Cảm thức lịch sử trong tiểu thuyết Việt Nam về nông thôn đương đại

Cải cách ruộng đất là một trong những vấn đề cốt lõi được tiểu thuyết Việt Nam viết về nông thôn sau đổi mới chú ý, quan tâm. Nhận thức lại lịch sử không có nghĩa phủ nhận sạch trơn quá khứ, khơi lại thù hằn mà nhằm đánh giá, xem xét lại một cách khách quan, tránh sai lầm có thể xảy ra trong tương lai.

Hiện thực nào cũng có hai mặt tốt xấu, đúng sai. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cải cách ruộng đất được ví như là một cuộc cách mạng vĩ đại trong lịch sử dân tộc (bắt đầu từ những năm 1953, kết thúc vào tháng 7 năm 1956), nó biến ước mơ ngàn đời của tầng lớp nông dân nghèo khổ, nô lệ, tối tăm, không ruộng đất trở thành người làm chủ cuộc đời mới: Người cày có ruộng.

Cải cách ruộng đất không phải đề tài mới. Những thắng lợi to lớn đã được văn xuôi và tiểu thuyết viết về nông thôn trước 1975 phản ánh (Bếp đỏ lửa của Nguyễn Văn Bổng, Truyện anh Lục của Nguyễn Huy Tưởng...). Nhưng đó chỉ mặt tích cực, thắng lợi, còn mặt trái, mặt khuất lấp và sự mất mát lớn lao cả vật chất lẫn tinh thần vẫn còn đọng mãi trong chiều sâu tâm thức tình cảm, tâm lý của mỗi người dân Việt Nam chưa có dịp đề cập tới, vì một thời là “trái cấm bất khả xâm phạm”, mặc dù Đảng đã nhận ra sai lầm và sửa sai (tháng 10-1956). Sau 1986, vấn đề này được tiểu thuyết viết về nông thôn soát xét lại một cách rốt ráo, trở thành tâm điểm nóng bỏng của quá khứ mà bấy lâu nay vẫn âm thầm day dứt trong chính nội tại của đời sống văn học. Trong hành trình tìm về quá khứ, hình ảnh nông thôn Việt Nam trong cơn giông bão cải cách ruộng đất hiện lên chân thực, sinh động.

chua-quan-su-1633011166-1637572366.jpg

Bao đời nay, làng quê Việt Nam vốn thanh bình, yên ả, đoàn kết, yêu thương, đùm bọc nhau, nhưng từ khi phong trào cải cách được triển khai, làng quê “như đứa trẻ đang vui bỗng gặp nạn, không khí ảm đạm, nghi ngờ bao trùm khắp nơi, người nọ nghi ngờ người kia, anh em, vợ chồng, cha con cũng nghi kỵ lẫn nhau. Tối đến gà lên chuồng thì mọi nhà cũng đóng cửa im ỉm, không ai dám sang nhà ai trò chuyện hân hoan như ngày mới giải phóng” [7;tr.14]. Nông dân không còn vai trò chủ nhân tích cực của lịch sử, trở thành đám đông thụ động, bạc nhược, mù quáng và thô bạo. Một đám đông lẫn lộn trắng đen trong cách đấu tố, quy định thành phần giai cấp, xử lý cường hào phản động, tịch thu của cải địa chủ chia cho nông dân.

Đám đông làng Đông (Bến không chồng) rầm rộ, hỗn loạn và trâng tráo. Từ già đến trẻ “kẻ gánh người kiêng, kẻ đội người bê”, trong đó, Vạn –  anh hùng Điện Biên có công lao lớn nhất “được chia ngôi nhà của địa chủ Hào… Lão khi được chia chiếc cối đá thủng to tổ bố, lão bảo: “ông đéo vác được”. Không lấy thì tiếc lão đành phải thuê anh Nhương điếc hai đồng. Bà Nhị được chia một cối xay, chú Đang được vại khoai ngô, chị Vòng được chia bốn vại dưa muối. Có hai vại còn đầy ắp dưa cải nén vàng rộm… Mọi thứ bị tịch thu được đem chồng chất thành đống ngổn ngang ra sân không thiếu thứ gì, từ cày bừa cuốc xẻng, gạo thóc nồi niêu, bát đĩa, mâm đồng” [2;tr.35-36]. Song, cuối cùng người xúi quẩy nhất là nhà chú Dĩ “ba đời đi hót cứt trâu được chia trục đá kéo lúa. Chắc nhà chú Dĩ tiếc buổi đi hót cứt trâu nên sai hai thằng con chổng mông đẩy phía sau, trẻ con khoái chí xúm vào đẩy. Chúng vừa đẩy vừa reo hò. Chiếc trục đá lăn cồng cộc lao phăng phăng trên đường làng. Thằng hai cầm càng, tới khúc quanh mất đà, cả người lẫn trục lao ùm xuống ao, bị cái trục đá tương đúng vào đầu phọt óc chết tươi” [2;tr.36-37]. Cách phân chia tài sản như thế, bạn đọc cảm nhận được phần nào hiện thực ở nông thôn miền Bắc những năm tháng ấy đầy ngổn ngang, thương tâm, xa xót, ở đó có không biết bao nhiêu mảnh đời chìm nổi trước thời cuộc. Kẻ bị tịch thu tài sản không hiểu vì tiếc hay uất ức mà cắn lưỡi tự tử đã đành (thằng Công con lão Hào), còn người được nhận của chia cũng chẳng được hạnh phúc trọn vẹn trong niềm vui sướng được mỗi cái trục đá kéo lúa phải đánh đổi cả thằng con trai tuấn tú, khôn ngoan. Đám đông làng Đồng Trưa (Lão Khổ) thô bạo, nhốn nháo, nhếch nhác, đói khổ do Tạ Khổ cầm đầu tràn đến nhà chánh tổng họ Tạ để vơ vét, tranh dành nhau: “Lão Khổ đi trước. Theo sau lão là cả một đám đông nhếch nhác, đói khổ, bị không khí của thời cuộc quét lên cái vẻ hăm hở pha chút hung bạo. Họ mang theo mã tấu, gậy gộc và quang gánh… Mắt họ lơ láo tìm kiếm những thứ có thể đút miệng ngay được. Vườn chuối xanh bị tịch thu trước hết. Tiếng bẻ chuối, tiếng nhai, tiếng khạc nhổ… Những cót thóc chồng cao ba bốn mét bị đâm xé, tranh cướp tơi bời. Tiếng cười hỉ hả, tiếng kêu thét chói tai nhức óc. Một đội thanh niên có nhiệm vụ riêng phá hủy tất cả những đồ dùng nhơ bẩn. Từ chăn màn, quần áo, dày dép… đến những đồ hương hỏa… nhất nhất đều bị vằn nát, đốt thành tro” [1;tr.66-69].

