Pháp sư Phải mở thêm 1 lò luyện võ bùa. Học trò các nơi về học rất đông. Mỗi học trò đến bái sư nộp 1 cặp gà trống thiến nhập môn. Làm lễ nhập môn xong, học trò sẽ được pháp sư Phải đốt 1 lá bùa thành tro hòa vào nước lã cho uống. Uống xong lá bùa, xem như học trò đã "có võ trong người, dao súng không xâm phạm được thân thể và đủ sức hạ gục voi, cọp" - như lời truyền giảng của pháp sư Phải. Tuy nhiên, học trò chưa được hạ sơn mà phải ở lại ít nhất 1 năm để luyện chú, nâng cao công năng. Suốt 1 năm tu luyện, học trò không phải đóng tiền, góp gạo nhưng suốt ngày phải chăm sóc ruộng đồng cho sư phụ.
Vừa phát bùa trị bệnh vừa huấn luyện học trò, pháp sư Phải hầu như bỏ quên bầy con nheo nhóc 8 đứa. Những đứa con lớn có ý thức giúp cha quán xuyến việc nhà, chăm sóc những đứa nhỏ. Riêng Bảy Đởm ngỗ ngáo thì hay cãi lời anh chị nên ai cũng ghét, không quan tâm.
Thỉnh thoảng, trong bữa cơm pháp sư Phải cũng "điểm danh" số con của mình và phát hiện thằng nhóc thứ bảy vắng mặt. Ông vội vã đi tìm. Ông không tìm để thể hiện lòng yêu thương mà lôi về để dùng chiếc roi tầm ma và những lá bùa "trục vong quỷ". Sau mỗi lần bị cha phát hiện, Bảy Đởm dời nơi trú ẩn xa nhà hơn. Vô tình, pháp sư Phải đẩy con trai mình đến gần ngôi chợ Nhà Bàng. Đó là một ngôi chợ nhỏ, mỗi sáng sớm, nông dân Kh'mer và Kinh đem những sản vật đến trao đổi nhiều hơn mua bán.
Bảy Đởm phát hiện ra "kho thức ăn" dồi dào nằm trong cái chợ đó. Thế là mỗi khuya về sáng, hắn lần mò ra chợ để "thó" thức ăn. Nơi nào có thức ăn, nơi đó ắt có nhiều ruồi. Ở cái chợ khuya đó, không chỉ mỗi mình Bảy Đởm mà có hàng chục đứa trẻ lang thang cơ nhỡ kiếm ăn. Thế là xảy ra một số vụ ẩu đả giành địa bàn giữa đám nhóc bụi đời đã "định cư" trước đó với Bảy Đởm. Phần thắng luôn nghiêng về phía kẻ hung bạo, gan dạ và lỳ đòn. Điều đó, Bảy Đởm có thừa. Có trận, Bảy Đởm bị cả chục thằng nhóc xúm nhau "bề hội đồng" túi bụi, ngã lăn ra đất. Thế nhưng càng bị đánh, Bảy Đởm càng hăng máu và càng khỏe mạnh. Máu me khắp người nhưng hắn vẫn chộp được cục đá xanh, vùng dậy trả đũa khiến đám nhóc ở chợ ôm đầu máu chạy biến.
Sau vài trận đụng độ đẫm máu, đám nhóc ở chợ nhận ra mình không phải là đối thủ của thằng "trẻ trâu" Bảy Đởm. Chúng cầu viện một "đại ca" sừng sỏ ở chợ trờ biên giới Tịnh Biên. "Đại ca" này có hỗn danh là Sâm "chó đẻ".
Bây giờ, không ai còn nhớ chi tiết nhân thân của Sâm "chó đẻ". Bà Lâm Thạch Yến, thường được gọi là bà Bảy Nh - Hiện đã hơn 90 tuổi, đang tu ở một ngôi chùa trên Thiên Cẩm Sơn, kể: "Hồi đó, gia đình tôi cư ngụ ở gần chợ Tịnh Biên. Anh Hai tôi theo lính Hòa Hảo của ông Hai Ngoán. Lúc nhỏ, tôi thường nghe anh Hai tôi kể mẹ ông Sâm "chó đẻ" bị một người Khmer đi lính cho Tây hiếp dâm sinh ra ổng. Tên của ổng là Thạch Sâm nhưng vì hận thù, mẹ của ổng cứ gọi ổng là chó đẻ. Bởi vậy, người ta mới gọi ổng là Sâm "chó đẻ". Suốt ngày, ông Sâm cứ la cà ngoài đường đánh lộn. Ổng lớn hơn Bảy Đởm vài tuổi".
