Nên bãi bỏ các danh hiệu dành cho nghệ sỹ

Đã qua 10 đợt thực hiện xét tặng các danh hiệu cho nghệ sĩ hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đến nay đã bộc lộ nhiều điều bất cập cần phải sửa đổi và dẹp bỏ để mang lại sự công bằng cho các cá nhân và tập thể hoạt động trong lĩnh vực này. Bởi có những vở diễn không có khán giả, chỉ có vài nghệ sĩ xem với nhau tại một hội diễn cũng “rinh” Huy chương vàng, lấy Huy chương vàng xong rồi thì về bỏ xó?

6-1-1635214980.jpeg
Lễ trao tặng danh hiệu NSND, NSƯT tại TP.Hồ Chí Minh năm 2019. Ảnh: Lao Động

Nhiều nghệ sĩ đạt Huy chương vàng để được tiêu chuẩn khi bầu chọn NSND, NSƯT tại các Hội diễn, nhưng biểu diễn không ai xem, diễn không có khán giả? Từ đó xuất hiện việc “chạy huy chương”, “chạy giải”, và có chạy thì cũng chỉ có những nghệ sĩ với nhau trong một Hội diễn biết mà thôi. Tất cả chỉ bởi qui định có huy chương mới được xét NSND, NSƯT. Cho nên, có những nghệ sĩ hài chỉ nói quậy nhạt thếch trên sân khấu gây nhàm chán trong dư luận xã hội thì lại là NSND, NSƯT? Còn có những ca sĩ khi họ biểu diễn làm nức lòng nhân dân, khơi dậy tình yêu quê hương đất nước nồng nàn thì cả đời “nằm mơ” cũng không có được danh hiệu vì không được đi hội diễn nên không có huy chương. 

Lùm xùm về danh hiệu

Đúng vậy, gọi là đến mùa “lùm xùm nghệ sĩ” cũng không sai chút nào. Vì cứ “đến hẹn lại lên”, cứ đến tháng, đến năm, đến kì xét tặng các danh hiệu cho nghệ sĩ thì không đợt xét tặng nào là không có lùm xùm, tố cáo, khiếu nại, thắc mắc, tranh đấu… có lúc ầm ĩ kéo dài cả năm trên truyền thông, báo chí. Năm nay, 2021 lại đến mùa xét tặng các danh hiệu NSND, NSƯT và các giải thưởng… 

Trước khi đón chào mùa xét tặng danh hiệu 2021 thì việc lùm xùm đầu tiên là gói hỗ trợ cho nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19, rồi lùm xùm rùm beng của các cá nhân hoạt động nghệ thuật tự do trong việc quyên góp tiền để đi làm từ thiện bão lũ xảy ra ở miền Trung từ cuối năm 2020. Về gói hỗ trợ cho nghệ sĩ thì rõ rồi, một vài nghệ sĩ “nhà lầu xe hơi” nhưng vẫn hồn nhiên nhận tiền hỗ trợ khó khăn từ Chính phủ? Hơn nữa việc từ thiện thu hút sự quan tâm của dư luận khủng khiếp hơn nhiều nên đã lấn át mất chuyện hỗ trợ nghệ sĩ, vậy việc này hãy để cho chính các nghệ sĩ tự mình “phán xét”. 

Chuyện về danh hiệu. Trong đời sống văn hóa tinh thần hiện nay danh hiệu nghệ sĩ vô cùng quan trọng. Được sự ưu ái của cả cơ quan quản lý nhà nước, lẫn sự sủng ái của khán giả, công chúng. Ví dụ tham gia một chương trình biểu diễn diễn nghệ thuật tại Hà Nội thì tiền cát-xê của một ca sĩ bình thường bao giờ cũng ít hơn NSƯT, NSND, họ chỉ được từ 2 đến 5 triệu đồng/show diễn. Nhưng là NSƯT chỉ cần hát trong chương trình đó là có 10 triệu đồng, đi ra tỉnh ngoài gần gần Hà Nội là 20 triệu đồng, đi xa hơn thì được tiền cat-xê nhiều hơn. Còn ca sĩ bình thường có hát hay đến mấy thì đi xa mấy cũng đóng khung 5 triệu/show. Hoặc đơn giản chỉ như cái băng-rôn treo quảng cáo chương trình biểu diễn nghệ thuật, thì tên tuổi nghệ sĩ có danh hiệu phải “ở trên đầu” nghệ sĩ không có danh hiệu. Nghệ sĩ không có danh hiệu hầu hết đặt ở bên dưới “đít” của băng-rôn… Vì quyền lợi đáng giá như vậy nên đặt ra “tiêu chuẩn” và “điều kiện” để xét tặng danh hiệu. Cũng từ căn cứ vào những điều kiện và tiêu chuẩn mà sinh ra nhiều bất cập, sinh ra chạy chọt, sinh ra “tham nhũng cả tinh thần”. Bởi không như thế sẽ không có huy chương - trong khi huy chương là yếu tố bắt buộc hàng đầu để xét tặng danh hiệu cho nghệ sĩ. 

