Hồi sinh rừng dừa nước trên sông Kinh ở Quảng Ngãi

Nằm ở hạ lưu sông Trà Khúc, xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) nổi tiếng với rừng dừa nước mênh mông, nơi đây được ví như một tấm lá chắn, hướng ra biển, che chở dải đất liền. Ngày nay, rừng dừa nước là nơi mưu sinh người dân, từ nghề chằm lá dừa, bán trái dừa, chèo ghe do khách tham quan,…

rung-dua-nuoc-1637907389.jpg
Rừng dừa nước Tịnh Khê trên dòng sông Kinh là căn cứ cách mạng. Ảnh: Phú Nhiêu

Rừng xưa còn lại chút này

Xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi) nằm ở hạ lưu sông Trà Khúc, một nhánh nhỏ chạy dọc đổ ra cửa biển Sa Kỳ gọi là sông Kinh. Dọc bên bờ sông phủ xanh rừng dừa nước mênh mông, một đầm lầy rộng lớn đủ các loại tôm, cá nhảy. Từ trong cuộc kháng chiến, nơi đây được xem là căn cứ địa cách mạng.

Ngay từ những năm 1930, người dân rừng dừa Tịnh Khê đã “nương nhờ” khoảnh dừa này để sinh sống, họ bắt cá, nươm cua, lội đầm đi chặt từng lá dừa về chằm lại thành từng tấm lớn lợp mái nhà, mái hiên, chuồng trại. Rồi cũng từ rừng dừa này, trở thành căn cứ cách mạng.

Bà Nguyễn Thị Tía là thương binh (thôn Trường Định, xã Tịnh Khê), kể: “Tôi từng tham gia du kích địa phương, du kích ngày xưa ở dọc rừng dừa nước, nơi đây trở thành căn cứ cách mạng, nhiều lần bị bom đạn nhưng vẫn không thể phá hủy rừng dừa. Chúng tôi lội nước sông Kinh, men theo rừng dừa bám trụ đến ngày giải phóng”.

Từ năm 1954, cán bộ, đảng viên của xã Tịnh Khê được cử ở lại rừng dừa nước làm căn cứ hoạt động, bám vào thôn xóm xây dựng cơ sở cho đến ngày giải phóng hoàn toàn Tịnh Khê.

Căn cứ rừng dừa nước đối với quân và dân ta giống như “Đám lá tối trời” ở ven biển Gò Công của nghĩa quân Trương Định năm xưa. Địa thế rừng dừa nước tương đối hiểm trở, do vậy, dù bị chiếm đóng, du kích xã Tịnh Khê vẫn giữ được xóm Bãi với hơn 500 hộ dân, bám trụ đánh địch liên tục là nhờ rừng dừa nước.

Trong hai cuộc kháng chiến, rừng dừa nước là căn cứ địa vững chắc của lực lượng vũ trang Đông Sơn Tịnh, nơi dừng chân của đại đội 21, tiểu đoàn 48, Tỉnh đội Quảng Ngãi, các đội công tác của xã Nghĩa Phú, Nghĩa An, Nghĩa Dũng... huyện Tư Nghĩa. Tấm bia ghi nhớ được đặt tại đây ghi rõ: “Rừng dừa nước là biểu hiện ý chí kiên cường, bất khuất, niềm tự hào và tính sáng tạo trong nghệ thuật chiến tranh du kích của quân, dân Tịnh Khê và Đông Sơn Tịnh trong lịch sử đấu tranh cách mạng”.

Ngày nay rừng dừa nước không còn rộng như trước kia, một phần vì bom đạn, một phần vì phá rừng dừa làm hồ tôm, nuôi trồng thủy sản, canh tác ruộng đồng nhưng vẫn giữ được diện mạo của vùng đầm lầy sông nước hữu tình.

Mưu sinh rừng dừa nước

Rừng dừa nước Tịnh Khê ngày nay trở thành sinh kế cho bao con người. Xưa lá dùa dùng để lợp nhà, bây giờ lá dừa được các chủ cửa hàng, quán xá đặt làm mái vì lá dừa mát mẻ, nhiều người ưa chuộng. Nhưng nghề chằm lá dừa cũng không còn nhiều người làm bởi lẽ nghề cực quá.

Bà Tía cho biết, lá dừa khi cắt từ dưới rừng dừa lên, phơi 5 - 7 nắng rồi mới tiến hành khâu chằm lá. “Mỗi cây dừa chỉ chọn cắt 1 - 2 lá dừa già, còn giữ lại để lá non phát triển, mọc thêm tàu lá mới dưới gốc dừa. Đó là cách người dân giữ rừng dừa này còn mãi, sinh sôi và phát triển”.

lam-tre-1637907466.jpg
Nghề làm lá dừa nước xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi. Ảnh: Phú Nhiêu 

Ngay từ sáng sớm, bà Tía đã ra lều che bằng lá dừa nước, bắt đầu công việc chằm lá dừa. Cứ mỗi tấm dừa thành phẩm được kết từ 25 đôi lá dừa, giá bán 35.000 - 40.000 đồng/ tấm. Mỗi người có thể chằm được 20 - 30 tấm mỗi ngày, tùy nhu cầu khách hàng, chằm lá dừa thưa hay dày.

Mỗi năm rừng dừa được khai thác 1 - 2 kỳ, từ tháng Giêng đến tháng 2 và từ tháng 6, tháng 7, tháng 8. Việc thu hoạch thường không kéo dài, chỉ tập trung vào thời điểm nắng nóng để lá dừa nhanh phơi khô.

Không chỉ có nghề chằm lá dừa, người dân nơi đây còn mở nghề chèo ghe du khách trên sông Kinh, ông Phạm Minh Tâm cho biết: “Từ ngày nhiều người biết đến rừng dừa nước, các nhiếp ảnh xuống tìm rồi tôi chèo ghe cho họ. Thấy thỉnh thoảng có khách nên tôi dựng tấm bảng làm thêm nghề chèo ghe thăm quan rừng dừa”.

Ông Tâm còn giới thiệu đặc sản rừng dừa nước là trái dừa, mỗi trái trọng lượng 6 - 7kg khi đã già. Bên trong trái dừa có cơm màu trắng, trong, nhiều người các nơi khi đến đây thường mua trái dưa nước về làm thuốc. Vào dịp tết, ông Tâm cùng người dân đến rừng dừa hái trái dừa nước mang về sơn màu vàng son bán cho khách đặt mâm ngũ quả, giá khoảng 120.000 đồng/trái.

rung-dua-nuoc-2-1637907530.jpg
Mưu sinh trên rừng dừa nước. Ảnh: Phú Nhiêu 

Các nghề trên sông như mò cua, bắt ốc, giăng lưới đánh cá đã trở thành sinh kế người dân rừng dừa nước. Đặc sản xìa sông quê ở sông Kinh khá nổi tiếng, xìa thường sống bùn lầy, gốc dừa, thường xuất hiện quanh năm với giá 12.000 đồng/kg xìa, trở thành nghề mưu sinh của những người phụ nữ sông Kinh.

Rừng dừa nước Tịnh Khê trên dòng sông Kinh không chỉ mang lại những giá trị kinh tế, văn hóa, lịch sử mà còn là “lá phổi xanh” điều hòa khí hậu cho Quảng Ngãi. Ngày nay, rừng dừa nước là địa điểm tham quan trải nghiệm chèo ghe trên sông Kinh, tạo nên một bức tranh phong cảnh hữu tình./.

Phú Nhiêu

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/hoi-sinh-rung-dua-nuoc-tren-song-kinh-o-quang-ngai-a19679.html