Sự thật về ngôi miếu linh thần ở ngã ba chợ Bửu Long

Từ rất lâu, những cư dân thuộc tổ 30, khu phố 5, phường Bửu Long, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai tin rằng ngôi miếu nhỏ nằm ven mép vỉa hè đường Huỳnh Văn Nghệ, đối diện ngã ba chợ cũ Bửu Long rất oai linh.

Niềm tin đó ngày càng bền vững khi họ tận mặt chứng kiến nhiều chuyện huyễn hoặc, kỳ bí, không thể giải thích được bằng thuyết duy vật.

mieu-ong-ba-tien-028-1638426293.JPG
Ngôi miếu ông Ba Tiền

NHỮNG GIAI THOẠI KINH DỊ

Không chỉ cư dân địa phương mà cánh lái xe tải, doanh nhân ở địa phương khác cũng cũng xem linh thần của ngôi miếu nhỏ ấy là vị độ mạng, hộ tai và phù trì phát lộc. Nhìn vẻ ngoài, ngôi miếu này cũng giống như những ngôi miếu cô hồn của những người chết oan ức bởi tai nạn. Điều khác biệt duy nhất là ngôi miếu này có linh vị trấn thần: "Miếu ông Ba Tiền". Hầu hết cư dân địa phương đều khẳng định, ông Ba Tiền là liệt sỹ Việt Minh.

Điều lạ là ngôi miếu nhỏ thờ liệt sỹ Việt Minh lại nằm trước một tòa nhà là trụ sở Mật vụ kiêm trại tạm giam của Pháp (thời kháng chiến chống Pháp) và sau đó là trụ sở cảnh sát kiêm trại tạm giam Bửu Long thời Việt Nam Cộng Hòa. Sau năm 1975 cho đến nay, tòa nhà bị bỏ hoang.

Theo tín ngưỡng Nam bộ, những người chết oan khốc ven đường thủy, đường bộ, nếu linh hiển mới được xây miếu. Nhưng hầu hết, người ta chỉ định danh miếu theo hành vi hiển linh chứ hiếm khi lấy đích danh người chết đặt tên miếu.

Người dân địa phương rất kính nể oai linh vị trấn thần ngôi miếu. Không ai dám gọi đích danh mà chỉ gọi là ông Ba hoặc cậu Ba. Người lớn vùng này đều dặn dò con nít, khi đi ngang miếu ông Ba không được đùa giỡn hoặc chọc phá.

Điều lạ là, rất nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra tại miếu. Tuy nhiên không ai bị chết, chỉ trầy xước qua loa. Người ta tin rằng có ông Ba độ trì.

Vì vậy, bao đời nay người dân địa phương thay nhau cúng kiến ngôi miếu hàng ngày. Thỉnh thoảng có người đi xe du lịch mang biển số TP. Hồ Chí Minh cũng ghé vô cúng gói bánh, hộp nhang rồi đi.

Giai thoai kể rằng năm 1947, viên chức Pháp tên Nguyễn Phương H từ Biên Hòa đến đồn mật thám Bửu Long trao đổi công việc. Khi đến nơi, ông thấy viên quan ba tên Paren - Chỉ huy 1 đơn vị commando Pháp - đang tức giận, vung gậy ba ton gõ gõ vào nóc ngôi miếu (lúc ấy ngôi miếu cất tạm bằng gỗ tạp) hét: "Tại sao lại thờ Việt Minh chỗ này? Phá bỏ ngay!". Thấy lính cứ lấm lét nhìn nhau, không ai dám ra tay, Paren dùng chân đạp ngôi miếu tanh bành. Bỗng có một "con trốt" (gió xoáy nhỏ) xuất hiện "chạy" lòng vòng quanh ngôi miếu khiến ai cũng nỗi da gà, trừ Paren.

Thấy mọi người sợ hãi, Paren móc súng ngắn bắn mấy phát vào ngôi miếu, nói: “Mày có linh thiêng thật sự thì vặn họng tao đi”. Phá miếu xong, Paren dẫn quân đi càn. Đi được khoảng 1 km thì toán lính gặp 1 một cơn lốc xoáy lớn giật gãy nhánh cổ thụ ven đường. Nhánh cây rơi trúng đầu khiến Paren gãy cổ nằm co giật hoài. Đám lính khiêng Paren trở về bót đặt nằm cạnh nền miếu mới hết co giật rồi chết.