Ngày nay có người đúng là NSND chính hiệu, đi đâu cũng “nổ” là NSND. Nhưng tìm mỏi mắt, đọc ù tai cũng chưa hiểu hết công trạng của họ đóng góp cho nhân dân là những gì. Ví dụ có anh làm mỗi việc kê bàn, dọn ghế, căng phông màn lên sân khấu rồi ngoạch ngoạc vào đó vài nét xanh xanh giống như hình bóng cây tre, phết lên trên phông nhựa mấy đám màu đen đen gọi là mây bay, nguệch con số 3 vòng vèo gọi đó là cò bay, bôi phẩm màu cho thành sông, suối, hay làng quê gì đó… Nhưng những việc làm ấy vẫn phải tuyệt đối tuân theo chỉ đạo của đạo diễn sân khấu. Mặc dù cũng có đôi chút ý tưởng sáng tạo, nhưng đó chỉ là những sáng tạo theo kiểu một anh thợ làm nghề kê dọn sân khấu biểu diễn, nhưng cũng NSND, vì vở diễn đó huy chương vàng thì anh ta cũng “ké” được huy chương để làm thành tích? Hoặc có những ca sĩ cứ cất tiếng hát là họ tắt ti vi. Ồm không ra ồm, khàn không ra khàn, thậm chí cả đời chỉ hát thành công có mỗi một bài cũng là NSND, vì mỗi lần xét giải lại tính đến “cơ cấu” ngành nghề, không lẽ ngành nào cũng có NSND thì không lẽ ngành ấy lại không có? Chương trình phát trên ti-vi lúc nào cũng chỉ thấy anh ta hát đúng có một bài hát “kinh điển” như vậy (?!). Rồi một vài diễn viên trẻ, chỉ nhảy nhót trên sân khấu, hoặc đóng một vài vai nhàn nhạt trong vở diễn nhưng “được BGK ủng hộ” trong khi khán giả chưa kịp biết tên đó là diễn viên nào thì họ đã thành NSƯT? Vì đã có đủ 2 huy chương vàng và đủ tháng năm công tác.v.v… Họ được danh hiệu vì chương trình đó, tiết mục đó có huy chương vàng, bạc. Cứ có huy chương là họ “có phần”. Nghe thì có vẻ hợp lý, nhưng đó là hợp lý theo kiểu “anh hài”. 

Trong khi, có những nghệ sĩ, tác phẩm của họ đóng đinh trong lòng yêu mến của cả dân tộc thì chưa chắc có nổi một danh hiệu? Những tác phẩm văn học nghệ thuật của họ, công lao của họ, không chỉ trong nước, mà cả thế giới phải ca tụng, mến mộ. Nhưng từ khi họ cống hiến đến khi họ từ giã cõi đời mà chả có danh hiệu gì… (?).

Lùm xùm về cơ chế

Sau năm 1975, có một đoàn nghệ thuật thổi bùng vào đời sống âm nhạc trên cả nước một loại hình hoạt động nghệ thuật âm nhạc rất mới mẻ mà ta quen gọi là nhạc trẻ. Những năm tháng chiến tranh chỉ quen với những ca khúc cách mạng, ngâm thơ, hát chèo, cải lương… nay được tiếp cận một loại hình nghệ thuật hoàn toàn mới lạ mà vô cùng hồn nhiên, trong sáng, đã làm cho công chúng cả nước yêu thích. Biểu diễn ở đâu không còn vé để bán ở đó, khán giả lúc nào cũng đông nghịt. Đó là Đoàn Nghệt thuật Hải Đăng của tỉnh Khánh Hòa do Nhà biên kịch Nguyễn Thế Khoa sáng lập và làm Đoàn trưởng.