Việc đấu tố, xử lý địa chủ, kẻ “phản động”, bọn quốc dân đảng diễn ra trong không khí căng thẳng. Thành phần bắt buộc tham gia đấu tố “là các ông bà bần cố nông cốt cán của các thôn các xã, những rễ chuỗi tin cậy, những thẩm phán và hội thẩm, quan tòa trong các cuộc đấu tố”, “các đối tượng trực tiếp của cuộc cải cách, những phú nông và địa chủ, Việt gian Quốc dân đảng dự kiến của từng thôn xã theo chỉ tiêu đã được cấp trên duyệt” [9;tr.153]. Các cuộc đấu tố diễn ra vừa sặc mùi thế tục, vừa đầy ắp hài hước. Chẳng hạn, cuộc đấu tố Hoàng Kỳ Bắc (Dưới chín tầng trời) tại sân đình làng Đoài. Tay Đảo chuyên nghề bắt ếch xông lên chỉ vào mặt: “Mày là tên địa chủ cường hào ác bá, mày cậy có tiền hành hoang nịnh bợ mọi người để che lấp tội lỗi mình. Mày mua sắm những thứ xa hoa, đèn giời đèn kéo quân về chơi bời hát xướng vô độ làm hư hỏng dân làng. Mày tiêu hao phí trong khi nhà tao còn đói rách. Còn mụ vợ mày là con đàn bà keo kiệt. Mày có còn nhớ không, mấy lần nhà tao hết gạo sang vay nhà mày, mụ vợ mày chỉ cho tao vay gạo xấu, còn gạo ngon mày để lại cho nhà mày ăn. Mày khôn quá đấy. Mày cứ làm như mỗi mình nhà mày biết ăn gạo ngon, còn bà con nông dân chỉ biết ăn gạo xấu”. Tay Tắc hoạn lợn lu loa: “Dân làng đã nghe đồn đại nhiều những chuyện chướng tai gai mắt nhưng chưa rõ thực hư ra sao. Hôm nay dân làng muốn chính cô Yến Quyên đứng lên tố cáo tuyên bố chồng máu gái để có cơ sở thiến béng cái của nợ ấy đi. Cô cũng là người đẹp, chồng lại đi biền biệt, dứt khoát bị tên việt gian phản động này ức hiếp”. Mụ Vó - vợ tay Côn hàn nồi nhảnh lên: “Chính nó đã đưa thằng Đỗ Hiền, em trai con Yến Quyền chạy vào Nam theo địch” [3;tr.54-55]. Mụ Vườn rêu rao “Còn cái thằng Hoàng Kỳ Trung chồng con Yến Quyên nữa, tiếng là đi kháng chiến, nhưng có khi nó là gián điệp cài cắm trong đội ngũ cách mạng cũng nên” [3;tr.55-56]. Thằng Rược người làng Đông chuyên đi hót phân bò, phân trâu cũng hùng hổ xông lên, hô to xía vào mặt: “Mày có biết tao là ai không?- Tại sao hôm nay mày lại ngoan cố không nhận tội?”. Có đám đông khác ùa vào xôn xao, bàn tán: “Thế thì đúng rồi, khiếp quá, nguy hiểm quá, hai nhà chúng nó đã âm mưu cấu kết với nhau từ đời nảo đời nào mà mình không biết đấy thôi. Cũng may mà cách mạng sáng suốt phát hiện ra sớm, tiêu diệt tận gốc rễ mầm mống bọn Việt gian phản động chứ để lâu làng Đoài mình sẽ bị tên Hoàng Kỳ Bắc đầu độc dụ dỗ theo địch hết” [3;tr.56].

