Nguyễn Ngọc Thiện - Phu chữ trên cánh đồng văn chương

Tôi may mắn được gặp PGS, TS Nguyễn Ngọc Thiện vào một buổi chiều thu trong veo của đất trời Hà Nội. Mọi thứ trong veo, tôi cảm thấy thế.

hinh-thay-1637160771.jpg
Chân dung PGS, TS Nguyễn Ngọc Thiện. Ảnh: NVCC

Cái tên Nguyễn Ngọc Thiện nữa, cũng trong trẻo, mát lành, cái tên dễ gợi cho người nghe về sự thiện tâm trong sáng như ngọc, đúng như nhà văn Ma Văn Kháng từng nhận xét: “PGS, TS Nguyễn Ngọc Thiện - con người như tên gọi”. Bất kỳ ai gặp ông cũng sẽ cảm nhận được ở ông luôn toát lên vẻ giản dị, gần gũi, chân thành với tất cả mọi người. Cũng với tâm hồn sáng trong ấy ông đã luôn mở rộng lòng mình đón lấy những vang vọng của từng tác phẩm văn chương, nghệ thuật. Tuyển tập Thăng hoa sáng tạo và thẩm mỹ tiếp nhận văn chương chính là thành quả lao động miệt mài của một tâm hồn như thế.

Thăng hoa sáng tạo và thẩm mỹ tiếp nhận văn chương là cuốn sách gồm 832 trang và 32 trang ảnh (khổ 16 x 24) với hơn một trăm bài nghiên cứu lý luận, phê bình về văn học Việt Nam hiện đại, chân dung những nhà lý luận phê bình được tác giả viết trong khoảng gần nửa thế kỷ mà hầu hết đã được công bố trong các hội thảo quốc gia rồi in trên các báo, tạp chí chuyên ngành. Tiếp cận từng trang viết của cuốn sách, người đọc mới thầm nhủ rằng viết văn đã khó, viết nghiên cứu, phê bình - một lĩnh vực uyên bác như lý luận văn học cũng khó không kém. Nó đòi hỏi người viết phải thực sự có trái tim nhạy cảm với nghệ thuật, phải dấn thân, dày công tìm hiểu và nghiên cứu, bền bỉ theo đuổi niềm đam mê của mình vì thế không phải ai cũng làm được.

Phần thứ nhất của cuốn sách là những bài tiểu luận và nghiên cứu. Đầu tiên, tác giả Nguyễn Ngọc Thiện đã dày công tìm hiểu về những văn kiện, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan đến hoạt động văn học nghệ thuật như: “Đường lối văn nghệ của Đảng và sự phát triển văn học - nghệ thuật”, “Đường lối văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam với việc trau dồi tri thức lý luận, kỹ năng chuyên nghiệp, tạo nguồn lực cho tài năng phát triển”. Đặc biệt, với bài viết “Đề cương văn hóa Việt Nam 1943 và đường lối văn hóa - văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam”, tác giả nhấn mạnh vai trò của tư duy lý luận mác xít - lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hay bài với bài viết “Đề cương văn hóa Việt Nam và vấn đề dân tộc hóa tiếng nói và chữ viết”, tác giả nhấn mạnh: “Hãy giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc tiềm ẩn trong ngôn ngữ tiếng Việt vốn giàu và đẹp của chúng ta”. Có thể thấy đây là những kiến thức rất cần thiết cho hoạt động nghiên cứu lý luận, phê bình văn học nghệ thuật. Mà dựa vào nó, tác giả xác định được những hướng nghiên cứu để từ đó có những đóng góp kịp thời, phù hợp với nhu cầu thực tiễn của cuộc sống, của thời đại đang đòi hỏi.

Điểm sáng ở Phần thứ nhất của cuốn sách là những bài viết về các giai đoạn phát triển của lý luận văn học Việt Nam qua các chặng đường như: “Lý luận, phê bình văn học Việt Nam 1930 - 1945”, “Lý luận, phê bình văn học Việt Nam 1945 - 1954”, “Diện mạo mới của sự phát triển lý luận, phê bình văn học Việt Nam 1945 - 1975”. Những bài viết cho thấy tác giả đã rất dụng công nghiên cứu để vẽ lên bức tranh toàn cảnh về hoạt động nghiên cứu lý luận văn học Việt Nam qua các thời kỳ. Ở đó, nổi bật nhất là 5 cuộc tranh luận văn học có ý nghĩa đối với việc tìm hiểu tư duy lý luận, phê bình là: 1. Cuộc tranh luận về Truyện Kiều, 2. Cuộc tranh luận về Quốc học, 3. Cuộc tranh luận Thơ mới/ Thơ cũ, 4. Tranh luận “Nghệ thuật vị nghệ thuật” hay “Nghệ thuật vị nhân sinh, 5. Cuộc tranh luận “Dâm hay không Dâm” trong tác phẩm của Vũ Trọng Phụng. Tiếp đến là những bài viết như: “Khái quát về tranh luận văn nghệ ở Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX”, “Nhìn lại cuộc tranh luận nghệ thuật 1935 - 1939”, “Đặng Thai Mai và cuộc tranh luận Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh”, … Những trang viết cho thấy sự nghiên cứu rất công phu, kỹ lưỡng với phương pháp thực chứng của tác giả để sự nhìn nhận, đánh giá khách quan nhất đối với từng giai đoạn phát triển của lý luận văn học.