Nhận được lời cầu cứu của đám nhóc tỳ chợ Nhà Bàng, Sâm "chó đẻ" đi tìm Bảy Đởm để hỏi tội. Trận chạm mặt giữa Bảy Đởm và Sâm "chó đẻ" trở thành gạch nối của hai con người. Sau này, khi Bảy Đởm trở thành "phó ông trời" vùng Bảy Núi thì Sâm "chó đẻ" là "phó của phó ông trời" vùng Bảy Núi.
Trở lại vụ chạm mặt giữa Bảy Đởm và Sâm "chó đẻ".
Sâm "chó đẻ" lớn hơn Bảy Đởm vài tuổi nên to xác hơn và khỏe mạnh hơn nhưng vẫn thua Bảy Đởm vài nấc đẳng cấp. Đó là Bảy Đởm không biết sợ chết.
Một buổi sáng, những người buôn bán ở chợ Nhà Bàng trông thấy Bảy Đởm và Sâm "chó đẻ" đứng đối diện, cách nhau khoảng 5 mét. Ở giữa 2 thằng nhóc có hai con dao dâu đặt dưới đất. Chung quanh hai thằng là hàng chục đứa con nít lang thang bụi đời làm khán giả.
Dao dâu là loại dao được người dân vùng Bảy Núi sử dụng phổ biến. Nó dài khoảng 30 cm, lưỡi nhỏ khoảng 3 cm, được rèn bằng thép, mỏng và bén. Những người dệt vải dùng loại dao này sắc nhuyễn lá dâu để cho tằm ăn. Ngoài ra, đàn ông còn dùng dao dâu để cạo râu.
Chờ một đứa trẻ đứng bên ngoài hét "quây!" (tiếng Khmer: Đánh), lập tức Bảy Đởm và Sâm "chó đẻ" cùng lao về phía đặt 2 con dao dâu đoạt lấy. Sâm "chó đẻ" đoạt được con dao trong khi Bảy Đởm chưa kịp tới nơi đã té sấp mặt. Sâm "chó đẻ" lia nhanh 1 nhát dao ngang lưng Bảy Đởm. Tuy nhiên, có lẽ do hấp tấp, Sâm "chó đẻ" đã chém bằng sống lưng con dao nên phần da của Bảy Đởm không rách mà chỉ hằn 1 lằn dài. Với kẻ sợ chết, dù không bị thương nhưng trong tình thế đó đã bỏ chạy dài. Bảy Đởm vẫn chồm tới chộp lấy con dao. Ngay lúc đó, một đứa trẻ bên ngoài thét lớn: "A dui! Thằng Đởm có bùa gồng Trà Kha, dao chém không ăn nhằm ăn nhò gì hết".
Nghe thằng nhóc nói, Sâm "chó đẻ" rụng rời tay chân. Chưa kịp định thần, Sâm "chó đẻ" đã lãnh một đường dao vắt ngang mặt. Kinh hãi, Sâm "chó đẻ" quỳ sụp xuống chắp tay xin thua. Thấy "đại ca" đầu hàng, đám nhóc chợ Nhà Bàng cũng vội vã kéo nhau quỳ xuống quy phục Bảy Đởm.
Từ trận đó, đám nhóc bụi đời tin rằng Bảy Đởm có võ gồng và bùa Trà Kha nên dao chém không đứt, súng bắn không thủng. Cũng từ trận thư hùng này, Sâm "chó đẻ" trở thành đệ tử trung thành nhất của Bảy Đởm (mặc dù ông ta lớn hơn Bảy Đởm vài tuổi).
