Triển lãm đề tài văn hóa dân gian trên chất liệu sơn mài lần thứ 2 của họa sỹ trẻ Nguyễn Tiến Ngọc

Từ ngày 2 đến ngày 11/12/2021, taị trụ sở Hội Mỹ thuật Việt Nam tại tầng 2 số 16 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội sẽ diễn ra triển lãm của họa sỹ trẻ Nguyễn Tiến Ngọc với chủ đề NỖI NHỚ.

Chuẩn bị cho lần triển lãm này Nguyễn Tiến Ngọc cũng đã tổ chức thành công 2 cuộc triễn lãm nhóm tranh sơn mài đề tài Văn hóa dân gian chất liệu sơn mài mang tên TÔI LÀ CHÚNG TA tại Trung tâm mỹ thuật đương đại tại 621 Đê La Thành - Đống Đa - Hà Nội vào các ngày 1/1 đến 11/1/2021 và từ 26/6 đến 26/7/2021.

nguyen-tien-ngoc07-1638372687.jpg

Đây là một nỗ lực rất lớn của một họa sỹ trẻ sinh năm 1982 tại Hà Nội có quê gốc tại Hưng Yên. Từ khi tốt nghiệp ĐHMTCN Hà Nội khóa 2006 - 2011 Nguyễn Tiến Ngọc đã chung thủy với dòng tranh sơn mài truyền thống và đề tài văn hóa dân gian, miệt mài sáng tác với nhiều tìm tòi sáng tạo.

nguyen-tien-ngoc03-1638372687.jpg

Người xem sẽ bị cuốn hút trước những hình ảnh ký ức thế kỷ trước của một thời quá vãng chưa phai mờ trong tâm tưởng với những Ngọn đèn khi tỏ, khi mờ, Bình vôi, bát điếu, cơi trầu... những đồ dùng của thế kỷ trước được tái hiện trong tranh của Ngọc như hồn cốt của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ với nếp sống bình dị, coi trọng lễ nghi, tình nghĩa. Và thật nhanh, những tác phẩm đẹp và hay này đã được các nhà sưu tập như Trúc Anh, Nguyễn Thanh Mai, Lê Bích, Hoàng Thu Thủy, Nguyễn Quyết Thắng… để mắt ngay từ khi sáng tác.

nguyen-tien-ngoc01-1638372687.jpg

Sau triển lãm NỖI NHỚ, Ngọc dự định sẽ ra tiếp một bộ tác phẩm mới về Nghi lễ thờ cúng trong phong tục văn hoá dân gian Việt Nam, đề cao triết lý “Sắc tức thị không, không tức thị sắc” của Phật giáo. 

nguyen-tien-ngoc04-1638372687.jpg

Phần 1: Những tác phẩm thể hiện vẻ đẹp văn hóa truyền thống qua nghi lễ thờ cúng thể hiện lòng biết ơn những người có công với làng xã, ý thức giữ gìn luật lệ, lề lối gia phong, ý thức đoàn kết, cố kết cộng đồng với những đối tượng tạo hình như chó đá, các lễ vật như hương, hoa, oản, quả, bánh trưng và các đồ thờ được như: Đèn, bát hương, đĩa, chén nước, lọ hoa hay những vật dụng như cơi trầu, bình vôi, mõ cá... nhuốm màu thời gian, như một bảo tàng về đời sống sinh hoạt và tâm linh đặc trưng của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ đầu thế kỷ trước.

nguyen-tien-ngoc05-1638372687.jpg

Phần 2: Triết lý Phật giáo “Sắc bất thị không, không bất thị sắc”, sự khởi nguồn cũng chính là sự kết thúc, kiếp luân hồi của con người gắn liền với sự vô tận của vũ trụ và thời gian. Con người khi chìm đắm trong vô minh dù có mở to những con mắt thô kệch, vô hồn cũng ko thể tìm thấy hạnh phúc, giống như những con cá bơi lội ko ngừng với đôi mắt ko chớp bao giờ. Đề cao tính Chân, Thiện, Mỹ khi dùng Triết lý Phật giáo để làm cảm hứng cho các sáng tác của mình, như một thứ ánh sáng xuyên suốt các tác phẩm.

nguyen-tien-ngoc06-1638372688.jpg

Triển lãm lần này ta bắt gặp một Nguyễn Tiến Ngọc không chỉ ca ngợi vẻ đẹp trong nghi thức hành lễ trong văn hoá thờ cúng của người Việt mà còn là một người có sự am hiểu và cảm nhận sâu sắc về Đạo Phật thông qua thủ pháp đồng hiện vô thức, ngôn ngữ tạo hình dung dị, phóng khoáng, tự do hoà quyện với chất liệu Sơn mài công phu đã có sự biến đổi theo thời gian, tạo sự rung động cho người thưởng lãm.

nguyen-tien-ngoc10-1638372687.jpg

Lao động sáng tạo của một họa sỹ tự do như Nguyễn Tiến Ngọc đã cho thấy vẻ đẹp của năng lực, trí tuệ và sức sáng tạo không ngừng để mang tới cho người xem những giây phút thăng hoa, niềm vui, hạnh phúc khi được chiêm ngưỡng cái đẹp bền vững của nghệ thuật truyền thống.  

nguyen-tien-ngoc02-1638372687.jpg

Những ngày giãn cách trong đại dịch đã cho Nguyễn Tiến Ngọc có thêm nhiều động lực trong lao động sáng tạo nghệ thuật để tạo ra một dòng tranh quý kén người thưởng thức.

Chúc Ngọc thành công trong triển lãm và phát triển trong sự nghiệp./.

 Hồ Thuần Mẫn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/trien-lam-de-tai-van-hoa-dan-gian-tren-chat-lieu-son-mai-lan-thu-2-cua-hoa-sy-tre-nguyen-tien-ngoc-a19742.html