Huyền tích Tà Pi núi Tô (Kỳ cuối)

Nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ, cố tác giả Huỳnh Minh đã từng viết rất nhiều tập sách khảo cứu miền Nam. Trong những bộ sách khảo cửu, ông đã từng nhắc đến phái Tiên Thiên Tuyệt Cốc. Ông nêu lý do phái này tuyệt tích là do "tín đồ mất niềm tin vào phương pháp tu luyện".

dscf0251-1636446474.JPG
Mộ ông Cồ

Đó là sự kiện đặc biệt trong lịch sử dân tộc, đánh dấu niên đại Nam tiến của dân tộc ta trong suốt 775 năm (982 - 1757).

Ngay sau khi tiếp quản vùng đất Tầm Phong Long, chúa Nguyễn giao cho Nghi Biểu Hầu Nguyễn Cư Trinh thiết lập chính quyền gồm 3 đạo: Đông Khẩu đạo, Tân Châu đạo và Châu Đốc đạo. 3 đạo này trực thuộc dinh Long Hồ. Năm 1800 đổi thành Vĩnh Trấn và năm 1808 đổi thành trấn Vĩnh Thanh.

Năm 1817, vua Gia Long lệnh cho Thoại Ngọc Hầu Nguyễn Văn Thoại đào kinh núi Sập (sau gọi là Thoại Hà) và năm 1819 đào thêm kênh Vĩnh Tế để xác định cương vực, bảo vệ lãnh thổ.

Vì vậy, Tầm Phong Long là khu vực bao gồm các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long ngày nay, từ mạn Nam sông Tiền đến Bạc Liêu, Kiên Giang.

Người theo hệ phái tu tiên quan niệm rằng, tại trần thế con người có thể sống trường thọ, luyện được nhiều phép thần thông, gọi mây cưỡi gió chu du khắp cõi hạ giới lẫn thượng giới. Sau này, do ảnh hưởng giao thoa văn hóa từ nhiều luồng tín ngưỡng đa thần khác, phái Tu Tiên chuyển dần thành các môn phái bùa chú như: Năm Ông, Trà Kha, Lục Lèo…

Một nhánh khác của phái Tu Tiên chuyển hóa thành phái Tiên Thiên Tuyệt Cốc xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ 19 và tuyệt tích vào khoảng giữa thế kỷ 20. Người theo phái Tiên Thiên Tuyệt Cốc không ăn 5 loại ngũ cốc, không ăn thịt động vật, hàng ngày ngồi thiền luyện phép thần và leo núi luyện thể.

Theo giai thoại, người luyện thể đạt cấp cao có thể chạy trên mặt nước, đi trên ngọn cỏ, các loài thú dữ trong rừng gặp mặt phải mọp người kính cẩn. Ngoài ra, người theo phái Tiên Thiên Tuyệt Cốc còn dùng các loại thảo dược luyện linh đan để giúp con người sống trường thọ.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nam bộ, cố tác giả Huỳnh Minh đã từng viết rất nhiều tập sách khảo cứu miền Nam. Trong những bộ sách khảo cửu, ông đã từng nhắc đến phái Tiên Thiên Tuyệt Cốc. Ông nêu lý do phái này tuyệt tích là do "tín đồ mất niềm tin vào phương pháp tu luyện".

Ông Cồ, vị tổ lập hang là người thuộc hệ phái tu tiên ở vùng Tầm Phong Long. Không ai biết thân thế ông Cồ.

Những người thủ từ các đời trước truyền khầu rằng, ông Cồ rất kín tiếng, kiệm lời, không bao giờ nói với ai mình tên gì, theo tôn giáo nào, quê quán ở đâu hoặc vì sao đi tu. Ông chỉ lẳng lặng bốc thuốc trị bệnh rồi rút vào hang luyện phép.

dscf0261-1636446516.JPG
Chánh điện chùa Hang năm 2013

Ông sống 103 tuổi và viên tịch vào năm 1903, được an táng trên phần đất sau chùa. Theo lời trăn trối của ông, người ta không đưa thi thể ông vào quan tài mà chôn thẳng xuống huyệt mộ.

Hiện nay, ngôi mộ ông Cồ vẫn hiện hữu dưới chân vách núi có ghi ngày qua đời là 25/11 âm lịch tức ngày 20/12/1903.