Sau Hải Đăng thì xuất hiện các đoàn nghệ thuật khác học theo mô hình mới đó, như Đoàn Nghệ thuật Bông Sen (TP HCM), rồi đến sau này lan ra phía Bắc. Loại hình nghệ thuật này trở thành động lực mạnh mẽ để tạo cho các tầng lớp thanh niên yêu cuộc sống hơn, say mê công tác hơn, từ đó đóng góp cho xã hội nhiều hơn. Vậy nhưng “ông tổ” sáng lập ra các đơn vị này lại chả có danh hiệu gì? Trong khi các “môn đệ” tại các đơn vị đó sau này rất nhiều người là NSND, NSƯT? Hoặc ca sĩ, NSƯT Đức Chính, mỗi lần anh cất tiếng hát là người dân thủ đô Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung lại thấy dạt dào tình yêu quê hương đất nước, mọi phiền muộn trôi đi chỉ còn lại sự nhiệt tình phấn đấu để xây dựng cho quê hương ngày càng giàu đẹp. Vậy nhưng anh mãi chỉ là NSƯT, vì về hưu rồi thì lấy đâu ra huy chương?... Nhiều lắm, nhiều người có công lao đóng góp to lớn cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật nhưng họ không có danh hiệu vì không “đào” đâu ra huy chương?

Có lẽ ca sĩ Trần Khánh và một vài cá nhân khác nữa là những ngoại lệ khi được truy tặng NSND từ phía chính... “nhân dân phong”. Ca sĩ Trần Khánh tên tuổi vang dội trong thời chống Mỹ, bị đuổi việc ra khỏi Đài tiếng nói Việt Nam, sống cả đời không có lương, không có chế độ. Chết đi vẫn mang tiếng là “có vấn đề”… Tôi và một số nhà báo khác đã lên tiếng, chúng tôi viết bài, nhiều báo đăng. Rồi ông cũng được “minh oan” và được truy tặng danh hiệu NSND, nhưng khi truy tặng thì ông đã đi quá xa, quá lâu trong cõi trần gian này rồi. Hoặc ông Hiệp một “diễn viên khổ sở”, ông Hiệp mất đi báo chí ầm ầm lên tiếng đề nghị phong tặng danh hiệu cho ông, trước làn sóng của công chúng, nhân dân, thì rồi ông cũng được truy tặng danh hiệu… đó chính là nhân dân phong tặng cho họ, công chúng đấu tranh cho họ. 

Tuy nhiên danh hiệu nghệ sĩ bây giờ cũng nhạt nhòa, công chúng không còn quan tâm đến danh hiệu của nghệ sĩ như trước đây, mà họ chỉ quan tâm đến hưởng thụ đích thực từ nghệ thuật. Ngược lại những nghệ sĩ chân chính, nghệ sĩ có thực tài, họ cũng không quan tâm nhiều đến danh hiệu. Bởi danh hiệu gần như trở lên “phù phiếm”, họ chỉ quan tâm đến công chúng có yêu mến mình hay không mà thôi. Bởi được công chúng yêu mến thì chính đó mới là nghệ sĩ của nhân dân. 

Ngày nay, do tồn tại danh hiệu mà “có người ăn cùng một lúc hai ba mâm, với hai ba bát”. Như thế thì đâu còn danh giá của danh hiệu nghệ sĩ (?). Nói đến công lao, nghệ sĩ thường kể công rằng: “LAO ĐỘNG NGHỆ THUẬT VẤT VẢ LẮM”. Lao động ư? Đã là lao động thì đã có qui định trong Luật Thi đua - Khen thưởng, từ Lao động Tiên tiến, đến Chiến sĩ Thi đua, đến Anh hùng Lao động… vậy sinh ra danh hiệu nghệ sĩ để làm gì nữa? 

Thật bất công khi có người vẫn một bộ hồ sơ thành tích lao động nghệ thuật đó, mang “xào qua, xào lại” để cùng một lúc “ăn hai, ba mâm”, đó là: được danh hiệu Anh hùng Lao động, được cả Nghệ sĩ Nhân dân và được luôn cả Nhà giáo Nhân dân. Trong khi chỉ cần một danh hiệu Anh hùng Lao động là đã hội tụ đầy đủ tất cả công sức đóng góp ở trong đó rồi. Cứ tồn tại danh hiệu nghệ sĩ mãi thế này thì rồi nhà báo cùng đòi phải có: “Nhà báo nhân dân, Nhà báo ưu tú”; doanh nghiệp cũng đòi hỏi phải có: “Doanh nhân nhân dân, Doanh nhân ưu tú”; mấy anh thu thuế ngoài chợ hoàn thành tốt rồi cũng đòi: “Thuế vụ nhân dân, Thuế vụ ưu tú”.v.v… và đã đòi thì họ đều có cái lý để đòi hỏi giống như lao động nghệ thuật vậy - bởi tất cả đều cùng là con người có công đóng góp cho đất nước.

