Thời nhà Nguyễn có ghi nhận một truyền thuyết cho rằng "cậu Tài, cậu Quí" là 2 anh em ruột đều là con của Thánh Mẫu Chúa Ngọc Nương Nương, tức Nữ thần Thiên Y A Na - Poh Yang Inư Nagar (theo tín ngưỡng Chăm). Truyền thuyết này có xuất xứ tận Nha Trang cùng thời gian xuất hiện miếu Long Vương ở Phú Quốc.
Một luồng truyền thuyết khác cho rằng, năm 1777, trong cuộc đào thoát khỏi sự truy lùng của quân Tây Sơn, Nguyễn Phúc Ánh có đến lánh nạn tại hòn đảo Phú Quốc. Tại đây, đoàn tàu của ông ta bị mắc cạn tại rặng đá ngầm ở một mũi đảo. Trong cơn nguy khốn, Nguyễn Phúc Ánh cùng đoàn tùy tùng khẩn cầu Bà Chúa Ngọc phù hộ độ trì. Ông hứa, sau khi lấy lại được vương triều sẽ phong sắc "Thượng Đẳng Linh Thần" cho bà.
Sau khi khấn xong, bỗng có một ngư phủ trên bờ trông thấy tàu mắc cạn đã dùng dây rừng kéo tàu ra khỏi chỗ nông và đưa mọi người lên bờ an toàn. Ngư phủ được Nguyễn Phúc Ánh phong ngay cho chức "đội". Nơi đó được Nguyễn Phúc Ánh đặt tên là mũi Ông Đội.
Khi lên bờ, Nguyễn Phúc Ánh dùng kiếm cắm xuống một khe đá ven bờ để lấy nước ngọt, đồng thời in dấu giày trên một tảng đá để làm chứng tích. Nhớ lời hứa, sau khi lấy lại được vương triều, Nguyễn Phúc Ánh đã sắc phong cho Bà Chúa Ngọc và cất ngôi thờ tại Dương Đông. Vì thế, Dinh Cậu là nơi thờ Cậu Tài, Cậu Quí là đúng. Những người đồng ý với giả thuyết này còn khẳng định, tại một bãi biển hoang sơ có tên gọi là mũi Ông Đội, thuộc An Thới, Phú Quốc vẫn còn lưu dấu tích Nguyễn Phúc Ánh bôn đào.
Tuy nhiên, hầu hết những nhà nghiên cứu về Phú Quốc đều phủ nhận điều đó.
Để xác tín thông tin, chúng tôi đến tận mũi Ông Đội. Đó là một mũi đá nhô ra biển nằm chơi vơi nơi hẻo lánh, hoang sơ vẫn còn khỉ rừng cư trú. Để đến đó chúng tôi phải thuê tàu từ bãi Sao (An Thới) chạy men theo vách đá hơn nửa giờ.
Quả nhiên, tại đây vẫn còn một số "hiện vật" của Nguyễn Phúc Ánh như: Ngai vua, Giếng Ngự, dấu giầy và một ngôi miếu thờ. Tuy nhiên "hiện vật" được gọi là "ngai vua" chỉ là một phiến đá có hình thù giống chiếc ghế bành; Giếng ngự được người dân địa phương xây xi măng bao quanh chỉ là một mạch nước khe chảy ra từ lòng đảo; Dấu giầy in trên đá trông giống như có bàn tay chạm khắc của con người. Riêng ngôi miếu thì có vẻ như đã tồn tại nơi đó rất lâu. Và chính ngôi miếu thờ vua Gia Long đã xác tín rằng, Dinh Cậu không liên quan gì đến việc Nguyễn Phúc Ánh bôn đào ra Phú Quốc. Bởi, nếu vua Gia Long có sắc phong thì cũng trao cho nơi ông ta đã từng trú ngụ, tức mũi Ông Đội. Vả lại, tính theo đường chim bay từ mũi Ông Đội đến Dinh Cậu là một khoảng cách hơn 15km.
Rất nhiều người khẳng định, tuy nhiều lần trùng tu nhưng những câu liễn chữ Hán vẫn còn còn được chạm khắc lại theo nguyên nghĩa của ngôi miếu cũ xưa như: “Tọa đại thạch đầu quy danh hiển” (ngôi miếu nỗi tiếng có vị trí tọa lạc ở mõm đá lớn giống đầu con rùa). “Vạn cổ anh linh thông tứ hải” (Ngôi miếu linh thiêng vang khắp bốn biển từ xưa). “Chấn phong bình lượng bảo lương dân” (Ngôi miếu như tấm bình phong bảo vệ dân lành). “Phong điếu vũ thuận dân an lạc” (giữ mưa thuận gió hòa cho dân cư an lạc). Từ ý nghĩa những câu liễn này và căn cứ vào những câu chuyện truyền khẩu của các bậc cao niên sinh sống trên đảo thì ngôi miếu trên Dinh Cậu chỉ thờ Long Vương - Một tín ngưỡng dân gian lưu truyền của ngư dân vùng biển.
Những cư dân địa phương cho biết, 3 lần trùng tu gần nhất được ghi nhận là ngày 14/7/1937, ngày 14/7/1997 và năm 2009.
Cuộc trùng tu năm 1937, miếu được cất thành mái tol, vách vôi, trên biển có ghi "Thạch Sơn Động". Cuộc trùng tu ngày 14/7/1997, người ta vẫn ghi trên biển là "Thạch Sơn Động" mặc dù nơi cổng dưới chân "núi" lại ghi là "Dinh Cậu". Kể từ sau lần trùng tu năm 1997, trên bàn hương án mới xuất hiện cặp tượng thờ Cậu Tài, Cậu Quí và Chúa Ngọc. Lần trùng tu năm 2009, trên biển ngôi miếu bỗng xuất hiện dòng chữ "Dinh Cậu" cho đến ngày nay.
Đã từ lâu, Dinh Cậu trở thành một biểu tượng của niềm tin để ngư dân yên tâm bám biển, bám ngư trường. Cho dù phán xét Dinh Cậu ở khía cạnh phi tín ngưỡng thì người dân địa phương vẫn xem đó là một biểu tượng khẳng định chủ quyền đất nước từ mấy trăm năm trước. Ngoài ra, Dinh Cậu còn là 1 địa chỉ du lịch nỗi bật của huyện đảo Phú Quốc./.
Nông Huyền Sơn
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/dinh-cau-cho-dua-tinh-than-ngu-dan-bien-phu-quoc-ky-cuoi-a19390.html