Giai thoại ngôi Cổ Tỉnh ở Bửu Phong cổ tự (Kỳ cuối)

Sau lần "Phật Bà giáng thế cứu độ" năm 1963, một số người dân gọi đó là Phật Tỉnh, tức giếng Phật. Từ sự kiện đó, sư trụ trì cho xây 1 bức tượng Phật Bà và đài Tam Thế Phật.

20-bac-them-da-len-chua-buu-phong-1636448788.jpg
20 bậc thềm đá lên chùa Bửu Phong

Lần theo cổ sử, trong quyển "Đại Nam nhất thống chí" của Quốc sử quán triều Nguyễn có ghi chép ở mục Sơn Xuyên năm 1865 rằng: "… Khi xưa có sư tăng hiệu Bửu Phong, hòa thượng lập chùa trên núi nên gọi là Bửu Phong tự…". Điều đó cho thấy, vào thời điểm 1865, ngôi chùa này đã được xem là cổ tự.

Một số tài liệu lịch sử khác ghi nhận chùa Bửu Phong được xây trên núi Bửu Long vào năm 1679, theo kiến trúc hình chữ "tam", gồm chính điện, giảng đường, nhà thờ Tổ và nhà dưỡng tăng. Tuy nhiên trên bức liễn cổ được lưu giữ tại chùa, có dòng chữ Hán ghi năm xây chùa là 1616 và đại trùng tu vào năm Minh Mạng thứ IX (Năm 1829).

Năm 1620, Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên gả công chúa Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp Cherry thứ II. Vì vậy có nguồn cho rằng, trước khi thực hiện cuộc hôn nhân đó, Chúa Sãi đã cho Hòa thượng Bửu Phong đi "tiền trạm văn hóa tín ngưỡng" đối với vùng đất này? Điều này có thể đúng, vì ngay khi có chủ trương mở cõi phương Nam, nhà Nguyễn đã cử 1 đạo quân đến đóng ngay trên núi Long Ẩn (Nay là núi Bửu Long), cạnh ngôi chùa. 

Khi bị quân Tây Sơn đuổi đánh khỏi Phú Xuân, vua Gia Long đã chạy lánh vào vùng núi Long Ẩn tá túc tại ngôi chùa Bửu Phong.

Truyền thuyết kể rằng, lúc ấy chùa chưa có giếng nước trong khi đoàn quân tùy tùng khá đông. Nước trở thành vấn đề sinh tử của đoàn hộ giá. Nếu để quân xuống núi lấy nước, quân Tây Sơn sẽ phát hiện. Vua Gia Long đã cho quân đào giếng trên núi tìm mạch nước nhưng chỉ gặp toàn đá. Vô vọng, vua Gia Long quì dưới thung lũng trước chùa khấn xin sơn thần phò trợ rồi dùng kiếm cắm đại xuống đất. Không ngờ quân sỹ chỉ đào xuống vài tấc đất thì mạch nước từ lòng đất tuôn trào. Vua cho lính dùng đá xếp xung quanh mạch nước thành miệng giếng. Vì vậy, sư trụ trì đặt tên giếng là Gia Long Tỉnh. Cho đến nay, miệng giếng vẫn còn nguyên trạng như xưa.

pho-tuong-phat-che-tac-nam-1829-1636448916.jpg
Pho tượng Phật chế tác năm 1829

Sau khi phục vị ngai vàng, vua Gia Long đã sai Tham tướng Nguyễn Văn Hiệp và Hương bảo Nguyễn Văn Tâm xây cất lại ngôi chùa vào năm 1829. Đến năm 1898, Hòa thượng Thích Pháp Truyền tiếp tục tu sửa giảng đường, nhà tổ. Năm 1944, Hòa thượng Thích Huệ Quang tổ chức trùng tu, mở rộng hậu đường.

Sau lần "Phật Bà giáng thế cứu độ" năm 1963, một số người dân gọi đó là Phật Tỉnh, tức giếng Phật. Từ sự kiện đó, sư trụ trì cho xây 1 bức tượng Phật Bà và đài Tam Thế Phật.

Đài Tam Thế Phật được xây trên nền một căn hầm bí mật.

Người dân sinh sống quanh chùa khẳng định: "Chúng tôi không biết chuyện Phật giáng thế linh ứng mức độ nào nhưng chúng tôi biết chắc đài Tam Thế Phật là hầm bí mật của cán bộ cách mạng. Đó là trạm giao liên mật của Cách mạng. Thời đó lính ngụy đóng quân ngay trên chùa, cán bộ cách mạng trú ẩn sát bên nách”.

Họ còn kể rằng, để theo dõi chùa, Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã cử một nhà sư mang hàm thiếu tá tuyên úy từ tiểu khu Biên Hòa lên chùa “học đạo”.  nhưng kỳ thật là trà trộn vào các sư để thăm dò tình hình. Ông sư Thiếu tá này đến chùa dọ thám rất lâu vẫn không phát hiện căn hầm bí mật này. Và mấy ông cách mạng vẫn ẩn thân nơi đó".

cong-chua-buu-phong-1636448966.jpg
Cổng chùa Bửu Phong

Trở lại thời điểm Phật Bà giáng thế vào ngày 19 - 09 - 1963. Đó là thời điểm Phật tử miền Nam đi vào giai đoạn cao trào đấu tranh bảo vệ sự tồn vong của Phật giáo trước sự đàn áp dã man của chế độ Ngô Đình Diệm.

Sự kiện Phật giáng thế thu hút hàng ngàn Phật tử đến chùa đã giúp lực lượng cách mạng trà trộn vào chùa chuẩn bị lực lượng đối phó với tình hình chính trị tại Sài Gòn. Lúc đó, nguồn tin Mỹ sắp dùng lực lượng quân sự của Việt Nam Cộng Hòa đảo chính Ngô Đình Diệm. Quân ta chuẩn bị lực lượng nỗi dậy để nhân cơ hội đó chiếm chính quyền. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, cuộc nỗi dậy bị tạm hoãn.

Dù không thực hiện nỗi dậy nhưng nhờ sự kiện Phật giáng thế, 1 tổ thám sát của cách mạng cũng trụ được trên chùa theo dõi mọi động tĩnh của sân bay chiến lược Biên Hòa. Tổ thám sát này đã hướng dẫn pháo binh của Công trường 9 giáng một trận choáng váng vào sân bay Biên Hòa vào tháng 10 -1971. Trận pháo kích này đã vô hiệu hóa hàng chục máy bay chiến đấu và gây thiệt hại lớn cho quân đoàn 3 Việt Nam Cộng Hòa. Đầu năm 1975, từ vị trí điểm cao trên chùa, lực lượng quân báo của ta đã quan sát được tình hình quân địch ở Biên Hòa góp phần giải phóng Sài Gòn.

dscf0175-1636449003.JPG
Bảng xếp hạng di tích danh thắng quốc gia

Năm 1994, chùa Bửu Phong đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia và mới đây, tháng 3-2013 được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích danh thắng cấp quốc gia./.

Hồ Xuân Dung

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/giai-thoai-ngoi-co-tinh-o-buu-phong-co-tu-ky-cuoi-a19445.html