Vụ ca sỹ nghi nhiễm Mers: Có thể bị xử lý hình sự!?

Liên quan đến việc ca sỹ Nguyễn Trần Trung Quân nghi bị nhiễm Mers - Hội chứng hô hấp Trung Đông, dưới góc nhìn pháp lý, nếu họ tung tin đồn về dịch Mers để PR tên tuổi thì xử lý ra sao?

Trao đổi với PV, chị Hồng Vân - trợ lý của ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân cho biết, đến nay, tình hình sức khỏe của ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân đã tỉnh táo hơn, nhưng vẫn còn sốt cao. Các bác sĩ cũng đã làm thêm một số xét nghiệm, lượng tiểu cầu bệnh nhân Quân vẫn giảm. Bác sĩ chẩn đoán 80% là sốt xuất huyết.

Khi hỏi về việc Quân đang nằm điều trị tại bệnh viện nào? Và một số trang mạng đưa tin, nghi ngờ Quân bị mắc bệnh Mers? Chị Hồng Vân cho biết: “tôi không được phép cho thông tin về bệnh viện. Lúc đầu khi bác sĩ nghi ngờ, tôi cũng rất lo lắng và hoang mang, cũng không có thời gian để ý đến chuyện đó nữa. Bây giờ tôi chỉ tập trung vào việc chăm sóc và giải quyết công việc. Mong Quân sớm bình phục và hoạt động trở lại”.


Ca sỹ Nguyễn Trần Trung Quân nằm điều trị tại bệnh viện.

Một vị đại diện của Bộ Y tế xác nhận đó chỉ là tin đồn, mọi người không đưa tin để tránh gây hoang mang dư luận. Giống như trước đây, trên một số trang mạng xã hội lan truyền thông tin bệnh nhân nhiễm Ebola đang điều trị tại BV Bạch Mai không đúng sự thật.

Trước đó, ngày 5/6, trên trang cá nhân của ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân đăng tải một đoạn chia sẻ của Hồng Vân – Trợ lý của ca sỹ Nguyễn Trần Trung Quân cho biết, Quân đột ngột bị sốt rất cao, kèm theo các cơn co giật nhẹ. Đến thời điểm này, các bác sĩ vẫn chưa xác định được bệnh. Chỉ biết rằng, sức đề kháng của Quân đang rất yếu. Theo thông tin mới nhất, Quân đã được chuyển vào phòng cách ly vì nghi nhiễm căn bệnh Mers.

Trao đổi với PV, LS Trương Anh Tú (Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú, đoàn LS TP.Hà Nội) cho biết: Hiện nay vấn đề dịch bệnh Mers đang được dư luận trong nước cũng như thế giới đặc biệt quan tâm, bởi đây là một dịch bệnh hết sức nguy hiểm mà chưa có thuốc phòng cũng như đặc trị. Người mắc hội chứng Mers có khả năng tử vong rất cao. Với sự lây lan nhanh của dịch bệnh này thì dễ hiểu rằng hằng ngày trên có phương tiện truyền thông, thời lượng thông tin về tình hình dịch bệnh Mers chiếm một thời lượng lớn, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân.




Luật sư Trương Anh Tú: 'Tùy vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi thông tin sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự'.

Theo thông tin của Bộ Y tế thì tới thời điểm này, Việt Nam chưa có ca nào nghi nhiễm Mers, và như vậy việc thông tin trên mạng internet về việc tại Việt Nam có một ai đó đã bị nhiễm Mers là một thông tin sai sự thật.

Theo tôi hành vi chủ động thông tin về bản thân mình đã bị nhiễm Mers thông qua internet là một hành động có nhiều chủ ý chứ không phải là một hành động bột phát, và cũng không loại trừ việc chủ động thông tin này là nhằm PR tên tuổi.

Việc tung tin đồn về dịch Mers nêu trên bản chất là hành vi sử dụng mạng internet để chủ động thông tin sai sự thật nhằm gây sự chú ý của dư luận xã hội vào mình, để nhiều người biết hơn tới mình. Động cơ đằng sau hành vi này của người chủ động thông tin là vụ lợi cá nhân. Đối với hành vi này, tùy vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi thông tin sai sự thật có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Hành vi sử dụng mạng internet để đưa thông tin sai sự thật là một trong những hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 5 của Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 của Chính Phủ quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet. Hành vi này bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 64 Nghị định 174/NĐ-CP ngày 13/11/2013 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, theo đó: “Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Chủ động cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân…”.

Ở mức độ nghiêm trọng hơn, người tung tin đồn thất thiệt, thông tin sai sự thật có thể bị xem xét xử lý hình sự về “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” được quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự, cụ thể:

“Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm: a) Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của Bộ luật này;... 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Lợi dụng quyền quản trị mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet; c) Thu lợi bất chính từ một trăm triệu đồng trở lên; d) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng…”

Ngoài ra, người vi phạm “Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet” còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Khi hỏi về việc trước đây trên một số trang mạng xã hội lan truyền thông tin Bệnh nhân nhiễm Ebola đang điều trị tại BV Bạch Mai không đúng sự thật. Với sự lặp lại của hành động này gây hoang mang dư luận, phải chăng trong các mối quan hệ xã hội đang bộc lộ sự xuống cấp nghiêm trọng?

Luật sư Trương Anh Tú cho biết: “Tôi cho rằng việc đưa thông tin sai sự thật như trên của những đối tượng có liên quan không nhằm một động cơ mục đích trong sáng như để mọi người cảnh giác, chú ý đề phòng sự lây lan mà vì động cơ vụ lợi cá nhân. Họ lợi dụng tình hình dịch bệnh để hướng sự chú ý của dư luận xã hội vào mình, qua đó để nhiều người trong xã hội biết tới mình hơn, mặc dù họ hoàn toàn biết rằng với những thông tin sai sự thật khi bị phát giác sẽ khiến họ bị xã hội lên án. Điều này phản ánh một một lối suy nghĩ lệch lạc của một bộ phận không nhỏ những bạn trẻ hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật hiện nay”.

Để có thể nổi tiếng, thay vì phải đổ mồ hôi để lao động nghệ thuật, đi lên bằng chính tài năng của mình thì họ lại lựa chọn việc tạo ra những scandal để nhiều người biết tới. Suy nghĩ này là hết sức lệch lạc và đáng bị lên án.

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp MERS- CoV là một bệnh viêm đường hô hấp nguy hiểm và có tỉ lệ tử vong cao. Bệnh do virus Corona - một chủng virus mới tương tự virus gây SARS năm 2003. Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp MERS- CoV xuất hiện đầu tiên ở Ả Rập Saudi năm 2012. Thông tin nhanh tại cuộc họp của Bộ Y tế hôm 1/6, hiện bệnh đã lây lan đến 26 quốc gia với hơn 1000 người mắc MERS-CoV, trong đó có hơn 400 ca tử vong (tỷ lệ tử vong 38%)...

Dịch MERS được phát hiện tại Hàn Quốc từ ngày 20/5, đến nay đã có 6 người tử vong, ít nhất 87 ca mắc bệnh...

Hiện tại Việt Nam, Bộ Y tế và các ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch MERS- CoV lây lan đến Việt Nam. Những ngày qua, đã có một số trường hợp nghi nhiễm MERS- CoV tại Việt Nam, tuy nhiên, kết quả xét nghiệm đều cho kết quả âm tính với virus bệnh MERS- CoV...

Theo Người Đưa Tin

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/vu-ca-sy-nghi-nhiem-mers-co-the-bi-xu-ly-hinh-su-a1933.html