Giải mã khu mộ bị vua Gia Long trừng phạt ở Tiền Giang (Kỳ cuối)

Từ những cứ liệu đó cho thấy, chuyện mộ vợ chồng ông Tang bị xiềng xích là có thật nhưng không phải vì tội "lạm dụng hoàng phục". Ngôi mộ có bị xiềng nhưng không đến nỗi tạo thành gân lá sen trên bia mộ.

can-canh-num-mo-1637993738.jpg
Cận cảnh núm mộ

Vào thời điểm đó, quân Tây Sơn rất mạnh, còn Nguyễn Phúc Ánh thì bôn ba ở tận nước Xiêm. Nghĩ rằng, chúa Nguyễn không còn cơ hội phục quốc, hai anh em Gương, Sen cười cợt với những người khuyên ngăn bằng câu ca dao: "Khi nào chó đẻ bằng da/ Gia Long phục quốc thì ta rụng đầu".

Vài năm sau, nhà Tây Sơn suy yếu, Nguyễn Phúc Ánh phục quốc, lên ngôi và lấy hiệu là Gia Long. Nhớ ơn ông Tang, nhà vua sai người tìm gia đình ông để đền ơn. Thế nhưng nghe chuyện hai anh em Gương, Sen đã từng miệt thị mình, vua Gia Long nổi giận ban lệnh tru di tam tộc, tịch thu toàn bộ tài sản của dòng họ Lê Phước. Riêng, vợ chồng ông Tang đã qua đời, vua cho lính đánh roi khu mộ, sau đó xiềng xích để đời đời không đầu thai. Chưa hết, vua Gia Long còn cho người trồng hai cây thị bên cạnh khu mộ với hàm ý “khinh thị”, xem thường dòng họ Lê Phước. Ngày nay, hai cây thị đã thành đại cổ thụ vẫn còn sờ sờ cạnh hai ngôi mộ cổ.

Trước truyền thuyết đó, một số nhà nghiên cứu sử học địa phương khẳng định, chuyện hai con trai ông Tang mặc áo vua đi thăm ruộng chỉ là giai thoại dân gian, chứ không đúng với lịch sử.

Căn cứ vào những chữ khắc trên bia mộ còn nhìn thấy, tên hai người con đứng ra lập mộ cha đúng là Lê Phước Tánh và Lê Phước Khỏa. Trên bia mộ còn có ghi dòng chữ "lão tiên sinh", ắt hẳn ông Lê Phước Tang mất khi tuổi đã cao. Phần sứt mẻ trên bia mộ lại trùng vào chỗ khắc năm sinh, nên không xác định được ông Tang gặp chúa Nguyễn vào khoảng thời gian nào. Tuy nhiên, căn cứ theo thời gian ông qua đời là tháng 10 năm Kỷ Hợi, tức là năm 1779 dương lịch. Khoảng thời gian đó, Nguyễn Phúc Ánh lúc chưa lên ngôi vua. Có nghĩa là Nguyễn Phúc Ánh chưa có triều phục thì chuyện hai anh em Gương, Sen mặc áo vua đi … thăm ruộng và khâm liệm Lê Phước Tang không thể xảy ra.

han-tu-tren-bia-mo-ong-tang-1637993775.jpg
Hán tự trên bia mộ ông Tang

Theo nhiều tư liệu, thư tịch cổ thì dòng họ Lê Phước vốn là thân tộc bên ngoại của chúa Nguyễn. Điều này chứng tỏ việc Nguyễn Ánh xin tá túc tại nhà ông Tang khi chạy loạn hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng việc gia đình ông Tang bị trị tội thì thiếu cơ sở khoa học.

Năm 1985, một tên trộm quá tin vào những giai thoại đã bí mật đào mộ ông Tang để tìm báu vật. Vì ngôi mộ quá kiên cố nên tên trộm phải cất công đào một căn hầm bên cạnh rồi mở ngách từ bên hông huyệt mộ để đột nhập quan tài. Tuy nhiên, tường huyệt mộ quá dày, tên trộm dùng cuốc chim phá không được nên ra chợ Cai Lậy mượn dụng cụ của một người thợ mộc. Người thợ mộc không cho mượn dụng cụ mà đòi “hợp tác chia phần”.

