Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật tại Hà Nội khi ông ngoại là NSND Mạnh Tuấn (nghệ sỹ hài chèo gạo cội của làng chèo Việt Nam), bác là NSND Minh Thu (Nhà hát chèo Việt Nam), NSƯT Tuấn Khôi, Tuấn Kha,… nên từ nhỏ, Hoài Anh đã được sống trong một không gian thấm đẫm văn hóa dân gian. Không chỉ được bồi dưỡng bằng những giọng hát ngọt ngào, mà còn là những điệu múa uyển chuyển trong nghệ thuật chèo, từ chính những người thân trong gia đình bên ngoại, thế nên, Hoài Anh như một mầm cây được ươm trong một vườn hoa nghệ thuật dân gian đậm đà sắc màu, nên cô sớm nhận thức được vẻ đẹp của nghệ thuật truyền thống và đam mê nó, trong đó, Hoài Anh cực kỳ mê bộ môn múa.
Năm 11 tuổi, Hoài Anh thi đỗ vào Trường Múa Việt Nam (hệ 7 năm). Trong suốt những năm tháng tuổi thơ được rèn luyện trong môi trường nghệ thuật, Hoài Anh không chỉ “lớn” nhanh trước tuổi bởi những khắc nghiệt trong tập luyện khi tuổi đời còn nhỏ, mà cô còn trưởng thành cả về hình thể lẫn tư duy làm nghề. Ra trường, Hoài Anh được tuyển vào làm việc tại Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long. Tại đây, cô bắt đầu phát huy sở trường của mình để vừa múa, vừa tập dàn dựng các tiết mục đơn giản, đặc biệt là những bài múa dân gian hoặc minh họa cho những tiết mục mang tính sử thi.
Năm 2006, Hoài Anh tiếp tục sự nghiệp học hành khi cô thi đỗ vào khoa múa của Trường ĐH SKĐA. Sau 4 năm tu luyện, Hoài Anh tốt nghiệp thủ khoa và được đặc cách vào biên chế Nhà nước và cô đã chọn Nhà hát chèo Hà Nội để về làm việc. Tại đây, Hoài Anh như “cá về với nước”, được sống và làm việc đúng môi trường nghệ thuật truyền thống, thế nên cô phát huy tối đa được thế mạnh của mình. Cô đã được giao dàn dựng hầu hết phần múa trong các vở diễn của Nhà hát chèo Hà Nội như vở Cánh chim trắng trong đêm, Vương nữ Mê Linh, Nàng Thứ phi họ Đặng, Nguyễn Công Trứ, Điều còn lại,….Và trong các vở diễn ấy, có nhiều vở đã đoạt Huy chương Vàng, Huy chương Bạc tại các Hội diễn chèo chuyên nghiệp toàn quốc.
Bên cạnh việc dàn dựng múa cho các vở diễn của Nhà hát chèo Hà Nội, Hoài Anh còn tham gia dàn dựng múa cho rất nhiều chương trình lớn tầm cỡ quốc gia như: Chương trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Lễ hội Hoa anh đào, Chương trình kỷ niệm Hà Nội – TP vì hòa bình, Chương trình chào đón Giao thừa hàng năm tại sân khấu ngoài trời khu vực Bờ Hồ,… Với niềm đam mê múa từ bé, được sống trong môi trường nghệ thuật lại được đào tạo bài bản, thế nên những tiết mục múa do Hoài Anh dàn dựng đều đạt chất lượng chuyên môn cao, phù hợp với khung cảnh và hoàn cảnh của các vở diễn cũng như các sự kiện, mang lại nhiều giá trị về thẩm mỹ cũng như cảm xúc cho công chúng.
Nói về nghề múa, Hoài Anh tâm sự: “Khi xem múa, mọi người thường nhìn thấy sự cao sang, thanh thoát, lộng lẫy bên ngoài; nhưng để đạt được đến cái đẹp đó, người nghệ sỹ phải bỏ rất nhiều công sức, thời gian rèn luyện, thậm chí bằng cả mồ hôi, nước mắt và máu, nhưng thu nhập mang lại từ nghề múa lại chưa được tương xứng, trong khi “tuổi nghề” của nghệ sỹ múa lại rất ngắn.
