Thiên nhiên trong “Ngựa trắng” của nhà văn Trần Quốc Cưỡng

Trần Quốc Cưỡng là một nhà văn của sự cần mẫn với từng con chữ. Thành quả của sự cần mẫn trên cánh đồng văn chương ấy chính là chín đầu sách đã được xuất bản, bao gồm thơ, tản văn và đặc biệt là truyện ngắn. Dù ở thể loại nào, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy thấp thoáng đằng sau những con chữ ấy là một chân dung Trần Quốc Cưỡng luôn nặng lòng với đất đất quê, luôn trăn trở trước những thay đổi từng ngày của quê hương xứ sở.

quoc-cuong-1636605673.jpg
Nhà văn Trần Quốc Cưỡng

Đặc biệt là sự biến đổi của thiên nhiên, của môi trường sống trước sự tác động của nền kinh tế thị trường. Điều đó thể hiện rõ nhất trong tập truyện ngắn “Ngựa trắng” ra mắt bạn đọc vào năm 2018 do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành. Tác phẩm vừa được trao giải B giải thưởng Văn học Nghệ thuật năm 2018 của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Đến với Ngựa trắng chúng ta sẽ thấy thiên nhiên được hiện lên qua từng trang văn với bao điều kỳ thú. Ở đó con người như được thiên nhiên ôm trọn vào lòng, được tận hưởng tất cả sự trong lành, nguyên sơ của nó. Để khi lướt qua những trang văn miêu tả về thiên của Trần Quốc Cưỡng thì người đọc lại như một lần được lạc vào khu vườn cổ tích. Ở đó là “Chiều dần buông. Sương chập chạ triền núi. Những màn sương mỏng tang nhưng tấm khăn voan dính vào đá la đà. Vài tia nắng cuối ngày hắt ngang, bật lên nét chấm phá màu vàng óng ả, bồng lai. Đàn bạch mã chen nhau nháo nhào động cỡn, rượt đuổi nhau lục lạc rổn rảng, hí hé lang lừng. Chúng ngụp lặn trong sương.” (Ngựa trắng). Là “Những cồn cát màu da bánh mật thoai thoải trong chiều muộn như những cô gái đồng trinh nằm nghiêng nghiêng mặc cho sóng mơn man lời ru êm đềm của biển” và những chú rùa con xinh xắn (Rùa biển). Ở đó còn có một loài khỉ lông trắng nhanh nhẹn, tinh anh lạ thường. Sáng sáng, chúng chuyền cành, khọt khẹt tự tình vang động cả một vùng.” (Hầu quyền). Ở đó là “Biển êm như trải thảm” (Mắt thuyền),… Tất cả, thiên nhiên trở thành cái nên cho nhà văn kể về những cuộc đời, những con người dù ở hoàn cảnh nào vẫn luôn hướng về quê hương xứ sở, hướng về những giá trị văn hóa của dân tộc. Mà ở đó, thiên nhiên là một yếu tố không thể thiếu cho sự sinh tồn và phát triển của con người.

Bên cạnh đó, ngòi bút của Trần Quốc Cưỡng cũng không ngần ngại phán ánh một thực tại đáng buồn là thiên nhiên - môi trường tồn tại của con người đang bị chính con người tấn công và đang dần bị hủy hoại một cách nghiêm trọng. Lồng vào những câu chuyện về những lát cắt cuộc sống, những mảnh đời của các nhân vật, nhà văn đã khéo léo cảnh báo chúng ta về vấn đề môi trường sống bị hủy hoại, đó là vấn đề số phận của con người trong chỉnh thể sinh thái. Mà ở đó con người chính là một mắt xích, một phần của hệ sinh thái, một khi con người phá bỏ nó thì không thể không bị trả giá. Cuộc sống của con người không thể thiếu môi trường tự nhiên. Vì thế, một khi hệ sinh thái của tạo hóa bị hủy hoại thì cuộc sống của con người tất yếu sẽ bị đe dọa. Đọc tập truyện ngắn Ngựa trắng, chúng ta không còn thấy kiểu con người luôn thể hiện bản lĩnh kiêu hùng của mình chinh phục tự nhiên hoang dã để phục vụ cho cuộc sống như trong Hương rừng cà mau của Sơn Nam viết về thời kỳ người dân Nam Bộ đi khai hoang mở đất, mà những nhân vật trong trang văn của Trần Quốc Cưỡng hầu hết là những con người sinh ra và lớn lên, gắn bó cả cuộc đời với đất quê. Họ sinh ra, lớn lên, vật lộn với cuộc mưu sinh, họ chứng kiến những đổi thay quanh mình, từng ngày. Đó chính là những cái nhìn của người trong cuộc, vì thế mà những tiếng thở dài trăn trở của họ trước những đổi thay, phai nhạt không mong muốn đang từng ngày diễn ra lại càng xót xa hơn bao giờ hết. Trước vòng quay của nền kinh tế thị trường, mọi thứ cứ được khai thác, tận diệt một cách triệt để, không còn kịp nghĩ đến sự bảo tồn, phát triển chúng, “Dọc đường làng còn treo bán nhan nhản ví da ngựa, dây nịt ngựa, móng chân ngựa… Nghĩa là người ta khai thác triệt để con vật “làm trâu làm ngựa” bằng mọi giá. Đàn ngựa bạch Sà Chìn cứ teo tóp dần theo ngày tháng” (Ngựa trắng). Con người dùng tất cả trí thông minh của mình để tận diệt thiên nhiên “Sau khi “vượt cạn”, rùa đào đào nhiều hầm giả, duy nhất có một hầm có trứng để ngụy trang bảo vệ “cốt nhục”, mong có một ngày những đứa con thơ dại sẽ trở về với mẹ, với đại dương bao la. Vậy mà sự tinh khôn của những cô rùa đáng thương không thoát khỏi bàn tay con người”.