Từ đó, lính lẫn cảnh sát trú đóng trong bót không dám đụng chạm đến ngôi miếu thiêng thờ liệt sỹ Việt Minh nữa. Ngôi miếu tồn tại đến ngày nay.

NỖI NIỀM ÂN HẬN CỦA MỘT CHIẾN SỸ TÌNH BÁO KHÁNG PHÁP

Ông Hai Khanh - Nguyên Trưởng phòng Điện lực Biên Hòa, đã nghỉ hưu là bạn kháng chiến của vị linh thần ngôi miếu.

mieu-ong-ba-tien-003-1638426012.JPG
Chân dung nhân chứng Nguyễn Tấn Khanh, tức Hai Khanh

Ông Hai Khanh có tên khai sinh là Nguyễn Tấn Nhất, sinh năm 1927 tại làng Bửu Long (tức phường Bửu Long ngày nay). Thuở đó, ông Hai Khanh là trinh sát Tình báo còn ông Ba Tiền, tức vị linh thần là chiến sỹ Quốc gia Tự vệ Cuộc thuộc Ban Công an của Ủy ban Kháng chiến Hành chánh làng Bửu Long.

Ông Hai Khanh tham gia kháng chiến giai đoạn Cách mạng tháng Tám trong lực lượng Tự vệ Đoàn Hồ Hòa tại làng Bửu Long. Nhờ có trình độ văn hóa, Hai Khanh được ông Bùi Trọng Nghĩa - Trưởng Ban Đặc tình - tuyển dụng vào ban Trinh sát Tình báo. Ông được đưa vào mật khu Bình Mỹ - Chiến khu Đ đào tạo nghiệp vụ công tác mật Công an. Từ tên khai sinh Nguyễn Tấn Nhứt, ông được đổi thành tên Nguyễn Tấn Khanh, bí danh Trường Chiến.

Kết thúc khóa huấn luyện, ông Khanh được đưa về làm Thư ký Ban Tình báo Châu Thành (Biên Hòa). Nhờ có 1 cô bạn học đang làm thư ký trong văn phòng quận Châu Thành của chính quyền thuộc Pháp, ông đã thu thập được nhiều tin tức tình báo quan trọng cho cách mạng.

Song song với những thành tích đáng khen, ông cũng có những thành thích "tuy chiến thắng nhưng bị kỷ luật". Một trong những "thành tích chiến thắng nhưng bị kỷ luật" là vụ "ăn mừng sinh nhật Bác Hồ năm 1946".

Tháng 4/1946, ông nghĩ mình cần phải lập chiến công đặc biệt để làm quà tặng sinh nhật Chủ tịch nước. Nghĩ là làm, ông rủ rê chiến sỹ liên lạc tên Nguyễn Văn Sấm lận 2 trái lựu đoạn OF ra nhà hàng Vidal. Đó là một nhà hàng nằm trong vùng kiểm soát sân bay Biên Hòa được canh gác nghiêm ngặt nên các sỹ quan Pháp chọn làm nơi ăn nhậu bù khú. Ông phân công Sấm đứng bên ngoài quan sát và bảo vệ rồi đi thẳng vào nhà hàng ném lựu đạn. Khi địch chưa kịp hoàn hồn, cả hai đã cao chạy xa bay về căn cứ Tân Phong. Vụ tấn công khiến 2 sỹ quan Pháp chết và nhiều tên khác bị thương. Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Châu Thành gởi giấy khen nhưng lãnh đạo Ban kiểm điểm vì ông hành động mà không thông qua kế hoạch với cấp lãnh đạo trực tiếp.