Cuộc đấu tố không chỉ diễn ra ở những con người có “lập trường chính trị” rõ ràng, mà những đứa trẻ con trong làng cũng rầm rộ thành lập tòa án đấu tố. Chúng chưa hề biết như thế nào là phản động? Cường hào ác bá là gì? Chúng chỉ biết cha của một đứa trẻ nào đó trong làng bị kết tội địa chủ, thì đứa con cũng phải địa chủ, nên bị xử như cha. Bọn trẻ chăn trâu làng Đông (Bến không chồng) bắt chước người lớn “đào tận gốc rễ bọn địa chủ” bằng cách phá tan hoang khu vườn địa chủ Hào, lập phiên tòa án xét xử thằng cu Tốn con mụ Hơn: “Chúng bê gạch chồng lên làm khán đài. Thằng Tốn bị trói hai tay ngồi bệ xuống đất, chúng lấy gạch quay xung quanh thành vành móng ngựa. Ngồi trên khán đài có thằng Tỹ con nhà Dĩ ngọng, thằng Tường con nhà Nhương điếc, con Hương nhà Hạnh nghèo rớt mồng tơi. Khán giả tham dự là mấy đứa bé lít nhít còn để truồng, mũi lò thò, miệng đầy rớt dãi ngồi trố mắt nhìn thằng Tốn bị xử bắn. Hai thằng choai choai con nhà Đan, nhà Hồng lấy quả xoan làm đạn, dương súng cao su thi nhau nhằm vào đầu thằng Tốn bắn. Thằng cu Tốn khóc tóe lên” [2;tr.54]. Bọn trẻ làng Chì (Ao bèo gợn sóng) “túm tụm từng đám một, gương thẳng những nắm tay lên trời hô to: “Đả đảo địa chủ, đánh đổ bọn cường hào gian ác” [11;tr.91]. Chúng quát nạt, bắt chú Hội thưa trình, cúi lạy, quát mắng: “Này địa chủ Hội, không chào các ông bà nông dân hả”. Chú Hội lễ phép: “Chào các ông bà nông dân ạ” [11;tr.93]. Bọn trẻ làng Đồng Trưa (Lão Khổ) bàn nhau trả thù lão Tự, chúng “bu vào, dùng que chọc lên những vết ghẻ lở ở chân tay lão. Rồi một đứa bắt nhịp “hai-ba” cho cả bọn đồng thanh gào lên: - Địa chủ! Hai ba: Địa chủ… mút cu nhân dân… Lão Tự méo xệch mặt, dở khóc dở cười, dùng tay đẩy bọn trẻ con khỏi túm áo lão. Tuy thế có đứa trẻ lăn xả vào cắn xé, giật áo lão rách xoàn xoạt. Lão Tự vừa đưa tay giữ quần, vừa van xin thảm thiết: - Thôi, thôi, đừng mà, tôi chỉ có một bộ quần áo… Đừng mà”. Chúng hả hê được lão Tự: “Những lúc ấy thằng Hai Duy thấy nó rất oách… Nó hả hê nhìn lão Tự run lẩy bẩy đang lần tìm những mụn vải bay tứ tung trên cỏ” [1;tr.109].

Những kẻ nhân danh Đảng, Đội, Cách mạng thô bạo, giáo điều, cuồng tín ấy còn đánh đổ cả một nền văn hóa ngàn đời của cha ông dựng xây, bồi đắp. Họ đập phá miếu mạo, đình làng, chùa chiền, chặt phá cây cối; người chết, mồ mả chôn chung, đủ loại hình thù quái gở; ngày dỗ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thần thánh cũng chung. Người đọc chạnh lòng, xa xót, đau đớn trước cảnh những cây cổ thụ ngàn đời nay trở thành máu thịt của người dân, nơi biết bao thế hệ nối tiếp nhau sinh ra, lớn lên và qua đời gửi lại cho cây những kỉ niệm vui buồn của thời gian, giờ bị chặt phá trơ trụi: “Những cây cổ thụ vốn tình yêu là máu thịt của quê hương nơi mà bao nhiêu thế hệ nối tiếp nhau sinh ra, lớn lên và qua đời, gửi lại cho cây những chứng tích kỳ diệu của thời gian đã bị chặt bỏ không thương tiếc” [10;tr.56], vì thế “làng xóm và đồng điền quang quẻ, trơ trụi, vô duyên như mặt người bị cạo nhẵn thín lông mày” [10;tr.57]. Họ xây dựng một thế giới đại đồng: làm