10/06/2015 11:08
10/06/2015 11:08
Bí ẩn "Cây Sanh giữ của" có '1-0-2' ở Hòa Bình
Nằm ngay ở đầu làng, cây Sanh hơn 800 năm tuổi (Lương Sơn - Hòa Bình) khiến nhiều người ngang qua sửng sốt không chỉ bởi vẻ ngoài độc đáo mà còn bởi những câu chuyện nửa hư nửa thật được người dân nơi đây truyền tai nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Vừa tìm đến đầu làng Suối Cốc (xã Hợp Hòa, huyện Lương Sơn, Hòa Bình), chúng tôi đã được tận mắt chứng kiến sự kỳ vĩ của cây Sanh cổ thụ hơn 800 năm tuổi này. Những tán cây xanh mướt, xòe rộng che phủ cả một vùng. Đặc biệt hơn, cây có rất nhiều thân rễ cắm thẳng xuống lòng đất, mỗi thân cây tạo thành một hình dáng khác nhau.
Có những thân rễ trông như con hươu cao cổ đang vươn tới tận trời xanh, có thân rễ kết làm cổng dẫn thẳng vào làng. Chỉ thoạt nhìn cũng có cảm giác như lạc vào một khu rừng Sanh rậm rạp. Có lẽ ở Việt Nam hiếm có có ngôi làng nào có được gốc cây như vậy.
Cây Sanh cổ thụ có "1-0-2" tại Suối Cốc, Lương Sơn, Hòa Bình
Theo sự chỉ đường của người dân, chúng tôi tìm đến nhà ông Đinh Thanh Bình (Trưởng thôn Suối Cốc) để hiểu rõ hơn về cây đại thụ có "1-0-2" này. Trò chuyện bên chén nước chè, ông Bình cho biết: "Để đi vào làng, chỉ có mỗi lối đi duy nhất qua cây Sanh. Trước kia, cây có khoảng hơn 100 thân rễ nhưng do không được quản lý chặt chẽ nên người dân trong làng chặt đi làm củi hoặc bị cưa trộm để làm cây cảnh".
Cũng theo ông, hiện tại, cây Sanh chỉ còn khoảng 79 gốc, được các cụ cao tuổi trong làng và người dân bảo vệ nên không ai dám cưa trộm. Ngày 25/5/2012, cây Sanh đã được Hội Bảo vệ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam công nhận là cây di sản Việt Nam. Đây là cây có tổng chu vi gốc lớn nhất Việt Nam kể từ trước tới nay.
Các gốc cây kết thành cổng chào độc đáo mà hiếm vùng quê Việt nam nào có được
Nhấp ngụm nước chè, ông Bình kể tiếp, không biết cây có từ bao giờ nhưng chúng tôi sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Suối Cốc này đều coi cây như một người bạn, như một phần không thể thiếu của ngôi làng. Sừng sững giữa đất trời hàng trăm năm qua, cây Sanh đã chứng kiến không ít sự đổi thay của ngôi làng, từ thời chiến tranh cho đến thời bình, từ khi con đường vào làng còn gồ ghề đất đá đến khi con đường đã đổ bê tông mới.
"Vào thời điểm giặc Pháp càn quét làng mạc, giặc Pháp vào làng, đốt nhà, đốt cây nhưng kỳ lạ cây Sanh vẫn hiên ngang đứng vững, không bị bom đạn chiến tranh tàn phá. Những năm 1972, thời kháng chiến chống Mỹ, lúc ấy trong làng có 38 hộ dân. Khi giặc Mỹ đến đây tàn phá, để tránh máy bay địch bắn phá, toàn bộ dân làng, cả già lẫn trẻ đều trú ngụ dưới gốc cây. Chính cây đã che chở cho dân làng thoát chết trong chiến tranh", ông Bình nhớ lại.
Có những thân rễ trông như con hươu cao cổ
Cũng theo ông Bình, xung quanh cây Sanh còn tồn tại không ít những câu chuyện nhuốm màu tâm linh. Người dân trong làng vẫn truyền tai nhau rằng, ngày trước, nếu vào làng đi buôn đi bán, muốn buôn may bán đắt, khi qua cây Sanh phải nhét vào hốc cây một con cá hoặc một đồ vật gì đó. Nếu không, sẽ không vào làng được và cũng không mang được bất cứ vật gì từ làng ra ngoài" .
Từ đây, người dân trong làng tin rằng cây Sanh là chốn linh thiêng, là "vị thần" canh giữ của cải trong làng. Nhiều người dân trong làng thường đến thắp hương để mong mọi sự tốt lành cho gia đình. Phải chăng cũng vì vậy mà các nhà làm phim vẫn thường chọn đây là địa điểm cho ra đời những bộ phim nổi tiếng một thời như Ma Làng, Làng ma 10 năm sau, Làng ế vợ?
Đối với người dân Suối Cốc, cây Sanh là "vị thần" canh giữ của cải trong làng
Mặc dù khó có thể kiểm chứng được những câu chuyện này nhưng với người dân Suối Cốc, cây Sanh như linh hồn của ngôi làng. Ngày qua ngày, cây vẫn tỏa bóng mát, là nơi vui đùa của trẻ thơ, là nơi đánh cờ mỗi buổi chiều của cụ già. Người và cây như bạn tâm giao, cây và người hòa quyện làm một.
Theo Ngày Nay
Link nội dung:
https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/bi-an-cay-sanh-giu-cua-co-391-0-239-o-hoa-binh-a1943.html