Nhiều danh sư võ thuật, thuở còn trẻ đã từng tỷ thí võ đài với những môn sinh Trà Kha đều thừa nhận, đó là một môn võ… quái dị. Hầu hết những võ sỹ Trà Kha đều có chung đặc điểm là "mình đồng da sắt", chịu đòn rất giỏi và quyền cước biến hóa không lường. Vào khoảng giữa đầu thế kỷ 20, phong trào võ thuật miền Nam bước vào giai đoạn sôi động cực thịnh, các võ sỹ Trà Kha đã để lại dấu ấn khá mạnh mẽ trong giới võ lâm.
Điều lạ là những võ sinh Trà Kha đều rất kín tiếng khi được hỏi về môn phái. Họ tự rút vào 1 thế giới riêng biệt. Vì vậy, người "ngoại đạo" hầu như không biết gì về họ.
Chúng tôi có cơ duyên gặp gỡ và hầu chuyện cùng đại lão võ sư Ba Cao Lãnh (1902 - 2005) trước khi ông về cõi vĩnh hằng. Trong làng võ miền Tây Nam Bộ, rất nhiều người nghe tiếng tăm thầy Ba Cao Lãnh nhưng ít ai có dịp gặp mặt vì ông bắt đầu mai danh ẩn tích từ năm 1969 tại Cao Lãnh (Đồng Tháp).
Từ năm 15 tuổi ông đã được đại sư Bảy Hớn - Một truyền nhân võ phái Thất Sơn Thần Quyền trên núi Cấm (An Giang) thu nhận làm đồ đệ. Sau khi sư phụ Bảy Hớn qua đời, ông Ba Cao Lãnh trở thành người giữ lá cờ truyền nhân bí pháp.
Theo lời kể của võ sư Ba Cao Lãnh thì vào năm 1917, sau khi nhập môn mấy ngày, ông đã có dịp chứng kiến một trận thư hùng kinh hãi giữa môn phái Thất Sơn Thần Quyền và một môn phái lạ do võ sư No Sa ở Bạc Liêu làm trưởng môn. Cuộc tỷ thí võ đài này là do chính No Sa khởi xướng thách đấu.
Theo quy ước, "tỷ thí võ đài" khác với "thi đấu võ đài". Một trận đấu võ đài có phân hiệp để võ sỹ lấy sức. Thắng, thua đươc tính bằng điểm số do trọng tài chấm. Còn "tỷ thí" thì đánh đến khi đối phương văng khỏi vòng đài, xin thua, ngất hoặc chết. Bên cạnh dây đài, 2 phe để sẵn chiếc quan tài. Bên nào có người bị thương, bị chết tự lo liệu thuốc men, chôn cất, không bên nào được thưa kiện ra chính quyền. Nếu bị pháp luật truy cứu, bên này phải làm tờ bãi nại cho bên kia.
Ông Ba Cao Lãnh là tân võ sinh nên được miễn đấu mà chỉ lo việc trà nước.
Bảy Hứa (năm 1966 là ủy viên Tổng hội Võ thuật Thất Sơn An Giang) là huynh trưởng của môn phái được sư phụ Bảy Hớn phân nhiệm vụ giao đấu với huynh trưởng của phái No Sa là No Sa Dam. Vào cuộc đấu, Bảy Hứa chiếm thế thượng phong vì nhanh nhẹn hơn No Sa Dam. Chỉ sau vài chiêu, mặt No Sa Dam đã tóe máu bởi mấy cú đánh chỏ cật lực của Bảy Hứa. Với người thường, bị trúng đòn như vậy đã lăn quay ra ngất. Thế nhưng, No Sa Dam vẫn cứ lầm lì nhào vô. Bảy Hứa dùng một thế võ cận chiến vật cổ No Sa Dam xuống đất rồi chắp 2 tay lại bổ vào be sườn đối phương liên tục. Những cú bổ như trời giáng chạm vào be sườn No Sa Dam ép vào lồng phổi tạo thành tiếng "ình ình" như tiếng trống bể. Sau hàng chục cú "cổ củi", thấy Na Sa Dam nằm im, Bảy Hứa tưởng đối phương đã chết nên đứng dậy.
