Trong bối cảnh chung của Nam kỳ khởi nghĩa, cuộc khởi nghĩa tại chỗ trên địa bàn Trung Quận diễn ra rất quyết liệt từ 0 giờ ngày 23/11/1940, trong đó cùng với các xã khác thuộc tổng Long Hưng Hạ, xã Tân Bửu đã diễn ra mạnh nhất. Nam kỳ khởi nghĩa thất bại, tháng 12/1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt, kết án 20 năm tù khổ sai và đày đi Côn Đảo. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí trở về Sài Gòn tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng.
Tháng 9/1945, trở về quê hương ở xã Tân Bửu, đồng chí tham gia tổ chức các hội cứu quốc, tham gia công tác trừ gian diệt ác và làm Bí thư Chi bộ xã. Đến tháng 10/1946, đồng chí Nguyễn Văn Bình vào bộ đội, giữ nhiệm vụ Chính trị viên Đại đội 2, Chi đội 15 thuộc Tỉnh đội Chợ Lớn, tham gia cấp ủy.
Tháng 9/1948, đồng chí được học lớp chính trị của Xứ ủy Nam bộ và đến năm 1949, đồng chí được phân công làm Bí thư Huyện ủy Trung Huyện. Năm 1950, đồng chí Nguyễn Văn Bình tiếp tục trở lại công tác tại Trung đoàn 308, Chính trị viên Đại đội 2767 (công binh xưởng), tham gia cấp ủy, là Trung đoàn ủy viên.
Tháng 8 năm 1950, đồng chí Nguyễn Văn Bình chính thức xuất ngũ để tham gia công tác khác. Đồng chí được cử đi học tại miền Bắc và học lớp chỉnh huấn tại Trường Nguyễn Ái Quốc, đến cuối năm 1951 tiếp tục đi học lớp chính trị Mác - Lênin ở Bắc Kinh.
Sau khi trở về nước, từ tháng 3/1953, đồng chí tham gia hướng dẫn học tập cho các lớp chỉnh huấn ở Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương, làm công tác chỉnh huấn ở Bộ Canh nông, Bộ Y tế, Bộ Thương binh, hướng dẫn học tập ở các lớp dài hạn và sau đó làm công tác cải cách ruộng đất. Từ tháng 10/1954 cho đến tháng 4/1955, đồng chí làm giáo vụ cho Trường Cán bộ miền Nam tập kết.
Tháng 5/1955, đồng chí công tác tại Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, là Ủy viên Ban Cán sự Trường Cán bộ người Khmer, lần lượt làm Trưởng ban Cán sự các trường của Ban Đối ngoại Trung ương Đảng tại Phú Thọ, Hải Dương; tiếp theo là làm công tác nghiên cứu cho Vụ Công tác Miền. Tháng 4/1962, đồng chí học tập trung cho đến tháng 6/1962 thì trở về Nam công tác.
Năm 1963, đồng chí Nguyễn Văn Bình công tác tại Trường Nguyễn Ái Quốc thuộc Trung ương Cục miền Nam, là Ủy viên Ban Giám hiệu trường.
Ngày 30/1/1965, căn cứ vào yêu cầu phát triển của công tác tuyên truyền, vận động chính trị tư tưởng trong giai đoạn mới, Thường vụ Trung ương Cục ra quyết định củng cố, mở rộng Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, đồng chí Nguyễn Văn Bình được tham gia vào ban lãnh đạo, là Ủy viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam. Trong năm 1965, đồng chí công tác tại Khu Sài Gòn - Gia Định, là Ủy viên Phân khu ủy Phân khu Bình Tân; tháng 4/1966 công tác nghiên cứu ở Văn phòng Thành ủy Sài Gòn - Gia Định; tháng 7/1967 công tác nghiên cứu tại Khu trọng điểm Sài Gòn - Gia Định; tháng 5/1971 là Ủy viên Ban Nghiên cứu Văn phòng Trung ương Cục miền Nam.
Sau Hội nghị Bình Giã V, đến tháng 4/1972, tổ chức của Thành ủy Sài Gòn - Gia Định được kiện toàn, Thành ủy được củng cố và bổ sung thêm một số Thành ủy viên. Tháng 5/1972, đồng chí Nguyễn Văn Bình là Thành ủy viên, giữ nhiệm vụ Trưởng ban Tuyên huấn Thành ủy Sài Gòn - Gia Định.
Phong trào đấu tranh chính trị toàn Thành phố đầu năm 1972 diễn ra sôi nổi, chỉ trong ba tháng đã có 150 cuộc đấu tranh của công nhân lao động nổ ra. Tổng thống ngụy quyền Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố tình trạng chiến tranh, ban hành nhiều biện pháp khẩn cấp, thẳng tay tiến hành khủng bố, đóng cửa trường học. Trước tình hình như vậy, Thành ủy đã quyết định thay đổi một số hình thức, phương thức hoạt động ở nội thành, đưa phong trào cách mạng vào chiều sâu, tránh bị tổn thất nặng dưới những thủ đoạn hiểm ác, xảo quyệt của địch. Công tác tuyên huấn trong thời gian này tập trung tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 08/CT-72 ngày 1/7/1972 của Thành ủy về nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo của Đảng ở đô thị, và kết quả cho thấy Chỉ thị 08/CT-72 của Thành ủy đã đáp ứng được tình hình thực tế ở nội đô và đánh dấu một bước trưởng thành trong sự lãnh đạo của Đảng ở Sài Gòn - Gia Định. Tiếp theo đó là tuyên truyền thực hiện Chỉ thị số 02/CT-73 ngày 20/1/1973 của Thành ủy về thống nhất nhận thức và hành động khi Hiệp định Paris được ký kết.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng chí Nguyễn Văn Bình được phân công làm Giám đốc Trường Nguyễn Ái Quốc IX cho đến khi nghỉ hưu. Đồng chí Nguyễn Văn Bình từ trần ngày 17/11/2003, hưởng thọ 82 tuổi.
Ghi nhận quá trình cống hiến của đồng chí, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng cho đồng chí: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Ba, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng./.
Theo hcmcpv.org.vn