Phân cấp, quản lý và bảo vệ di tích "Lực bất tòng tâm"

Di tích sau khi được công nhận, xếp hạng xong rồi lại… bỏ mặc thời gian và con người tác động làm cho biến dạng, thậm chí bị xâm hại và xuống cấp nghiêm trọng đang là một thực tế trên địa bàn Dak Lak hiện nay. Vì vậy việc phân cấp, quản lý và bảo vệ di tích là yêu cầu cấp bách đặt ra…

Mỗi nơi mỗi kiểu

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 22 di tích lịch sử, danh thắng được công nhận, xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Việc phân cấp quản lý, bảo vệ các di tích này được cho là vấn đề hết sức nan giải. Theo ông Trần Hùng - Giám đốc Trung tâm quản lý di tích Dak Lak (Sở VH-TT-DL), do chưa có quy chế chung về việc phân cấp, quản lý và bảo vệ nên mỗi nơi làm mỗi kiểu, tùy vào hoàn cảnh thực tế và đặc thù của từng địa phương, nên phần lớn các di tích được công nhận và xếp hạng chưa được phát huy hiệu quả để góp phần vào mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và văn hóa ở địa phương. Đến nay, ngoài 4 di tích lịch sử (Biệt điện Bảo Đại, Nhà đày Buôn Ma Thuột, Đình Lạc Giao và Đồn điền CA DA) do Trung tâm trực tiếp quản lý và khai thác, 18 di tích và danh thắng còn lại được giao cho chính quyền địa phương, các đoàn thể, doanh nghiệp đảm trách. Qua đánh giá của cơ quan quản lý văn hóa sở tại, phần lớn số di tích này đang bị buông lỏng trong việc chăm nom, bảo vệ do sự phân cấp trách nhiệm chồng chéo, thiếu rõ ràng nên dẫn đến tình trạng “cha chung không ai khóc” như hiện nay.

Chẳng hạn như danh thắng Hồ Lak, có đến 3 đơn vị đứng ra quản lý và khai thác (Ban quản lý rừng Lịch sử - Văn hóa Hồ Lak, Công ty Cổ phần Du lịch Dak Lak và chính quyền thị trấn Liên Sơn-huyện Lak). Trong quá trình được giao quản lý, khai thác di tích, những đơn vị này không tuân thủ theo một quy chế nào cả, cứ “mạnh ai nấy làm” khiến danh thắng Hồ Lak bị xâm hại nghiêm trọng. Qua khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích này cho thấy: Ban quản lý rừng Lịch sử-Văn hóa Hồ Lak tự ý xây dựng một nhà hàng tư nhân ngay trong khu vực 1 (khu vực cấm) của di tích để kinh doanh ăn uống, khiến môi trường và cảnh quan ở đây trở nên ô nhiễm, nhếch nhác, còn Công ty Cổ phần Du lịch Dak Lak thì xây dựng khu resort trên diện tích 12 ha, gồm 16 ngôi nhà với 32 phòng ngủ nằm dọc theo phía Tây Nam bờ hồ, cách mép nước khoảng 15 m đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc tôn tạo và giữ nguyên hiện trạng ban đầu của di tích. Đặc biệt, Biệt điện Bảo Đại được xây dựng trước đây trên ngọn đồi cao nhìn ra toàn cảnh khu vực Hồ Lak thơ mộng giờ đã được đơn vị làm du lịch này “tân trang” lại nội thất nhằm phục vụ mục đích kinh doanh, khiến nét kiến trúc nguyên bản, giàu tính mỹ thuật của ngôi nhà bị biến dạng hoàn toàn. Với chính quyền thị trấn Liên Sơn, được giao nhiệm vụ quản lý về khai thác thủy sản trên Hồ Lak, nhưng lại để cho người dân quanh vùng đánh bắt tôm, cá vô tư… dẫn đến nguồn thủy sản (nhất là các loài đặc hữu) ở đây ngày càng cạn kiệt.

