnh truy nã nhóm phỉ trên núi Bà Đội Om.
Kể từ đó, trở thành thông lệ, cứ xe đò của hãng Tân Thành chạy đến dốc Tà Đét dưới chân núi Bà Đội Om là phải dừng lại rồi cử 1 người ôm tiền chạy lên núi nộp tiền mãi lộ cho Bảy Đởm như nộp phí cầu đường. Bảy Đởm nhận tiền xong, xe mới dám chạy lên dốc.
Có đêm, do ăn nhậu no say, chúng ngủ quên không ra thu tiền mãi lộ. Hãng xe tưởng thoát được một chuyến "thuế". Không ngờ đêm sau, chúng chặn xe lôi tài xế xuống đánh vì tội đến "trạm" mà không bóp còi báo cho chúng thức.
Trở thành thông lệ, thời điểm đó, con buôn đi chuyến "tài nhất" ngoài tiền vé xe còn phải nộp cho chủ xe thêm tiền "xâu" để nộp thảo khẩu trên dốc Tà Đét. Vì sợ bị cướp hiếp, nhà xe không nhận chở phụ nữ trẻ.
Sau vài đêm chặn xe, không thấy phụ nữ, Bảy Đởm lôi tài xế xuống trói dựa vào một gốc cây rồi dùng chiếc chày vồ đánh vào ngực. Tiếng chày vồ đập vào lồng ngực nạn nhân phát ra tiếng "thình thình" kèm theo tiếng ho của nạn nhân giữa đêm thanh vắng khiến ai cũng rợn tóc gáy. Chỉ cần nhận 3 chày vồ là nạn nhân hộc máu mồm.
Từ đó, cứ mỗi tuần nhà xe phải thuê một gái mại dâm, để đáp ứng dục vọng của Bảy Đởm và lũ đầu lâu. Dạo đó, dân địa phương gọi Bảy Đởm là "tướng cướp dao dâu" hoặc "tướng cướp chày vồ"./.
Nông Huyền Sơn