chung, của chung, ăn chung… Nhưng người sống chưa thực hiện được, thì thần thánh, tổ tiên ông bà, mồ mả thực hiện trước: “Tập thể hóa tổ tiên, thần, thánh, phật và những người chết trước khi tập thể hóa người sống. Vì vậy, người sắp chết hoảng sợ, thều thào trong cơn hấp hối: “Tao nhìn cái nghĩa địa, tao sợ lắm, đừng bắt chết tao” [10;tr.94]. Họ phế bỏ những ngày hội cổ truyền như rằm tháng Giêng, Thanh Minh, Đoan Ngọ, rằm tháng Bảy… Vì  họ cho rằng, đó là “phong kiến cổ hủ, là mê tín dị đoan” [10;tr.27]. Họ tổ chức cho người dân thực hiện “đời sống mới” như: Đám cưới, cô dâu “không đòi lễ cưới linh đình, tốn kém, mà chỉ đòi bên nhà trai mang sang hai quả lựu đạn” [10;tr.39]. Họ đập phá đình làng để làm nhà kho, sân đình làng làm sân phơi lúa của hợp tác xã: “Đình làng bị phá bằng địa giờ đã mọc lên mười gian nhà kho mái ngói đỏ chót. Sân đình Đoài được mở rộng làm sân phơi của hợp tác xã” [3;tr.115]. Nhà nghiên cứu Tôn Phương Lan nhận xét rất xác đáng về vấn đề này: “Ví như cải cách ruộng đất đã đem lại ruộng cày cho nông dân, đã tạo nên những ngày hội xuống đồng, trống gióng cờ mở thì cũng chính cuộc cách mạng ấy đã làm hư hỏng không ít những tài sản văn hóa quý báu. Con người cách mạng được giáo dục chỉnh chu về trách nhiệm trước “cái chung”, trước lợi ích của Tổ quốc, nhân dân nhưng có những người trong số đó đã không coi trọng trách nhiệm, tình cảm với gia đình nên nhiều khi học trở thành nhẫn tâm, dị dạng mà không nhận biết” [5;tr.48]. Hỗ trợ công cuộc đấu tố, tàn phá là những tiếng trống, tiếng kẻng vang khắp các nẻo đường, thôn xóm: “Từ bốn giờ sáng, dân khắp ba mươi xã và một thị trấn huyện Phương Đình đã từ các ngả, mang theo cờ, trống, thanh la, não bạt, băng rôn, biểu ngữ bằng giấy, bằng cót, bằng mẹt đủ loại lũ lượt kéo nhau về nơi xử án. Đả đảo Chánh tổng Thiện, cường hào Quốc dân đảng, Việt gian phản động, tay sai phong kiến đế quốc”. “Có những tốp đi theo gia đình, hoặc chòm xóm, người già trẻ con bồng bế nhau như ngày trước đi tản cư, mang theo cả khoai, sắn luộc, cơm nắm trộn ngô, khoai khô hay rau khúc. Có nhóm đi theo toàn thể, nhi đồng, thanh niên, phụ nữ hay dân quân du kích. Tiết mục văn nghệ đặc sắc nhất là những câu hò tự phóng tác: “Nông dân đói khổ bao đời… Ai đi hò lờ… Phóng tay cải cách chuyển dời núi sông… Hò lơ hò lắng tai nghe tiếng ai hò lơ…” [9;tr.151-152]; những khẩu hiệu, biểu ngữ “viết nguệch ngoạc” trên các vật liệu có sẵn (thúng, mẹt, cót, nong nía, giấy, vải), đủ các kiểu: “Đả đảo bọn cường hào ác bá” [8;tr.26], “Bọn địa chủ phú nông là những con chó” [1;tr.65], “Đả đảo bọn cường hào gian ác đầu sỏ”, “Đả đảo bọn việt gian quốc dân đảng” [2;tr.57], “Có nghèo ôn nghèo, có khổ kể khổ. Không bao che, không bị mua chuộc”, “Bần cố nông quyết tâm một lòng đoàn kết với trung nông, liên hiệp với phú nông đánh đổ bọn địa chủ cường hào ác bá”, “Nhiệt liệt hoan nghênh chính sách giảm tô, cải cách ruộng đất” [6;tr.186]. Thế nhưng, những đám đông ấy “hô khẩu hiệu một cách a dua chứ chẳng biết căm thù ai, hoan hô ai, ý thức giai cấp thế nào” [9;tr.152].

