Vĩnh Phúc: Hiệu quả từ chủ trương đánh giá cán bộ bằng sản phẩm

Đánh giá cán bộ có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác cán bộ, là cơ sở để lựa chọn, bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ.

Làm tốt việc này sẽ phát huy được khả năng của từng cán bộ và đội ngũ cán bộ, ngược lại sẽ gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng như thiệt hại về kinh tế, ảnh hưởng đến uy tin của Đảng và làm xói mòn niềm tin trong nhân dân... Quan trọng như vậy nhưng thời gian qua, công tác đánh giá cán bộ vẫn được coi là khâu yếu ở nhiều địa phương. Để khắc phục, Vĩnh Phúc đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt.

danh-gia-can-bo1-1638878644.jpg
Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo Đinh Văn Mười (người đứng giữa) chỉ đạo các lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế thu hồi đất đối với hộ dân ở thị trấn Đại Đình để triển khai Dự án xây dựng Trường THCS Đại Đình. (Ảnh chụp tháng 10/2021).

Thực tế cho thấy, thời gian qua trên địa bàn cả nước nói chung, Vĩnh Phúc nói riêng có tình trạng nhiều trường hợp đánh giá cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, chưa hẳn vì yêu cầu công việc, không đúng người, đúng việc..., dẫn đến nhiều tác động tiêu cực trong đời sống xã hội.

Thể hiện quyết tâm khắc phục bằng được hạn chế này, Vĩnh Phúc đã đi tiên phong cả nước trong việc thí điểm việc đánh giá cán bộ bằng sản phẩm, hay còn gọi là đánh giá cán bộ qua kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Theo đó, những cán bộ thực hiện chủ trương này phải chứng minh cho lời nói và hành động của mình không phải qua báo cáo mà bằng những công việc cụ thể đã làm được, theo đúng khối lượng, tiến độ được giao. Nếu không có lý do khách quan làm ảnh hưởng đến kết quả công việc thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm theo quy định.

Việc đánh giá cán bộ bằng sản phẩm có cái khó là đòi hỏi ngay từ đầu đã phải chọn được cán bộ có tài, có tầm và năng động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành công việc.

Tuy nhiên, nếu làm tốt được khâu này, việc đánh giá cán bộ bằng sản phẩm sẽ góp phần khẳng định thêm sự đúng đắn trong công tác đánh giá cán bộ của tỉnh, qua đó tạo cho người cán bộ có cơ hội rèn rũa, nâng cao chất lượng hiệu quả công việc và năng lực chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, đây cũng bài thi khắc nghiệt cho những cán bộ có năng lực hạn chế, tránh được những cán bộ có tư duy nhiệm kỳ, chủ trương dễ làm khó bỏ, an phận thủ thường...

Năm 2021, tỉnh thí điểm việc đánh giá cán bộ đối với giám đốc 6 sở và Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trên địa bàn. Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, kết quả thu được rất khả quan. Bước đầu cho thấy, quá trình thực hiện dù áp lực nặng nề hơn trước, nhưng tinh thần trách nhiệm của cán bộ được nâng lên rõ rệt, nhiều vụ việc phức tạp tồn tại đã lâu nay được xử lý thành công, nhiều việc khó được giải quyết dứt điểm, nhiều chỉ tiêu nhiệm vụ hoàn thành vượt kế hoạch được giao...

Chia sẻ về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo Đinh Văn Mười cho biết: "Thực tình khi cam kết với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện các nhiệm vụ được giao theo tiến độ và khối lượng công việc, chúng tôi thấy rất khó khăn.

Tuy nhiên, chúng tôi xác định, ai có chức trách nhiệm vụ của người đó. Việc của mình mà không làm thì ai sẽ làm thay. Vả lại khi giao việc, cấp trên cũng đã xem xét, đánh giá thấu đáo với từng cán bộ cụ thể, đặc thù công việc của từng địa phương chứ không giao theo kiểu cào bằng như nhau. Do vậy, chúng tôi cơ bản đều yên tâm tập trung vào hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao".

