“Xù mốc” thế hệ vàng của người Việt tại Cộng hòa Séc

Cộng đồng người Việt tại nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Với những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đến nay, có một số lượng không nhỏ người Việt hiện đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài (khoảng 5,3 triệu người).

Với nhiều mục đích, hoàn cảnh khác nhau trên từng vùng lãnh thổ, người Việt vẫn đang cố gắng hòa nhập, giao lưu học hỏi và phát triển, đồng thời vẫn hướng trái tim về Tổ quốc.

nguoi-viet-o-sec-1637490038-1638147337.jpg

Đặc biệt, một trong những cộng đồng Việt tiêu biểu có lịch sử hình thành sớm và phát triển nhất chính là tại Cộng hòa Séc. Trước đây, CH Séc chính là Tiệp Khắc cũ (TK), là tập hợp của CH Séc và Slovakia vào năm 1918 đến năm 1992. Trong giai đoạn này, Tiệp Khắc là một phần của hệ thống XHCN từ châu Âu đến châu Á. Ngày 1 tháng 1 năm 1993, Tiệp Khắc phân chia trong hòa bình thành Cộng hòa Séc và Slovakia, sau khi hệ thống XHCN bị xoá bỏ và Liên Xô sụp đổ.

Về lịch sử hình thành của người Việt Nam trên đất Tiệp, theo như tìm hiểu của tác giả, những người đầu tiên đặt chân tại đây là vào năm 1948 khi bà Thái Thị Liên cùng chồng là Trần Ngọc Danh và sinh con người Việt đầu tiên tại Tiệp Khắc là bà Trần Thu Hà… và 3 người khác nữa sang TK. Khoảng thời gian sau 1950 có ông Lương Văn Tích, năm 1952 có 4 – 5 người được Nhà nước tuyển cử sang học tập, thực tập (Dương Tất Từ, họa sỹ Diệp Minh Châu...) Từ 1956 - 1957 nhà nước cử đoàn khoảng 100 người (con em liệt sỹ, gia đình cách mạng) sang học tập tại Chrastava, tỉnh Liberec. Tiếp nối những người đi trước, từ những năm 1960 các đoàn học sinh trung học và đại học tiếp tục được cử sang TK. Những nhóm học sinh, sinh viên này sang TK theo chính sách trao đổi giao lưu giữa các nước XHCN. Họ là những trí thức tiêu biểu, được học hành bài bản, từ ngôn ngữ đến phong tục tập quán của TK trước khi sang... Vì vậy, họ dễ dàng có thể hòa nhập với cuộc sống mới, nề nếp, quy củ, thấm đậm quan điểm coi buôn bán là xấu, họ không quan tâm làm giàu, họ học tập và làm việc hết mình để cống hiến cho mục tiêu chung. Đây chính là những hạt giống được nhà nước chọn lọc, nhiều người sau này nắm giữ các vị trí công tác quan trọng trong bộ máy nhà nước, cũng như có vai trò trong quan hệ giữa hai đất nước...

Tác giả đã có dịp gặp gỡ, trò chuyện với những người Việt từng là HS, SV, làm việc trong giai đoạn này. Khi được hỏi về những kỷ niệm trước đây, các chú, các bác đều bồi hồi nhớ lại và chia sẻ về một thời "mãi không quên" ấy. Vào thời gian đó, những người Việt được cử sang TK đều chỉ tập trung vào học tập với kỷ luật vô cùng nghiêm ngặt như không buôn bán, xem phim tư bản, đi khỏi thành phố qua đêm đều phải từ 2 -3 người trở lên… Chỉ được đi lao động thêm sau kỳ thi và có giới hạn thời gian… Môi trường sinh hoạt hạn hẹp, ăn tiêu với số học bổng sinh viên 800,-Kc/tháng, nghiên cứu sinh 1.200,-Kc/tháng, học nghề, thực tập sinh 900,-Kc/tháng… ngoài chi tiêu vặt và mua sắm một chút đồ dùng sau ngày khi về nước. Tuy vậy cho tới 1975 HS, SV hàng tháng vẫn đóng vào quỹ xây dựng tổ quốc 150 – 200,-Kc nộp lên sứ quán...

Mãi về sau, do khó khăn từ quê hương, họ đã nhen nhúm các hình thức buôn bán để có thể trang trải tốt hơn cho cuộc sống. Từ 1980 – 1989, theo các hiệp định hợp tác lao động, do ảnh hưởng của cuộc sống quê nhà quá khó khăn nên họ đã có mong muốn làm giàu, ngoài giờ học, giờ làm theo quy định, phần lớn đi lấy hàng về bán lại... Sau tan ca, hay những ngày nghỉ, nhiều người còn tranh thủ đóng các kiện hàng gửi về Việt Nam đủ thứ như săm lốp, xích líp, các loại đồ dùng thiết yếu làm quà cho người thân... bởi lẽ đó có câu hài hước: Vietnamec, Vietnamci hai thằng tranh chấp magi xì dầu...

