Rùng rợn hơn là trong số những người chôn sống có một cặp diễn viên trẻ em song sinh. Hiện nay, mộ của những diễn viên hát bội vẫn còn hiện hữu bên cạnh mộ phần Thoại Ngọc hầu và gia quyến. Những dòng giai thoại ấy tồn tại song song nhau lan truyền đến tận ngày nay. Hầu như tất cả những cư dân địa phương sinh sống lâu năm tại vùng đất này đều thuộc lòng những giai thoại kỳ bí ấy. Tuy nhiên, những người làm công tác nghiên cứu, bảo tồn di tích đều bỏ ngoài tai. Họ cho rằng, những giai thoại đó không có cơ sở chứng minh.
Thoại Ngọc Hầu là một công thần triều Nguyễn đã có công khai hoang mở rộng bờ cõi phương Nam, trấn giữ cương vực lãnh thổ tổ quốc và bảo hộ nước Cao Miên (Camuchia) tránh sự xâm lược của Xiêm La Thái Lan). Ông là người song toàn tài, đức. Giai thoại trên đã ít nhiều ảnh hưởng đến uy danh của ông.
SƠ NÉT VỀ LĂNG ÔNG THOẠI
Cách nay 30 năm, khi hơi hướm đô thị còn cách xa 8 cây số, Lăng Ông nằm giữa quang cảnh u tịch, thâm trầm, khiến ai đi qua cũng ngầm cung kính oai linh nghiêm thần.
Đó là một công trình quần thể kiến trúc độc đáo mang nét cổ kính, uy nghi đặc trưng của cung đình Huế được chính Thoại Ngọc Hầu chọn địa điểm và chỉ huy thiết kế, xây dựng vào năm 1822 (Năm Minh Mạng thứ ba). Đến năm 1829, ông qua đời. Dân cư địa phương gọi kính cẩn là "Lăng Ông" hoặc "Sơn Lăng".
Khi chưa được tôn tạo, làm mới, quần thể Lăng Ông được đánh giá là một công trình kiến trúc đẹp, hài hòa, chứng tỏ ngoài khả năng cầm quân, cai trị, Thoại Ngọc Hầu còn có nhãn quan nghệ thuật. Trước khi xây lăng, ông đã cho thợ về vùng Biên Hòa tinh tuyển đá ong và đá xanh tốt vận chuyển bằng tàu đem về núi Sam xây thành 9 bậc thang tạo thành lối lên lăng.
Toàn bộ quần thể lăng được bao bọc bởi 1 vách tường dày xây bằng hỗn hợp vôi, ô dước và một số chất liệu bí ẩn (được cho là mật đường cây mía). Trước sân lăng là cổng song quan hình bán nguyệt có mái ngói cong. Cạnh cổng có 2 tiểu đình. Một tiểu đình che giữ bản sao tấm bia Thoại Sơn và 2 tượng nai, 2 tượng hổ và 1 khẩu súng thần công. Tiểu đình còn lại có tượng 2 người lính hầu dắt ngựa.
Bên trong cổng lăng, chính giữa nền sân rộng, bằng phẳng là phần mộ ông Thoại Ngọc Hầu. Mộ phu nhân chính thất Châu Thị Tế nằm bên phải. Ngôi mộ của phu nhân thứ thất Trương Thị Miệt nằm bên trái hơi thấp hơn mộ chính thất.
Đầu mộ là bức bình phong. Chân mộ là bia chí. Ngay tại vị trí bia chí là 5 tấm bia bằng đá sa thạch gắn vào tường thành. Ở giữa là tấm bia Vĩnh Tế Sơn dựng lên từ năm 1828 tức là sau bốn năm đào xong kênh Vĩnh Tế. Trên bia Vĩnh Tế Sơn có khắc bài ký 750 chữ nôm. Tấm bia này được xem là cột mốc chủ quyền quốc gia. Ngày nay mặt đá bị bào mòn, chữ không còn hiện rõ.
Theo bậc thang lên cao, ra khỏi vuông lăng là đền thờ nằm bên những bóng cây cao râm mát. Không rõ đền được xây dựng vào năm nào.
Bên phải phần mộ Thoại Ngọc Hầu, cùng trong nội lăng, có 14 ngôi mộ được chôn thành một nhóm kề cận bên nhau, vật liệu cũng bằng vôi, ô dước.
Hai bên phải, trái khu vực chính còn có hai khoảng đất rộng được gọi là "nghĩa trũng", có tất cả 30 ngôi mộ không bia chí mang nhiều dáng dấp khác nhau. Có mộ đắp hình voi phục, có mộ đắp hình nón, có mộ hình trụ, có mộ hình quả đào. Những ngôi mộ hình voi phục được cho là của những người chết trong thời gian tham gia đào kênh Vĩnh Tế nằm rãi rác khắp nơi được Thoại Ngọc Hầu qui tập lấy cốt đem về cải táng trước khi dựng bia Vĩnh Tế Sơn. Lẫn lộn trong trong đó có một nhóm mộ được dân gian truyền tụng là mộ những đào kép hát bội theo hầu Thoại Ngọc Hầu.