Như một cách để tri ân, để trân trọng những người thầy, những bậc tiền bối, những người bạn, người đồng nghiệp của mình, nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thiện đã dành nguyên một phần (Phần thứ ba) của cuốn sách để giới thiệu 39 chân dung của những nhà nghiên cứu lý luận phê bình. Đó là những tên tuổi xếp theo thứ tự A, B, C của lối viết từ điển học như: Lại Nguyên Ân, Phan Kế Bính, Trương Chính, Trần Thanh Đạm, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Đỗ Đức Hiểu, Hoàng Ngọc Hiến, Phan Khôi, Nguyễn Hiến Lê, Phong Lê, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Đinh Gia Khánh,… được nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thiện giới thiệu đầy đủ về cuộc đời, những quan điểm học thuật, phương pháp nghiên cứu cũng như nêu lên những nhận định về đóng góp của họ đối với tiến trình phát triển lý luận văn học Việt Nam. Tiếp sau những bức chân dung đó là những câu chuyện ấm áp tình thầy trò, tình đồng nghiệp, là những hồi ức xoay quanh hành trình học tập nghiên cứu và cống hiến chính bản thân tác giả.

sach-thay-thien-1637160539.jpg
“Thăng hoa sáng tạo và thẩm mỹ tiếp nhận văn chương” một cuốn sách với những kho tàng cho những ai đam mê văn chương

45 bài tiểu luận, nghiên cứu, 39 chân dung nhà nghiên cứu lý luận, con số ấy đủ để cho người đọc hình dung về số sách, số tác phẩm, số công trình nghiên cứu, số trang viết… của các nhà nghiên cứu mà tác giả Nguyễn Ngọc Thiện đã đọc, đã dày công tìm tòi, nghiên cứu, nghiền ngẫm để chắt chiu, để đọng lại trong trang viết những nhận định sâu sắc, khách quan về từng nhà nghiên cứu lý luận phê bình, từng vấn đề được bàn tới. Với những người ở buổi đầu niềm đam mê tìm hiểu, quan tâm đến lĩnh vực nghiên cứu lý luận phê bình thì có lẽ những trang viết này của Nguyễn Ngọc Thiện thực sự là chiếc cầu nối hữu dụng kết nối họ với không gian của lý luận phê bình, với những bậc tiền bối, để hiểu thêm về lịch sử của nghiên cứu lý luận phê bình qua từng thời kỳ cũng như đóng góp của một số nhà nghiên cứu từ trước đến nay. Đó thực sự là những kiến thức cần thiết cho những ai quan tâm tìm về với bến văn chương.

Đặc biệt hơn là bên cạnh những bài viết như một sự giới thiệu ngầm về tiền nhân thì tác giả Nguyễn Ngọc Thiện bắt đầu hướng đến hiện tại, đến “Chiến lược phát hiện, bồi dưỡng, sử dụng và chăm sóc tài năng VHNT phát triển, làm rạng danh đất nước”, và ông định hướng “Phê bình văn học - Bạn đồng hành cùng người đọc và nhà văn”. Ông cũng không quên nêu lên “Thực trạng phê bình văn học nghệ thuật hiện nay”. Cũng như cung cấp cho người đọc cách “Nghiên cứu, nâng cao chất lượng, hiệu quả của Lý luận văn học Việt Nam qua tiếp thu Lý luận văn học nước ngoài”, “Bài học về tư duy thực chứng và đối thoại trong nghiên cứu văn học từ một người thầy” như một số kinh nghiệm nghiên cứu để làm vốn lận lưng trên con đường học thuật của mình. Đặc biệt là với bài viết “Về việc biên soạn giáo trình lý luận văn học bậc đại học ở ta 50 năm qua”, tác giả đã thực sự dụng công, quan tâm đến công tác đào tạo thế hệ kế cận. Làm cách nào để họ được trang bị kiến thức một cách bài bản khoa học, để từ đó họ ứng dụng vào nghiên cứu đạt hiệu quả nhất. Mà ở đó tác giả luôn nhấn mạnh nhân cách, niềm đam mê, sự cầu thị và bản lĩnh học thuật. Đó là những trăn trở đáng quý của một con người tài hoa nặng nợ với nghiệp văn chương. Như vậy, khi tiếp cận cuốn sách Thăng hoa sáng tạo và thẩm mỹ tiếp nhận văn chương, người đọc đến đây gần như đã được trao trọn chiếc chìa khóa để mở cánh cửa tìm hiểu, nghiên cứu lý luận phê bình văn học nghệ thuật.

