Trong 76 năm từ khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời đến nay, NTBD của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thị trường, hiện đại hóa và toàn cầu hóa hiện nay, NTBD ở nước ta đang phải đối mặt với không ít thách thức, khó khăn, mà trước hết là sự phai nhạt bản sắc dân tộc, sự thương mại hóa, dung tục hóa, tầm thường hóa nghệ thuật… NTBD của Việt Nam đang phải giải quyết những vấn đề nan giải cả trong nhận thức lẫn sáng tác và biễu diễn, đó là mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, dân tộc và quốc tế, kế thừa và phát triển, mục tiêu nhân văn và mục tiêu kinh tế, làm sao giữ được sự cân bằng, hài hòa giữa các phạm trù này để có thể phát triển đúng hướng trong bối cảnh mới, trong những điều kiện mới.
Hiện trạng NTBD ở Việt Nam hiện nay
Các loại hình NTBD truyền thống
NTBD truyền thống Việt Nam bao gồm các hình thức sân khấu kịch hát dân tộc lâu đời như tuồng, chèo, múa rối... Bên cạnh đó là các hình thức sân khấu mang tính quá độ như: cải lương, ca kịch Huế, ca kịch bài chòi miền Nam Trung Bộ, kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh - những hình thức sân khấu kịch hát mới hình thành trong khoảng 100 năm gần đây, kết quả của quá trình giao lưu, tiếp biến với văn hóa phương Tây. Ngoài ra, có thể kể đến sân khấu của cộng đồng các dân tộc ít người như: Rơbăm, Kukê của người Khmer Nam Bộ, sân khấu của người Chăm, sân khấu của người Hoa và các dân tộc ít người khác. Các hình thức diễn xướng dân gian cũng rất phong phú như: dân ca quan họ Bắc Ninh, dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, đờn ca tài tử, nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên... Các nhạc cụ dân tộc của Việt Nam cũng rất độc đáo về chủng loại, chủ yếu được chế tác từ vật liệu tự nhiên như: tre, nứa, trúc, đá... hấp dẫn khán giả nước ngoài.
Mảng NTBD chuyên nghiệp chủ yếu được giữ gìn bởi các nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp ở các đoàn ca múa nhạc dân tộc, các viện nghiên cứu, khoa âm nhạc truyền thống trong các Nhạc viện, Học viện âm nhạc… Trước thời kỳ đổi mới, các nhà hát tuồng, chèo, cải lương, ca kịch, các đoàn ca múa nhạc truyền thống đa phần sống dựa vào kinh phí bao cấp của Nhà nước.
Từ khi Việt Nam chuyển sang kinh tế thị trường, các nhà hát truyền thống phải dần chuyển sang cơ chế tự chủ và gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù Nhà nước luôn chủ trương giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhưng đây là nhiệm vụ vô cùng nan giải, bởi đối tượng thưởng thức ngày càng co hẹp, đội ngũ tác giả kịch bản ngày càng vắng bóng, rất khó có các chương trình mới. Nghệ sĩ, kể cả những người đạt danh hiệu NSND, NSƯT cũng rất khó sống với nghề, phải làm các nghề “tay trái” để mưu sinh. Các trường văn hóa nghệ thuật ngày càng khó chiêu sinh vào các ngành nghệ thuật truyền thống, bởi khi ra trường khó kiếm việc làm. Đội ngũ giảng viên ngày càng hiếm người có kinh nghiệm, tâm huyết và bám trụ với nghề. Trường hợp ngoại lệ là sân khấu múa rối nước, với sự độc đáo của mình vẫn phát triển tốt nhờ phục vụ du khách quốc tế và đi biểu diễn ở nước ngoài.
Đối với NTBD dân gian, các hình thức trình diễn truyền thống vẫn được bảo tồn trong cộng đồng nhờ nỗ lực của các nghệ nhân. Tuy nhiên, đội ngũ người thực hành ngày càng giảm. Các nghệ nhân - những “báu vật nhân văn sống” - tuổi đã cao, sức khỏe ngày càng yếu đang lần lượt ra đi như: Hà Thị Cầu, Quách Thị Hồ… Một số vốn quý của nền âm nhạc và sân khấu cổ truyền đang đứng trước nguy cơ mai một và thất truyền.