Hầu hết những bô lão trường thọ tại địa phương đều xác nhận rằng, từ thuở còn bé họ đều nghe những người lớn tuổi truyền tai nhau rằng: Trong thời gian trấn nhậm vùng biên ải, Thoại Ngọc Hầu đã về tận cái nôi hát bội Quảng Nam tuyển những đào kép giỏi rước về vùng Thoại Sơn nuôi dưỡng để hát phục vụ giải trí cho ông, gia quyến và những binh lính, dân phu đào kênh Vĩnh Tế. Người dân gọi tên gánh hát bội này là gánh "Quảng Nam". Đó là gánh hát bội đầu tiên đặt chân đến vùng đất phương Nam. Những vị bô lão cho rằng, cái thuở hoang sơ văn hóa nơi vùng đất ấy, gánh hát bội là một tài sản quí báu. Thế nhưng hầu như gánh hát bội này mất tích giữa pho lịch sử khai hoang vùng đất mới.
Có nhiều dòng giai thoại liên quan đến những ngôi mộ hánh hát bội. Một dòng cho rằng, sau khi ông Thoại Ngọc Hầu chết, người ta đã chôn sống gánh hát như chôn của cải tùy táng. Một dòng khác thì cho rằng, trong lễ tang, trước linh cữu ông, toàn bộ gánh hát đã tự uống thuốc độc rồi hát diễn 1 tuồng cuối cùng. Họ ngấm thuốc và chết ngay khi đang diễn. Vì quá đau thương, những đào kép gánh hát này đã tình nguyện chết để sang thế giới bên kia tiếp tục phục vụ ông.
Lại có giai thoại khác cho rằng, trong lễ tang Thoại Ngọc Hầu họ đang hát đã bị vong ông vặn cổ chết để mang theo thế giới bên kia. Ngôi mộ hình trái đào là của đào (diễn viên nữ) và hình trụ là của kép (diễn viên nam). Cặp mộ có hình nón là của đào con, kép con (diễn viên thiếu nhi). Những ngôi mộ hình bầu dục là nhóm công nhân hậu đài.
LẦN THEO ĐIỂN CỐ
Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức mô tả những di dân khẩn hoang miền Nam ham mê xem hát bội đến mức trở thành hủ tục, lãng phí. Những vị quan lớn như Lê Văn Duyệt, Thoại Ngọc Hầu đều "sắm" một gánh hát bội riêng. Trong miếu thờ lăng ông Lê Văn Duyệt ở Bà Chiểu (TP Hồ Chí Minh) cũng dành riêng một vị trí thờ kép Hứa Văn từng được Tả Quân và quần chúng yêu thích.
Căn cứ vào lệ xưa của các gánh hát bội, khi diễn viên qua đời, người ta thường đắp mộ mang hình dáng đặc biệt khác với người thường. Với người thường, nấm mộ mang hình voi phục, bia chí có hai cánh tiểu thành bao bọc. Với đào hát (diễn viên nữ), người ta đắp mộ hình quả đào, chỉ có bia chí, không có tiểu thành. Với kép hát (diễn viên nam), người ta đắp mộ tròn hình trụ, cũng chỉ có bia chí chứ không có tiểu thành. Điều này phù hợp với những nấm mộ hiện hữu tại lăng.
Có một chi tiết lạ là con cháu ông lưu lạc nơi nào, vì sao không thừa kế gia sản, chăm sóc mộ phần cửu huyền?
Một số tài liệu lịch sử cho rằng, sau khi Thoại Ngọc Hầu qua đời một vị quan Hình Bộ tên là Võ Du lên tiếng tố cáo ông tham nhũng của dân. Vua Minh Mạng đã giáng ông xuống hàng ngũ phẩm, con cái bị lột ấm, điền sản bị tịch thu. Con trai ông là Nguyễn Văn Tâm (con bà vợ chính) và Nguyễn Văn Minh (con bà vợ thứ) sống đời dân giả nghèo khó và lưu lạc phương khác kiếm ăn.
Năm 1924, vua Khải Định minh định lại lời cáo gian của Võ Du. Thoại Ngọc Hầu được minh oan và được phong danh Đoan Tức Dục Bảo Trung Hưng Công Thần. Võ Du bị tước phẩm hàm, lưu đày về Cam Lộ.
Vậy, những đào kép hát bội đã quyên sinh hay bị chôn sống?
Theo sử liệu, Thoại Ngọc Hầu là người trọng nghĩa, hiếu tử, nhân từ và trọng sinh. Khi đã công thành danh toại, làm quan lớn triều đình, nhiều lần ông trở về nơi chôn nhau cắt rốn ở Quảng Nam giúp đỡ, chăm lo đời sống người dân như mở chợ Hà Thân, lập chùa An Phước, dựng đình An Hải, xây nhà thờ Tiền hiền... Ông còn lấy tên làng quê An Hải của ông đặt tên cho các đội quân canh giữ biên cương Tây Nam. Khí tiết của ông đã khiến cư dân quanh vùng núi Sam yêu mến, xem ông là Thần Hoàng Bổn Cảnh. Nếu có việc giết cả gánh hát bội vô tội, chắc chắn, ông sẽ bị người dân căm ghét.
Có thể vì quá yêu mến ông, cộng với tín ngưỡng duy linh ăn sâu vào tâm thức hàng ngàn năm của người Việt thuở đó, những đào kép trong gánh hát bộ đã tự tuẫn tiết theo hầu ông ở thế giới bên kia. Vì cả gánh hát chết 1 lượt nên những người an táng không biết tên tạc bia.
Điều này, các nhà khoa học lịch sử cần minh định một cách nghiêm túc để giải thích rõ, trả ơn tiền nhân có công mở cõi phương Nam./.
Nông Huyền Sơn
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nhung-ngoi-mo-bi-an-o-lang-ong-thoai-ngoc-hau-a19419.html