Dường như con người càng theo đuổi, càng muốn chế ngự thiên nhiên thì thiên nhiên đáp trả lại con người bằng những hình phạt khi âm thầm, khi dữ dội, cuống phong. Con người tham lam sở hữu thì thiên nhiên lặng lẽ biến mất “Biển vẫn thế, vẫn ngọt ngào như thế. Vậy mà Nhung không ngờ lời dặn dò ngây ngô ngày nào với rùa biển giờ đã trở thành sự thật. Má nói những năm qua không hề có rùa biển vào bãi bờ sinh sôi như ngày trước”, “Những con hải sâm vùng biển của Nhung ngày xưa nhiều vô kể, giờ đã trở nên hiếm hoi, thật đáng buồn” (Rùa biển). Dữ dội hơn là sự nổi giận của mẹ thiên nhiên “Giông bão đi qua. Biển lặng. Đoàn thuyền biến mất. Những mảnh chiếu, tre nẹp, dây mây trôi dật dờ trên biển vắng…” (Những ngôi nhà không có đàn bà). Thiên nhiên đang dần bị hủy diệt dưới bàn tay của con người và chính con người cũng đang phải trả giá vì điều đó, cái giá ngày một đắt hơn.

Thế nhưng với tấm lòng luôn tin yêu vào cuộc đời, vào những giá trị nhân văn hãy còn tồn tại trong mỗi con người. Từng câu chuyện vẫn được nhà văn kể với tất cả niềm tin vào một ngày mai tươi sáng. Những câu chuyện vì thế luôn khiến người đọc cảm nhận được một thế giới nhân hậu, và đầy bao dung. Cho dù nhà văn có nói về mặt trái của cuộc đời, về những nhân vật phản diện thì sau cùng vẫn là sự ăn năn hối lỗi, sự thức tỉnh lương tri của nhân vật để hướng đến ngày mai tốt đẹp hơn. Con người không chỉ ngộ ra cách ứng xử giữa người với người mà còn biết cách ứng xử hòa hợp với thiên nhiên, nương vào thiên nhiên để sinh sống, tồn tại và phát triển. A Bảo trong Ngựa trắng thông thạo về loài ngựa quý, anh rất quý con Cơn Lốc Tuyêt, anh hiểu được giá trị của nó và quan trọng hơn là anh đã không bị cám dỗ bởi số tiền lớn trước mắt. Anh hiểu rằng cần bảo tồn giống ngựa quý cũng như cần bảo lưu những giá trị văn hóa trên quê hương của mình. Dũng và Nhung trong Rùa Biển rất yêu sinh vật biển, họ đã yêu biển bằng tình yêu da diết. Tình yêu ấy khiến cả hai lớn lên đều theo ngành Hải dương học với mong muốn sau này trở về bảo vệ sinh vật biển. Và cả gia đình của Du Miên trong Hầu quyền đã gắn bó với núi Thanh Phong, đã bảo vệ được lài khỉ lông trắng trước sự săn lùng của cánh thợ săn thú rừng, đã thuần hóa được chúng, chăm sóc chúng như những thú cưng. Hơn nữa, một trong những tay săn động vật quý hiếm là Tư Hổ đã thức tỉnh, trở thành nhân viên bảo vệ khu sinh thái. Để đến đây, người ta có thể “tận mắt chứng kiến cảnh núi rừng xanh tươi, hùng vĩ, xen những khối đá màu đen như kim cương lóng lánh với nhiều hình dáng độc đáo như có sự can thiệp của bàn tay con người, nhất là xem đàn bạch mao hầu hiếu động, dễ thương”. Có thể thấy trước thiên nhiên con người đang bộc lộ (hoặc trở về) phần nhân tính tốt đẹp nhất, sáng trong, thánh thiện nhất không thể bị chôn vùi, khất lấp. Và dường như thông qua những dòng văn nhẹ nhàng, trong sáng như thế, nhà văn đã kín đáo gửi đến bạn đọc rằng: Hãy còn kịp để chúng ta hành động vì môi trường sống của chúng ta, nhưng phải ngay từ bây giờ, đừng chậm trễ thêm một phút giây nào nữa.

