Cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến năm 2021 với chủ đề "Cuốn sách tôi yêu" được Bộ VHTTDL phát động trên phạm vi toàn quốc từ ngày 01/6/2021 tại Hà Nội. Sau gần 4 tháng thực hiện, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 291 bài thi đủ điều kiện, tiêu chí vào vòng xét giải trong số hơn 3.000 bài dự thi.
Cuộc thi là hoạt động được tổ chức theo phương thức mới, hiện đại qua hình thức trực tuyến, áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông để lan tỏa và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Dù không thể tổ chức các hoạt động phát động trực tiếp nhưng Cuộc thi đã nhanh chóng nhận được sự phối hợp hiệu quả giữa ngành văn hóa và các ngành giáo dục, công an, quân đội, các cơ quan báo chí và truyền thông để triển khai, đưa thông tin đến đông đảo người dân trên cả nước.
Dù mới là năm đầu tiên nhưng Cuộc thi đã thể hiện sức lan tỏa rộng rãi, thu hút sự quan tâm và tham gia của cộng đồng. Có đến 59/63 tỉnh, thành trong cả nước đã có thí sinh gửi bài tham dự. Đối tượng thí sinh cũng rất đa dạng, trong đó đông đảo nhất là học sinh, giáo viên và các chiến sĩ công an, quân đội,…
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, những cuốn sách được thí sinh lựa chọn để chia sẻ có nội dung rất đa dạng, phong phú từ các tác giả trong và ngoài nước với nhiều thể loại như: văn học, lịch sử, khoa học thường thức, phương pháp, kỹ năng sống…Một trong số các đề tài được rất nhiều thí sinh lựa chọn để giới thiệu là các cuốn sách viết về lịch sử và chủ quyền dân tộc, về Bác Hồ và các tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các video dự thi đã được xây dựng sáng tạo. Dù phải đối diện với rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 nhưng các thí sinh đã linh hoạt sử dụng những bối cảnh sẵn có hay quay hình, xây dựng video chỉ bằng điện thoại di động. Nhiều bài dự thi có sự đầu tư, chuẩn bị công phu, chuyên nghiệp. Nhiều thí sinh thể hiện được khả năng thuyết trình tốt, trình bày diễn cảm, lưu loát. Bên cạnh đó, nhiều thí sinh đã đưa vào trong bài dự thi phần phụ đề bằng tiếng Anh dành cho người nước ngoài hay ngôn ngữ ký kiệu dành cho người khuyết tật từ đó thể hiện tinh thần, mong muốn lan tỏa văn hóa đọc đến mọi đối tượng trong xã hội, để "không ai bị bỏ lại phía sau".
Ông Phạm Quốc Hùng – Vụ trưởng Vụ Thư viện, Trưởng Ban Tổ chức Cuộc thi cho biết: "Các bài dự thi khi được được đăng tải trên Kênh Youtube "Sách và Trí tuệ Việt" đã thu hút được lượng lớn người truy cập để theo dõi, xem và bình luận. Cuộc thi đã thực sự trở thành một sân chơi, một diễn đàn để chia sẻ về sách. Qua cuộc thi có thể thấy, thói quen đọc và chia sẻ sách vẫn được rất nhiều người ở mọi độ tuổi, ngành nghề tiếp tục duy trì và sáng tạo, phát huy, văn hóa đọc ngày càng được quan tâm và có được sự chung tay đóng góp của cộng đồng. Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho việc phát triển văn hóa đọc nói riêng và nâng cao dân trí nói chung ở Việt Nam. Chúng tôi cũng mong rằng mỗi người trong cộng đồng sẽ tiếp tục nuôi dưỡng, lan tỏa thói quen đọc và đa dạng hóa hình thức đọc sách, góp phần chấn hưng văn hóa đọc nước nhà".
Kết quả chung cuộc, Ban Tổ chức Cuộc thi đã trao 01 Giải Đặc biệt; 04 Giải Nhất; 06 Giải Nhì; 10 Giải Ba và 35 Giải Khuyến khích. Trong đó, Giải Đặc biệt thuộc về Nhóm thí sinh: Đỗ Phương Linh, Nguyễn Mạnh Tuấn, Phạm Phương Thảo – Thư viện Quân đội, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng.
Giải Nhất được trao cho các thí sinh: Đào Xuân Anh, Học sinh lớp 11A5, Trường THPT Mộc Lỵ, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La; Đoàn Thị Hoàng Yến, Học sinh lớp 7/1, Trường THCS Tam Phước, Thành phố Biên Hòa, Đồng Nai; Nguyễn Thị Hòa, Trần Thế Đại, Hoàng Minh Thúy, Bùi Thị Hồng Chiên, Trường THPT huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên; Cao Hoài Bắc, Giảng viên Trường Đại học An ninh nhân dân, Bộ Công an./.
Theo bvhttdl.gov.vn