Pháp sư phái Trà Kha Kh'mer gọi Cậu Bảy là Tà Bay. Pháp sư theo trường phái "bùa Lèo" gọi Cậu Bảy là Vlav Bay. Pháp sư theo trường phái "bùa Xiêm" gọi Cậu Bảy là Khạo Bay… Trong khẩu quyết thần chú của nhiều trường phái huyền thuật, các pháp sư vẫn cầu tên Cậu Bảy trong số hàng trăm vị thần tướng.
Hiện tại, giới pháp sư một số môn phái Trà Kha, Lỗ Ban vẫn thường xuyên tìm đến tận nơi phát tích Cậu Bảy để thiền định luyện phép hoặc khấn xin Cậu Bảy chứng quả thăng đẳng cấp cho mình.
Nơi phát tích Cậu Bảy nằm trên đỉnh cao nhất trong quần thể 7 ngọn lớn và 14 ngọn núi nhỏ tạo thành hình chữ U, tọa lạc tại phía Bắc tỉnh Bình Dương (xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng). Trong quần thể ấy có 4 ngọn chính gồm: Núi Cửa Ông, núi Ông (còn gọi là núi Ông Cậu), núi Tha La và núi Chúa. Do 4 ngọn này tạo thành hình 2 yên ngựa song song nên từ thuở sơ khai, người ta gọi quần thể núi ấy là Yên Ngựa. Dần dà sau này, người ta gọi luôn toàn bộ cụm núi ấy là núi Ông Cậu hoặc núi Cậu.
Hầu như hiếm người biết gốc tích thật của Cậu Bảy. Một số người lại nhầm Cậu Bảy là “Hoàng Bảy” - Một linh thần của giới cờ bạc. Điều đó không đúng với văn hóa tín ngưỡng vùng đất Nam bộ.
Từ thuở khai hoang, người ta đã thấy trên đỉnh Ông Cậu có một cái hang đá được gọi là miếu thờ Cậu Bảy. Bên trong ngôi miếu có bức tượng Cậu Bảy đứng thủ bộ võ. Bên ngoài cửa miếu có tượng một con cọp nhe nanh đứng gác.
Dù cụm núi Cậu nằm trên địa phận tình Bình Dương nhưng người ta vẫn quen gọi ông là "Cậu Bảy Tây Ninh". Có lẽ do ngày xưa núi Cậu thuộc địa phận Tây Ninh, sau này chia tách địa giới hành chính lại, núi Cậu thuộc về tình Bình Dương. Dù vậy, do thói quen, người ta vẫn cứ gọi theo tên cũ.
Có nhiều truyền thuyết và giai thoại liên quan đến Cậu nhưng không hiểu vì sao, suốt hàng trăm nay nay các nhà khảo cứu văn hóa, lịch sử lại bỏ qua. Đến tận bây giờ vẫn chưa có người thực hiện công trình nghiên cứu văn hóa vật thể lẫn phi vật thể một cách trọn vẹn về di tích văn hóa tâm linh này. Trước năm 1975, nhà nghiên cứu văn hóa Huỳnh Minh có nhắc đến núi Cậu trong quyển "Tây Ninh xưa và nay" nhưng chỉ sơ lược, thoảng qua.
Những bậc kỳ lão ở địa phương cho rằng, Cậu Bảy và Bà Lý Thị Thiên Hương (bậc thánh trấn núi Bà Đen, Tây Ninh) có liên quan đến nhau.
Nhiều truyền thuyết kể rằng, ngày xưa núi Bà Đen có tên gọi là núi Một. Vào thế kỷ 18, có 4 gia đình thâm giao ở Bình Định theo chiếu khẩn hoang của chúa Nguyễn cùng nhau theo đoàn di dân xuôi Nam, khai hoang mở cõi. Nhóm gia đình khai khẩn vùng đất Tây Ninh gồm: Gia đình ông Lý Thiên; Gia đình ông Đặng Nhượn; Gia đình ông Ba Sánh và gia đình ông Chín Thép. Bốn gia đình vào định cư vùng đất Quang Hóa, nay là huyện Trảng Bàng (Tây Ninh).