Nhưng được làm nghề là điều hạnh phúc với tôi, vì được cống hiến mang lại niềm vui, hạnh phúc cho khán giả. Thông qua tác phẩm múq, tôi đã dàn dựng nó, gửi gắm những tâm tư tình cảm, ước vọng, mang tính nhân văn và tính giáo dục trong các tiết mục múa để lan tỏa đến công chúng. Bản thân tôi rất muốn đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào việc phát triển nghệ thuật múa, đặc biệt là múa truyền thống, dân gian để giữ gìn bản sắc dân tộc không bị mai một”.
Trong những tháng năm làm nghề, Hoài Anh cũng gặt hái được nhiều thành công như giải cá nhân: Biên đạo múa xuất sắc tại cuộc thi Nghệ thuật sân khấu chèo toàn quốc năm 2016, Biên đạo múa xuất sắc tại Liên hoan sân khấu Thủ đô năm 2020; các giải tập thể như: Huy chương vàng cho các vở chèo: Vương nữ Mê Linh, Điều còn lại, Nàng thứ phi họ Đặng, Bến nước đời người, Cánh chim trắng trong đêm, Nguyễn Công Trứ, vở kịch nói Những mặt người thấp thoáng.
Trải qua 28 năm làm nghề, Hoài Anh đã biểu diễn hàng chục tiết mục, dàn dựng hàng trăm tác phẩm múa từ sân khấu nhà hát đến các sân khấu quảng trường rộng lớn, ở vị trí nào cô cũng dành hết đam mê và làm việc một cách tận hiến. Vì thế, Hoài Anh trở thành một trong những cái tên “biên đạo” hàng đầu được các đạo diễn lựa chọn cho các vở diễn sân khấu cũng như các sự kiện lễ hội lớn các cấp từ địa phương đến Trung ương.
Nói về thành công của mình, Hoài Anh không bao giờ quên ơn những người thày đã tận tình dạy dỗ, giúp đỡ cô trên bước đường nghệ thuật. Hoài Anh chia sẻ: “Tôi vô cùng tự hào khi được làm việc cùng NSND Trịnh Thuý Mùi, NSND Quốc Anh – Nhà hát chèo Hà Nôi, và rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng ở các nhà hát kịch, chèo, cải lương như NSND đạo diễn Lê Hùng, cố NSND Hoàng Dũng, NSND Hoàng Quỳnh Mai, NSƯT Lê Tuấn Cường và nhiều các nghệ sĩ tài năng khác, đặc biệt tôi muốn bày tỏ sự ngưỡng mộ sâu sắc tới người thầy - NSND - đạo diễn Doãn Hoàng Giang, vì với tôi, thầy chính là tấm gương về sự cống hiến, sáng tạo cũng như đạo đức làm nghề.
Tôi cũng muốn gửi lời biết ơn đến các thầy các cô đã dìu dắt tôi trong những năm tháng qua: PGS.TS.NGND Nguyễn Đình Thi; PGS.TS Đinh Quang Trung; TS. Trần Đình Ngôn; NGND Minh Phương; TS. NSUT Trần Văn Hải; NGƯT Nguyễn Mai Hương; NGƯT Nguyễn Song Thuỷ và nhiều các thầy cô giáo khác nữa đã vun đắp cho tôi được như ngày hôm nay”.
Mặc dù nghề múa rất khó khăn và “bạc”, nhưng Hoài Anh chưa bao giờ chán nghề, thậm chí ngày một yêu hơn, đắm đuối hơn bởi cô cho rằng, mỗi khi được đứng trên sân khấu – nơi mà Hoài Anh và các nghệ sỹ gọi là “Thánh đường nghệ thuật” thì cô lại thăng hoa “quên hết sự đời” chỉ có đắm chìm vào không gian lộng lẫy của nghệ thuật múa. Cô yêu nghề và tâm huyết với nghề không chỉ vì mỗi lần lên sân khấu cô được “là chính mình”, mà còn đau đáu với tâm nguyện gìn giữ, phát huy những giá trị nghệ thuật truyền thống quý báu của dân tộc – những giá trị ấy làm nên bản sắc văn hóa độc đáo và riêng biệt của người Việt Nam – đó mới chính là điều đáng quý nhất ở biên đạo múa Hoài Anh./.
Theo VOV.VN
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/bien-dao-mua-hoai-anh-cua-nha-hat-cheo-ha-noi-dam-duoi-voi-nghe-thuat-truyen-thong-a19391.html