Mưa lũ đã gây thiệt hại trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, đặc biệt đợt mưa lũ từ ngày 22 đến ngày 25/10. Trong đó, thiệt hại về người có 4 người, về nhà ở có 11.098 nhà bị ngập, nhiều nhà thiệt hại nặng từ 50 - 70% và thiệt hại một phần. Các diện tích hoa màu, thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi.
Trong đó các công trình đê, kè bị hư hỏng như đê Sông Thoa bị sạt lở chân khay và sụp lún cục bộ một số vị trí trên mái tại các vị trí tiêu vào với tổng chiều dài khoảng 5.045m; Kè hạ lưu phía Bắc cụm đầu nối Thạch Nham bị sạt lở tại 2 vị trí; Đê ngăn mặn đầm Bàu Nú (thôn Châu Me, xã Phổ Châu, thị xã Đức Phổ) bị hư hỏng chiều dài khoảng 172m.
Sạt lở bờ biển tại khu vực biển thôn Châu Thuận Biển, Châu Thuận Tây, Châu Me (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) với chiều dài 2.500m, ăn sâu vào đất liền khoảng 50m, nguy cơ ảnh hưởng đến 1.200 hộ/ 4.300 nhân khẩu.
Sạt lở bờ sông nghiêm trọng khoảng 4.500m gồm sông Trà Bồng (đoạn qua các xã Bình Minh, Bình Dương, huyện Bình Sơn) bị sạt lở với chiều dài 1.500m, trong đó đoạn qua xã Bình Dương sạt lở nhiều vị trí với chiều dài khoảng 1.000m.
Sông Phước Giang (đoạn qua xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành và xã Nghĩa Trung, huyện Tư Nghĩa) bị sạt lở tại nhiều vị trí, tổng chiều dài sạt lở khoảng 2.300m.
Sông Trà Khúc đoạn qua các xã Tịnh Hà, Tịnh Minh, Tịnh Sơn, Tịnh Bắc, huyện Sơn Tịnh, bị sạt lở với tổng chiều dài đoạn khoảng 700m và sông Hưng Long, đoạn qua xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi.
Sạt lở núi có 7 vị trí gồm khu vực núi Gò Deo (thôn Gò Ra, xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà), Nhà làm việc Ban Chỉ huy Quân sự xã Trà Xinh (huyện Trà Bồng), núi Châu Má (thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn), thôn Hòa Bình (xã Tịnh Ấn Đông), thôn Gò Rô (xã Trà Phong, huyện Trà Bồng), thôn Nước Lăng (xã Ba Xa, huyện Ba Tơ), Đồi Gu (thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà).
Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 614 tỷ đồng. Ngay sau mưa, lũ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị khẩn trương triển khai công tác khắc phục các thiệt hại, trước mắt thiệt hại về dân sinh và các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu để đảm bảo ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân.
Trước thiệt hại nặng nề về tài sản do bão, mưa, lũ liên tiếp gây ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trong tháng 9,10 vừa qua, riêng mưa lũ từ 22 đến 25 - 10 gây thiệt hại 614 tỷ đồng, để giúp nhân dân khắc phục thiệt hại, sớm ổn định đời sống và sản xuất, tỉnh Quảng Ngãi đã sử dụng tất cả các nguồn lực hiện có để thực hiện hỗ trợ, trong đó ưu tiên trước mắt cho công tác hỗ trợ về dân sinh, khắc phục bước 1 đảm bảo giao thông nhằm phục vụ cho các yêu cầu thiết yếu của nhân dân.
Tuy nhiên, do mức độ thiệt hại lớn, trong khi đó ngân sách tỉnh Quảng Ngãi hiện nay đã cạn kiệt do hụt thu, mất cân đối gần 5.000 tỷ đồng trong 2 năm 2019 và 2020, đồng thời, phải tập trung thực hiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong năm 2021 nên không còn kinh phí để thực hiện khắc phục khẩn cấp các cơ sở hạ tầng thiết yếu bị hư hỏng do bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất như di dân khẩn cấp, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, công trình nước sạch, thủy lợi, đê kè,…
Để sớm có điều kiện khắc phục những thiệt hại nêu trên, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản và ổn định đời sống, sản xuất cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng nặng bởi thiên tai, UBND tỉnh Quảng Ngãi có đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ khắc phục khẩn cấp cho tỉnh Quảng Ngãi 520 tỷ đồng để giúp Quảng Ngãi khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra mà UBND tỉnh đã có Tờ trình trước đó./.
Phú Nhiêu
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/mua-lu-da-gay-thiet-hai-tren-dia-ban-tinh-quang-ngai-a19479.html