Tấm bia trấn yểm ở chùa Bài Bài - Bồng Lai Tự

Theo các pháp sư, "Cao Biền trấn phù bia" là một loại bùa trấn yểm linh mạch. Nơi bị trấn yểm sẽ không xuất hiện người tài, cư dân sẽ thần phục người đứng ra trấn yểm.

Chùa Bồng Lai nằm sát mép kênh Vĩnh Tế, xã Vĩnh Tế thuộc TP. Châu Đốc, An Giang còn có tên gọi khác là chùa Bài Bài. Bà Bài hoặc chùa Ông Đạo Lập. Ngôi chùa cổ ven biên giới này được ghi nhận là di tích lịch sử cách mạng thời kỳ chống Mỹ của tỉnh An Giang. Đây là một trong những địa chỉ giao liên đầu mối quan trọng của Thị ủy Châu Đốc và là nơi ẩn quân của các đơn vị bộ đội chủ lực trước năm 1975.

kham-pha-ong-the-28012012-183-1638427884.jpg
Ngôi chùa Bồng Lai nằm bên dòng sông Vĩnh Tế

Không chỉ là di tích lịch sử cách mạng mà chùa Bồng Lai còn ẩn chứa nhiều di tích tâm linh kỳ thú. Hiện tại, nơi hậu liêu chùa có một ngôi miếu nhỏ, bên trong là một tấm bia đá cổ. Giữa mặt bia không có chữ nhưng nơi viền mép phải có chạm dòng chữ Hán "Hoàng Thanh, Càn Long ngũ thất niên, trọng thu, cốc đán", có nghĩa là “Đời nhà Thanh, vua Càng Long năm thứ 57, vào tháng 8, mùa thu”. Tương truyền tấm bia đó là một đạo bùa của pháp sư Cao Biền - Quan Thái Thú Trung Hoa - đã trấn yểm long mạch vùng Cửu Long để người Việt đời đời phụ thuộc.

Tấm bia bằng đá sa thạch, cao khoảng 90 cm, ngang khoảng 40 cm. Giữa mặt bia có vẻ như đã từng có chữ nhưng bị đục xóa trắng. Những người giúp việc công quả thờ phụng trong chùa Bồng Lai khẳng định: "Cái bia ếm này có từ khi chùa mới lập cách nay hàng thế kỷ. Hàng ngày chúng tôi vẫn phải cắm nhang cúng bái để giữ trấn. Nguyên thủy tấm bia trấn phù này có chữ bùa nhưng đã bị sư Cố đục bỏ để giải ếm". Sư Cố mà cô Út nhắc đến là sư Lập - Người tạo dựng ngôi chùa.

Rất nhiều tài liệu khảo cứu của các nhà nghiên cứu văn hóa tín ngưỡng như Nguyễn Văn Hầu, Trần Văn Quế, Huỳnh Minh đều ghi nhận: Vào khoảng năm 1850, trong một lần cùng các vị để tử đi viếng núi Thủy Đài Sơn (Núi Nước), Phật Thầy Tây An phát hiện dưới gốc cổ thụ có ẩn một tấm bia đá được chôn dấu từ thuở nào, đất bồi lấp gần chìm hết. Qua những nét chữ trên bia, Phật Thầy Tây An cho rằng đó là "Cao Biền trấn phù bia" dùng để trấn yểm linh khí.

Theo lịch sử, Cao Biền là một nhân vật có thật, tên chữ là Thiên Lý, sinh vào năm 821, mất năm 887. Ông ta là một viên tướng của nhà Đường được giao chức Tiết Độ Sứ (Thái Thú) có nhiệm vụ cai quản Giao Châu (Tên nước Việt cổ) từ năm 866 đến năm 875. Cao Biền rất mê kinh dịch, lý số, phong thủy. Giai thoại kể rằng, trong 9  năm đô hộ, Cao Biền đã 3 lần dùng pháp thuật lập bia trấn yểm để "nhốt" linh khí, yểm tài nước ta. Với phù bia, Cao Biền có tham vọng hùng cứ phương Nam vĩnh viễn. Nghe tin Cao Biền có ý làm phản xưng vương, vua Đường chiêu dụ triệu hồi về nước rồi giết chết vào năm 887. Theo các pháp sư, "Cao Biền trấn phù bia" là một loại bùa trấn yểm linh mạch. Nơi bị trấn yểm sẽ không xuất hiện người tài, cư dân sẽ thần phục người đứng ra trấn yểm.    