Ông bồi hồi nhớ lại quá khứ: "Lúc đó tôi mới 19 tuổi. Lòng yêu nước và máu phiêu lưu mạo hiểm lấn át mọi thứ. Tôi chỉ nghĩ, kỷ luật cũng chấp nhận miễn đánh được Pháp. Tôi cho rằng, đánh Pháp phải táo bạo mới mau giành lại độc lập cho Tổ quốc".

mieu-ong-ba-tien-007-1638426498.JPG
Chân dung Thiếu úy Nguyễn Tấn Khanh (năm 1959) thuộc Sư 330

Lần này, ông kéo 1 chiến sỹ tên Mẫn đi trinh sát bót Bửu Long. Khi đi ngang qua một cửa hiệu hớt tóc, thấy một lính Việt gian tên Phước đang ngồi hớt tóc. Khẩu súng trường tự động dựng bên vách. Lúc đó, súng trường tự động là món quí giá đối với lực lượng kháng chiến. Ông phân công chiến sỹ Mẫn đứng bên ngoài cảnh giới rồi đi thẳng vào tiệm hớt tóc chộp khẩu súng chĩa vào đầu tên Phước. Ít phút sau, tên Phước bị trói gô. Ông giải Phước vào căn cứ Tân Ba (Tân Uyên, Bình Dương ngày nay) giao cho lãnh đạo.

Phước khóc lóc van xin tha mạng vì còn nuôi mẹ già. Hắn hứa sẽ hợp tác với quân kháng chiến. Phước chỉ là lính trơn, ta không khai thác được tin tức gì quan trọng. Vì nhân đạo, lãnh đạo tha mạng cho hắn. Điều đó trở thành tai họa.

Vừa trở về thành, tên Việt gian đã đi thẳng vào doanh trại quân Pháp ở Biên Hòa báo cáo. Hai ngày sau quân Pháp huy động 2 tiểu đoàn hỗn hợp bao vây khu vực căn cứ Tân Thành và Tân Ba. Bị đánh úp, quân ta trở tay không kịp, rất nhiều người bị giặc giết hại và bắt sống chặt đầu thả xác trôi sông.

Nhờ thông thạo địa hình ở Biên Hòa nên Hai Khanh nhanh chân đào thoát vào núi vượt đồng đến chùa Một Cột (tại phường Bửu Long) lẩn trốn.

Cùng lúc đó, ông Ba Tiền, tức Huỳnh Văn Tiền là chiến sỹ Quốc gia Tự vệ Cuộc đang trên đường đi công tác gần đến bót Bửu Long thì bị toán giặc đi càn Tân Thành trở về bắt sống.

Ông Hai Khanh nhớ lại: "Anh Ba Tiền sinh năm 1919, quê ở xã Bình Trước, quận Châu Thành, Biên Hòa. Dáng ảnh thấp, nhỏ. Tính tình ảnh hiền lành lắm. Hôm đó, ảnh đi công tác từ căn cứ Tân Thành ra Bửu Long. Khi thấy xe giặc chạy đến, anh không ngờ có mặt tên Phước chỉ điểm nên không bỏ chạy. Nó biết rõ anh Ba Tiền và tôi cùng đơn vị lúc mới gia nhập Quốc gia Tự vệ Cuộc. Phước nghĩ rằng anh Ba Tiền biết rõ nơi tôi trú ẩn".

Phước và đám lính Pháp trói ông Ba Tiền đem về trước bót Bửu Long tra tấn. Ban đầu Phước dụ dỗ ông Ba Tiền chỉ chỗ trú ẩn của Hai Khanh. Ông Ba Tiền lắc đầu. Lính Pháp bắt đầu đánh và tra hỏi về những chiến sỹ cách mạng khác. Ông Ba Tiền cũng lắc đầu. Chúng đánh ông ngất xỉu nhiều lần rồi dùng cây đóng thành 1 chiếc thánh giá rồi treo ông lên đánh tiếp cho đến chết.

Ông Hai Khanh kể tiếp: "Thấy anh ấy đã chết, viên sỹ quan Pháp hô: Couper la corde. Có nghĩa là cắt dây. Nhưng tên lính Việt gian lại nghe thành Couper la tête, tức cắt đầu. Hắn vung mã tấu chặt đầu anh Ba Tiền. Cái chết kiên cường của anh Ba Tiền khiến tôi vừa ân hận vừa căm thù giặc. Nếu tôi không cướp súng, bắt tên Phước thì anh không hy sinh đau thương như thế".

Ông Hai Khanh nhớ lúc đó là tháng 6/1946.

