Ghi chép ở Nam Lào: Long Vân tự - ngôi chùa Việt ở Pakse (Kỳ I)

Pakse còn là nơi tập trung nhiều người Lào gốc Việt nhất đất nước Lào. Theo thống kê sơ bộ của Đại sứ quán Việt tại Lào thì người Lào gốc Việt ở Pakse có hơn 5 000 người. Trong đó Nhà Đèn là xóm người Việt lớn nhất trong số hàng chục xóm quần cư người Lào gốc Việt.

Từ TP.  Hồ Chí Minh có nhiều tuyến xe buýt đi thẳng đến Champassak, Lào với hành trình 12 giờ xuyên qua cửa khẩu Hoa Lư (Việt - Cam), Stung Treng (Cam - Lào). Trạm cuối hành trình là một địa điểm trung tâm Pakse, nơi khách du lịch ba lô phương Tây tá túc nhiều, giống như con phố Phạm Ngũ Lão ở quận 1, TP. Hồ Chí Minh. Nơi đó Việt kiều ở Lào gọi là xóm Nhà Đèn.

laos-28122012-dscf0001-10-1637211557.JPG
Tác giả cùng trò chuyện với người Việt sinh sống ở Pakse

Champassak là một tỉnh lỵ thủ phủ Nam Lào và Pakse là thành phố trực thuộc tỉnh Champassak. Đó là thành phố sầm uất và sung túc. Pakse còn là nơi tập trung nhiều người Lào gốc Việt nhất đất nước Lào. Theo thống kê sơ bộ của Đại sứ quán Việt tại Lào thì người Lào gốc Việt ở Pakse có hơn 5 000 người. Trong đó Nhà Đèn là xóm người Việt lớn nhất trong số hàng chục xóm quần cư người Lào gốc Việt.

Có thể nói, cộng đồng người gốc Việt đã góp phần thúc đẩy Pakse trở thành một thành phố sung túc nhất vùng Nam Lào này. Bởi, cách nay khoảng 1 thế kỷ, Pakse chỉ là một bãi thương hồ ven con sông Se Don hiu hoạnh. Thuở đó, nơi sung túc nhất là khu đền thiêng Wat Phou nằm dưới chân ngọn Phou Kao, cách trung tâm Pakse khoảng 45 km về hướng Nam. Ngày nay, chỉ một số ít người giải thích được nguyên do ngày xưa người Việt tha hương đến vùng đất này lập nghiệp, tạo xóm để bây giờ trở thành một phần máu thịt của đất nước triệu voi. Những bậc kỳ lão chỉ biết rằng, người Việt sang đây lập nghiệp từ khoảng cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 khi các phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp lan rộng khắp 3 nước Đông Dương.

laos-31122013-103-1637211221.JPG
Chùa Long Vân ở Pakse

Lúc đầu chỉ vài nóc gia mọc bên cạnh bãi sông, sau đông đúc dần. Hiện nay có khoảng 5000 người Lào gốc Việt định cư tại Pakse hơn 30 năm. Đa phần là người gốc Huế, Quảng và số ít là người miền Nam. Những nhà hàng, khách sạn, công ty lớn ở Pakse đều của người gốc Việt.

Hầu hết những người gốc Việt tại Pakse đều dùng tiếng Việt trong giao tiếp, vì vậy, người Việt sang đây du lịch không ngại chuyện khác biệt ngôn ngữ.

Xóm Nhà Đèn có văn phòng Lãnh sự quán Việt Nam. Tại đó có một ngôi trường tên Hữu Nghị (đường số 13 B) do Hội Việt kiều chung tay xây dựng để dạy văn hóa, tiếng Viết cho con em người Lào gốc Việt. Bộ Giáo Dục - Đào Tạo Việt Nam cũng đã tăng cường giáo viên sang để hỗ trợ chuyên môn cho trường.

Rất nhiều người Việt thành đạt đã từng là học trò của ngôi trường này.

Trước kia, ngôi trường chỉ là một lớp học tiếng Việt nằm trong ngôi chùa Long Vân ở cách đó vài trăm mét, ven bờ sông Se Don.