Tuy nhiên, No Sa Dam vẫn lừng lững đứng lên, cắm đầu vào đánh tiếp. Thấy đối phương tóe máu, Bảy Hứa chờn không ra đòn hiểm nữa mà chỉ đánh cầm chừng. Tận dụng kẽ hở đó, No Sa Dam tung nhiều cú phản đòn liên hoàn khiến Bảy Hứa lăn quay ra đất bất tỉnh. Dù vậy, No Sa Dam vẫn hùng hục đánh vào thân hình mềm nhũng của Bảy Hứa. Sư phụ Bảy Hớn phải tung khăn trắng vào võ đài cho đệ tử xin thua nhưng No Sa Dam vẫn tiếp tục hỳ hục bẻ tay, bẻ chân kẻ thua cuộc.
Bảy Hớn đành chắp hai tay trước ngực xin với No Sa. No Sa truyền lệnh bằng cho đệ tử bằng một câu thần chú. Khi ấy, No Sa Dam như sực tỉnh, buông thân thể Bảy Hứa ra rồi… đổ xuống đất ngất xỉu.
Bảy Hứa bị bẻ gãy lọi cả hai tay, phải đều trị cả nửa năm trời mới hồi phục.
Sau cuộc đấu mấy ngày, sư phụ Bảy Hớn mới cho các đệ tử biết, No Sa là truyền nhân của môn phái Trà Kha. Còn Bảy Hứa, trong những ngày dưỡng thương kể lại rằng, lúc giao đấu, tay ông chạm vào người No Sa Dam giống như chạm vào gốc cây. Sau mỗi cú đánh trúng vào người No Sa Dam, tay ông tê dại.
Sau này No Sa Dam sang Pnom Penh, Campuchia mở 1 võ đường Trà Kha rất lớn. Trước năm 1975, có dạo, ông No Sa Dam được giới võ thuật Campuchia bầu làm Chủ tịch Tổng hội võ thuật Camuchia. No Sa Dam đào tạo được rất nhiều thế hệ võ sỹ giỏi như No Sa Long, No Sa Lieng…
Năm 1925, phong trào võ thuật tại Sài Gòn bỗng dưng phát triển mạnh mẽ. Hàng tuần, Tổng hội Võ thuật Sài Gòn đều tổ chức võ đài quốc tế tại võ đường Việt Nam Tinh Võ Học Hiệu (Hiện nay ở số 756, Nguyễn Trãi, quận 5, tp Hồ Chí Minh) cho các võ sinh khắp miền Nam giao lưu với các võ sỹ khắp khu vực Châu Á. Các võ đường hiện diện tại miền Nam thi nhau tung đồ đệ thượng đài để quảng bá môn phái của mình. Hàng trăm môn phái Thiếu lâm Bắc phái, Thiếu lâm Nam phái, Võ Cổ truyền Việt Nam liên tục đưa võ sỹ ra giao đấu với các võ sỹ từ các nước Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, Philippin, Hồng Kông… Thậm chí, thỉnh thoảng một số quốc gia phương Tây như Pháp, Mỹ cũng đưa võ sinh sang thi đấu. Nhiều môn phái đã tạo được danh tiếng cho mình ở các cuộc thi đấu này. Trong những cuộc thượng đài đó, thỉnh thoảng, người ta lại thấy một võ sỹ “mình đồng da sắt” xuất hiện tạo một cơn sóng dư luận trong làng võ rồi biệt tăm. Trong đó có người xưng là học trò của Phan Phát Sanh (tức Phan Xích Long), có người giới thiệu là đệ tử một võ sư không ai biết tên tuổi.
Đặc điểm chung của những võ sỹ “mình đồng da sắt” trước khi vào trận đều bái lạy 4 hướng bằng những động tác kỳ quái. Khi lâm trận họ lầm lỳ đánh, lầm lỳ chịu đòn và thân hình rắn chắc như sắt.