Theo như chia sẻ, người Việt lúc đó rất được ngưỡng mộ, tuy thiếu thốn phương tiện nhưng với sức sáng tạo, họ đã sử dụng thuốc tím, axit chanh... để tạo màu cho quần bò, áo phông... và các sản phẩm thời trang khác. Được biết rằng, những người Việt thời kỳ này làm việc rất thuận lợi, họ nhanh nhẹn, nắm bắt thời cuộc và vượt qua được thời kỳ chuyển đổi sau cách mạng Nhung và trở nên giàu có. Khi đó, nhiều người đã rất nhanh nhạy đi kiếm các loại đồng hồ Myoko, Citizen,... son môi, áo len, băng cat-sét, khăn voan, dây chuyền vàng... đến từ Ba Lan, Nam Tư... hàng hóa mua từ Tuzex (cửa hàng giao tế). Cùng lúc đó, với bàn tay khéo léo và chăm chỉ, một số người Việt đã có ý tưởng mua các máy khâu cũ của người Tiệp, tự gia công hàng may mặc, thời trang, chủ yếu là vải bò, sau đó bán lại cho dân bản địa, rất thuận lợi và kiếm lời khá tốt. Những người Việt khi ấy nhờ buôn bán có tiền, lại không gửi về được (bị hạn chế khi đóng hàng và hoàn cảnh bấy giờ) nên họ có thể tiêu xài thoải mái, vậy mới có câu người ta vẫn thường tếu nhau: Giầu đi Đức, trí thức đi Nga, xa hoa đi Tiệp (cũng có người nói: ba hoa đi Tiệp).

Khi nhắc đến thế hệ của những lão làng trong cộng đồng người Việt tại CH Séc, người ta gọi với cái tên đặc biệt "Xù Mốc". Tác giả đã tìm hiểu qua rất nhiều người và cảm thấy thú vị về tên gọi đặc biệt ấy, khi có nhiều cách hiểu và mang tính đặc trưng của người Việt. Để hiểu được tại sao các bô lão lại được gọi là Xù mốc thì cần làm rõ riêng hai từ Xù và Mốc. Từ “Xù”, theo cách hiểu phổ biến và dễ hiểu nhất là phiên âm theo ngôn ngữ bản địa, trong tiếng Séc: Người Việt Nam = Vienamec, sang cách chia 2 - 4 người Việt = Vietnamci, còn nếu muốn gọi cộng đồng người Việt số nhiều = Vietnamců, đọc là Việt Nam xù. Có thể khi ra đường để tránh dùng từ người Việt (tự ty, sợ Tây họ biết là người Việt hay nhìn mình) nên nói gọn lại là Xù. Ngoài ra còn có cách hiểu khác, trước đây, người Việt Nam tại đây học theo phong cách thanh niên Tiệp bấy giờ khá ưa chuộng mốt quần loe, tóc dài, tuy nhiên đặc điểm tóc người Việt cứng nên khi để dài bị xù lên trông rất đặc trưng, nên có câu hát phổ biến lúc bấy giờ: "Ai đứng như bóng xù, tóc dài trông ghê quá...” về sau gọi là Xù cho dễ... Từ Mốc cũng có nhiều cách hiểu khác nhau, có người cho rằng, để phân biệt những người Xù sống lâu năm ở đây đến mốc meo với các Xù tươi mới sang,... Tuy nhiên, có người hiểu tiêu cực, Mốc chỉ người Việt sống ở đây khá tằn tiện, vì cuộc sống mưu sinh mải làm ăn nên không để ý hình thức, lúc nào cũng lôi thôi, đầu bù tóc rối, người không thơm tho nên bị gán từ “mốc”...

Sau cách mạng Nhung 1989 và những năm chuyển đổi đất nước, thể chế mới, tình hình trở nên phức tạp và khó kiểm soát. Thời gian đó, người Việt trở nên vô cùng khó khăn, thậm chí bị những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan đánh đập, bài xích... Vì lẽ đó, không ít người Việt đã chuyển sang nước khác để sống như Đức, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Anh, Áo, Ba Lan, Hungary,... hoặc lựa chọn về nước. Còn lại, những xù mốc đã lựa chọn ở lại Séc để sinh sống và làm việc, tiếp tục là cầu nối giữa hai dân tộc. Họ - những người con đất Việt đã coi nơi đây như quê hương thứ hai của mình, mảnh đất này đã khiến họ gắn bó, đã trở nên thân thuộc và không nỡ rời xa. Một phần, khi xa quê hương đất nước, xa người thân tại Việt Nam yêu dấu, lòng những người xù vẫn luôn đau đáu, tuy nhiên trong buổi đất nước còn nhiều khó khăn ấy họ vẫn cố gắng bươn trải làm việc giúp đỡ người thân nơi quê nhà và mong muốn cuộc sống khấm khá hơn.