Căn cứ vào dòng chữ còn sót lại cho thấy bức trấn phù bia này được lập vào năm  Càn Long thứ 57 tức là năm 1792. Thời điểm này, Cao Biền đã qua đời hơn …100 năm. Căn cứ vào lịch sử, đây là thời điểm Lê Chiêu Thống - Vị vua cuối cùng của triều đại nhà Lê - bị vua Quang Trung đánh, đang lưu vong ở Trung Hoa để xin vua nhà Thanh cho "rước voi giày mả tổ". Thời kỳ này, ở phía Nam thuộc về chúa Nguyễn, dư âm phong trào Thiên địa hội phản Thanh phục Minh thế hệ hậu sinh của Mạc Cửu vẫn còn hoạt động. Phong trào Thiên địa hội có sử dụng nhiều yếu tố tâm linh để qui tựu thành viên. Có lẽ, bức Cao Biền trấn phù bia này được Thiên địa hội lập nên với ý đồ hùng cứ vùng đất núi non hiểm trở Thất Sơn, chứ không phải của chính Cao Biền lập yếm.

kham-pha-ong-the-28012012-192-1638428049.jpg
Bàn thờ ông Đạo Lập trong chùa Bồng Lai

Trong tài liệu khảo cứu của giáo sư Nguyễn Văn Quế về Bửu Sơn Kỳ Hương và trong các di tự của tín đồ cho biết, sau khi phát hiện ra bức Cao Biền trấn phù bia, Phật Thầy Tây An đã sai ông Đạo Lập khai quật lên đục bỏ những chữ bùa rồi đem về chùa Bồng Lai dùng phù chú "giam" trong cái miếu. Ông Đạo Lập dùng xích sắt có yểm phù "trói" chân đế nơi phần chìm dưới đất của tấm bia để đảo ngược tác dụng. Có nghĩa là vùng đất bị trấn yểm sẽ nảy sinh nhiều nhân tài. Đó là lý do, dù là bia trấn yểm nhưng các tín đồ vẫn phải hương khói hàng ngày.

Ngoài ra, Phật Thầy Tây An còn sai Quản cơ Trần Văn Thành dùng cây rừng đẽo 5 trụ trấn phù đi cắm ở 5 điểm theo dịch đồ Ngũ long trấn phục bao bọc vùng đất Thất Sơn để làm ranh giới qui tựu dân lập làng kháng chiến chống Pháp.

Những mẫu chuyện về Cao Biền trấn phù bia mang đầy màu sắc huyền bí hư ảo nhưng vẫn thể hiện lòng yêu nước, mong muốn bảo vệ bờ cõi chống các thế lực xâm lược.

Theo quyển "khảo cứu lịch sử giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương" của ông Trần Văn Quế - Nguyên giảng viên khoa Lịch sử trường Đại học Vạn Hạnh và Đại học Văn khoa Sài Gòn (trước năm 1975) thì ông Đạo Lập là 1 trong 12 vị đại đệ tử của Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên. 12 vị đại đệ tử này được tín đồ gọi là "Thập nhị hiền thủ".

Ông Đạo Lập có tên khai sinh là Phạm Thái Chung, nguyên quán ở Cồn Tiên, làng Đa Phước, huyện An Phú, tỉnh An Giang (ngày nay là xã Đa Phước). Là người lập nên chùa Bồng Lai nên dân địa phương gọi ông là Đạo Lập. Lúc sinh thời, Phật Thầy Tây An đặt pháp danh cho ông là Sùng Đức Võ Tiên Sinh và thường gọi ông là Đức tiên sinh. Hiện nay, trong bài vị thờ ông tại chùa Bồng Lai lại ghi là "Bồng Lai La Hồng Tiên Sinh".