ngua-trang-1636605819.jpg
Thiên nhiên trong “Ngựa trắng” trong dòng văn học sinh thái Việt Nam đương đại

Tập truyện ngắn Ngựa trắng với 186 trang - dung lượng không lớn lắm nhưng đã được Trần Quốc Cưỡng chuyển tải nhiều thông điệp đến với bạn đọc thông qua nhiều truyện ngắn, mà mỗi câu chuyện là một lát cắt của cuộc sống muôn màu. Những câu chuyện được lấy bối cảnh từ nhiều thế kỷ trước, từ trước năm 1975 hay trong cuộc sống thực tại, viết về chiến tranh hay hòa bình thì trang văn của anh vẫn thấm đẫm chất ưu tư của một người con luôn nặng lòng với quê hương xứ sở. Nếu như nỗi đau trong chiến tranh là máu xương của cha ông đã đổ xuống để bảo vệ biển trời của quê hương thì trong thời bình lại là nỗi đau bởi những gì tươi đẹp nhất của quê hương đang bị chính bàn tay con người hủy hoại từng ngày. Rừng vàng biển bạc đang bị đe dọa và con người cũng đang phải trả giá cho những điều mình gây ra khi làm tổn thương mẹ thiên nhiên.

Không chỉ ở Ngựa trắng, mà trước đó khá lâu, trong  tập truyện ngắn Qùa phóng sinh do Nhà xuất bản Dân trí ấn hành năm 2009, vấn đề  thiên nhiên, môi trường của con người sống cũng đã được Trần Quốc Cưỡng đưa vào trang viết của mình, điều đó thể hiện rất rõ ở nhan đề các truyện ngắn như Người giữ rừng, Bóng hồng sơn cước, Đất thiêng,.. Có thể thấy với cảm quan sinh thái nhất định, nhà văn Trần Quốc Cưỡng đã phản ánh lên trang viết của mình những thay đổi không mong muốn của môi trường sống xung quanh mình với tất cả sự lo âu, trăn trở. Ngày nay, khi vấn đề bảo vệ môi trường sống đang là vấn đề bức thiết trên toàn cầu thì vấn đề hành động vì một môi trường xanh không còn là của riêng ai nữa mà là nhiệm vụ của tất cả mọi người, trong đó có nhà văn. Vì thế, Trần Quốc Cưỡng thực sự là một cây bút có trách nhiệm trước cuộc sống, trước những vấn đề lớn của thời đại.

Vấn đề sinh thái vì thế cũng chính là một trong những nội dung góp phần quan trọng tạo nên giá trị của truyện ngắn Trần Quốc Cưỡng. Những trang viết là sự trăn trở trước cuộc đời, trước những đổi thay không mong muốn của môi trường sống. Những trang viết mang thông điệp về nguy cơ tồn vong của muôn loài vì môi trường sống đang dần bị hủy hoại dưới bàn tay vô tình của chính con người. Với những giá trị đó, tập truyện ngắn Ngựa trắng nói riêng và những trang viết của nhà văn Trần Quốc Cưỡng nói chung đã góp phần làm “xanh tươi” thêm mảng văn học về vấn đề sinh thái, góp phần làm phong phú thêm dòng văn học sinh thái Việt Nam đương đại./.

Lý Thị Thủy

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/thien-nhien-trong-ngua-trang-cua-nha-van-tran-quoc-cuong-a19481.html