Cái chết oanh liệt của ông Ba Tiền, không chỉ khiến ông Hai Khanh ray rức mà còn khiến những người dân địa phương cảm phục. Vì thương tiếc người chiến sỹ cách mạng kiên trung ngay hôm đó người dân đem 1 bát nhang đến đặt tại nơi ông bị hành hạ đến chết, tức ngay cửa bót.

Thấy chướng mắt, lính trong bót dẹp bát nhang nhiều lần. Điều lạ là, người lính nào dẹp bát nhang hôm trước là hôm sau bị tử trận. Thậm chí có người vừa dẹp bát nhang xong bị vấp ngã sùi bọt mép. Thế là chính những người lính trong bót tự tìm cây đóng 1 ngôi miếu nhỏ đặt trước bót. Và ngôi miếu người chiến sỹ cách mạng hiện diện tại vị trí đó cho đến tận hôm nay.

ĐÁNH PHÁP TỚI CÙNG TRẢ THÙ CHO BA TIỀN

Ân hận, ông Hai Khanh thề với vong linh Ba Tiền không vi phạm nguyên tắc công tác nữa. Ông Hai Khanh còn thề theo kháng chiến tới cùng để đánh Pháp trả thù cho Ba Tiền. Ông đã giữ đúng lời thề đó suốt đời mình.

Giữa năm 1951, Tỉnh đội Thủ Biên được thành lập. Ông Hai Khanh được đưa vào "Đội Tuyên truyền Võ trang Quân Dân Chính Đảng thị xã Biên Hòa". Ông được giao chỉ huy "Biệt đoàn số 3" chuyên trách công tác quân báo địa bàn Biên Hòa gồm các vị trí xung yếu như sân bay, dinh Tỉnh trưởng…

mieu-ong-ba-tien-008-1638426547.JPG
Huy hiệu 65 tuổi Đảng của ông Hai Khanh

Chính ông đã lên kế hoạch tập kích kho xăng dầu sân bay Biên Hòa, tham gia tổ chức nội gián đánh phá trại giam Thủ Đức giải thoát 120 tù chính trị đưa về chiến khu Đ an toàn. Ông cũng là người đưa nội gián vào sân bay để bỏ muối và hột é vào xăng khiến 2 chiếc máy bay của quân địch vừa cất cánh đã cắm mũi nổ tung.

Từ công tác trinh sát tình báo, ông đã phát hiện và bắt sống 1 tên mật vụ Việt gian hóa trang thường dân được địch tung vào chiến khu Đ nắm tin tức.

Ngày 11/11/1947, quân đội Pháp tổ chức buổi tiệc linh đình tại bộ chỉ huy hành quân Biên Hòa - nhà máy BIF (Biên Hoà Industrielle foresitière). Ông Hai Khanh phối hợp với 2 chiến sỹ nội gián của ta làm bồi phòng phục vụ bữa tiệc để trà trộn vào đặt mìn dưới gầm bàn. Giữa lúc bọn sĩ quan Pháp đang chè chén, chúc tụng nhau thì quả mìn phát nổ. Một tên sỹ quan chỉ huy Pháp chết, nhiều tên khác bị thương.

Năm 1954, Hai Khanh tập kết ra Bắc và được mang hàm Thiếu úy, "phiên" vào Sư đoàn 330 (Sư trưởng lúc đó là Đồng Văn Cống). Năm 1960, ông được điều chuyển về làm trưởng phòng tổ chức Khu Gang Thép Thái Nguyên. Khi đất nước thống nhất năm 1975, ông trở về Nam và được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Điện lực thị xã Biên Hòa cho đến khi nghỉ hưu năm 1988.

Kể từ khi về Biên Hòa, ông đã dò hỏi nhiều nơi để tìm thân nhân, con cháu ông Ba Tiền nhưng vô vọng. Có lẽ sau khi ông Ba Tiền hy sinh, lo sợ quân Pháp truy tìm nên gia đình ông di cư đến nơi khác. Hiện nay, dù đã ở tuổi thượng thọ, ông Hai Khanh vẫn đều đặn mỗi tháng đến ngôi miếu thắp nhang cho vong linh người bạn chiến đấu năm xưa./.

Nông Huyền Sơn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/su-that-ve-ngoi-mieu-linh-than-o-nga-ba-cho-buu-long-a19747.html