Không có tài liệu nói ông được xếp hàng thứ mấy trong "thập nhị hiền thủ" nhưng chắc chắn ông là người được Phật Thầy Tây An cắt cử lập làng Bài Bài từ khi khai sáng đạo. Sau khi chiêu mộ dân tứ xứ về lập làng, ông cất ngôi chùa Bồng Lai để tu hành và mở phòng thuốc nam trị bệnh cho dân làng. Khi Cố quản Trần Văn Thành lập chiến khu Bãi Thưa - Láng Linh, chùa Bài Bài được chọn làm nơi chôn 1 trong số 5 cây thẻ trấn biên phù của Phật Thầy Tây An.

Cho đến tận bây giờ, những tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa và Phật giáo Hòa Hảo vẫn tin rằng thuở sinh tiền, ông Đạo Lập được Phật Thầy Tây An truyền mật pháp thần thông, biết đi mây về gió, dùng phù chú trị bệnh. Ông Huỳnh Văn Thiện (đã qua đời) là người từng theo ông Đạo Lập sang núi Tà Lơn tu luyện đã kể cho con cháu nghe rất nhiều chuyện về tài hô phong hoán vũ của ông Đạo Lập.

kham-pha-ong-the-28012012-209-1638428100.jpg
Bảng di tích lịch sử

Ông Hai - Cháu nội ông Thiện, cư ngụ tại thị xã Châu Đốc kể rằng: "Có lần ông nội tôi chứng kiến sư Cố (Tức ông Đạo Lập) dùng thần chú điều khiển chiếc tàu không người lái chạy lòng vòng trên sông. Có năm ông nội tôi và một người tên Ngạc theo sư Cố sang núi Tà Lơn tu luyện. Một đêm, sư Cố có việc phải rời khỏi cốc, ông Ngạc bị trúng gió lăn ra chết bất đắc kỳ tử. Ông nôi tôi ôm xác bạn lo lắng suốt đêm. Giữa rừng hoang vu lấy đâu ra chiếu để tẩn liệm. Sáng sớm hôm sau, ông nội tôi ra bìa rừng ngóng trông thì thấy từ xa sư Cố xách gói đồ và chiếc chiếu. Ông nội chưa kịp nói gì thì sư Cố bảo mấy thứ này dùng để tẩn liệm ông Ngạc".

Nữ sỹ Mộng Tuyết nhóm "Hà Tiên tứ tuyệt" (gồm: Mộng Tuyết và chồng là thi sỹ Đông Hồ, Lư Khê, Trúc Hà) đã từng đưa ông Đạo Lập vào bút ký “Ông Đạo Lập quá hải”. Từ trang 356 đến trang 358, bà kể về 1 chuyến dùng thuyền buồm vượt biển đi buôn của cha bà. Trước khi ra khơi, ông có xin ông Đạo Lập 3 lá bùa hộ mạng. Khi ra đến cửa biển, chiếc thuyền buồm bất ngờ gặp một con kình ngư khổng lồ tấn công. Nhờ ông Đạo Lập dùng phép, chiếc thuyền vượt qua kình ngư về đến đất liền an toàn.

Người dân địa phương cho rằng, khi muốn qua sông, ông Đạo Lập chỉ cần đạp nón lá lướt sóng.

Do nuôi ý đồ lập làng kháng chiến nên ông Đạo Lập trở thành nhân vật bị truy nã của nhà cầm quyền thuộc địa thực dân Pháp. Để ẩn giấu tông tích của ông, các tín đồ không được phép sử dụng tài liệu ghi chép. Vì vậy, không ai nhớ ông sinh năm nào và mất năm nào. Các tín đồ chỉ nhớ ngày giổ của ông hàng nằm vào ngày 29-09 (âm lịch). Theo di ngôn, khi ông qua đời, ngôi mộ được lập ở Vĩnh Ngươn, Châu Đốc nhưng không được đắp nấm. Ngày nay, không ai còn biết chính xác vị trí ngôi mộ ở đâu.

Năm 1917, cụ Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc đã từng ghé chân ở ngôi chùa cổ Bồng Lai của ông Đạo Lập bốc thuốc Nam trị bệnh cho dân làng trước khi sang Campuchia.