Có lẽ xa xót hơn, đó là cảnh người ta kiểm chứng lòng trung thành với Đảng bằng cách xử lý người cùng gia đình, dòng tộc, làng xã. Thước (Bến không chồng) cầm súng bắn cha nuôi từng cưu mang, nâng đỡ, cưng chiều hắn nhất. Để kiểm chứng lòng kiên trung, Vạn đã ra tay bắn chú Xèng và chú Xình cùng họ Nguyễn với anh. Lưu Minh Hiếu (Chuyện làng Cuội) được đội Quyền giáo dục “về cái lý lịch mang huyết thống cách mạng… về cống hiến và sự hi sinh của người cha đã đẻ ra anh. Còn cái con đã đẻ ra anh bị choáng ngợp trước hào quang phú quý, trước sự phỉnh nịnh lừa gạt ngon ngọt của bọn đế quốc phong kiến, phản động mà đã dứt bỏ tình nghĩa với người chiến sĩ cách mạng để làm vợ một tên đại địa chủ, đại phản động gian ác”. Vì thế  “mụ Đất từ nay không thể là mẹ của anh. Nó thuộc về giai cấp bóc lột. Anh là giai cấp bị bóc lột. Hai giai cấp phải đấu tranh một mất một còn không thể có mẹ con tình nghĩa gì vào đấy” [6;tr.229]. Em (Lão Khổ) bị buộc bịa ra chuyện để tố anh ruột; chú ruột bị bắt lên đấu tố cháu “run cầm cập”, “đã ngã vật xuống đất, máu ộc qua mồm, qua mũi chảy thành vũng” [1;tr.145]; lão hàng xóm “chẳng khác con chó nhà lão Khổ là mấy” [1;tr.142], được lão Khổ cưu mang, đùm bọc cũng buộc bịa ra chuyện đấu tố. Chỉ vì “đang làm bí thư đoàn thanh nên toàn xã”, “được kết nạp Đảng từ mấy năm trước khi còn ở du kích”, cũng như “tỏ rõ mình không bị giai cấp địa chủ nhuộm đen, mình đã ly khai nguồn gốc xuất thân, không dính dáng gì tới kẻ bóc lột” [8;tr.24], Vũ Đình Phúc (Mảnh đất lắm người nhiều ma) tổ chức thanh thiếu niên trong làng đi cổ động, hô vang khẩu hiệu đả đảo chính cha ruột của mình khản đặc cả tiếng: “Đả đảo tên địa chủ bóc lột Vũ Đình Đại! Kiên quyết đánh đổ tên địa chủ Vũ Đình Đại!”. Khi đưa ra đấu tố công khai tại sân nhà, Phúc đấu tố hùng hổ nhất, đanh thép nhất, bản lĩnh nhất: “Địa chủ Đại, mày có biết tao là ai không?”. Ngay cả đứa con dâu (vợ Phúc) cũng xông ra “cầm cái liềm nhảy choi choi trước mặt những kẻ bóc lột, cái mỏ liềm cứ mổ trước mặt Vũ Đình Đại, vừa mổ chị vừa kể tội bọn chúng đã bóc lột đè nén mình ra sao” [8;tr.26-27]. Trước lời ngon ngọt, lôi kéo, mua chuộc, về phía ông bà nông dân bần cố để triệt hạ ông Lý Phúc, Cục (Thời của thánh thần) nhẫn tâm ký vào tờ khai xung phong đấu tố ông Lý Phúc – cha nuôi hắn. Đứng trước quan tòa, hắn dùng lời lẽ rất tráo trở, vô ơn: “Lý Phúc mày có biết ông là ai không? - ông là Nguyễn Kỳ Quặc hay Cục cứt chó mà mày đã bóc lột từ lúc mới đỏ hỏn nhặt từ ông Đống về đây” [9;tr.163]. Thảm cảnh ấy diễn ra ngày càng gay gắt, đến nỗi mụ Hơn (Bến không chồng) – người con dâu của “địa chủ” Hào còn duy nhất thằng cu Tốn nối dõi tông đường, chỗ dựa về già đã phải van xin, khấn lạy: “Con lạy ông. Con cắn cỏ con lạy ông bà nông dân. Ông đi lâu ngày nên không biết rõ con. Con về làm dâu nhà này nhưng không ác với ai. Con còn lén giúp đỡ nhiều người nghèo khổ ở thôn này… Bây giờ đời con chỉ mỗi thằng con trai, thằng cu Tốn. Dù nó là con cháu địa chủ nhưng con hứa với ông và nông dân cố gắng nuôi nó thành người nghèo khổ, hu… hu… Con chắp tay lạy ông trăm lần ngàn lần đừng ghét bỏ nó, đừng để các ông con của ông bà nông dân đánh đập nó…” [2;tr.55]. Một sự đảo nghịch trong đời sống xã hội nông thôn Việt Nam: giàu sang đồng nghĩa với bóc lột, địa chủ; nông dân phải cố gắng trở thành nghèo khổ.