Nhiều di tích, danh thắng được xếp hạng cấp quốc gia khác cũng đang trong tình trạng bị xâm hại, xuống cấp đáng báo động. Hang đá Dak Tuor (xã Cư Pui - huyện Krông Bông) thì tường rào bao quanh khu di tích A - nơi trú ẩn, hoạt động và lãnh đạo cách mạnh của Tỉnh ủy Dak Lak trong cuộc kháng chiến chống Mỹ bị hư hỏng nặng. Tại khu B của di tích: hầm, hào, hội trường… đã bị san lấp để mở đường tuần tra cho Vườn quốc gia Cư Yang Sin. Ông Nguyễn Văn Tâm - Chủ tịch xã Cư Pui, đơn vị được giao quản lý di tích than vãn, một mình chính quyền địa phương không thể làm gì được do áp lực ngày một nặng nề, trong đó vấn đề quy hoạch xây dựng các công trình phục vụ cho nhiều mục đích khác như lâm nghiệp, điện năng, du lịch… là thách thức không nhỏ đối với di tích trên. Tương tự, danh thắng thác Dray Sáp Thượng (còn gọi là thác Gia Long nằm trên địa bàn xã Ea Na-huyện Krông Ana) cũng vậy, do được giao cho nhiều doanh nghiệp vào đây đầu tư, kinh doanh du lịch (đầu tiên là Công ty Đam San, rồi đến Công ty Đặng Lê) nên từ năm 2003 đến nay, di tích này đã bị lấn chiếm, xây dựng không đúng với quy hoạch trước đây. Hiện nay, bên cạnh nhà máy thủy điện Buôn Kuốp tích nước phát điện đã làm ảnh hưởng dòng chảy của ngọn thác, thì việc “chia năm xẻ bảy” cảnh quan, đất rừng trong khu vực dịch vụ, hỗ trợ di tích của người dân và doanh nghiệp làm du lịch cũng làm cho toàn cục của danh thắng được xác định và khoanh vùng bảo vệ trước đây bị suy giảm, thu hẹp. Một số di tích, danh thắng nổi tiếng khác trên địa bàn tỉnh như Tháp Chàm Yang Prông (Ea Rok-Ea Súp), thác Dray Dlông (Quảng Hiệp-Cư M’gar), thác Dray Kpor (Cư Bông-Ea Kar), thác Thủy Tiên (Tam Giang-Krông Năng)… cũng đang bị đe dọa từng ngày do những tác động tiêu cực từ bên ngoài: người dân chặt phá rừng làm rẫy, khai thác gỗ ngày càng ồ ạt và phức tạp trong khu vực di tích…

Theo đánh giá của Trung tâm quản lý di tích tỉnh, để xảy ra tình trạng đáng buồn trên là do việc phân cấp, quản lý và bảo vệ di tích chưa hợp lý. Bên cạnh sự chồng chéo, quy trách nhiệm không rõ ràng để cho các đơn vị quản lý và khai thác, nhất là các đoàn thể, doanh nghiệp tự tung, tự tác làm sai, thì phía chính quyền địa phương khi được giao nhiệm vụ này đã bộc lộ sự đơn độc, yếu thế… hay nói đúng hơn là “lực bất tòng tâm” trước sức ép đặt ra.

Giá trị di tích chưa được phát huy

Có thể nói, một khi các di tích, danh thắng được công nhận và xếp hạng chưa được quản lý, bảo vệ tốt thì việc phát huy giá trị vốn tài nguyên quý báu này sẽ rất hạn chế. Trong số di tích được xếp hạng trên, nhất là 15 di tích được Bộ VH-TT-DL công nhận cấp quốc gia mới chỉ có vài công trình được đầu tư, tôn tạo với kinh phí hết sức khiêm tốn nhằm đưa vào phục vụ cho hoạt động du lịch tại địa phương.