Vào những năm 1965 - 1972, chùa Bồng Lai được chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đặt trong vùng biệt khu số 44 (gồm Kiến Phong, Châu Đốc và một phần Kiên Giang).  Thời điểm này ngôi chùa trở nên linh thiêng, nhiều chuyện huyền bí xảy ra khiến ít người dám bén mảng đến nhất là lực lượng thám báo của lính Việt Nam Cộng Hòa.

Lúc đó chưa có cầu treo, con kênh Vĩnh Tế cắt ngang khiến Bài Bài trở thành một ốc đảo tiếp giáp đất bạn Campuchia. Có lần viên Thiếu tá chi khu Châu Đốc biệt phái một thám báo viên gan dạ nửa đêm giả làm dân câu vượt sông mò lên chùa Bồng Lai để tìm thông tin về lực lượng cách mạng. Không hiểu người thám báo này đã gặp chuyện gì mà sáng hôm sau người ta thấy ông ta đi lơ ngơ trong trạng thái tâm thần bất ổn, miệng cứ lảm nhảm mỗi một câu: "Ông già râu dài tha cho con". Người này được đưa đi bệnh viện tâm thần điều trị.

Lần khác, viên Thiếu tá đích thân chỉ huy một trung đội biệt động được tăng viện về Châu Đốc dùng tàu tuần duyên bất ngờ vượt kênh Vĩnh Tế xông lên chùa để "bắt gọn ổ Việt Cộng". Khi xộc vào chùa, toán lính không thấy một bóng người. Một người lính đứng tiểu ngay góc chánh điện bất ngờ ngã ngang, co giật liên hồi. Mọi người xúm lại cấp cứu, anh ta ngồi bật dậy rượt đuổi mọi người cắn đến đổ máu. Cuộc hành quân trở nên hổn loạn, viên Thiếu tá cho trói gô người lính cắn điên rồi lui quân. Khi về đến Châu Đốc, viên Thiếu tá phải nhờ một tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương có giữ một mẩu "ông thẻ" mài ra bột hòa nước cho người lính cắn điên uống mới hóa giải được.

kham-pha-ong-the-28012012-229-1638428148.jpg
Tấm bia Cao Biền phù trấn

Trong thời gian Nguyễn Văn Thiệu ứng cử tổng thống Việt Nam Cộng Hòa lần thứ 2 vào năm 1971, nhiều người dân sống phía bờ đông kênh Vĩnh Tế chứng kiến một hiện tượng lạ. Cứ hễ đêm về là người ta thấy một cục lửa màu xanh không phát tia cứ bay qua lại từ nóc chùa Bồng Lai sang một ngọn cây cổ thụ đến tận sáng. Thấy hiện tượng lạ, mặc dù đó là vùng chính quyền VNCH cấm lai vãng nhưng hàng đêm người ta vẫn lũ lượt đi xem.

Nhiều người dân địa phương sinh sống lâu năm ở vùng đất này có thể kể suốt năm không hết kho chuyện kỳ bí xảy ra ngôi chùa cổ Bồng Lai. Họ tin tuyệt đối vào những chuyện huyền bí đó.

Tuy nhiên, ông Ba Cư - Một cựu chiến binh, đã hơn 90 tuổi, cư ngụ tại Lấp Vò, Đồng Tháp đã từng là bộ đội chủ lực ém quân tại chùa Bồng Lai khẳng định: "Tất cả những điều kỳ bí đó đều là sản phẩm của chúng tôi. Phải dùng xảo thuật như vậy để tụi lính ngụy, tụi Phượng Hoàng (Điệp viên) không dám bén mảng tới nơi chúng tôi ém quân".

Dù những chuyện hiển linh không có thật nhưng di tích Ông Thẻ, Cao Biền trấn phù bia và những câu chuyện truyền khẩu cũng là một di sản lịch sử chứng minh tinh thần yêu nước bất khuất của tiền nhân./.

Nông Huyền Sơn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/tam-bia-tran-yem-o-chua-bai-bai-bong-lai-tu-a19751.html