Cả hai dùng dụng cụ thợ mộc khoét huyệt mộ, phá quan tài. Khi khoét vào quan tài, 2 kẻ trộm không tìm thấy gì quý giá ngoài vài vật dụng cổ như ống ngoái trầu, lược sừng… Gom hết những vật dụng trong quan tài, 2 tên trộm đem về bán mãi không ai mua. Bực tức, gã trộm vừa đi vừa chửi đổng giữa chợ và lọt đến tai các cơ quan chức năng.

Căn cứ vào nhiều tài liệu nghiên cứu của chuyên gia địa phương cho thấy, gia đình Lê Phước bị trị tội là do cậu Gương và cậu Sen có cộng tác với nhà Tây Sơn.

Vào năm 1785, sau chiến thắng trận Rạch Gầm – Xoài Mút, quân Tây Sơn làm chủ được nhiều làng dọc theo sông Ba Rài. Rất có thể hai con trai của ông Tang đã hỗ trợ, cung cấp lương thực cho quân Tây Sơn.

Đến năm Đinh Mùi, tức là năm 1788, quân của Nguyễn Ánh trở lại đánh đuổi quân Tây Sơn và chiếm đóng lại vùng Ba Rài. Nguyễn Ánh rất tức giận khi biết tin con ông Tang từng hỗ trợ Tây Sơn nên ra lệnh tịch thu toàn bộ cánh đồng 125 mẫu đất của dòng họ Lê Phước cấp cho Tiền quân Tôn Thất Hội, nay thuộc khu vực thị trấn Cai Lậy, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (Thống kê địa bạ Minh Mạng năm 1936).

nhung-duong-chi-tren-mo-ong-tang-1637993865.jpg
Những đường chỉ trên mộ ông Tang

Lúc này ông Tang đã qua đời vẫn bị kết tội “dưỡng bất giáo”, vua Gia Long ra lệnh xiềng xích khu mộ để trị tội.

Đến đời vua Tự Đức, cánh đồng 125 mẫu được giao khoán cho một người có tên là Trần Văn Điền (tức Bầu Điền) canh tác. Số lúa thu hoạch hàng năm phải chuyển về Huế.

Hiện nay, gần vàm rạch ông Tang còn có địa danh Bến Kho là nơi từng lưu trữ lúa trước khi vận chuyển ra Huế bằng thuyền. Xa hơn một chút về phía nam có con rạch mang tên Bầu Điền.

Từ năm 1862, ông Bầu Điền không phải giao nộp lúa cho triều Nguyễn nữa nên rất giàu có. Sau này, con cháu ông Bầu Điền cờ bạc, rượu chè nên tài sản dần tiêu tán.

Từ những cứ liệu đó cho thấy, chuyện mộ vợ chồng ông Tang bị xiềng xích là có thật nhưng không phải vì tội "lạm dụng hoàng phục". Ngôi mộ có bị xiềng nhưng không đến nỗi tạo thành gân lá sen trên bia mộ.

toan-canh-khu-mo-1637993908.jpg
Toàn cảnh khu mộ

Những cây thị mọc cạnh mộ do con cháu ông Tang trồng tạo cảnh quan khu lăng mộ chứ không phải do vua Gia Long trồng để "miệt thị" như dân gian truyền tụng. Bởi trong Hán tự, chữ thị và chữ khinh thị có kiểu viết khác nhau, nghĩa cũng khác nhau.

Tuy bị tru di tam tộc nhưng dòng họ Lê Phước vẫn chưa tuyệt tự. Gia tộc này vẫn còn con cháu bàng hệ, sống rải rác ở khắp nơi. Hàng năm, dịp thanh minh, họ vẫn về tảo mộ 2 ông bà.

Do không được trùng tu, khu mộ đang dần xuống cấp, dấu tích người xưa đang dần mai một./.

Hồ Xuân Dung

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/giai-ma-khu-mo-bi-vua-gia-long-trung-phat-o-tien-giang-ky-cuoi-a19686.html