Không ngừng phát huy giá trị văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Lịch sử cách mạng Việt Nam hiện đại đã chứng minh, nền văn hóa Việt Nam được hun đúc suốt chiều dài dựng nước và giữ nước đã không chỉ nuôi dưỡng, đắp bồi tinh thần đoàn kết dân tộc, lòng vị tha, cởi mở, tinh thần khoan dung tôn giáo, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, khát vọng độc lập, tự do...

22-11-2021-khong-ngung-phat-huy-gia-tri-van-hoa-trong-su-nghiep-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc-8423cae1-details-1637568045.jpg
Khai mạc Triển lãm "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (Hà Nội), ngày 16/11/2021, do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức, nhằm chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc diễn ra vào ngày 24/11/2021. (Ảnh: Vietnamtourism.gov.vn)

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”; đồng thời, nhấn mạnh yêu cầu "phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc".

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định rằng: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Thực tiễn cho thấy, văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc soi đường cho sự phát triển, tiến bộ của xã hội, của mỗi quốc gia, dân tộc trong hành trình xây dựng và phát triển. Thời gian qua, nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Năm 1943, trong phần cuối của bản thảo cuốn Nhật ký trong tù, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”. Đồng thời, coi trọng vai trò của nền văn hóa dân tộc trong tiến trình phát triển của đất nước, cũng trong phần cuối của cuốn Nhật ký trong tù, Người nêu rõ: “Năm điểm lớn xây dựng nền văn hóa dân tộc. 1. Xây dựng tâm lý: tinh thần độc lập tự cường. 2. Xây dựng luân lý: biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng. 3. Xây dựng xã hội: mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội. 4. Xây dựng chính trị: dân quyền. 5. Xây dựng kinh tế”.

Có thể thấy quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nền văn hóa dân tộc Việt Nam, bao gồm tất cả các mặt: tâm lý con người, đạo đức, xã hội, chính trị, kinh tế; chú trọng xây dựng con người Việt Nam với hệ giá trị: có tinh thần độc lập, ý thức tự cường, có đạo đức, biết hy sinh mình vì mọi người. Trong nền văn hóa đó, mọi giá trị và hoạt động đều hướng đến lợi ích của nhân dân; mọi người dân đều được thụ hưởng các quyền chính đáng của con người và mục tiêu làm “lợi cho quần chúng”, “phúc lợi của nhân dân trong xã hội” chính là ý nghĩa và giá trị nhân văn mà nền văn hóa dân tộc mang lại. "Năm điểm lớn" này thể hiện rõ mối quan hệ biện chứng trong xây dựng nền văn hóa của dân tộc; trong đó, con người vừa là chủ thể của xã hội cũng vừa là sản phẩm của xã hội và xã hội, vừa được xây dựng bởi con người song cũng vừa là nền tảng để xây dựng con người. Vì thế, chỉ con người có văn hóa mới có thể xây dựng một xã hội có văn hóa và chỉ một xã hội có văn hóa mới tạo được điều kiện để con người văn hóa ra đời, phát triển.

Lịch sử cách mạng Việt Nam hiện đại đã chứng minh, nền văn hóa Việt Nam được hun đúc suốt chiều dài dựng nước và giữ nước đã không chỉ nuôi dưỡng, đắp bồi tinh thần đoàn kết dân tộc, lòng vị tha, cởi mở, tinh thần khoan dung tôn giáo, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, khát vọng độc lập, tự do, tự cường của nhân dân Việt Nam… mà còn khơi dậy và phát huy, nhân nguồn sức mạnh đó trong hành trình đấu tranh cho độc lập, tự do, hạnh phúc của dân tộc hơn 90 năm qua dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những giá trị văn hóa tinh thần quý giá của dân tộc, của con người Việt Nam - nguồn sức mạnh nội sinh của dân tộc đã góp phần làm nên những thắng lợi của nhân dân Việt Nam trên hành trình xây dựng và phát triển.

Chú trọng xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Theo chỉ dẫn của Người, trước hết "phải làm cho dân tộc chúng ta trở nên một dân tộc dũng cảm, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với Việt Nam độc lập" bằng cách đẩy mạnh thực hiện công cuộc tiêu diệt "giặc dốt", nâng cao dân trí để mỗi người dân hiểu được quyền lợi và bổn phận của mình; bằng cách xây dựng nền văn hóa, văn nghệ chân chính phục vụ nhân dân; bằng cách xây dựng đời sống mới, bài trừ các hủ tục lạc hậu; xây dựng con người mới; nhất là phải "gây dựng cho đất nước một nền văn hóa mới", để "cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, nghĩa là văn hóa phải sửa đổi được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ… Văn hóa phải làm thế nào cho ai cũng có lý tưởng tự chủ, độc lập, tự do. Đồng thời, văn hóa phải làm thế nào cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích riêng mình". Người cũng chỉ rõ, phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hóa đế quốc; đồng thời, phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới, để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng… Đây chính là mục tiêu xây dựng nền văn hóa dân tộc và con người Việt Nam mới xã hội chủ nghĩa, phù hợp điều kiện cụ thể của Việt Nam.

22-11-2021thucuabac-1637568109.jpg
Thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, ngày 15/7/1948.

Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, xây dựng nền văn hóa dân tộc và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ, văn kiện các kỳ Đại hội của Đảng từ Đại hội VI (1986) đến Đại hội XIII (2021) cũng như các Nghị quyết chuyên đề về văn hóa như Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" ngày 16/7/1998, Nghị quyết số 33 NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” ngày 9/6/2014 đều khẳng định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế, phải xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển.

Có thể khẳng định, 75 năm sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò của văn hóa đối với sự phát triển bền vững của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền văn hóa dân tộc Việt Nam và hệ giá trị con người Việt Nam đã được chăm lo xây dựng và phát triển trên tinh thần bồi tụ, tích hợp, phát triển cùng chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; được kế thừa, phát huy giá trị tích cực, tốt đẹp của truyền thống dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, thời đại. Trước thời cơ, thuận lợi và thách thức do bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, bản sắc, cốt cách, bản lĩnh của chiều sâu văn hóa dân tộc và con người Việt Nam vừa truyền thống vừa hiện đại, luôn tiếp biến và hoàn thiện nhân cách, luôn làm giàu tri thức, năng động, sáng tạo, đổi mới đã thực sự trở thành nền tảng, nguồn sức mạnh nội sinh quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.

Theo TS. Văn Thị Thanh Mai (hcmcpv.org.vn)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/khong-ngung-phat-huy-gia-tri-van-hoa-trong-su-nghiep-xay-dung-va-bao-ve-to-quoc-a19620.html