Tôi cứ luôn hình dung nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Thiện như một phu chữ miệt mài trên cánh đồng văn chương vậy. Ở phần thứ hai của cuốn sách với 21 đề mục gồm 19 bài phê bình về các phẩm của các tác giả tên tuổi thuộc nhiều lĩnh vực thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết (Nguyễn Nhược Pháp, Phạm Tiến Duật, Mai Văn Phấn, Thạch Lam, Nguyên Hồng, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng,…) lời bình về 14 truyện ngắn Việt Nam đương đại và đặc biệt là và 9 bài viết về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của nhà văn Ma Văn Kháng là một một minh chứng hùng hồn cho điều đó. Những con số cho thấy nhà nghiên cứu lý luận phê bình Nguyễn Ngọc Thiện đã làm việc một cách tận tâm như thế nào. Ông đã làm việc đúng như tôn chỉ của chính mình đặt ra: “Phê bình văn học - bạn đồng hành cùng người đọc và nhà văn”. Ông đã đọc kỹ hàng nghìn trang viết của nhà văn Ma Văn Kháng, đã đồng hành cùng nhà văn qua từng bước, từng giai đoạn phát triển trước khi hạ bút viết những dòng phê bình bằng tất cả sự nồng nhiệt, sắc sảo, trung thực, tài hoa mà giàu sức thuyết phục. Đó là những phẩm chất đáng quý không mấy nhà phê bình có được. Đó cũng chính là biểu hiện của một tài năng bắt nguồn từ tấm lòng thiện sáng trong và một trái tim luôn nhạy cảm để đón nhận lấy những vang vọng đẹp đẽ của văn chương. Vì thế mà sau những tháng năm lao động vất vả với công việc vô cùng nặng nhọc, thăng hoa sáng tạo và thẩm mỹ tiếp nhận văn chương - cuốn sách như là một thành quả ngọt ngào nhất - cuốn sách tổng hợp đóng góp của một đời văn. Nếu như Phần thứ nhất của cuốn sách là giới thiệu về lý luận thì Phần thứ hai này chính là phần thực hành. Những bài viết về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của nhà văn Ma Văn Kháng sẽ là nguồn tư liệu quý giá cho những ai muốn tiếp cận tìm hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp văn chương của nhà văn này. Người đọc từ đây sẽ học hỏi được cách tiếp cận, tìm hiểu và cảm nhận một tác phẩm văn chương, cách viết phê bình về một tác phẩm văn học cũng như học tập phong cách làm việc nghiêm túc chỉn chu của phu chữ Nguyễn Ngọc Thiện. Nhưng hơn hết vẫn là học tập ở ông - một tấm gương về đức khiêm tốn học hỏi, cách đối đãi trước sau với thầy với bạn với trò. 39 chân dung những nhà nghiên cứu lý luận phê bình tiêu biểu được ông nhắc đến với tất cả sự trân trọng, mến yêu nhưng tuyệt nhiên không thấy ông xếp mình vào trong số đó. Tôi thiết nghĩ chân dung thứ 40 chính là tác giả. Toàn bộ cuốn sách chính là bức chân dung đầy đủ nhất về cuộc đời, con người và sự nghiệp khoa học của ông - PGS, TS. Nguyễn Ngọc Thiện. Học tập ở ông chính là học tập ở tấm lòng thiện sáng trong và niềm say mê, nghiêm túc trong lao động, cống hiến hết mình cho khoa học, nghệ thuật.

Viết những dòng này, khi vừa đọc xong trang cuối cùng của tuyển tập Thăng hoa sáng tạo và thẩm mỹ tiếp nhận văn chương, tôi thấy mình là người may mắn được gặp PGS, TS Nguyễn Ngọc Thiện và được ông dành tặng những trang viết quý giá. Và tôi tin, cuốn sách này sẽ là nguồn tài liệu quý báu, là cầu nối hữu dụng cho tôi và cho những ai đam mê văn chương bước đầu đến với chân trời của lĩnh vực nghiên cứu phê bình văn học./.

Lý Thị Thủy

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nguyen-ngoc-thien-phu-chu-tren-canh-dong-van-chuong-a19565.html