Các loại hình NTBD đương đại
Từ khi đất nước đổi mới, mở cửa, các hình thức NTBD chuyên nghiệp có nguồn gốc ngoại nhập như: kịch nói, vũ kịch, nhạc kịch, xiếc, tạp kỹ, múa đương đại... có phần khởi sắc hơn. Kịch nói phát triển cả chính kịch, bi kịch và nhất là hài kịch. Mỗi năm có hàng trăm tác phẩm thuộc các loại hình sân khấu khác nhau ra đời. Trong cơ chế kinh tế thị trường, nhiều đơn vị nghệ thuật đã vượt qua khó khăn, đứng vững để tồn tại. Một số nhà hát thường xuyên “đỏ đèn” như: Nhà hát Tuổi trẻ, nhà hát 5B Võ Văn Tần, nhà hát kịch IDECAF... Nhiều tác phẩm kinh điển của kho tàng sân khấu thế giới được giới thiệu vào Việt Nam với các tên tuổi lớn: Shakespear (Anh), Moliere, V.Hugo (Pháp), Sinler (Đức)…
Chiếm thị phần áp đảo hiện nay là sân khấu ca nhạc. Chưa bao giờ sân khấu ca nhạc Việt Nam hiện đại lại phát triển mạnh như vậy. Các ca sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng có thu nhập rất cao. Nếu trước đây dòng nhạc cách mạng được đề cao, thì ngày nay, cuộc sống đương đại đòi hỏi những dòng nhạc mới đáp ứng thế giới tâm hồn phức tạp, đa thanh, đa chiều của con người hiện đại. Vì vậy, hoạt động sáng tác, biểu diễn, kinh doanh đã chú ý đến mọi lứa tuổi, từ thiếu nhi, học sinh, sinh viên đến những người lớn tuổi, từ thành thị đến nông thôn… Có thể nói, hiện nay ở Việt Nam đang hình thành một nền âm nhạc bình đẳng, không phân cấp.
Trong giao lưu toàn cầu, âm nhạc Việt Nam cũng phản ứng rất nhanh nhạy và chuyển biến mạnh mẽ. Được tiếp xúc với nhiều dòng nhạc trên thế giới, trong đó có những loại nhạc mang tính “toàn cầu” như: pop, rock, jazz, rap, R&B... rất nhiều ban nhạc mới đã được thành lập và thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, nhất là giới trẻ.
Nhu cầu của khán giả đang ngày càng nâng cao với những đòi hỏi khắt khe hơn, nên chỉ các ca sĩ, nhạc sĩ được đào tạo bài bản, thích nghi tốt mới có thể đáp ứng. Những nhân tố tích cực được phát hiện từ các cuộc thi tài năng như: Thần tượng âm nhạc Việt Nam, Tìm kiếm tài năng Việt Nam, Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí… trở thành những nhân tố tốt cho sự phát triển của âm nhạc dân tộc, đồng thời làm sôi động hơn đời sống âm nhạc đất nước. Các dòng nhạc ngày càng phân hóa rõ rệt, nhạc Việt trở nên đa dạng, nhiều sắc màu hơn. Lối hòa âm, phối khí theo trào lưu mới trở nên thịnh hành hơn.
NTBD Việt Nam cũng đang cố gắng vươn ra ngoài biên giới. Một số ca sĩ đã bước đầu chinh phục khán giả ngoại. Mỹ Tâm từng được đài truyền hình ABC xếp hạng 6 trong số các ca sĩ châu Á thành công nhất, Hồ Quỳnh Hương đoạt giải Liên hoan âm nhạc tại Bình Nhưỡng… Các nhạc sĩ trẻ đều được học hành bài bản, có tài năng âm nhạc, say mê sáng tác, chịu khó tìm tòi ngôn ngữ mới, được giới trẻ hưởng ứng và đón nhận.
