Khát vọng phát triển nông nghiệp Việt Nam theo hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng (Bài 2)

Điều kiện tự nhiên nước ta có các vùng khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau, nên cần phát triển nông nghiệp theo phương thức thuận thiên, tận dụng các điều kiện để có các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường.

chuy-nncncao-1635738767-1635993530.jpg
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghệp.

Bài 2: Phải thay đổi tư duy của người nông dân

Nhìn lại chặng đường đã qua, nền nông nghiệp nước ta có nhiều bước chuyển mình quan trọng nhưng đến nay vẫn ở trình độ thấp so với thế giới, sản phẩm thô, chủ yếu gia công và phải nhập khẩu giống, phân bón, thức ăn gia súc, thuốc trừ sâu, một số lĩnh vực có tới 80-90% nhập khẩu từ nước ngoài, giá trị gia tăng nông nghiệp không cao. Thương hiệu, chất lượng, giá cả sản phẩm hàng hóa chưa cạnh tranh và chưa vào được phân khúc cao của  thị trường.

Trong bối cảnh chủ động hội nhập, những bước đi của ngành nông nghiệp từ năm 2021-2025 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XIII của Đảng với tầm nhìn phát triển chiến lược, chúng ta phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại trong giai đoạn sắp tới là chuyển đổi mô hình tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Đó là sự chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp dựa trên mục tiêu tăng sản lượng sang tư duy kinh tế với mục tiêu là tăng giá trị. Chúng ta bắt đầu khơi thông được tư duy đó.

Nguồn lực cho sự phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp bây giờ và sắp tới phải là nguồn lực về văn hóa, vốn xã hội vô cùng lớn, cần phát huy yếu tố này. Hướng phát triển của nông nghiệp sẽ phải kết hợp cả quy mô lớn với quy mô nhỏ. Chúng ta phải biết tác động của kinh tế số. Chẳng hạn một hộ trồng nhãn, vải thiều ở Hưng Yên, Lục Ngạn (Bắc Giang); một hộ nông dân trồng hoa tại Đà Lạt hoặc một người trồng cà phê ở Đắk Lắk, trồng xoài ở Sơn La, Tiền Giang… cũng có thể vươn tới thị trường thế giới nếu làm theo kiểu của một doanh nhân, của một nhà khởi nghiệp. Những hộ nông dân này phải biết tích tụ, tập trung thành những chuỗi lớn, đồng thời không xóa đi vai trò của những hộ kinh doanh nhỏ, nhỏ nhưng không lẻ, phải liên kết lại với nhau. Làm sao nhỏ nhưng phải kết nối lại theo chuỗi, như những giọt nước kết nối với nhau thành biển cả, chứ không phải thủ tiêu cái nhỏ, cái nhỏ kết nối sẽ thành chuỗi lớn. Đây cũng là một cách, còn tập trung, tích tụ lại trong một tổ hợp cũng là một cách.. 

Muốn vậy, phải thay đổi tư duy của người nông dân. Tất cả nông dân bây giờ cũng đều phải đứng trước nhu cầu khởi nghiệp. Khi chúng ta quan niệm rằng nền nông nghiệp không phải là sản xuất nông nghiệp đơn thuần mà là làm kinh tế nông nghiệp, kinh doanh nông nghiệp thì chủ thể của kinh tế đó phải có tinh thần của người kinh doanh. người nông dân bây giờ cũng phải tính đầu tư vào đâu, sản xuất kinh doanh cái gì, bán đi đâu mới hiệu quả, tức là sản xuất ra sản phẩm phải gắn với thị trường? Vì vậy, người nông dân cần phải có tinh thần của người kinh doanh. Đó là doanh nhân hóa nông dân, chứ không phải doanh nhân chỉ là nhà máy, xí nghiệp. Hộ nông dân cũng phải tiến hành sản xuất kinh doanh trên tinh thần của doanh nhân, bản chất là đầu tư để tìm lợi nhuận, để làm giàu cho mình. Đó là tinh thần doanh nhân, nông dân phải có tinh thần khởi nghiệp.