Do nhu cầu trong cộng đồng, người Việt đã cùng nhau xây dựng các khu buôn bán ở Cheb, As (Chợ Dragon), Ostrava, Brno, Teplice, Rozvadov, Plzen…, điển hình là chợ SaPa, được đặt tên là Trung tâm thương mại Sapa với vốn 100% của người Việt Nam. Sapa chính là nơi giao thương chính của người Việt, ở đó có tất cả những gì họ cần, từ ẩm thực tới đồ dùng sinh hoạt, đến nơi thỏa mãn vấn đề tâm linh tín ngưỡng khi cộng đồng đã cho xây dựng chùa Vĩnh Nghiêm... Nơi đây giống như Việt Nam thu nhỏ giữa CH Séc nói riêng và toàn Châu Âu nói chung. Không chỉ vậy, chợ còn là nơi giao lưu văn hóa lớn, đậm nét bản sắc dân tộc và được dân bản địa cũng như Nhà nước Séc quan tâm...

Trái ngược với đa phần những điều tích tực, đóng góp xây dựng cho hình ảnh cộng đồng Việt ưu tú và tự hào... Trong khi đó, một số người do bất cần lao, muốn kiếm lợi nhuận nhanh đã vi phạm pháp luật Séc, buôn lậu, bán ma túy, trồng cần sa, đưa người vượt biên, tổ chức các băng nhóm tội phạm phần nào làm ảnh hưởng đến uy tín người Việt. Với sự chung sức của cộng đồng, đại sứ quán, phối hợp với chính quyền sở tại, tình trạng này đã lắng xuống.

Xù mốc, thế hệ vàng ấy như những cánh chim đầu đàn tại CH Séc, họ có rất nhiều đóng góp trong sự hình thành, phát triển của cộng đồng người Việt Nam tại đây. Với những gì họ làm được đã để lại ấn tượng sâu sắc tốt đẹp cho người dân và chính phủ sở tại. Vào năm 2013, CH Séc đã chính thức công nhận người Séc gốc Việt tại CH Séc là một dân tộc thiểu số, có đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ giống như người dân bản địa. Điều đó thật đáng tự hào và hiếm một đất nước nào khác lại quý mến và có những đặc quyền lớn đến như vậy dành cho cộng đồng người Việt Nam. Đây chính là sự tri ân, tạo ra những nguồn lợi, động lực để cộng đồng tiếp tục phát triển. Hiện nay, cuộc sống của những Xù mốc đã ổn định, họ đã dành hơn nửa đời người gắn bó với mảnh đất này. Những người xù ấy đã lập nghiệp, kết hôn với nhau (cả với người bản địa) và sinh con tại đây. Những thế hệ tiếp theo chính là con, là cháu của họ, những người xù non sau này đã tiếp thu thành quả của cha ông và rồi tiếp tục phát triển hơn nữa (thế hệ 3 - trẻ chuối). Một niềm tự hào rằng nhiều người Việt đã thành công tại đây làm các công việc trong ngành y tế, lực lượng công an, quân đội, giáo dục, thể thao, người mẫu, diễn viên, văn hóa, nghệ thuật... làm rạng danh người Việt tại nước ngoài, thật đáng trân trọng.

Có thể nói, Việt Nam ta là dân tộc mạnh mẽ, có sự đoàn kết và dù đi đâu cũng luôn mang hồn đậm chất Việt. Mặc dù ở nơi đất khách, chắc chắn có muôn vàn khó khăn, nhưng với tính cộng đồng, cộng cảm, sự chịu thương, chịu khó và sự nhạy bén những người xù vẫn luôn dìu dắt, đùm bọc nhau “vượt qua bão tuyết” để trở thành cộng đồng người Việt lớn mạnh... Mà ở đó, những xù mốc, tác giả xin gửi những lời tri ân sâu sắc nhất, lời cảm ơn chân thành khi đã có công lao rất to lớn trong việc xây dựng hình ảnh người Việt Nam tốt đẹp, thành công. Đồng thời, mối hữu nghị giữa đất nước và CH Séc trở nên gắn bó, làm nền tảng cho những người đi sau “xù tươi” có cơ hội sinh sống, làm việc một cách thuận lợi và phát triển./.

Nguyễn Thắng

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/xu-moc-the-he-vang-cua-nguoi-viet-tai-cong-hoa-sec-a19704.html