Về phát triển nguồn nhân lực, hiện nay đội ngũ nghệ sĩ ngày một phát triển, trong đó có hàng trăm người được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT… Các trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh, các Học viện Âm nhạc, Nhạc viện, các trường văn hóa nghệ thuật ngày càng nâng cao chất lượng, góp phần đào tạo đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên thế hệ mới.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay, đời sống NTBD của Việt Nam cũng thể hiện không ít sự yếu kém, lệch lạc, “vàng thau lẫn lộn”. Nghệ thuật bị lạm dụng, bị thương mại hóa, nhất là trong lĩnh vực quảng cáo, lăng xê, lạm dụng các chiêu trò (như: Lệ Rơi, Bà Tưng...). Tình trạng “nghiệp dư hóa” trong âm nhạc đang ở mức báo động. Nổi lên không ít vấn đề bức xúc như: đạo nhạc, hát nhép, sự thao túng của công nghệ đào tạo “sao”, các chiêu trò, ca khúc “chế” nhảm nhí, tục tĩu. Một số nhạc sĩ lợi dụng “cách tân”, “hiện đại”, vay mượn lai căng các thử nghiệm nước ngoài, gây phản cảm, ảnh hưởng xấu đến thị hiếu công chúng…
Những vấn đề đặt ra đối với sự phát triển NTBD ở Việt Nam hiện nay
Sự chuyển đổi và thích nghi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế tự chủ trong nền kinh tế thị trường
Trước đây, lĩnh vực văn hóa nghệ thuật chủ yếu sống bằng sự bao cấp của Nhà nước. Chủ trương tự chủ, xã hội hóa văn hóa nghệ thuật hiện nay buộc các nhà hát, tổ chức nghệ thuật phải chủ động tìm cách thức mới để tồn tại. Đã định hình một thị trường nghệ thuật tự do ngày càng lớn mạnh bên cạnh các đoàn nghệ thuật công lập ngày càng teo tóp. Đó là các công ty tư nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực NTBD ngày càng chuyên nghiệp và bài bản hơn, đặc biệt là trong lĩnh vực âm nhạc (có đội ngũ quản lý, marketing, PR được đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế). Một số đơn vị công lập đã nhanh chóng chuyển đổi và thích nghi với cơ chế thị trường như: Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam... Mối quan hệ vừa cạnh tranh, vừa hợp tác giữa hai khu vực này đã trở thành nhân tố thúc đẩy NTBD Việt Nam phát triển. Thực tế cho thấy, những đơn vị nghệ thuật thiếu năng động, chậm đổi mới, kém thích ứng với bối cảnh mới sẽ dần lụi tàn và tiêu vong. Đó là sự cạnh tranh cần thiết theo đúng quy luật của thị trường văn hóa, tuy nhiên sẽ là thách thức đối với các hình thức sân khấu kịch hát truyền thống như tuồng, chèo, cải lương...
Giải quyết mối quan hệ giữa nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật với mục tiêu kinh tế
Kinh tế thị trường và cơ chế tự chủ sẽ đặt ra vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa nghệ thuật và kinh tế, giữa mục tiêu nhân văn và mục tiêu kinh tế của nghệ thuật. Sẽ xuất hiện những tác phẩm, vở diễn rất ăn khách, doanh thu cao, nhưng giá trị nội dung tư tưởng và tính nghệ thuật không cao. Hoặc ngược lại, những tác phẩm có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao lại không thu hút được sự quan tâm của công chúng, hoặc không đạt được mục tiêu kinh tế.
Do vậy giải quyết được sự hài hòa mối quan hệ này cũng là một bài toán khó. Làm sao để có được những tác phẩm nghệ thuật vừa có nội dung tư tưởng cao đẹp, giữ được bản sắc dân tộc, vừa có giá trị nghệ thuật, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng văn hóa của nhân dân.
Mối quan hệ giữa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại trong hội nhập quốc tế
Trong thời đại của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, vấn đề bản sắc văn hóa dân tộc được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Các loại hình sân khấu và âm nhạc truyền thống là nơi thể hiện rõ nhất các đặc trưng văn hóa tộc người. Đây cũng là nền tảng quan trọng để phát triển nền NTBD đương đại. Do vậy, việc giải quyết bài toán giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế, làm thế nào để “hòa nhập mà không hòa tan” cũng là một vấn đề cấp thiết được đặt ra. Đồng thời, vấn đề tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để bồi bổ, làm giàu cho văn hóa dân tộc cũng cần được chú trọng. NTBD Việt Nam cần quan tâm tới những loại hình sân khấu đỉnh cao của thế giới như: opera, nhạc giao hưởng, ballet, các trào lưu âm nhạc và sân khấu đương đại để có thể hòa vào dòng chảy chung của văn hóa nhân loại. Đồng thời, trong quá trình đó cũng cần biết tiếp thu có chọn lọc những gì thực sự là tinh hoa, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc.
Có thể thấy, trong giao lưu, hội nhập văn hóa hiện nay, Việt Nam hiện vẫn đang “nhận” nhiều hơn là “cho”. Chúng ta cần tăng cường quảng bá hơn nữa những giá trị độc đáo của NTBD dân tộc ra với thế giới, nâng cao vị thế của văn hóa nghệ thuật Việt Nam trên các sân chơi quốc tế.