Bộ máy chính quyền địa phương chủ yếu cán bộ thuần nông nghèo, cùng đinh mạt hạng. Họ chất phác, nhiệt tình, tích cực hăng hái, thực thi nhiệm vụ, nhưng trình độ học vấn thấp, mù chữ, nhận thức còn ấu trĩ, non kém và có thù hận với địa chủ cường hào trước đó. Vì thế, khi nắm chính quyền, có quyền lực họ đã trả thù, gây nhiều lỗi lầm. Nguyễn Vạn (Bến không chồng) “mắt toét bỏ làng đi bây giờ về” [49;tr.5] với cái chân tập tểnh, đạt danh hiệu anh hùng giải phóng, lý lịch cùng đinh đã trở thành xã đội trưởng. Đột chuyên đơm ràng, “chiều nào cũng để truồng vận mỗi chiếc áo của bố dài đắp đít nhong nhong trên bờ mương cái chắn đăng, bắt ngóe làm mồi đơm rạm” cũng biến thành chủ tịch xã, dù “xoay xoay tờ giấy trên tay mà vẫn không nhận ra mình cầm ngược đọc” [2;tr.8-9]. Quyền (Chuyện làng Cuội) ba đời bần cố nông, không tấc đất cắm dùi, đi ở, chạy te và đánh dậm, chỉ “biết mặt 23 hoặc 24 chữ cái nhưng chưa biết đánh vần ngoài chữ “Quyền” tên anh” cũng được cử làm chánh án tòa án nhân dân. Thằng Còm (Mảnh đất lắm người nhiều ma) dân ngụ cư lên xóm Giếng Chùa từ nạn đói năm Dậu, gia đình làm nghề đội thuê đội mướn trở thành đồng chí Hùng Cường. Lão Khổ (Lão Khổ) tứ cố vô thân, được cụ Chánh tổng họ Tạ uy quyền làng Đồng cưu mang, giúp đỡ. Thời cuộc xoay vần, lão lên chủ tịch xã Hoàng, trở thành chiến sĩ cách mạng. Tựu (Thời của thánh thần) không có quê quán, bố mẹ, có tật nói ngọng, nhưng được làm đội trưởng đội cải cách ở làng Động. Nhự (Ao bèo gợn sóng) cha mẹ mất khi mới chào đời, sống cơ cực, đói khổ, được chú ruột (Ông Hội) đưa về nuôi, coi Nhự như con đứt ruột đẻ ra. Ngược lại, Nhự nghĩ mình chỉ “là kẻ ở, là đứa tôi tớ” [11;tr.90]. Nhự căm thù ông Hội bởi những lúc Nhự “đánh mất trâu, chú quát mắng Nhự là đồ ăn hại, chú lấy roi bắt Nhự nằm sấp mà hỏi tội, đến cha Nhự cũng chẳng làm thế bao giờ” [11;tr.91]. Hơn nữa, những người dân trong làng Chì tiếp thêm ý chí đấu tranh giai cấp cho Nhự: “Thằng Hội nó bóc lột mày đến tận xương tủy thế mà này cứ ngồi im, tao cũng chịu cho mày thật” [11;tr.90-91]. Những kí ức về một thời ăn ở tại nhà chú Hội và những câu nói ấy cũng không thể tiếp thêm sức mạnh cho Nhự được, mà “chỉ làm mất mé đầy nỗi uất nghẹn trong lòng Nhự, chứ chưa thể trào ra”, “Nhự phập phồng, tưng tức mà chưa bật thành lời”, “Nhự vẫn ngồi, rụt rè, nhấp nhổm” [71;tr.92], bởi trong kí ức luôn vọng về những lời chửi mắng, chì chiết của bố Nhự: “Mày có còn là giống người hay không hả hay không hả Nhự? Chú nuôi mày từ bé, cho mày ăn mặc tử tế, mày chỉ có mỗi việc đi chăn trâu mà mày còn làm mất cả trâu của chú. Mày chơi bời nghịch ngợm làm chú khổ bao nhiêu lần rồi, đấy mày xem gia đình này không có chú thì liệu chết đói không? Mà chú có bóc lột ai kia đâu chứ? Suốt ngày chú còng lưng ra cày cuốc, tính toán mò mẫm, khai hoang những chỗ đầu thừa đuôi thẹo mới nhiều ruộng chứ sao. Mày mà tố chú, tao chém” [11;tr.90-91], nên trong lòng Nhự còn chút tình thương đối với ông Hội: “Nhìn chú Hội lúc này Nhự thấy thương thương, môi chú cứ run run, mặt chú cứ gầm xuống đất, trông chú hiền lành và khổ sở vô cùng” [11;tr.91]. Nhưng khi nghĩ đến được làm cốt cán trong đội cải cách, Nhự bừng bừng khí thế, tán tận lương tâm tố điêu chú Hội: “Mày có muốn được làm cốt cán không? Trời ơi! Nghĩ đến hai từ cốt cán, thế là Nhự thấy sướng đến lạnh người. Ai đó đã bảo là “Nhất Đội, nhì giời”, vậy thứ ba nhất khoát phải là cốt cán… Và thế là Nhự thấy bừng bừng khí thế trong người, có một sức mạnh nào đó trong cơ bắp, Nhự đứng bật dậy chỉ tay vào mặt chú, nói toàn những điều gì mà chính Nhự cũng không nhớ nổi. Câu nói của Nhự vừa dứt, cả sân đình rền lên tiếng vỗ tay như sấm nổ. Nhự thấy thân hình của mình bay lên theo tiếng vỗ tay” [11;tr.92]. Sau đợt cải cách ruộng đất, Nhự được trưng dụng vào ban chân ghế xã, Nhự sống tàn ác, ngỗn ngược, không coi ai ra gì, ăn chơi trác tán, trụy lạc gây ra không biết bao nhiêu tội lỗi. Đào Kinh (Dưới chín tầng trời) - “thằng con hoang cầu bơ cầu bất không rõ gốc gác quê quán” cùng người đàn bà “tự nhận là mẹ của Đào Kinh… xin được cùng con trai ở lại hầu hạ gia chủ kiếm miếng cơm manh áo”. Mặc dù “dân tình chết đói đầy đường đầy chợ” đã “khiến bậc chính nhân quân tử không cầm lòng” đồng ý “cho hai mẹ con Đào Kinh ở riêng một gian trong dãy nhà kho thuốc lào” [3;tr.48]. Mẹ hắn chết vì bị bệnh hủi, người dân làng Đoài xa lánh, hất hủi, không cho chôn chung tại nghĩa địa cánh mả Rốt của làng cũng được Hoàng Kỳ Bắc giúp đỡ, cho đám ruộng cạnh Hòn Bọt bên kia sông chôn mẹ. Thế nhưng, vì danh vọng, quyền lực, Đào Kinh đã bất chấp nghĩa tình sâu nặng với ân nhân, dùng mọi thủ đoạn kết tội oan sai ông Kỳ Bắc. Hắn còn kết hợp với Trần Tăng (cán bộ chỉ đạo cải cách) bày mưu tính kế, lập mọi kế hoạch phá tan gia sản gia tộc Hoàng Kỳ, xử tội chết ông Kỳ Bắc và chiếm đoạt Yến Quyên. Cô Bi (Giời cao đất dày) nghèo khổ, ngu dốt, lẳng lơ, lười nhác nhất làng Bùi. Cả làng đều ghét, chỉ bố mẹ Thuần thương yêu, giúp đỡ. Nhưng “vật đổi sao dời, cô Bi trở thành cán bộ của Đội cải cách” [7;tr.13-14], bầu giữ chức chủ tịch xã.

