Xây dựng TP. Bạc Liêu trở thành trung tâm du lịch của vùng

TP. Bạc Liêu sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ và hướng đến chuyên nghiệp, tăng cường liên kết, hợp tác trong và ngoài vùng để tạo thương hiệu du lịch Bạc Liêu cũng như khả năng cạnh tranh nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.

2211xaydungtpbaclieutrothanhtrungtamdulichcuavung1-1637552396173-1637552396455969787513-1637641117.jpg
Khu du lịch Nhà Mát là một trong 9 điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL tại Bạc Liêu. Ảnh: H.T

Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện Nghị quyết 02 của Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu (khóa XVI) “về xây dựng TP. Bạc Liêu trở thành đô thị loại I, theo hướng văn minh và từng bước hiện đại” được BCH Đảng bộ TP. Bạc Liêu (khóa XII) cụ thể hóa là tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch, đưa thành phố trở thành trung tâm du lịch của tỉnh và góp phần xây dựng Bạc Liêu thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước.

Điểm đến an toàn và thân thiện

Để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ trên, TP. Bạc Liêu đã và đang tập trung xây dựng trở thành “điểm đến an toàn và thân thiện”, nhằm tạo sự hấp dẫn cho du khách và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng theo tinh thần Nghị quyết số 11 của BCH Đảng bộ tỉnh (khóa XV) về “Tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Đồng thời, xây dựng thành phố trở thành đô thị du lịch và trở thành trung tâm điều tiết, kết nối, tạo động lực phát triển du lịch của toàn tỉnh, góp phần tích cực trong xây dựng Bạc Liêu thành một trong những trung tâm du lịch của khu vực ĐBSCL.

Với quyết tâm ấy, TP. Bạc Liêu sẽ đẩy mạnh mời gọi và thu hút đầu tư để huy động nhiều nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng du lịch và tăng cường phối hợp với các sở, ngành tỉnh tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án du lịch trọng điểm như: Khu du lịch tổng hợp Nhà Mát; Điện gió Bạc Liêu; Khu văn hóa đa năng ngoài công lập Công tử Bạc Liêu; Khu bảo tồn kiến trúc và xây dựng tổ hợp thương mại - dịch vụ du lịch - khách sạn, giải trí cao cấp kết hợp với công viên cây xanh, tạo mỹ quan đường phố và hình thành những đường phố đẹp, tuyến đường kiểu mẫu để phục vụ du khách… Trong đó, phấn đấu từ nay đến năm 2025, mỗi năm đạt tối thiểu 3 tuyến đường kiểu mẫu.

Bên cạnh đó, TP. Bạc Liêu sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ và hướng đến chuyên nghiệp, tăng cường liên kết, hợp tác trong và ngoài vùng để tạo thương hiệu du lịch Bạc Liêu cũng như khả năng cạnh tranh nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển các khu du lịch quy mô lớn, hiện đại gắn với phát triển các dự án dịch vụ du lịch, nhất là hệ thống nhà hàng, khách sạn đạt chuẩn 4 - 5 sao, khu mua sắm, giải trí chất lượng cao. Phối hợp với các sở, ngành tỉnh tập trung xây dựng và phát triển khu du lịch tổng hợp Nhà Mát để đảm bảo các tiêu chí đưa vào Danh mục các khu du lịch quốc gia trước năm 2025. Cùng với đó là tích cực tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) lĩnh vực du lịch. Xây dựng trang du lịch điện tử để quảng bá, kết nối và phát huy nền tảng công nghệ thông tin phục vụ phát triển du lịch…

2211xaydungtpbaclieutrothanhtrungtamdulichcuavung2-1637552399843-16375524004771757318763-1637641166.jpg
Biểu diễn Đờn ca tài tử phục vụ du khách tại Khu du lịch sinh thái Hồ Nam trước khi xảy ra dịch COVID-19. Ảnh: K.T

Khai thác thế mạnh văn hóa

Một định hướng quan trọng cho phát triển du lịch của TP. Bạc Liêu từ nay đến năm 2025 là tập trung khai thác, phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Theo đó, tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù gắn với thế mạnh của địa phương như: thương hiệu Công tử Bạc Liêu, sản phẩm du lịch tâm linh, du lịch tham quan điện gió kết hợp với trải nghiệm hệ sinh thái rừng ven biển, du lịch tham quan Quảng trường Hùng Vương, văn hóa dân gian và các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, Hoa…

Song song đó, nhân rộng các hình thức bảo tồn nghệ thuật Đờn ca tài tử, các loại hình nghệ thuật của dân tộc Khmer, Hoa gắn với việc khuyến khích sáng tác mới, biểu diễn, hướng dẫn du khách tại các khu, điểm du lịch. Xây dựng phong cách người Bạc Liêu “hiếu khách, văn minh, lịch thiệp” trong các hoạt động mua bán, giao tiếp để tạo ấn tượng tốt cho du khách.

Ngoài ra, thành phố sẽ xây dựng đề án phát triển du lịch các phường, xã ven biển theo mô hình du lịch sinh thái, homestay. Tổ chức sắp xếp lại hệ thống chợ, đảm bảo hoạt động mua bán an toàn, trật tự, vệ sinh và văn minh đô thị; chỉnh trang các chợ phường, xã, chợ đầu mối và khuyến khích phát triển mạnh hệ thống bán lẻ như: siêu thị mini, cửa hàng tự chọn…, nhất là các điểm chuyên bán mặt hàng lưu niệm, đặc sản của thành phố phục vụ khách du lịch. Tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng và đưa vào hoạt động các dự án trung tâm thương mại. Quan tâm phát triển loại hình kinh tế ban đêm như: nâng cấp Chợ đêm Phường 3, xây dựng một số tuyến phố đi bộ, khu chợ ẩm thực hải sản ven biển…

Với những định hướng và mục tiêu quan trọng trên, hứa hẹn sẽ tạo nên những đột phá cho thành phố phát triển nhanh về du lịch, từng bước trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng và của quốc gia./.

Theo Báo Bạc Liêu

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/xay-dung-tp-bac-lieu-tro-thanh-trung-tam-du-lich-cua-vung-a19638.html