Khu mộ táng cá Ông Voi khủng nhất Việt Nam (Kỳ I)

Không những khủng nhất Việt Nam mà có thể khủng nhất thế giới về số lượng cá voi được an táng nơi đây. Đó là nghĩa địa cá voi ở khu phố Lộc An, thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

dscf0053-1636607655.JPG
Cổng vào "Ngọc lăng Nam Hải" (ảnh chụp năm 2005)

Nằm khuất nơi mép biển, cuối làng chài Phước Hải, trong một khuôn viên rộng 3.000 mét vuông, nghĩa địa cá voi được ngư dân gọi là "Ngọc lăng Nam Hải". Nghĩa địa có 5 phần gồm: Lăng thờ "lệnh ông Nam Hải Đại Tướng quân"; Miếu thờ Quán Thế âm Bồ tát; Miếu thờ Thổ công; Miếu thờ Thiên quan Tứ phước và khu vực mộ táng cá voi. Toàn bộ công trình đều nhìn ra mép biển.

Khu vực mộ táng nằm trên bãi cát rộng dưới bóng mát của vườn cây dương. Tất cả những ngôi mộ đều được đắp nấm cát như mộ người, có lư hương và tấm bia đá viết "Nam Hải chi mộ", ngày tháng năm "lụy" (chết) của cá. Lưng bia đá có ghi tên con trai cả của chủ tàu phát hiện xác cá.

Trong lăng chính của khu mộ, trên bàn thờ, ngoài bức di ảnh khổ lớn có đề chữ "lệnh ông Nam Hải Đại Tướng quân" còn có tượng 3 cá voi nằm song song.

Cách Ngọc lăng Nam Hải khoảng 1 km là Dinh Ông Nam Hải. Hai di tích này là một. Ngọc lăng Nam Hải là nơi an táng xác cá voi. Còn Dinh Ông Nam Hải là nơi thờ tự cá voi. Ở Dinh Ông Nam Hải, dưới bệ thờ cá trong tháp cốt vẫn còn chứa hàng trăm bộ hài cốt cá voi cải táng từ nghĩa địa cá voi mang về.

Ngư dân ở đây tin rằng: Ghe (tàu cá - PV) nào phát hiện ra xác “ông” là ghe đó gặp vận may. Thế nào cũng làm ăn phát đạt, giàu có. Người con trai cả của chủ ghe sẽ đứng tên để tang “ông”. Khi ra biển, ghe gặp “ông lụy” phải lập tức trở vào bờ, cho dù chưa đánh mẻ lưới nào. Trên đường về, chủ ghe thông báo cho gia đình để chuản bị lễ mai táng long trọng. Gia đình nhận được tin sẽ liên hệ với ban tế tự ở dinh thờ “ông”. Ban tế tự có sẵn mọi thứ cần thiết cho nghi lễ mai táng. Khi xác “ông” vừa vào đến bờ, những ngư dân có mặt đều tham gia đám rước xác.

dscf0068-1636607742.JPG
Bệ thờ "Lệnh ông Nam Hải Đại tướng quân"

Ngày xưa, mọi người dùng một chiếc giường có vạt để đón xác “ông” như đón thi thể trưởng bối trong làng qua đời. 4 người khỏe mạnh được cắt cử gánh đòn khiêng giường. Ngày nay, ban tế tự chế hẳn một chiếc xe đón xác có bánh xe. Ngư dân đưa xác ông vào ngọc lăng, tắm rữa sạch sẽ, quấn vải đỏ 7 vòng, đặt “ông” nằm trên giường gỗ sơn đỏ, lót vải. Sau đó rước thầy làm lễ tang. Người con trai cả sẽ thay mặt gia đình quì chịu tang suốt buổi lễ. Thường thì lễ tang chỉ diễn ra trong ngày. Kết thúc lễ tang, ngư dân đưa xác “ông” vào huyệt mộ rồi dựng bia".

Sau khi chôn cất lập mộ ba ngày, người con trai cả của chủ tàu phải làm lễ mở cửa mả, 21 ngày làm lễ cầu siêu, 3 tháng 10 ngày cúng tuần, giỗ đầu. Trong 3 năm, người chịu tang còn phải kiêng cử một số hành vi đạo đức giống như cách thức chịu tang dành cho cha mẹ. Ngư dân tin rằng, nếu người chịu tang bê tha sẽ bị "ông hành" như kẻ phát điên, la hét, nhảy múa suốt ngày cho đến khi kiệt sức rồi đến nằm phủ phục bên mộ “ông”. Tại Phước Hải, người ta đã từng chứng kiến nhiều cảnh như thế. Trong trường hợp đó người thân phải đứng ra làm lễ tạ lộ, “ông” mới thôi hành xác.

dscf0077-1636607827.JPG
Khu mộ táng cá Voi

Kết thúc 3 năm, người chịu tang làm lễ xả tang rồi làm lễ cải táng đưa hài cốt về dinh thờ “ông” để nhường đất an táng cho những “ông” lụy sau. Ngư dân gọi lễ cải táng là "thượng ngọc cốt" và khi đem vào lăng cất thờ gọi là "thỉnh ngọc cốt". Cứ đến lệ cúng “ông” hàng năm vào ngày 16-02 âm lịch những gia đình đã từng chịu tang “ông” sắm lễ vật đến dinh thờ cúng bái. Những ngày này, không chỉ ngư phủ trong vùng, những cư dân quanh vùng cũng lũ luột kéo về trẩy hội để mong được thần cá độ trì, may mắn.

Ngày xưa, dinh thờ ông và nghĩa địa ông nằm chung 1 chỗ. Sau này, do đất dinh hạn hẹp, ông lụy nhiều nên người dân dời ngọc lăng về phía cuối làng.

Dinh Ông Nam Hải có từ thuở khai mở vùng đất Phước Hải. Ban đầu, ngư phủ cất 1 cái miếu bằng tre, lá. Từ thuở Gia Long, miếu ông đã được ban sắc phong "Nam Hải Đại Tướng quân".

Do chiến tranh, miếu bị đốt cháy mấy lần. Dù ngôi miếu bị nạn nhưng người dân vẫn giữ được sắc phong cho đến tận bây giờ.

Năm 1955, sau 1 lần miếu bị đốt cháy, ngư dân địa phương chọn 1 miếng đất giữa làng chài dựng dinh đơn sơ bằng cây tạp. Người ta đã cải táng, thỉnh cốt “ông” đưa vào dinh thờ.

dscf0108-1636607973.JPG
Một người dân thành kính thắp hương trước mộ một "Ông"

Năm 1998, ngư dân Huỳnh Văn Hiện đi lưới gặp bão, tàu chìm. Ông bơi chới với giữa biển khơi sóng dữ rồi kiệt sức ngất lịm. Trong cơn ngất, ông vẫn lờ mờ nhận ra có 2 “ông” cá bơi cặp nách đưa vào bờ. Sau chuyến tai nạn đó, ông Hiện đi vận động bà con ngư phủ góp tiền xây dựng lăng khang trang.

Hồ Xuân Dung

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/khu-mo-tang-ca-ong-voi-khung-nhat-viet-nam-ky-i-a19484.html