Những bức tượng lạ trong ngôi cổ tự và cặp đại thụ củ chi linh thiêng (Kỳ cuối)

Trước năm 1975, trong thời gian sư Bửu Châu trụ trì, ngôi chùa trở thành một trạm giao liên của quân ta. Rất nhiều căn hầm bí mật được đào trong khắp vườn cây của chùa để quân ta về trú ẩn.

chua-phuoc-dinh-37-1637901052.JPG
Tượng Phật đa thủ mang nét Amaraviti

Ngôi chùa Bàu Đưng nằm cô tịch ở giữa và chéo góc 2 gốc đại thụ tạo thành hình tam giác cân. Không gian tĩnh lặng giữa khu vườn cây rộng lớn khiến ngôi chùa có vẻ thâm trầm huyền bí.

Ông giám tự Phước đưa chúng tôi vào viếng ngôi chánh điện chùa.

Mái ngói không chạm rồng, lân, qui, phụng như những mái chùa thường thấy nên ngôi chùa Bàu Đưng mang dáng dấp một ngôi nhà cấp 4 bình thường.  Khi bước vào ngôi chánh điện, chúng tôi ngạc nhiên khi nhận ra giữa những pho tượng đức Phật Thích Ca có những pho tượng mang dung diện lạ. Dung diện những pho tượng này trông giống những bức tượng Phật cổ Amaraviti (nhân trung dài, môi dầy).

Năm 1942, học giả Đào Duy Anh dùng máy bay chụp không ảnh và phát hiện ngôi thành cổ Hóa Châu ở Đà Nẵng đã bị mất tích giữa rừng sâu mà sách "Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán Triều Nguyễn" có để cập tới. Từ phát hiện đầu tiên của học giả Đào Duy Anh, các nhà khoa học đã tìm được di chỉ ngôi thành cổ này. Khi khai quật di chỉ, các nhà khoa học tìm được nhiều hiện vật quý, trong đó có bức tượng đức Phật Thích Ca cổ. Lần theo dấu lịch sử, các nhà khoa học phát hiện rằng, từ thế kỷ thứ VII, Phật giáo đã lan sang vùng đất giáp biển Đông ảnh hưởng mạnh đến văn hóa Champa. Những tượng Phật thuở đó đều mang nét điêu khắc Amaraviti (một vùng của Ấn Độ). Hiện nay, bức tượng đức Phật mang nét điêu khắc Amaraviti vẫn còn được lưu giữ tại chùa Thành Chung (Quảng Nam).

Ngoài ra, các nhà khoa học còn tìm thấy một số pho tượng đức Phật có cùng nét dung diện Amaraviti ở các chùa cổ thuộc vùng Đông Nam Á ở chùa Ko Rạt (Thái Lan), tượng Phật Jember ở Java (Indonesia), tượng Phật Angkor Borei (Campuchia), tượng Phật ở đền Phou Kao (Champasak, Lào)…. Xét từ một góc nào đó, tượng Phật mang nét Amaraviti là nét tín ngưỡng Phật đặc biệt pha trộn giữa văn hóa tín ngưỡng Phật giáo Ấn Độ với Phật giáo Champa.

Điểm khác biệt là tượng Phật thành cổ Hóa Châu chạm bằng chất liệu đá, còn tượng Phật ở chùa Bàu Đưng chạm bằng chất liệu gỗ.

Ông Phước cho biết, đó là những pho tượng có từ thuở lập chùa Bàu Đưng.

Được biết, cách chùa Bàu Đưng khoảng 4 cây số về hướng Bắc có một khu vực di chỉ nền văn hóa Óc Eo đã được các nhà khảo cổ học khai quật cách nay hơn 20 năm. Liệu những pho tượng Phật cổ trong chùa Bàu Đưng và di chỉ Óc Eo có mối liên hệ tiềm ẩn nào mà các nhà khoa học chưa khám phá? Hy vọng qua bài viết này, các nhà khoa học lịch sử lưu tâm nghiên cứu truy nguồn để đưa những pho tượng Phật cổ trong ngôi chùa Bàu Đưng vào đúng vị trí lịch sử.

chua-phuoc-dinh-4-1637901665.JPG
Ông Phước kể rất nhiều về những hiện tượng lạ quanh cây đa đại thụ này