Lùm xùm về quản lý

Tiến sĩ Lê Doãn Hợp về nhận chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin tháng 7/2006. Ngay sau đó ít lâu Bộ Văn hóa tổ chức Hội nghị tổng kết việc thực hiện Nghị định 87 - 88/NĐ-CP của Chính phủ về “công tác quản lý trật tự văn hóa” tại thành phố biển Nha Trang. Vào một buổi nghỉ, tôi và anh Bùi Thế Vịnh - Tổng biên tập Báo Điện ảnh Kịch trường đến phòng anh Hợp trò chuyện. Anh Hợp tâm sự: “Luật đã qui định có Anh hùng lao động rồi thì còn để danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân làm gì? Các nước sinh ra danh hiệu này họ đều đã thay đổi nhưng chúng ta chưa thay đổi”… Tôi tin, nếu anh Lê Doãn Hợp làm Bộ trưởng hết nhiệm kì sẽ có thay đổi. 

Từ chỗ không thay đổi, dẫn đến công tác quản lý các danh hiệu này hiện nay vẫn còn quá bất cập. Trước đây, NSND Mạnh Linh, một nghệ sĩ gạo cội nổi tiếng, con ông nợ nần (lừa đảo gì đó), vì thương con ông mang sổ đỏ đi cắm lấy tiền cho con. Việc “cắm tiền” của ông như là một đồng phạm đã làm ảnh hưởng đến thanh danh của nghệ sĩ, mất đi hình ảnh của những vai diễn ông đã từng thủ vai rất nổi tiếng trước đó. Vì làm mất uy tín nghề nghiệp nên danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân của ông bị cắt bỏ cái rụp. Như thế là thể hiện nghiêm minh, trong sạch cho danh hiệu. 

Còn ngày nay, ngay bây giờ. Ví dụ như diễn viên thị trường Hoài Linh được TP HCM đề nghị phong tặng NSƯT. Nhưng trong việc quyên góp tiền từ thiện vừa qua Hoài Linh đã gây bất bình trong dư luận, làm ảnh xấu đến toàn bộ giới hoạt động nghệ thuật. Chỉ riêng việc nhận tiền trong cơn hoạn nạn của đồng bào mà “ỉm” đi 6 tháng để đến khi bị phát giác, đến khi bà con chịu cái “hạn hán nóng như rang” thì đi giải ngân tiền mưa lũ? Riêng hành vi đó đã đủ để xử lý nghiêm. Chưa kể số tiền 14 tỷ đồng tiền xương máu của những người có tâm gửi cho Hoài Linh cứu trợ bà con vùng lũ, nếu gửi trong ngân hàng bình thường có kì hạn 6 tháng với lãi suất 5,4%/năm cũng có lãi = 378 triệu đồng. Còn gửi có kì hạn tại ngân hàng Vietcombank 6 tháng với lãi suất 4% sẽ có lãi = 280 triệu đồng. Như vậy việc “ỉm” tiền của Hoài Linh đã gây thất thoát mất hơn 30 con bò của người nông dân, mất hơn 30 tấn muối của bà con diêm dân vùng biển.... Trong khi, nếu diễn viên này có lòng tự trọng đã tự xin rút tên NSƯT. Còn cơ quan quản lý nhà nước nghiêm minh thì không cần chần chừ mà “trảm” như đã có tiền lệ của NSND Mạnh Linh. Việc “từ thiện của diễn viên thị trường” ngày càng bấn loạn xã hội do có một phần lỗi lớn từ cơ chế quản lý hoạt động nghệ thuật hiện nay. 

Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo các cơ quan, các địa phương cần rà soát, xem xét, để sắp xếp, thay đổi thể chế trong hoạt động của bộ máy thuộc Chính phủ. Ý kiến của Thủ tướng được đông đảo nhân dân đồng tình và ủng hộ. Đã đến lúc, thể chế trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn cũng cần phải thay đổi cho phù hợp, nhất là các danh hiệu nghệ sĩ cần phải xem xét lại cho đúng với xu hướng phát triển chung. Và để đúng thì bãi bỏ, lao động nghệ thuật đã có khung của thành tích lao động chung qui định cụ thể trong Luật Thi đua - Khen thưởng./.

Trần Đức Thọ

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/nen-bai-bo-cac-danh-hieu-danh-cho-nghe-sy-a19280.html