Chuỗi đối thoại Sống với văn hóa dân gian do Trường Đại học (ĐH) Việt Nhật và Liên minh Sáng kiến văn hóa Việt Nam chủ trì mới đây đã cho thấy, sự hiện hữu của văn hóa dân gian (VHDG) trong đời sống đương đại, trong các lĩnh vực của ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) ngày càng rõ nét. Sản phẩm được kết hợp phát triển từ vốn VHDG đã trở thành sản phẩm đương đại rất thành công, tuy nhiên, quá trình này cũng đang gặp nhiều thách thức.
Mô tả bức tranh khá tổng quan về VHDG trong nền CNVH ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu của các giảng viên và sinh viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Việt Nhật (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho thấy, VHDG đã và đang hiện hữu trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống.
Theo TS Trần Thanh Việt, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, trong lĩnh vực Điện ảnh, Phát thanh và Truyền hình, việc khai thác nội dung các truyền thuyết, sử thi, truyện cổ tích, truyện cười dân gian với xu hướng tạo nên các kịch bản xâu chuỗi; hoặc là mượn cốt truyện làm mới nội dung các tác phẩm dân gian, chẳng hạn như chương trình Táo quân, Gặp nhau cuối năm trên truyền hình ngày càng phổ biến. Đặc biệt trong Điện ảnh, những bộ phim như Trạng Tí phiêu lưu ký, Trạng Quỳnh, Tấm Cám chuyện chưa kể,… đã tạo tiếng vang và gây được sự thu hút trong công chúng. Tương tự, những phim như Song lang, Đoạn trường vinh hoa cũng tạo ấn tượng tốt.
Trong lĩnh vực Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, mối quan hệ mật thiết giữa 3 lĩnh vực này với Kiến trúc, Thủ công mỹ nghệ trong việc gắn kết VHDG ngày càng rõ nét. Chẳng hạn việc phục dựng các công trình kiến trúc truyền thống trong các sản phẩm văn hóa đương đại mang dáng dấp tân cổ điển, hoặc có thể các công trình kiến trúc trở thành đề tài cho nhiếp ảnh, mỹ thuật. Một số mẫu hình kiến trúc đình, chùa, nhà thờ đã tái hiện cảnh làng quê văn hóa ở Bắc Bộ, Nam Bộ, việc này không chỉ phục vụ du lịch, mà còn nhằm phục vụ chính niềm đam mê văn hóa truyền thống, khơi dậy trong một bộ phận giới trẻ trong những năm gần đây, đáp ứng được nhu cầu tạo sự hoài niệm tuổi thơ của nhiều người.
Tương tự, lĩnh vực Quảng cáo, Xuất bản,… cũng khai thác rất nhiều yếu tố VHDG như truyện cổ tích, tục ngữ, ca dao để tạo một cái cớ quảng cáo sản phẩm. Thời gian dành cho quảng cáo thông tin sẽ rút ngắn lại mà câu chuyện VHDG lồng ghép trong đó được kéo dài, thu hút người xem… Chính các yếu tố trong văn hóa truyền thống, đã góp phần tạo ra vô vàn ý tưởng để phối kết hợp các lĩnh vực văn hóa văn nghệ truyền thống với nhau, sáng tạo nên bức tranh văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại, đặc biệt là tạo nên doanh thu.
TS Lư Thị Thanh Lê, Trường ĐH Việt Nhật nhận định, xu hướng chính của việc khai thác VHDG trong nền CNVH ở Việt Nam hiện nay, đó là sự bùng nổ xu hướng tái sinh truyền thống. “Thực tế cho thấy trong những năm gần đây, chưa bao giờ truyền thống lại được trân trọng, nâng niu, khai thác và xem như nguồn tài nguyên quý giá như thế, cả ở người Việt cũng như người dân tộc thiểu số. Những người sở hữu truyền thống thì họ thấy như là mình đang sở hữu gia tài, có những cơ hội để khai thác, tái sinh truyền thống mà trước đây đôi khi họ chưa thấy là quan trọng”, TS Lê bày tỏ.
GS.TS Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cũng cho rằng: “Mặc dù hiện nay các chính sách của Nhà nước rất mở, tuy nhiên chế độ dành cho nghệ nhân được công nhận danh hiệu ở nhiều địa phương hầu như chưa có. Bên cạnh đó để biến các giá trị VHDG trở thành sản phẩm đương đại hiện nay, thì đòi hỏi phải có đội ngũ thiết kế, có các nhà sáng tạo, biến những giá trị đó thành sản phẩm, chứ nếu chúng ta chỉ dựa theo truyền thống cũ, hạn chế nhiều về kỹ thuật và mỹ thuật… Văn hóa Việt Nam rất đa dạng, rất dày đặc nhưng làm thế nào để trở thành sản phẩm du lịch thì cần đến những nhà du lịch. Tương tự vậy, cũng cần những nhà thiết kế, nhà âm nhạc, điện ảnh… hiểu biết và khai thác về nó”.
Đánh giá về tài nguyên văn hóa, cụ thể đây là vốn VHDG người Việt trong việc đưa vào khai thác kinh tế, chuyên gia kinh tế PGS.TS Trần Thị Thanh Tú, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Việt Nhật nói rằng cần sự tiếp cận mag tính hệ thống, tức là không chỉ từ những nghệ nhân, là những người rất đam mê và tâm huyết với việc bảo tồn và phát triển vốn VHDG này, mà cần có sự hỗ trợ của các chiến lược bài bản của Chính phủ, sự tham gia của thành phần tư nhân.
“Tôi cho rằng để phát triển ngành CNVH, công nghiệp sáng tạo Việt Nam, thì cần có thêm môi trường giáo dục. Chẳng hạn ngay từ nhỏ các con phải được tiếp cận các sản phẩm như tò he, xem múa rối nước chẳng hạn... Trong giáo dục đại học thì cần kết hợp để đưa chương trình giáo dục khởi nghiệp về văn hóa, các sản phẩm về CNVH tiếp cận góc độ kinh tế chứ không chỉ thuần túy chỉ để bảo tồn”./.
Theo hcmcpv.org.vn
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/xu-huong-tai-sinh-van-hoa-truyen-thong-trong-doi-song-duong-dai-a19680.html