Đào tạo nguồn nhân lực trong ngành NTBD
Yếu tố con người là tiền đề, là nhân tố quan trọng nhất để phát triển NTBD. Trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay đã xuất hiện một lớp người làm nghề bài bản, chuyên nghiệp, không chỉ biết sáng tạo các tác phẩm văn hóa nghệ thuật có giá trị, mà còn biết kinh doanh nghệ thuật, hướng tới một xã hội tiêu dùng. Họ năng động tiếp cận cái mới, yêu thích sự thay đổi, hòa mình vào nghệ thuật để cùng sáng tạo và đổi mới.
Tuy nhiên, để bổ sung và phát triển đội ngũ kế cận, vấn đề đào tạo nguồn nhân lực từ tác giả, kịch bản, đạo diễn, nhạc sĩ đến diễn viên, ca sĩ, nhà lý luận phê bình… đang rất cấp thiết. Hiện nay, NTBD Việt Nam vẫn thiếu những kịch bản tầm vóc, thiếu tác giả, đạo diễn chuyên nghiệp, thiếu ngôi sao, thiếu diễn viên tài năng - những thứ tạo nên sức hút đối với khán giả. Không ít chương trình, vở diễn, sản phẩm nghệ thuật vẫn đơn điệu, nghèo nàn, trình độ biểu diễn chưa đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của công chúng.
Về chất lượng đào tạo, theo thống kê ở một số trường văn hóa nghệ thuật tại Hà Nội, trong 5 khóa gần đây, tỷ lệ học sinh, sinh viên đạt loại khá, giỏi khá cao, nhưng tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao. Đối với ngành kịch hát dân tộc, đội ngũ thày theo đúng nghĩa ngày càng suy giảm, ai không làm được diễn viên nữa thì về trường làm giảng dạy.
Về đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên, hiện nay ở khu vực Nhà nước có tới gần 5.000 người trong biên chế, nhưng diễn viên giỏi, tài năng trẻ lại rất thiếu vắng. Một số nhà phê bình cho rằng, NTBD của Việt Nam vừa thiếu sức thanh xuân, vừa chưa đáp ứng được nhu cầu của thời đại.
Bản quyền tác giả và quyền liên quan
Bản quyền tác giả luôn là vấn đề nhức nhối ở Việt Nam hiện nay. Việc đạo nhạc, mô phỏng ý tưởng, vi phạm bản quyền diễn ra khá phổ biến. Nạn in băng, đĩa lậu tràn lan đang ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của các nhạc sĩ, nhà sản xuất, ca sĩ, không khuyến khích một thị trường nghệ thuật phát triển lành mạnh.
Từ khi Việt Nam tham gia công ước Berne (tháng 10-2004) và tham gia Tổ chức bản quyền thế giới (WIPO) vấn đề bản quyền tác giả đã ngày càng được chú trọng hơn. Thị trường âm nhạc trong nước không được tự do sử dụng các ca khúc nhạc ngoại lời Việt, Nhà nước phải bảo hộ quyền tác giả và chủ sở hữu tác phẩm của các quốc gia thành viên cũng như tác giả trong nước. Việt Nam đã có Trung tâm bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc (VCPMC) và sau hơn 10 năm thành lập đã mở rộng từ 5 lên 20 lĩnh vực. Tuy nhiên, tầm bao quát của Trung tâm còn khá hạn chế đối với một thị trường NTBD rộng lớn như ở Việt Nam hiện nay. Do vậy, việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo vệ quyền tác giả và các quyền liên quan cũng là một vấn đề phải được quan tâm đúng mức.
Bảo trợ của Nhà nước đối với các loại hình NTBD truyền thống
Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, Nhà nước phải có chính sách bảo hộ phù hợp các loại hình nghệ thuật truyền thống, như Nhật Bản bảo trợ cho kịch Nô, Trung Quốc bảo trợ cho Kinh kịch. Đối với các loại sân khấu kịch hát dân tộc như: tuồng, chèo, cải lương hay một số loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ đặc biệt, không thể để họ “sống chết mặc bay” trong cơ chế kinh tế thị trường.