Nhiều võ sư cùng hỏi nhau về môn phái lạ này. Không ai biết, nó xuất xứ từ đâu.
Giữa lúc giới võ lâm đang truy tìm tông tích môn phái “mình đồng da sắt” thì tại cuộc thi đấu võ đài lưu động của Tổng hội Võ thuật Sài Gòn tổ chức tại Qui Nhơn năm 1937, một võ sỹ trẻ tên là Vũ Ổn lần đầu tiên đăng ký thượng đài đã lần lượt hạ gục hết các võ sỹ giỏi. Đêm chung kết trao giải, trước khi nhận cúp vàng của ban tổ chức, Vũ Ổn lột áo cởi trần biểu diễn một số động tác khoe cơ bắp cuồn cuộn như lực sĩ cử tạ. Khán giả chưa kịp ngạc nhiên thì Vũ Ổn rút từ túi hành lý ra 1 cây đao bén ngót rồi tự chém phằm phặp vào người. Lưỡi đao bén ngót nhưng chạm vào da thịt anh ta như chạm vào trái bóng da, cứ bật ra. Cao hứng, anh ta còn nhờ khán giả lên cầm đao chém giúp.
Sau vài màn biểu diễn kinh hồn bạt vía, Vũ Ổn cho biết, anh ta là môn đệ võ phái Trà Kha mới xuất sơn từ Campuchia về nước.
Vài tháng sau, Tạp chí Ngày Nay có bài viết của ký giả Vũ Văn Chung kể về võ sỹ Vũ Ổn. Bài viết kể mập mờ rằng, "Vũ Ổn đã sang Campuchia học được môn võ bí truyền Trà Kha. Môn võ đao chém không đứt, đạn bắn không thủng này chỉ cần học trong 3 ngày là thành công. Quí độc giả nào quan tâm hãy cố gắng đợi chờ".
Bắt đầu từ tháng 2 - 1938 cho đến hết năm 1940, người ta liên tục thấy trong mục quảng cáo rao vặt của hàng loạt tờ báo in bằng chữ quốc ngữ đồng loạt đăng bài viết nội dung giới thiệu bán quyển "bí kíp võ gồng Trà Kha của võ sỹ Vũ Ổn".
Điển hình là Tạp chí Tiểu Thuyết Thứ Bảy, số 273, phát hành ngày 26-08-1939 có bài quảng cáo mang tiêu đề: "Muốn bảo hiểm tính mạng nên học gồng Trà Kha do võ sỹ Vũ Ổn ở Hà Nội, vô địch Qui Nhơn 1937 truyền dạy". Nội dung bài viết: "Một bí thuật của Phật giáo gốc tự Cao Miên, chỉ học trong 3 tối là thành tài. Dao chém, búa bổ, đòn đánh không đau. Khỏe mạnh suốt đời không bao giờ đau ốm vặt. Không kiêng cử nhiều chỉ kiêng ăn thịt chó, khế, lương và rắn. Trừ được tà ma. Ở gần xin tới tận nhà. Ở xa xin gởi mandat 3 đồng tiền học phí. Các nhà buôn muốn buôn bán phát tài, cửa hàng vắng khách trở nên đông nên lấy bùa chiêu tài. Muốn được bạc, được cá ngựa, đi làm chủ yêu nên lấy bùa thương. Chồng hay chơi bời cờ bạc, hút nghiền nên lấy bùa yêu nhân đạo. Các thứ bùa đều luyện sẵn cả, không mất thì giờ phiền phức. Võ sỹ Vũ Ổn đã xuất bản cuốn sách dạy gồng Trà Kha có đủ cách luyện và thuốc, thế võ Nhựt…". Kèm theo bài viết là tấm ảnh chân dung của một võ sỹ trẻ trạc 18 tuổi đang đứng trong tư thể biểu diễn cơ bắp cuồn cuộn.