Nói về hiệu quả công việc, ông Đinh Văn Mười cũng phấn khởi chia sẻ: "Một trong những vướng mắc kéo dài hàng chục năm chưa giải quyết được trên địa bàn huyện Tam Đảo là tình trạng vi phạm về quản lý và sử dụng đất đai tại một số địa phương. Nhận nhiệm vụ giải quyết vấn đề này, dù biết là không dễ, nhưng chúng tôi đã tìm mọi phương án có thể để gỡ từng nút thắt, đảm bảo kết quả hợp tình, hợp lý cho cả Nhà nước và người dân.

Rất mừng là đến nay, nhiều vụ việc vướng mắc hàng chục năm đã được giải quyết thấu đáo, được đông đảo nhân dân đồng tình ủng hộ. Qua đó, tạo tiền đề cho huyện triển khai nhiều dự án phát triển KT-XH quan trọng trên địa bàn.

danh-gia-can-bo-1638878644.jpg
Bí thư Thành ủy Vĩnh Yên Nguyễn Ngọc Bình trực tiếp có mặt tại hiện trường vụ cưỡng chế các trường hợp vi phạm lấn chiếm đất đai tại xã Định Trung để kịp thời giải quyết các quyền lợi chính đáng của người dân (ảnh chụp tháng 3/2021).

Tại thành phố Vĩnh Yên, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) luôn được coi là khâu khó khăn nhất trong các nhiệm vụ đề ra. Đặc biệt, việc bồi thường, GPMB trên địa bàn hầu hết liên quan đến những dự án trọng tâm, trọng điểm, đòi hỏi đáp ứng được yêu cầu về tiến độ cao nhưng kết quả thường thu được rất hạn chế. Điều này gây ra nhiều hệ lụy không tốt cho quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.

Thực hiện cam kết với tỉnh và cũng khẳng định quyết tâm của thành phố trong việc tháo gỡ những điểm nghẽn trong công tác bồi thường, GPMB, Bí thư Thành ủy Vĩnh Yên Nguyễn Ngọc Bình đã trực tiếp và thường xuyên có mặt tại các “điểm nóng” trên địa bàn, qua đó kịp thời giải quyết những quyền lợi chính đáng của người dân trong phạm vi thẩm quyền cho phép, quyết liệt đưa ra những chỉ đạo kiên quyết với những hành vi cố tình chống đối, vi phạm pháp luật.

Nhờ vậy, từ đầu năm đến nay, công tác bồi thường, GPMB trên địa bàn thành phố có những bước chuyển quan trọng. Nhiều dự án đã được bàn giao mặt bằng sạch đúng tiến độ đề ra, mang lại nhiều sinh khí cho sự nghiệp phát triển KT-XH của địa phương.

Để việc thí điểm đánh giá cán bộ bằng sản phẩm mang lại kết quả bước đầu tích cực như trên, Vĩnh Phúc triển khai theo một quy trình chặt chẽ. Trước hết, cán bộ trong diện thí điểm căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tiễn để đăng ký chỉ tiêu nhiệm vụ với Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, xác định những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, có điều chỉnh, bổ sung và chính thức giao nhiệm vụ cho từng cán bộ.

Định kỳ hằng tháng, hằng quý, cán bộ phải báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ. Cuối năm, tỉnh thành lập hội đồng chuyên môn để đánh giá, chấm điểm từng cán bộ. Do mỗi ngành, mỗi địa phương có những đặc thù khác nhau, nên việc nhận xét, đánh giá, chấm điểm được triển khai thận trọng, khoa học theo hướng xây dựng thang điểm cho từng vị trí, gắn với đặc thù từng ngành, từng địa phương, bảo đảm dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, khuyến khích và có điểm thưởng cho sự đổi mới, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ.

Là tỉnh đi tiên phong trong lĩnh vực còn mới, khó của cả nước, nhưng Vĩnh Phúc coi đây là một trong những việc làm quan trọng, cấp thiết nhằm góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ. Bởi kết quả, chất lượng công việc chính là thước đo chính xác nhất về năng lực cán bộ.

Căn cứ vào sản phẩm công việc để đánh giá sẽ bảo đảm tính "định lượng", khách quan, tránh những biểu hiện chủ quan, cảm tính trong nhận xét, đánh giá cán bộ. Đồng thời, trên cơ sở đánh giá chính xác mới có thể bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý, động viên, khuyến khích cán bộ có tài tiếp tục cống hiến, phát triển./.

Hạo Nam

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/vinh-phuc-hieu-qua-tu-chu-truong-danh-gia-can-bo-bang-san-pham-a19807.html