Trên cổng chùa có hàng chữ Việt "chùa Long Vân". Chánh điện khang trang với kiến trúc kiểu Huế, mái ngói đỏ, đầu mái cong vút, trên đỉnh mái có hình tượng tứ linh.

laos-31122013-118-1637211281.JPG

Bức tượng Phật đầu tiên của chùa Long Vân

Sư trụ trì Thích Thanh Tịnh được Giáo hội Phật giáo Việt Nam cử sang trụ trì chùa từ năm 2007. Lúc đó, chùa Long Vân không có người trụ trì chính thức, người dân ở xóm Nhà Đèn tự đến cúng kiếng, tụng kinh và chăm sóc chùa.

Những bậc kỳ lão người Việt ở Pakse kể rằng, chùa Long Vân bắt đầu được xây từ một điềm báo hiển linh của Phật từ cách nay 70 năm.

Hồi đó, một người Pháp thuê người chạm một bức tượng đức Phật ngồi thiền trên 3 vòng thân rắng Naga 7 đầu (Nam Tông). 7 đầu rắn che phủ đỉnh đầu đức Phật. Bức tượng chỉ cao vài chục cm.

Sau năm 1945, người Pháp này về nước, bỏ lại tượng Phật chơi vơi mưa nắng dưới một gốc hoang cây ven sông.

Ông Trần Quế - Một lao công giúp việc cho gia đình ông Nan Kíp, một phú hộ người Lào ở Pakse - tình cờ ra bờ sông trông thấy tượng Phật dãi dầu mưa nắng, không đành lòng nên ôm vào lòng, trịnh trọng mang về chỗ ở. Lúc đó, ông Trần Quế nghèo khó, rời quê Quảng Bình sang Lào làm thuê đủ thứ để mưu sinh. Ông làm thuê nơi nào là xin tá túc nơi đó.

ong-tran-que-1637211680.jpg
Ông Trần Quế

Sau đó, mỗi khi rãnh rỗi, ông Trần Quế thường ôm tượng Phật ra ngồi dưới gốc cây bồ đề ven bờ sông suy tưởng.

Một buổi chiều mệt mõi, ông Quế ôm tượng Phật ra gốc bồ đề suy tưởng rồi ngủ quên. Trong giấc mơ ông thấy một vầng mây tỏa hào quang sáng rực rỡ trên bầu trời. Khi thức dậy, ông lặng lẽ ôm tượng Phật về chỗ trọ.

Lúc đó, người dân quanh vùng thấy một luồng ánh sáng lạ phát ra từ ven bờ sông. Tò mò, mọi người kéo đến xem thì phát hiện ánh sáng đó phát ra từ nơi ông Trần Quế đã ngồi. Khi mọi người đến nơi thì ánh sáng không còn nữa vì ông Quế đã ôm tượng Phật đi.

Từ hôm đó, mọi người bắt đầu để ý đến ông Trần Quế và phát hiện ra, mỗi khi ông ôm tượng Phật ngồi dưới gốc bồ đề là ánh sáng bí ẩn xuất hiện sáng lóa. Ánh sáng dài, cong lượn giống như một con rồng vùng vẫy trên mây. Chuyện tới tai phú hộ Nan Kíp. Vốn là một Phật tử ngưỡng vọng Phật, tận mắt chứng kiến điều linh diệu, ông Nan Kíp phát nguyện dâng phần đất có gốc bồ đề linh thiêng cho Phật. Dân chúng trong vùng cùng góp của, góp công cất bên cạnh gốc bồ đề một mái nhà để che chắn tượng Phật. Ông Trần Quế trở thành người thủ từ chiếc am Phật linh thiêng.