Người dân địa phương kể rằng, ngày ông Cồ còn sống, trên núi có một bầy cọp. Lúc đầu, bầy cọp này là nỗi kinh sợ của người dân quanh vùng. Thỉnh thoảng, người ta nghe tiếng cọp "um" là biết có người vừa mất mạng bởi cọp vồ. Nghe người dân ta thán, ông Cồ đi trị bầy cọp dữ. Sau nhiều ngày đi khắp các mỏm núi, ông Cồ cũng tìm được cái hang cọp nằm trên đỉnh núi bên cạnh.

Đó là một gia đình có đủ cọp cha, mẹ và 5 cọp con. Không hiểu ông thu phục bằng cách nào mà từ đó trở về sau, hàng đêm bầy cọp đều xuống nằm phủ phục quanh hang nghe ông Cồ đọc kinh thuyết pháp và được cho ăn chay. Chúng không còn bắt người ăn thịt. Khi ông Cồ qua đời, chúng biệt tích. Bẵng một thời gian khá lâu sau, người đi rừng phát hiện bầy cọp đã chết rũ trong hang. Người ta đoán rằng, vì không ai cho ăn, lại không muốn sát sinh, chúng đã chết đói trong hang để được ông Cồ hóa kiếp. Ngày nay, di tích hang cọp rũ vẫn còn trên núi Tô.

Về giai thoại trị bệnh cứu người, người địa phương cho biết, khi còn sống ông Cồ luyện được rất nhiều bài thuốc nam chữa bệnh rất linh nghiệm cứu được rất nhiều người ở khắp vùng xa gần.

Bà Mai Thị Hui được ông cứu sống đã nguyện ở lại làm con nuôi ông Cồ. Tuy là truyền nhân duy nhất nhưng bà Hui không được ông Cồ truyền phép Tu Tiên mà chỉ truyền phép trị bệnh. Phép trị bệnh chỉ là phương pháp pha trộn thảo dược thành thuốc. Khi ông viên tịch, bà Hui trở thành người kế thừa trị bệnh cứu người.

Vào khoảng năm 1928, bà Hui trị bệnh cứu sống một bé gái ở Trà Vinh do gia đình mang đến. Khi đến nơi, bé gái như người đã chết. Cũng như cha nuôi, bà Hui giã củ ngải mớm cho nạn nhân. Sau khi nuốt ngải, bé gái dần tỉnh lại, mấy ngày sau thì khỏe hẳn. Ngải chỉ là một loại cây có tính dược cao.

bach-ho-1636446592.png
Bạch hổ

Để tạ ơn, gia đình cho bé gái nhận bà Hui làm mẹ nuôi. Bé gái được bà Hui đặt tên là Mai Thị Y và truyền y thuật trị bệnh.

Sau khi bà Hui qua đời, bà Mai Thị Y tiếp tục kế thừa bà Hui làm thuốc trị bệnh cứu người. Bà Y cho xây sửa lại hang tu của sư tổ là ông Cồ và cất ngôi chùa lấy tên là chùa Hang.

Lúc bà Y còn tại thế, bà Ba mắc chứng bệnh nan y đã đến đây trị bệnh. Sau khi dứt bệnh, bà Ba phát tâm nguyện hiến thân cho chùa và trở thành người thủ từ kế thừa sau khi bà Y từ trần vào năm 1988.

Hầu như bà Y không truyền lại cho bà Ba bất cứ một phương thuật mầu nhiệm nào để trị bệnh mà chỉ truyền những phương thuốc Nam. Hiện, bà Ba cũng bốc thuốc nam nhưng chỉ điều trị một vài bệnh thông thường.

Nhân vật, ông Cồ tu luyện phép tiên hoàn toàn có thật. Tuy nhiên, ông có trở thành tiên sau khi viên tịch hay không chỉ có … trời biết. Dù sao đi nữa, di tích hang ông Cồ là một bằng chứng về văn hóa tâm linh, văn hóa tín ngưỡng thuở sơ khai mở cõi của lưu dân Việt ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Những giai thoại mầu nhiệm liên quan đến ông, nếu loại bỏ yếu tố tâm linh sẽ trở thành một di sản văn hóa phi vật thể cần lưu giữ để nghìn năm sau, các thế hệ kế thừa hiểu được thuở sơ khai, người Việt đã đấu tranh sinh tồn ở vùng đất mới khai hoang như thế nào./.

Nông Huyền Sơn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/huyen-tich-ta-pi-nui-to-ky-cuoi-a19440.html