Quan trấn nhậm đương thời là Hà Đảnh thấy bà Đặng Ngọc Phụng (vợ ông Lý Thiên) trẻ đẹp đã sát hại Lý Thiên rồi bắt bà làm hầu thiếp dù bà đang mang thai. Bà cố sống ẩn nhẫn, chờ sanh con và tìm cách báo thù chồng.
Bà đã hạ sanh một gái xinh đẹp, đặt tên là Lý Thị Thiên Hương.
Khi trưởng thành, Lý Thị Thiên Hương được nhiều chàng trai muốn chạm ngõ cầu hôn nhưng nàng không màng vì mãi nuôi lòng báo oán cho cha. Một ngày nọ, nàng đi đảnh lễ cầu Phật trên núi Một, bất ngờ bị một toán cướp chặn đường. Giữa lúc nguy khốn, nàng được 1 tráng sỹ tên Lê Sĩ Triệt cứu thoát. Hai người trở thành tình nhân từ cuộc hội ngộ đó.
Lê Sĩ Triệt là con nuôi của nhà sư Trí Tân trụ trì một ngôi chùa trên lưng chừng núi Một. Sư Trí Tân vốn là võ quan của nhà Nguyễn ẩn tu. Trong 1 chuyến xuống núi hóa trai, trên đường trở về, sư Trí Tân trông thấy ven tảng đá một bé trai sơ sinh nằm khóc giữa 2 tử thi vợ chồng. Nhà sư đem đứa bé về núi đặt tên là Lê Sĩ Triệt, nuôi dưỡng và truyền kiếm thuật.
Lê Sĩ Triệt được sư Trí Tân cho phép cưới Lý Thị Thiên Hương làm vợ. Sau khi cưới, Thiên Hương kể rõ mối thâm thù giữa mình với cha ghẻ Hà Đảnh. Nghe vợ kể rõ nguồn cơn, Lê Sĩ Triệt giết ngay Hà Đảnh.
Vào thời điểm đó, Gia Long đang tuyển mộ thêm binh sĩ để chống quân Tây Sơn. Lê Sỹ Triệt tòng quân đế trốn án sát nhân. Sau khi Lê Sĩ Triệt ra đi, Lý Thị Thiên Hương bỗng dưng mất tích.
Một hôm sư Trí Tân đang thiền định bỗng nghe tiếng gọi của Thiên Hương nơi triền núi. Ông bước ra thì thấy Lý Thị Thiên Hương vừa khóc vừa cho biết, thuộc hạ của Hà Đảnh đã giết cô rồi ném xác nơi triền núi.
Sư Trí Tân theo lời chỉ của linh hồn Thiên Hương đi tìm thì thấy thi thể cô đã sạm đen. Sư Trí Tân đem thi thể cô về gần chùa an táng.
Vua Gia Long thất thế trước sức mạnh của Tây Sơn nên bôn đào về phía Nam. Lê Sĩ Triệt lập nhiều công trạng đã trở thành võ quan cận thần của vua Gia Long. Lê Sĩ Triệt đưa vua Gia Long chạy vào vùng núi Một trốn tránh sự truy lùng của Tây Sơn. Khi quan quân đang đói lã dưới một tán cây cổ thụ, vua Gia Long mệt mõi ngủ thiếp, mơ màng thấy một người con gái đen đúa xuất hiện bảo những quả chín trên cây có thể cứu đói, khát cho binh sĩ. Vua tỉnh giấc cho người ăn thử. Quả nhiên vị chua của quả giúp binh sĩ đỡ khát và vị ngọt giúp đỡ đói. Vua Gia Long đặt tên cây ấy là "tòng quân" (sau này nói trại thành chùm quân hoặc bồ quân). Vua Gia Long còn ban sắc chỉ phong cho Lý Thị Thiên Hương chức Linh Sơn Thánh Mẫu. Từ đó, người ta gọi núi Một là núi Bà Đen cho đến ngày nay.
Nông Huyền Sơn
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nhung-huyen-thoai-ly-ky-ve-di-tich-cot-cau-bay-ky-i-a19343.html