Vừa qua, thực hiện chủ trương “tự chủ” và “xã hội hóa” văn hóa nghệ thuật, một số địa phương đã sáp nhập các nhà hát tuồng, chèo, cải lương vào làm một, hoặc ghép với các nhà hát ca - múa - nhạc đương đại để tinh giản bộ máy cũng như đầu mối quản lý. Tuy nhiên, sự lắp ghép cơ học này đưa tới rất nhiều bất cập trong công tác quản lý và hoạt động chuyên môn, dẫn đến nội bộ lục đục, hiệu quả làm việc kém.
Giáo dục nghệ thuật và phát triển khán giả
Hiện nay, công tác giáo dục nghệ thuật ở nhà trường và trong xã hội Việt Nam còn hạn chế. Các trường học chủ yếu quan tâm dạy kiến thức, dạy chữ, dạy nghề cho học sinh, sinh viên, mà chưa chú trọng đến giáo dục thẩm mỹ, giáo dục nghệ thuật. Việc trang bị kiến thức phông nền về nghệ thuật cho công chúng cũng chưa được chú trọng. Rất đông khán giả Việt Nam chưa được “đào tạo” để thưởng thức văn hóa, nghệ thuật một cách đúng nghĩa. Bên cạnh đó, những khác biệt về thị hiếu thẩm mỹ, về gu thưởng thức của người Việt cũng tạo những khó khăn nhất định trong việc hòa vào dòng chảy chung của nghệ thuật thế giới.
Muốn thế, trước hết, phải cải tiến việc trang bị kiến thức về âm nhạc, sân khấu, nghệ thuật trong các cấp học phổ thông cả về nội dung lẫn phương pháp, chất lượng giảng dạy. Bên cạnh đó, cần chú trọng giáo dục nghệ thuật cho công chúng trong xã hội, khiến họ hiểu biết, yêu mến và trân trọng các loại hình nghệ thuật, nhất là NTBD truyền thống.
Ngoài ra, cần đa dạng hóa các hình thức phát triển khán giả, đầu tư cho hoạt động quảng bá, PR, marketing, đưa các sản phẩm văn hóa tiếp cận với đông đảo công chúng. Tăng cường khả năng tiếp cận thông tin trên các phương tiện truyền thông đại chúng như: quảng cáo, đưa lên trang web, mạng xã hội, nhất là facebook, fanpage của các nghệ sĩ nổi tiếng, sử dụng công nghệ bán vé, bán sản phẩm online…
Kết luận
Với những lợi thế trên phương diện nghe - nhìn, gắn trực tiếp với người nghệ sĩ, NTBD có vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và tiêu dùng văn hóa của công chúng, đồng thời là công cụ quan trọng để giáo dục thị hiếu thẩm mỹ, hoàn thiện nhân cách con người.
Sau một thời gian dài sống trong cơ chế bao cấp, NTBD ở Việt Nam hiện đang vấp phải nhiều khó khăn, thách thức khi phải tự bươn chải trong cơ chế kinh tế thị trường và sự cạnh tranh gay gắt trong bối cảnh hội nhập.
Hiện nay, nếu các hình thức NTBD đương đại, nhất là lĩnh vực ca nhạc, đang phát triển tốt trong cơ chế mới, thì các hình thức NTBD truyền thống đang sống lay lắt, èo uột. Tình trạng thưa vắng khán giả ở các nhà hát truyền thống trong cả nước đang thể hiện những yếu kém từ phía các đơn vị nghệ thuật lẫn các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Do vậy, bên cạnh sự cố gắng nỗ lực của các tổ chức, đơn vị nghệ thuật và giới nghệ sĩ, rất cần sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức phi chính phủ, huy động các nguồn lực xã hội, làm sao để đảm bảo nền NTBD Việt Nam cân bằng được các yếu tố: truyền thống và hiện đại, giữ gìn bản sắc và hội nhập quốc tế, mục tiêu kinh tế và văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Tài liệu tham khảo
1, 5, 6. vi.wikipedia.org.
2. Nguyễn Quang Ngọc, Tiến trình Lịch sử Việt Nam, Chương III - Việt Nam từ giữa TK X đến cuối TK XIV, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr.66-70.
3. Hát Bội, Thế giới Tự do, tập X, số 8, Sở Thông tin Hoa Kỳ, Sài Gòn, 1961, tr.25.
4. Trần Xuân Sinh, Thuyết Trần, Nxb Hải Phòng, 2006, tr.470.
Nguồn: Tạp chí VHNT số 479, tháng 11-2021.
GS, TS Từ Thị Loan
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nghe-thuat-bieu-dien-o-viet-nam-va-nhung-van-de-dat-ra-hien-nay-a19821.html