Mỗi chiều, người dân ở cách đó hàng chục cây số đều thấy ánh sáng linh thiêng từ ngôi am hắt lên trời. Người ta đã nườm nượp kéo nhau đến ngưỡng vọng Phật, cầu kinh. Nhiều người trong vùng đến lễ Phật cầu xin thoát tật bệnh đều được Phật chứng cứu khỏi. Một số người đến lễ Phật, sau đó đều phát tài nhờ kinh doanh gặp may mắn.

laos-31122013-129-1637211334.JPG

Sư trụ trì và những linh vị nạn nhân vụ tai nạn máy bay

Những người may mắn này đã cúng dường tiền của để xây dựng mái am thành ngôi chùa khang trang và đặt tên là Long Vân, tức "mây hình rồng".

Chuyện kể rằng, năm 1990 vợ chồng ông H - Cư ngụ ở Huế sang Pakse buôn bán. Không hiểu vì lý do gì, họ bị mắc nợ một băng nhóm giang hồ ở Sài Gòn hàng trăm triệu kip, sắp đến ngày hẹn mà không tìm ra lối thoát. Gã chủ nợ bắn tin sẽ "lấy máu" nếu không trả đúng hẹn. Ông chồng đánh liều về tp Hồ Chí Minh tìm bạn bè vay mượn, trong khi bà vợ chỉ còn biết cách vào chùa phủ phục trước tượng Phật cầu kinh cứu nạn.

Về đến TP. Hồ Chí Minh, ông chồng đi gõ cửa tất cả những người quen biết. Số tiền quá lớn, không ai dám cho mượn. Quá thất vọng, ông chồng đã nghĩ đến chuyện tự tử. Cùng lúc đó, bà vợ đang cầu kinh ở chùa ngủ gục. Bà nằm mộng thấy một ông lão nghèo khổ chìa tay xin tiền. Bà than không có tiền bố thí. Ông lão bảo mua vé số sẽ trúng giải lớn để có tiền bố thí cho ông. Đúng lúc đó, ông chồng gọi điện thoại khiến bà tỉnh giấc. Ông cho biết không mượn được tiền. Ông bảo bà tìm nơi lẫn trốn bọn chủ nợ giang hồ, ông sẽ đi xa, khi nào có tiền trả nợ mới về.

chua-long-van-cung-nghinh-tuong-phat-1637211916.jpg
Chùa Long Vân cung nghinh tượng Phật

Chiều hôm đó, ông ra bờ kênh Nhiêu Lộc nhậu một mình cho say mềm để nhảy xuống kênh tự tử. Trong lúc nhậu, một ông lão đến xin tiền. Tính tiền nhậu xong, còn dư hơn 100.000 đồng, ông đưa hết cho ông lão ăn mày. Cùng lúc đó, một bà lão kèo nài bán vé số ế. Ông lão đưa lại cho ông 10.000 đồng để mua giúp vé số cho bà lão. Ông đưa 10.000 đồng cho bà lão mà không lấy tờ vé số. Bà lão nhét đại tờ vé số vào túi ông.

Khi đã say mềm, ông đi ra bờ kênh với ý nghĩ tiêu cực. Bỗng bà lão bán vé số chạy tới thông báo rằng tờ vé số đã trúng độc đắc. Vợ chồng ông H trả được nợ, dư bao nhiêu làm từ thiện và cúng hết cho chùa. Bà con Việt kiều sinh sống ở Xóm Nhà Đèn cùng góp thêm vào số tiền đó để tái thiết ngôi chùa gỗ đã xuống cấp thành kiến trúc kiên cố.

Câu chuyện có vẻ huyền ảo như thần thoại, dù vậy nó cũng đưa ra một triết lý sống: Không nên tuyệt vọng bởi dưới dáy tuyệt vọng vẫn có những sợi chỉ mảnh của hy vọng.

chua-long-van-khanh-thanh-kien-truc-moi-nam-2015-1637211389.jpg
Chùa Long Vân khánh thành kiến trúc mới năm 2015

Hiện nay, ngôi mộ tháp của ông Trần Quế vẫn còn hiện diện tại chùa. Và ngôi chùa Long Vân là một địa chỉ để người Việt tựa vào làm cứu cánh mỗi khi tuyệt vọng./.

Hồ Xuân Dung

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/ghi-chep-o-nam-lao-long-van-tu-ngoi-chua-viet-o-pakse-ky-i-a19577.html