Chùa Quỳnh Lâm nằm trên một ngọn đồi thấp Tiên Du, thuộc xã Tràng An, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, chùa thuộc hệ phái Bắc tông. Chùa được xây dựng ở thế đất “Đầu gối sơn, chân đạp thủy” mà dân gian vẫn gọi là thế đất “Rồng chầu, Hổ phục”. Bốn góc chùa có bốn gò đất cao được coi là “Bốn mắt Rồng” tứ trấn xuyên thấu tâm sinh.
Theo truyền thuyết dân gian thì Quỳnh Lâm được xây dựng vào thời Lý Thần Tông do nhà sư Nguyễn Minh Không khởi dựng. Dân gian truyền lại rằng, khi dựng chùa ông đã cho đúc một pho tượng phật Di Lặc bằng đồng cao sáu trượng, pho tượng này được coi là một trong “Thiên Nam tứ đại khí”, pho tượng được đặt trong tòa điện cao bảy trượng. Trải qua bao biến cố và thời gian nhưng hiện nay trước sân chùa vẫn còn lưu lại tấm bia đá cao 2,46m; rộng 1,53m và dày 0,25m có khắc hình rồng thời Lý. Đến thời Trần do có vị trí là cửa ngõ nối trung tâm phật giáo Yên Tử, Ngọa Vân, Hồ Thiên với một số ngôi chùa khác trong vùng nên chùa đã được mở rộng và đầu tư xây dựng. Ở sân trước chùa có nhiều tháp cổ, trong đó có tháp Tịch Quang là tháp mộ Thiền sư Chân Nguyên (1727). Trên tháp có tấm bia Tuệ Đăng Chính Giác Hòa thượng Chân Nguyên Thiền sư ghi tiểu sử của Thiền sư Chân Nguyên.
Các vị tổ của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử như Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đều đã về tu ở chùa này và xây dựng Quỳnh Lâm trở thành trung tâm phật giáo của cả nước. Từ đó Quỳnh Lâm trở thành một giảng đường quy mô giảng kinh của đạo phật và cũng từ đó Quỳnh Lâm có thêm thiền viện với tên “Viện Quỳnh Lâm”- Trường Đại học phật giáo đầu tiên ở nước ta. Chính từ nơi đây đã đào tạo hàng trăm tăng ni phật tử và in nhiều kinh phật để truyền bá khắp mọi nơi.
Chùa bị hư hỏng hoàn toàn vào cuối thời Trần. Tấm bia Trùng tu tái tạo Tiên Du sơn đệ nhất Quỳnh Lâm tự bi năm 1629 cho biết chùa đã được dựng lại quy mô tổng cộng 103 gian, gồm: Tam quan, tiền đường, tòa thiêu hương, hành lang tả hữu, gác chuông, nhà tăng...Thời Thiệu Trị, chùa bị cháy chánh điện và tiền đường. Năm 1910 và năm 1947, chùa lại bị hỏa hoạn và chiến tranh tàn phá nặng nề. Chùa được Thượng tọa Thích Đạo Quang tổ chức trùng tu mở rộng. Năm 1995, chùa đã xây nhà bia, nhà thờ Trúc Lâm Tam Tổ và gác chuông.
Để khôi phục lại trung tâm Phật giáo Quỳnh Lâm xứng tầm với lịch sử, nhiều năm qua, được sự quan tâm của UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND huyện Đông Triều đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khai quật nghiên cứu di tích, kết quả đã tìm thấy dấu vết kiến trúc của nhiều thời kỳ từ thời Trần cho đến thời Nguyễn, đặc biệt đã phát hiện và làm rõ cấu trúc mặt bằng kiến trúc thời Lê Trung hưng thế kỷ 18, hiện nay các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh và huyện Đông Triều đang tích cực nghiên cứu quy hoạch và trùng tu tôn tạo Quỳnh Lâm xứng đáng với vị thế của một Trung tâm Phật giáo, kết nối Quỳnh Lâm trong tổng thể các di tích lịch sử, văn hóa nhà Trần ở xứ Đông nói chung và Quỳnh Lâm trong hệ thống chùa tháp của Thiền phái Trúc Lâm nói riêng. Vừa qua, BVHTTDL đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Ninh về việc thẩm định Dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích chùa Quỳnh Lâm, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, Bộ VHTTDL thỏa thuận Dự án này bao gồm các hạng mục: xây dựng Tam Quan, kiến trúc trung tâm (Tiền đường, Trung đường, Hậu đường, hành lang) theo mặt bằng khai quật khảo cổ; xây dựng mới nhà bia, nhà trưng bày, nhà vệ sinh; tôn tạo tổng thể và hạ tầng kỹ thuật.
Được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia theo quyết định số 2009-QĐ ngày 15 tháng 11 năm 1991, chùa Quỳnh Lâm đã trải qua bao thời gian và bao biến cố thăng trầm, lúc chiến tranh, khi thiên tai hỏa hoạn, có khi chỉ còn lại dấu tích. Thế nhưng ngôi chùa đã từng “Nức tiếng xứ Đông” ngày xưa ấy vẫn còn nguyên giá trị lịch sử văn hóa tiêu biểu của dân tộc. Hàng năm cứ đến ngày 4 tháng 2 (Âm lịch) du khác các nơi lại đổ về trảy hội Quỳnh Lâm.
Theo Di Sản Xanh
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/quang-ninh-bao-ton-tu-bo-va-ton-tao-di-tich-chua-quynh-lam-a1962.html