Những cán bộ cải cách ở nông thôn được Đảng giao trong trách lớn lao như Hiếu (Chuyện làng Cuội), Thủ, Phúc, Xuân Tươi (Mảnh đất lắm người nhiều ma), cô Bi (Giời cao đất dày), Phạm Tòng (Ma làng)… không những chuyên quyền, hống hách mà còn có một lối sống không lành mạnh, suy thoái về đạo đức. Những cán bộ này trái hẳn với những cán bộ ở nông thôn mà người đọc đã từng bắt gặp trong văn xuôi và tiểu thuyết viết về nông thôn giai đoạn trước đó. Những cán bộ như Biền (Tầm nhìn xa), Năm (Gia đình lớn) là những người sống hết lòng vì lợi ích của tập thể, của xóm làng.

Chính cái thời “nhiễu nhương, trắng đen lẫn lộn, cóc ngóe nhảy lên làm người” [8;tr.29] của lớp cán bộ cải cách khiến nông dân đau khổ, thiệt hại cả vật chất lẫn tinh thần. Gia đình Thuần (Giời cao đất dày) có truyền thống yêu nước. Ông Ro - bố Thuần tham gia Việt Minh, làm bí thư chi bộ làng Bùi. Sau giải phóng, gia đình Thuần sum họp, hạnh phúc. Đội cải cách về làng làm cho gia đình Thuần “tan tành như mây khói” [7;tr.19]. Bố Thuần bị đem ra đấu tố và xử bắn dã man: “Người ta trói hai tay cha Thuần ra sau lưng, lại còn quấn mấy vòng dây thừng ngang người. Cha mặc áo nâu bà ba, cúc áo ngực phanh ra, những tia máu ở cổ vằn lên, hình như cha nấc mà nước mắt chảy ngược vào trong… Hai người, một người đàn ông, một đàn bà, mỗi người cầm một khẩu súng trường đứng chéo hai bên. Ông Chánh án hô: “Bắn!”. Hai phát súng nổ…Thuần nhìn rõ ngực cha bị thủng, máu phọt ra thành tia” [7;tr.16-17]. Chứng kiến cái chết đau thương của chồng, mẹ Thuần “gào khóc thảm thiết, vật ra chết ngất”, chị Thuần “hét lên như tiếng kêu của một quả chuông bị đứt dây rớt xuống rồi cũng gẹo đầu gục theo”, người dân làng Bùi “khóc ngấm ngầm và cúi xuống vén lấy vạt áo lau nước mắt” [7;tr.17]. Nỗi đau khốc liệt hơn khi “chưa đầy bốn chín ngày cho cha thì chị Hương bị người ta hiếp rồi bóp cổ chết”, “chưa kịp cúng một trăm ngày cha thì mẹ chết” [7;tr.18]. Gia tộc Hoàng Kỳ (Dưới chín tầng trời) cũng đã bị hủy hoại chính vòng xoáy cơn lốc của thời đại ấy, trong đó Hoàng Kỳ Bắc chịu nhiều khổ đau, oan khuất nhất. Là người cần cù, tài hoa, tư tưởng lớn, làm ăn lương thiện, giàu có “chỉ nhờ trông và mua gom thuốc lào đem đi khắp thiên hạ bán. Có tiền Hoàng Kỳ Bắc lên mạn ngược mua gỗ đóng bè xuôi sông Hồng, sông Luộc về dựng nên dinh cơ to nhất vùng. Năm gian nhà chính lừng lững đầu làng Đoài, từ cột kèo rui mè, cửa bức bàn toàn gỗ lim đen bóng. Bẩy gian nhà ngang vừa làm bếp vừa làm kho, mùa gặt chứa thóc lúa, mùa thuốc lào chứa đầy chum vại ang sành đựng thuốc lào. Người ăn kẻ ở nhộn nhịp thâu đêm suốt sáng dưới ba ngọn đèn mạng sáng xanh như điện ngoài thành phố” [3;tr.45]. Kiểu mẫu trong làm ăn kinh tế nên được bộ trưởng về thăm. Kỳ Bắc giàu sang, sống nghĩa tình, dân làng Đoài kính nể, mang ơn. Nhưng cỗ máy lịch sử đã nghiền nát gia đình Kỳ Bắc. Hoàng Kỳ Bắc quy oan địa chủ cường hào, Việt gian phản động, đưa ra đấu tố, chịu án tử hình; gia sản sung công, chia bần cố nông. Với chính sách “thăm nghèo hỏi khổ” của đội, gia đình bà Đất (Chuyện làng Cuội) cũng bị quy vào tội phản động. Kiêm - chồng bà Đất cốt cán cách mạng, trung kiên với Đảng, hiếu với dân. Thế nhưng, với sự “tài tình” của đội Lăng khiến Kiêm trở thành kẻ phản quốc, tay sai cho giặc và lãnh án tử hình. Kiêm chết trong sự oan ức, tủi nhục và đau đớn: “Năm giờ chiều hôm sau… người du kích xách súng phủi quần đứng dậy và anh đội Lăng bắn phát súng lục cuối cùng vào đầu, máu ộc ra thì có tiếng thất thanh của một cán bộ tóc lốm đốm bạc nhảy từ ô tô xuống kêu: “Đình lại. Đình thi hành án lại”. Nhưng chỉ còn có máu chảy đỏ nhòa thân cọc. Những sợi cỏ gà khô cứng dưới chân làm ông bước liêu xiêu rồi ngã gục. Người ta vội vàng chạy lại đỡ ông dậy. Khuôn mặt ông đã đầy cát và hai mắt đỏ vằn lên như máu chảy ở trong đôi mắt người cán bộ lão thành ấy” [6;tr.264]. Nỗi đau đớn, oan khuất bà Đất không biết tỏ cùng ai. Nếu bà Đất nói ra sự thật Tổng Lỡi - tên địa chủ ác ôn, làm tay sai cho giặc cũng như ngôi nhà đang ở do Tổng Lỡi xây cất chỉ vì Hiếu mang giọt máu của hắn hay nói chồng bà - một người yêu nước không hề có mối quan hệ với Tổng Lỡi. Với tình yêu thương của người mẹ, bà Đất thà mất chồng chứ không thể làm hại đến đứa con từng mang nặng đẻ đau. Đau đớn tột cùng trong trái tim bà chưa phải cơn bĩ cực (bị hãm hiếp, mất chồng, mất hai đứa con cùng một lúc, đứa con dâu khinh thường), mà chính Hiếu – đứa con cực nhọc, chịu nhục để nuôi dạy, yêu thương lại coi bà như của nợ, mối tai họa, hiểm nguy chỉ vì không muốn liên lụy danh dự. Lời lẽ của Hiếu như mũi dao cứa vào trái tim rỉ máu, nát tan: “Tôi nói cho bà biết: nếu có bất cứ một sự nghi ngờ rắc rối gì trong công tác của tôi thì bà không yên thân với tôi đâu. Nhưng còn giữ sao được. Giời ơi, sao số tôi lại khốn nạn thế này. Bà Đất! bà Đất! – Anh gọi mẹ?- Mẹ con cái con… tôi hỏi bà. Tại sao bà có ý định làm hại tôi… Nhưng bà là con lợn phải không? Rồi bà sẽ biết tay tôi… Nếu chết được, bà cứ chết đi để tôi đỡ tốn công hầu hạ. Bà tưởng tôi cần bà lắm hả? Nhưng mọi chuyện vỡ lở ra, có chết bà cũng không yên với tôi đâu”. Những tưởng, sau chuỗi ngày tháng đau khổ, tủi nhục, bà được yêu thương, chăm lo phụng dưỡng khi Hiếu ăn nên làm ra: “Cả đời mẹ tối tăm oan khuất, bao nhiêu lừa gạt xỉ nhục mẹ chịu được tất. Mẹ chỉ nghĩ còn có con, như ngọn đèn soi sáng cho cái thân phận nhục nhã của mẹ để mẹ nương tựa” [6;tr.506-507]. Nào ngờ, “ngọn đèn soi sáng” chính là ngọn lửa thiêu cháy trọn cuộc đời bà. Sự giả dối tởm lợm, sự bạc nghĩa vô ơn của Hiếu khiến bà không thể tiếp tục sống, mà chọn cái chết để giải thoát kiếp người khổ cực, lận đận, khỏi ảnh hưởng đến danh dự con cái.