Năm 1957, trong 1 trận giao tranh với quân của Ngô Đình Diệm, Bảy Đởm bị đối phương ném 1 quả lựu đạn trúng đầu. Quả lựu đạn rơi ngay trước mặt Bảy Đởm. Sâm "chó đẻ" đã xả thân nằm đè lên quả lựu đạn để cứu Bảy Đởm. Bảy Đởm ôm xác của Sâm "chó đẻ" khóc ngất, thốt: "Mày biết súng đạn không ăn tao mà. Hà cớ chi mày ấy thân đè lựu đạn cứu tao".
Đến năm 15 tuổi (năm 1933) nhận thấy việc ăn trộm vặt ở chợ Nhà Bàng chỉ vừa đủ đáp ứng miếng ăn hàng ngày, Sâm "chó đẻ" rủ Bảy Đởm làm những phi vụ lớn hơn để có tiền ra chợ tỉnh kiếm gái.
Giai đoạn đó, nhiều hộ nông dân nuôi bò, trâu thành đàn hàng trăm con, thả rông ăn cỏ khắp các cánh rừng Bảy Núi. Bảy Đởm và Sâm "chó đẻ" chọn 2 con mập mạp nhất đàn, điềm nhiên leo lên cỡi, đủng đỉnh dong sang biên giới Cao Miên (tên gọi nước bạn Campuchia ngày nay). Xong 1 chuyến trộm bò, cả hai cặp kè nhau bắt xe đò đến chợ Châu Đốc, Long Xuyên hoặc Ngã Ba Cái Sắn ăn chơi.
Ở Ngã Ba Cái Sắn có một đồn điền lính Pháp trú đóng. Một gã ma cô người gốc Cao Miên cất một nhà thổ để phục vụ cho đám lính Pháp. Gã ma cô có thời gian đi lính cho Pháp, bị thương phải cưa 1 chân nên được giải ngũ. Dân địa phương không biết tên gã nên cứ gọi là On Cụt. Vì ỷ lại có công cán phục vụ cho thực dân nên gã On Cụt không ngán sợ ai.
Một chuyến bán bò trộm xong, Bảy Đởm và Sâm "chó đẻ" lần mò vào nhà thổ của gã On Cụt. Trông thấy 2 thằng nhóc ăn bận dơ dáy, rách rưới, nhếch nhác bước vào nhà thổ, các cô gái tỏ ý khinh miệt. Ném số tiền bằng nửa con bò ra các cô gái vẫn không thèm quan tâm, Bảy Đởm nỗi điên túm cổ 1 cô đấm túi bụi vô mặt.
Ngay lập tức, On Cụt xuất hiện với cái chày vồ trên tay. On Cụt chưa kịp nói lời nào đã bị Bảy Đởm vung con dao dâu chém đứt ngọt cổ họng.
Trong lúc On Cụt còn nằm co giật trong vũng máu, Bảy Đởm quật cô gái xuống đất rồi vừa bóp cổ đến chết vừa ngấu nghiến cưỡng hiếp. Các cô gái còn lại khiếp vía, một số chạy tán loạn về phía đồn lính kêu cứu, một số ngất xỉu. Cưỡng hiếp xong, Bảy Đởm đoạt lấy chiếc chày vồ của On Cụt rồi ung dung tẩu thoát. Sâm "chó đẻ" đứng chết trân khi chứng kiến sự hung bạo, liều lĩnh của Bảy Đởm.
Khi lính trong đồn chạy đến hiện trường thì Bảy Đởm và Sâm "chó đẻ" đã biến mất. Ngày hôm sau, cò Pháp dán hình họa Bảy Đởm và Sâm "chó đẻ" khắp tỉnh Châu Đốc và Long Xuyên để truy nã. Vì không biết tên hung thủ nên cò Pháp nhờ họa sỹ vẽ ảnh theo lời mô tả của các cô gái nhà thổ. Không hiểu do họa sỹ vẽ tồi hay do các cô gái kể không chính xác, cả Bảy Đởm lẫn Sâm "chó đẻ" đứng xem giấy truy nã của chính mình dán trên cột dây thép cũng không nhận ra (cả hai đều mù chữ).
Chiếc chày vồ của On Cụt được Bảy Đởm giữ làm kỷ niệm. Khi trở thành sỹ quan của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, Bảy Đởm vẫn dùng để thị uy và để tra tấn lương dân bị bắt./.
Nông Huyền Sơn