Có thể kể đến là di tích lịch sử Đồn điền CADA (xã Ea Yông - Krông Pak) hiện nay. Di tích này được công nhận từ trước năm 2000 và đến năm 2012, miếu thờ những công nhân làm cà phê cho các điền chủ người Pháp trước năm 1945 đã chết tại đây mới được trùng tu lại để cho khách thập phương đến hương khói. Tất nhiên, với kinh phí vài chục triệu đồng thì ngành Văn hóa chỉ làm được như thế, còn các hạng mục và nhiều yếu tố khác cấu thành di tích lịch sử Đồn điền CADA đúng nghĩa, gợi lại một giai đoạn lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng và sinh động trong vùng thì không có kinh phí để thực hiện. Bởi vậy, nói như bà H’Nga Byă-Trưởng Phòng khai thác di tích (Trung tâm quản lý Di tích Dak Lak)- đến giờ di tích này vẫn chưa có gì ngoài ngôi miếu thờ có quy mô quá bé nhỏ như hiện nay, vì vậy du khách đến đây muốn tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn thì không thể đáp ứng được. Hoặc như Đình Lạc Giao (phường Thống Nhất - TP. Buôn Ma Thuột), hơn 8 năm trước, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh cùng với sự đóng góp của cộng đồng đã bỏ ra hơn 1 tỷ đồng trùng tu, tôn tạo lại ngôi đình tươm tất hơn để thờ cúng, tế lễ. Còn cơ sở hạ tầng và các dịch vụ khác nhằm tiếp đón, phục vụ khách tham quan vẫn chưa được đầu tư đồng bộ. Di tích Nhà đày Buôn Ma Thuột cũng thế, những hiện vật lịch sử có được ở đây vẫn còn rất ít ỏi, hiện chỉ có một vài văn bản sự vụ, tư liệu và hình ảnh được sưu tầm hoặc mua lại từ Trung tâm lưu trữ Quốc gia. Vì vậy, chị Nguyễn Thị Thùy Dương - cán bộ quản lý kiêm hướng dẫn viên tại các di tích này cho rằng: việc thuyết minh, giới thiệu với du khách đến tham quan và tìm hiểu về phong trào đấu tranh cách mạng của những cựu tù chính trị ở đây giai đoạn tiền khởi nghĩa 1945 còn đơn điệu và nhàm chán, khiến giá trị lịch sử của di tích trở nên phai nhạt và không để lại ấn tượng trong lòng mọi người.

Đáng nói hơn là khu di tích lịch sử Biệt điện Bảo Đại (số 4 Nguyễn Du – TP. Buôn Ma Thuột), đến nay vẫn chưa được đầu tư, tôn tạo đúng tầm nhằm phục vụ du khách. Ông Trần Hùng cho biết, những hiện vật liên quan đến ông Vua cuối cùng của triều Nguyễn mà đơn vị quản lý di tích này tìm kiếm, phục dựng được chỉ có một bộ bàn ghế tiếp khách và làm việc của Bảo Đại sử dụng từ năm 1949-1954; còn lại mọi vật dụng sinh hoạt, hình ảnh và tư liệu liên quan đến cuộc sống của cựu hoàng gắn liền với giai đoạn lịch sử trên vùng đất “Hoàng triều cương thổ” đầy biến động thời thuộc Pháp đều quá sơ sài, thậm chí không có do kinh phí quá eo hẹp. Ông Hùng mong rằng: trong thời gian tới, Sở VH-TT-DL tham mưu cho UBND tỉnh sớm ra quy chế về việc phân cấp quản lý, khai thác và bảo vệ các di tích được xếp hạng và công nhận trên địa bàn nhằm khắc phục những hạn chế đã nêu. Theo đó, các cấp, ngành liên quan có sự quan tâm đúng mức hơn đối với việc đầu tư, tôn tạo đối với các di tích để mỗi địa phương có điều kiện phát huy tối đa giá trị quý báu này.

Theo Báo Đắk Lắk

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/phan-cap-quan-ly-va-bao-ve-di-tich-luc-bat-tong-tam-a1949.html