Để thực hiện được mục tiêu nói trên, chúng ta phải tri thức hóa người nông dân, huấn luyện người nông dân không có chỉ là huấn luyện về kỹ thuật canh tác trồng trọt mà huấn luyện cả cách thức để người nông dân tiếp cận được với những công cụ, thiết bị thông minh để họ làm giàu, thay đổi cách làm nông, biết cách kết nối. Chúng ta phải đào tạo nguồn nhân lực từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp mà hiện nay đang là khâu rất yếu. Hầu hết các tỉnh trong cả nước đã tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Một số mô hình dạy nghề đã bước đầu triển khai có hiệu quả như mô hình đào tạo nghề cho lao động ở các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu cây công nghiệp như cà phê, chè, cao su, điều, hồ tiêu… Đây là mô hình có sự phối hợp của cả chính quyền địa phương và doanh nghiệp thu mua. Mô hình dạy nghề truyền thống cho các lao động trong các làng nghề cũng đang phát huy được tác dụng khi hầu như các làng nghề đều đang giữ được nghề của làng mình. Một số trung tâm khuyến nông, khuyến lâm cũng đã được thành lập để giúp người lao động nông thôn có thêm chỗ dựa và được giúp đỡ khi cần thiết.

Nước ta có hơn 10 triệu hộ nông dân với hơn 30 triệu lao động trong độ tuổi, nhưng chỉ có 17% trong đó được đào tạo thông qua các lớp tập huấn khuyến nông, còn lại 83% là lao động chưa qua đào tạo, chưa có trình độ chuyên môn trong sản xuất nông nghiệp. Chính vì thế, lượng lao động nông thôn có đủ điều kiện phát triển kinh tế nông nghiệp vẫn còn rất thấp, chỉ khoảng 4% nông dân có đào tạo về kỹ thuật chuyên môn.

Nhờ có đào tạo nghề, một bộ phận lao động nông thôn đã có điều kiện ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời có định hướng phát triển nghề nghiệp, sản xuất theo hướng bền vững. Sau khi học nghề, một bộ phận lao động nông thôn đã chuyển đổi nghề nghiệp, có việc làm mới tại các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ. Cơ cấu ngành nghề ở khu vực nông thôn có sự thay đổi theo hướng tích cực.

chuy-q5-1635739954-1635993584.jpg
Giống Xoài Đài Loan trông tại huyện Cái Bè (Tiền Giang) chua chua giòn giòn, vị thơm không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước. Nguồn: Internet.

Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên chủ yếu là công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nước ta chưa được đầu tư đúng mức. Nhiều bộ, ngành, địa phương nhận thức chưa đầy đủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, coi đào tạo nghề là biện pháp tình thế, không giải quyết được nhiều vấn đề. Bên cạnh đó, nhiều nông dân chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của việc học nghề. Nhiều gia đình chỉ cho con em học nghề khi không đủ điều kiện vào các trường đại học, cao đẳng.

Bên cạnh dạy nghề truyền thống, gần đây nhiều địa phương ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện phương thức đào tạo trực tuyến như Chương trình “Nông dân khởi nghiệp” trên mạng Internet, hoạt động thường xuyên để người nông dân ở vùng xa, vùng sâu có thể tiếp cận được và nghe những bài giảng, thông tin, trao đổi kinh nghiệm. Chúng ta tập trung vào những nền tảng như vậy để hỗ trợ bà con nông dân tiếp cận được với kiến thức, thông tin; được đào tạo; được tư vấn, hỗ trợ… Bằng cách đó chúng ta có thể đào tạo thường xuyên, góp phần nâng cao kiến thức canh tác cho nông dân.

Vấn đề đặt ra là khi sản xuất lớn ở những vùng có điều kiện thì cần quan tâm công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị, chứ không phải là sớm nắng chiều mưa, được mùa rớt giá, được giá mất mùa.

Không những vây, phát triển nông nghiệp gắn liền với xây dựng nông thôn mới (NTM), đời sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), tính đến tháng 6/2021, cả nước có 5.343/8.267 xã (64,63%) đạt chuẩn NTM (tăng 202 xã so với cuối năm 2020). Trong đó, có 351 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 38 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 16,68 tiêu chí/xã (tăng 0,3 tiêu chí so với cuối năm 2020). Đáng chú ý, cả nước đã có 192 đơn vị cấp huyện thuộc 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ, đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm khoảng 28,9% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước. Ngoài ra, 12 tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 4 tỉnh gồm: Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên và Hà Nam đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Đất nước đi lên từ nông nghiệp, tiếp tục phát huy vai trò “trụ đỡ” nền kinh tế với khát vọng phát triển thành nền nông nghiệp hiện đại thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngành nông nghiệp cần khẩn trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ sản lượng sang tăng trưởng giá trị, đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức, góp phần đắc lực đưa sự nghiệp CNH, HĐH nước nhà đến thành công, với mục tiêu cuối cùng là làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình, phải làm cho nông thôn là nơi đáng sống./.

Vũ Xuân Bân

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/khat-vong-phat-trien-nong-nghiep-viet-nam-theo-huong-chuyen-doi-mo-hinh-tang-truong-bai-2-a19360.html