Dừng chân bên quán võng dưới chân núi Bà Đội Om, tôi được người dân địa phương “tư vấn” nhiệt tình. Anh Trung, chủ quán nước, xởi lởi: “Muốn leo núi thì đi buổi sáng sớm, lúc trời mát sẽ đỡ mệt hơn. Đường lên núi hơi khó đi nhưng không xa lắm. Nếu đi bộ thì mất khoảng 1 giờ. Trên đó có nhiều điểm hành hương, anh muốn ghé thăm nơi nào cũng được. Nhớ mang theo chai nước uống vì trên đó ít nhà cửa, chùa chiền”.
Tảng đá có hình thù Bà Đội Om
Theo lời anh chủ quán, tôi men theo lối mòn lẫn khuất dưới những tán xoài xanh mát để lên núi. Do thích nghi tốt với vùng đất núi nên nơi này đã biến thành “giang sơn” của cây xoài. Quả đúng như lời anh Trung, mới đi được chừng 15 phút, tôi đã cảm thấy rất mệt, mồ hôi vã ra như tắm. Càng lên cao, âm thanh của cuộc sống cứ lùi dần phía sau lưng. Tiếng bước chân lạo xạo của tôi trên lá cây có lẽ là âm thanh duy nhất lúc này. Không gian tĩnh lặng đến lạ.
Cảnh vật trên núi Bà Đội Om còn rất hoang sơ. Những điểm hành hương cũng ít hơn và thưa vắng người ở. Quan sát kỹ mới thấy những mũi tên chỉ đường được vẽ bằng nước sơn trên đá. Nào là điện Chư Thần, điện Tổ Cô, lối lên sân tiên, rồi lối lên đỉnh núi… Thỉnh thoảng, tôi bắt gặp những ngôi nhà dựng tạm của người dân. Qua trao đổi, được biết họ lên núi cất nhà để “lánh đời”, tìm sự tĩnh lặng trong tâm hồn. Ông Trần Văn Linh, đã lên núi ở được vài năm, chia sẻ: “Đời sống trên núi Bà Đội Om còn nhiều khó khăn, nhất là nguồn nước. Chỉ những tháng mùa mưa, chúng tôi mới có được nguồn nước sử dụng. Dân trên núi phải đào hồ để trữ nước, nếu muốn định cư lâu dài”.
Người dân đến cúng bái trên đỉnh núi
Tuy không nổi tiếng như núi Cấm nhưng khách hành hương vẫn muốn chinh phục đỉnh Bà Đội Om. Theo người dân địa phương, núi có tên Bà Đội Om là do trên đỉnh có một tảng đá lớn với hình hài tương tự phần đầu của một người phụ nữ đội cái om (vật dụng dùng để chứa nước, muối, gạo của người Khmer). Hình thù đặc biệt này đã làm phát sinh huyền thoại về người phụ nữ Khmer chung thủy đội gạo lên núi trông chồng, rồi hóa đá như một “hòn vọng phu” của vùng Bảy Núi. Trong thời kỳ chiến tranh, bom đạn đã làm rơi mất chiếc om. Nay chỉ còn lại tảng đá hình đầu người còn vững chãi với thời gian như ghi dấu cho một huyền thoại đẹp về lòng chung thủy.
Người dân và khách hành hương rất sùng bái tảng đá này. Họ trân trọng gọi là “mẹ nội tổ” và lên đây hương khói quanh năm. Bà Nguyễn Thị Thắm (người dân xã Cần Đăng, Châu Thành) lặn lội tìm lên đỉnh núi, chỉ với một mong ước được nhìn thấy “cận cảnh” hình tượng Bà Đội Om. “Tôi đi hành hương núi Cấm đã nhiều lần. Bây giờ muốn lên núi Bà Đội Om cho biết và cũng để cầu nguyện cho gia đình, bản thân và mọi người được bình an, hạnh phúc”.
Đứng trên đỉnh Bà Đội Om đón nhận những cơn gió lồng lộng thổi liên hồi, những mệt nhọc của quãng đường lên núi dường như tan biến. Phóng tầm mắt nhìn ra xa, đồng bằng bên dưới loang lỗ 2 gam màu xanh, xám của ruộng lúa còn non và những mảnh đất chưa vào mùa gieo hạt. Không gian khoáng đãng dễ khiến lòng người lắng lại. Đỉnh Bà Đội Om tuy không quá hùng vĩ nhưng cũng cho lữ khách những trải nghiệm thú vị về một chuyến đi.
Núi Bà Đội Om cao 251m, nằm trải dài trên địa bàn xã Tân Lợi và An Hảo (Tịnh Biên). Hiện nay, có 2 đường lên đỉnh núi, gồm: Đường phía Tây dài khoảng 4km nối ra Tỉnh lộ 948 khá dễ đi, còn đường phía Đông qua chùa Láng Cháy tuy chỉ 2km nhưng khá hiểm trở. Trên núi có nhiều hang động, lò ảng và nhiều điểm thờ cúng do người dân lập nên, như: Điện Ngọc Đế, điện Kim Quy, điện Chư Thần...
Theo Tin tức Miền Tây