Căn cứ vào những thư tịch cổ bằng chữ nho mà ông Phước còn lưu giữ thì, cách nay hơn 200 năm, ông Phạm Văn Thậm, tức Tư Thậm (ông cố của ông Phước) mua lại vuông đất 1,3 ha của sư Hai Huệ. Trên vuông đất có sẵn chùa Bàu Đưng bằng tre lá và 2 gốc đại thụ củ chi. Trong chùa có sẵn những bức tượng Phật bằng gỗ. Ngoài ra trên vuông đất còn có một số ngôi mộ đất không bia của những sư trụ trị các đời trước.

Lúc đó, sư Hai Huệ đã hơn 90 tuổi, ẩn tu, không có đệ tử. Khi sư Hai Huệ qua đời, ông Tư Thậm tiếp tục lưu giữ chùa để hương khói ngưỡng vọng Phật. Sau khi ông Tư Thậm qua đời, các đời con cháu tiếp tục làm giám tự chùa nhưng không xuất gia. Dù không có sư nhưng ngôi chùa luôn luôn được nhiều tín đồ đến cúng bái Phật. Vào những năm 1954, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đóng đồn An Định cách đó vài cây số, thường xuyên bắn phá xung quanh chùa nên người dân không dám đến cúng viếng nữa.

Năm 1960, anh ruột ông Phước là Phạm Văn Hồng xuất gia quy y Phật đi tu học với pháp danh là Thích Bửu Châu. Học xong, sư Bửu Châu về trụ trì chùa cho đến năm 2000 thì qua đời.

Sau khi sư Bửu Châu qua đời, ông Phước tiếp tục làm giám tự.

Trước năm 1975, trong thời gian sư Bửu Châu trụ trì, ngôi chùa trở thành một trạm giao liên của quân ta. Rất nhiều căn hầm bí mật được đào trong khắp vườn cây của chùa để quân ta về trú ẩn.

Tại khu vực nghĩa địa của chùa vẫn còn nhiều nấm mộ của những người dân tham gia kháng chiến chống Mỹ. Trong đó có đôi mộ của vợ chồng ông Hiểu, bà Bình là cán bộ du kích xã. Năm 1968, Mỹ cho hàng chục chiếc xe tăng càn vào chùa để tìm hầm bí mật. Bà Bình, khi đó 35 tuổi đã một mình chạy ra ngoài để đánh lạc hướng xe tăng địch. Bà hy sinh nhưng cứu sống được toàn bộ đồng đội. 4 năm sau, cũng tại vuông đất của chùa, chồng bà là ông Hiếu cùng 4 người khác trú ẩn dưới 1 căn hầm bị địch phát hiện. Chiêu dụ mãi, không ai đầu hàng, địch ném lựu đạn xuống hầm, cả 5 người đều hy sinh.

chua-phuoc-dinh-41-1637901727.JPG
Những pho tượng Phật có nhân trung dày và cao khác lạ

Vào năm 1972, Trung đoàn 271 Anh hùng đã về khu vực này mở cánh cửa quân viện từ biên giới Tây Nam để đánh địch. Ngôi chùa Bàu Đưng trở thành trạm cứu thương của Trung đoàn. Biết được điều này, quân đội Việt Nam Cộng Hòa điều động quân ở Sư đoàn 25 kết hợp cùng địa phương quân Hậu Nghĩa tổ chức nhiều đợt tấn công vào đây. Khắp mặt đất chùa, nơi nào cũng in dấu máu anh dũng của bộ đội Trung đoàn 271 và dân quân địa phương.

Chỉ riêng thành tích chống Mỹ, ngôi chùa Bàu Đưng xứng đáng được dựng bia tưởng niệm.

Chỉ riêng nét cổ trên những pho tượng Phật, ngôi chùa xứng đáng được các nhà khoa học nghiên cứu, xác định và lưu giữ bảo tồn.

Chỉ riêng độ tuổi và độ lớn, cặp đại thụ củ chi xứng đáng được bảo quản./.

Nông Huyền Sơn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nhung-buc-tuong-la-trong-ngoi-co-tu-va-cap-dai-thu-cu-chi-linh-thieng-ky-cuoi-a19674.html