76 năm ngày truyền thống Tình báo Quốc phòng (25/10/1945 - 25/10/2021): Đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo

Đại tá, Anh hùng LLVTND Phạm Ngọc Thảo (1922 - 1965) là một tình báo viên bí ẩn trong suốt Chiến tranh chống Mỹ. Một trong 4 tình báo viên xuất sắc nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam (cùng với Phạm Xuân Ẩn, Vũ Ngọc Nhạ và Lê Hữu Thúy).

246793115-1489569861409435-3162684354120057174-n-1635148550-1-1635299006.jpg
Đại tá, Anh hùng LLVTND Phạm Ngọc Thảo

Ông là đại tá của hai quân đội đối nghịch trong cuộc chiến này: Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân đội ngụy. Ông là người có nhiều ảnh hưởng chính trị và cũng là một thành viên chủ chốt trong 2 cuộc đảo chính bất thành ở Sài Gòn vào những năm 1964 - 1965.

Ông chính là nguyên mẫu của nhân vật Nguyễn Thành Luân trong tiểu thuyết nổi tiếng Ván Bài Lật Ngửa của tác giả Trần Bạch Đằng. Có 3 đặc điểm lớn để có thể xác định Đại tá Phạm Ngọc Thảo là nhà tình báo vĩ đại nhất của Việt Nam trong thế kỷ 20:

1/ Khác với Vũ Ngọc Nhạ và Phạm Xuân Ẩn, Phạm Ngọc Thảo là người duy nhất có thể tác động trực tiếp đến chính quyền Sài Gòn.

2/ Là sỹ quan cao cấp trong quân đội ngụy lại có lực lượng trong tay, ông chính là người đã trực tiếp đạo diễn và tham gia chỉ đạo hàng loạt vụ đảo chính làm rung chuyển nền chính trị miền Nam những năm 64 - 65, gây mất ổn định nghiêm trọng chế độ Sài Gòn, tạo điều kiện thuận lợi cho cách mạng miền Nam. Nếu cuộc đảo chính với Lâm Văn Phát gạt Nguyễn Khánh năm 1964 thành công, Phạm Ngọc Thảo trở thành thủ tướng VNCH thì lịch sử có thể đã có những thay đổi lớn.

3/ Khác với Vũ Ngọc Nhạ và Phạm Xuân Ẩn, Phạm Ngọc Thảo là nhà tình báo hoạt động đơn tuyến, không hề có đồng đội trực tiếp hỗ trợ mà chỉ chịu sự chỉ đạo về chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bí thư Lê Duẩn. Ông không làm công tác đưa tin đơn thuần mà lớn hơn là được giao nhiệm vụ "thay đổi chế độ tại miền Nam" (tương tự như mục tiêu regime change của Mỹ từng áp dụng tại Iraq, nhưng nếu như Mỹ phải dùng đến hàng chục vạn quân thì Bắc Việt chỉ dùng 1 mình Phạm Ngọc Thảo và ở chừng mực nào đấy đã thành công). Sự nguy hiểm của Phạm Ngọc Thảo đối với tồn vong của chế độ miền Nam lý giải tại sao chính quyền Thiệu - Kỳ phải quyết bằng mọi giá thủ tiêu ông.

chanh-tin-nguyen-thanh-luan-1635299073.jpg
Nguyễn Thành Luân trong phim Ván bài lật ngửa do Nguyễn Chánh Tín thủ vai (nguyên mẫu nhân vật Đại tá tình báo Phạm Ngọc Thảo)

Đại tá Thảo là một con người cực kỳ dũng cảm và đầy tài năng. Ngay từ thời Ngô Đình Diệm, ông đã được Mỹ rất chú ý, nhiều chính khách Mỹ đưa ông vào tầm ngắm để đào tạo thành một nhà lãnh đạo VNCH trong tương lai. Ngay khi phút nguy hiểm đã cận kề, ông Võ Văn Kiệt chỉ thị ông ra căn cứ để bảo đảm an toàn, nhưng Đại tá Thảo vẫn quyết tâm xin ở lại để thực hiện cú đảo chính cuối cùng. Việc lớn không thành, ông bị bắt và tra tấn dã man nhưng cho tận đến khi hy sinh, địch vẫn không hề biết ông là một chiến sỹ cộng sản. Nghe tin ông mất, Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Lê Duẩn đã khóc. Sau này, trong cuốn Ván Bài Lật Ngửa, nhà văn Trần Bạch Đằng đã đề tựa những dòng trang trọng: "Tưởng nhớ anh Chín T. và những người đã chiến đấu hy sinh thầm lặng".

Ông Trần Bạch Đằng, nguyên Phó ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam nhận xét: "các nhà tình báo thông thường có nhiệm vụ giấu mình, thu thập, khai thác tin tức chuyển về trung tâm. Riêng Phạm Ngọc Thảo đi thẳng vào hàng ngũ kẻ thù, tung hoành hoạt động vì Tổ quốc cho tới tận lúc hy sinh, trường kỳ mai phục và độc lập tác chiến. Anh là người tình báo đặc biệt có một không hai". Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói: "anh Phạm Ngọc Thảo đã nhận một nhiệm vụ đặc biệt, chưa từng có tiền lệ trong công tác cách mạng của chúng ta".

Ngày nay, nếu có dịp ghé qua Nghĩa trang TP.HCM bạn sẽ thấy một ngôi mộ đề dòng chữ Đại tá Phạm Ngọc Thảo, Anh hùng LLVTNDVN. Trên ngôi mộ nhỏ này, luôn có loài hoa Mimosa mà sinh thời Đại tá Thảo rất yêu thích.

(*) Trái tim người lính

Năm 1987, Nhà nước Việt Nam truy tặng ông danh hiệu liệt sỹ với quân hàm đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Hiện nay, mộ Phạm Ngọc Thảo được đưa về nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh, trên đồi Lạc Cảnh (quận Thủ Đức) theo Wikipedia.

Thành Đô (*)

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/76-nam-ngay-truyen-thong-tinh-bao-quoc-phong-25101945-25102021-dai-ta-tinh-bao-pham-ngoc-thao-a19295.html