Thế hệ trẻ cũng bị quan niệm ấu trĩ, duy ý chí ấy đè nén, kìm hãm. Mai và Sau - con của bà Đất (Chuyện làng Cuội) có chí, học giỏi, đỗ đạt cao, nhưng lại thuộc thành phần “con em những người bị cách mạng xử lý” [6;tr.286], vì thế “không được đi học đại học và đi làm bất cứ việc gì ngoài việc làm ruộng ở nông thôn” [6;tr.286]. Đúng như lời ông Cu Từ nói với bà Đất: “Người ta sửa sai là hạ thành phần, giả nhà cho cô, dù nó chỉ còn là cái khung. Cô không là giai cấp bóc lột, chồng cô không là phản động, được khôi phục đảng tịch. Nhưng ai sửa sai cho chú ấy sống lại. Không sống lại được, tức là vẫn ấm ức với cái án tử hình chứ gì? Gia đình cô là gia đình cách mạng. Nhưng các con cô sau này ai dám bảo nó không còn uất ức với cái chết của bố nó. Cho nên nó vừa xuất thân của một gia đình cách mạng nhưng nó lại là phần tử có thù oán với cách mạng, buộc người ta phải phòng xa, không được để nó đi đâu, không diệt trừ mầm mống của nó, sau này nó phá ra, có giời mà giữ” [6;tr.292]. Chính cái chết oan ức của địa chủ Thìn – bố Diệc (Ba người khác) đã tác động mạnh mẽ đến người đàn bà câm điếc, quanh năm sống thui thủi trong xó bếp, như con cóc trú ngụ dưới gầm gường. Sống trong cơ cực, thiếu thốn (vì gia sản của bố bị trưng thu hết, chỉ vẻn vẹn chiếc cối đá) khiến Diệc cô đơn, bất hạnh, chìm ngập trong quá khứ. Hình ảnh chiếc cối đá thủng mà đội cải cách chưa kịp trưng thu gợi lại ký ức thời thơ ấu “ngồi thọt đít vào cái hũm đá thủng”, với trò chơi trẻ con “đám cưới chuột” [3;tr.199]. Chính cuộc sống bất hạnh, tăm tối khiến Diệc tìm đến cái chết để giải thoát sự uất nghẹn, cay đắng trước thời cuộc, trở về thời thơ ấu thanh bình, hạnh phúc.

Nhìn nhận lại quá khứ nông thôn, các nhà văn thức nhận thấu đáo để hiểu một cách trọn vẹn căn cốt của vấn đề, không hằn học, miệt thị, né tránh, khoan nhượng. Người đọc trân quý bởi các nhà văn có cái tâm trong sáng khi nhìn nhận, đánh giá đúng mức về lịch sử nông thôn, cũng như dám nghĩ, dám viết điều trăn trở, day dứt trên từng trang văn! Tuy nhiên, các nhà văn chỉ dừng lại trong việc phản ánh hiện thực lịch sử, chứ chưa hướng tới giải pháp cụ thể, hữu hiệu nhất, nhằm đổi mới phương thức sản xuất, cách quản lí kinh tế ở nông thôn Việt Nam.

Tài liệu tham khảo chính

1. Tạ Duy Anh (2004), Lão Khổ, nxb. Văn học, Hà Nội.

2. Dương Hướng (1990), Bến không chồng, nxb. Hội nhà văn, Hà Nội.

3. Dương Hướng (2007), Dưới chín tầng trời, nxb. Hội nhà văn, Hà Nội.

4. Tô Hoài (2007), Ba người khác, nxb. Đà Nẵng, Tp. Đà Nẵng

5. Tôn Phương Lan (2005), “Về một hướng tiếp cận mới đối với hiện thực trong văn xuôi Việt Nam sau 75” in trong sách Văn chương và cảm nhận, nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.

6. Lê Lựu (2003), Chuyện làng Cuội, nxb. Văn học, Hà Nội.

7. Bùi Thanh Minh (2008), Giời cao đất dày, nxb. Hội nhà văn, Hà Nội.

8. Nguyễn Khắc Trường (1990), Mảnh đất lắm người nhiều ma, nxb. Hội nhà văn, Hà Nội.

9. Hoàng Minh Tường (2008), Thời của thánh thần, nxb. Hội nhà văn, Hà Nội.

10. Võ Văn Trực (1993), Chuyện làng ngày ấy, nxb. Lao động, Hà Nội.

11. Nguyễn Trung Tiết (2006), Ao bèo gợn sóng, nxb. Hội nhà văn, Hà Nội.

TS Bùi Như Hải

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/cam-thuc-lich-su-trong-tieu-thuyet-viet-nam-ve-nong-thon-duong-dai-a19625.html