Đang lúc làn sóng tò mò về võ phái lạ, các võ sư phía Nam đặt mua quyển bí kíp "võ gồng Trà Kha" của võ sỹ Vũ Ổn tới tấp. Khi nhận được quyển sách, các võ sư phía Nam đều nhận được thư khuyến cáo đi kèm: "Muốn luyện thành công võ gồng Trà Kha cần phải có sư phụ truyền dạy. Nếu tự luyện sẽ bị tẩu hỏa nhập ma, nhẹ thì bán thân bất toại, nặng thì trở nên điên khùng".
Các võ sư phía Nam càng thất vọng hơn, khi toàn bộ quyển sách chỉ toàn bùa chú, không có chút hơi hướm quyền cước. Nói chung, đó chỉ là 1 quyển bí kíp luyện bùa.
Một số người tìm cách liên lạc với tác giả thì nghe tin chính quyền Pháp đã bắt giam Vũ Ổn vì "truyền bá mê tín". Không ai biết tin tức về võ sỹ Vũ Ổn nữa.
Võ phái Trà Kha lại phủ một màn bí mật.
Bất ngờ, năm 1950, ban tổ chức võ đài Tinh Võ Học Hiệu tại Sài Gòn tiếp nhận một võ sỹ "độc chiếc" (đăng ký 1 mình, không đăng ký theo đoàn) lạ mặt, trạc 40 tuổi đến đăng ký thi đấu. Về nguyên tắc, võ sỹ thi đấu phải đăng ký theo võ đường của mình. Tuy không qui định tuổi tác nhưng hầu như những người từ 40 tuổi trở lên đều trở thành sư phụ, hiếm khi thi đấu. Trong hồ sơ đăng ký, võ sỹ này ghi mình tên là Huỳnh Kim Hên, quê quán Bạc Liêu, môn phái Thiếu Lâm Thủy Phong thuộc Bắc Phái. Không ai biết Thiếu Lâm Thủy Phong xuất xứ từ đâu.
Ban tổ chức nghĩ anh ta thuộc dạng "chịu đấm ăn xôi", lên võ đài kiếm tiền cơm gạo tạm nên xếp anh ta thi đấu với 1 võ sỹ trẻ, không tên tuổi.
Thế nhưng đêm giao đấu, võ sỹ "độc chiếc" đã làm khán giả cũng như các võ sư sửng sốt vì chỉ mới vào hiệp chưa đầy 1 phút, võ sỹ Huỳnh Kim Hên đã hạ knock out đối thủ.
Trận sau, ban tổ chức xếp anh ta thi đấu với 1 võ sỹ đã thành danh. Ai cũng tưởng, trận này Huỳnh Kim Hên không qua nỗi hiệp thứ 2. Tuy nhiên, Huỳnh Kim Hên lại làm những người chứng kiến sửng sốt trước khả năng chịu đòn kinh khủng. Mặc dù bị đối phương đánh bầm dập nhưng cứ sau mỗi lần ngã xuống sàn đài, Huỳnh Kim Hên đều bật dậy được. Cách đánh của Huỳnh Kim Hên rất quái dị. Anh ta cứ lầm lỳ lao vào đánh đấm kiểu như xả thân khiến đối phương phải vận hết sức chống đỡ. Gần kết thúc hiệp cuối, võ sỹ thành danh đuối sức, đành giơ tay đầu hàng.
Kể từ đó, một số người tò mò cho người tiếp cận trò chuyện tìm hiểu. Sau hàng tháng thời lân la làm quen, Huỳnh Kim Hên mới tiết lộ mình thuộc trường phái Trà Kha.
Sau 1 thời gian khuấy động võ đài bằng những trận đánh vô tiền khoáng hậu, bất khả chiến bại, bỗng dưng Huỳnh Kim Hên mất tăm. Ông không đăng ký thi đấu nữa.
Nông Huyền Sơn
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/huyen-thoai-va-su-that-ve-vo-phai-tra-kha-ky-i-a19524.html