Bác sĩ Nguyễn Hữu Quyến và những ngày đáng nhớ tại Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 Thủ Đức số 1

Từ ngày thành lập đến nay, Bệnh viện đã thu dung, điều trị cho 4.826 bệnh nhân F0, với 3.884 người xuất viện. Trong đó, có 75 bệnh nhận trở nặng được điều trị thành công.

25-10-2021-bac-si-nguyen-huu-quyen-va-nhung-ngay-dang-nho-tai-benh-vien-da-chien-dieu-tri-covid19-thu-duc-so-1-32c7e672-details-1635153236.jpg
Bác sĩ Nguyễn Hữu Quyến đang chăm sóc cho bệnh nhân thở máy

Đầu tháng 8/2021, bác sĩ Nguyễn Hữu Quyến (Phó Trưởng khoa Gây mê hồi sức tại Bệnh viện TP Thủ Đức) được điều động tới Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 Thủ Đức số 1 (tiền thân là Khu cách ly tập trung F0 chung cư Bình Minh, gọi tắt là Bệnh viện Bình Minh) với hành trang chỉ có 1 tuần kinh nghiệm chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, bằng kiến thức đã được học, bằng nhiệt tình của tuổi trẻ, sức mạnh của niềm tin và hơn hết là với cả một trái tim đầy tình yêu thương người bệnh, bác sĩ Quyến nhanh chóng “vào vị trí” và cùng đồng nghiệp “chiến đấu”, lập nên nhiều kỳ tích.

Bệnh viện Bình Minh được thành lập vào thời điểm số ca F0 tăng nhanh tại TPHCM với nhiệm vụ ban đầu thu dung, sàng lọc, khám bệnh, cách ly, điều trị, chăm sóc và cấp cứu bệnh nhân Covid-19, có quy mô 1.500 giường. Bệnh viện được xây dựng trên nền một chung cư bỏ không đã lâu, không có một trang thiết bị nào, kể cả những vật dụng cần thiết như giường, chiếu. Những người được điều động tới đây đa phần chưa có thời gian làm việc chung, chưa hiểu ý nhau, thậm chí chưa có kinh nghiệm trong chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19.

Với áp lực số ca F0 tiếp nhận tại Bệnh viện liên tiếp tăng trong những ngày mới thành lập, số ca trở nặng cũng không ít, thậm chí tử vong, đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng vừa tiếp nhận F0 vừa chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân vừa sắp xếp mọi thứ để “hình thành nên bệnh viện”. Thậm chí, hôm đầu tiên đi vào hoạt động, chỉ có 13 nhân viên y tế nhưng đã tiếp nhận gần 700 bệnh nhân. Sau chưa đầy một tháng, Bệnh viện được thay đổi công năng sang điều trị hồi sức cấp cứu bệnh nhân Covid-19, nghĩa là từ bệnh viện thuộc tầng điều trị số 1 nâng lên tầng số 3.

Với kinh nghiệm 7 năm công tác trong chuyên ngành gây mê hồi sức, bác sĩ Quyến sớm thích ứng với nhiệm vụ, anh nhanh chóng thành thạo việc sử dụng các máy móc. Từ đó, anh hướng dẫn các bác sĩ, điều dưỡng sử dụng các loại máy: oxy mask, HFNC… và cả đội ngũ vừa làm vừa học. Trong một thời gian rất ngắn, những bác sĩ, điều dưỡng các ngành nghề khác nhau, chưa bao giờ “nhìn qua” các thiết bị máy móc này đã sử dụng thành thạo, trừ kỹ thuật máy thở - chuyên sâu.

Trong nhiều tuần, bệnh nhân đông, trang thiết bị thiếu thốn, chế độ làm việc khá áp lực cả về thời gian lẫn thể lực, rất nhiều ngày, đội ngũ phải mặc đồ bảo hộ từ 10 giờ trở lên, chuyện ăn, ngủ cũng rất “tranh thủ”. Quyến cũng như một số đồng nghiệp có những phút mềm lòng tưởng chừng như sẽ chùn chân... Nhưng khi nhìn lại bệnh nhân đang ở lằn ranh sinh tử, dù là một tia hy vọng nhỏ nhoi, người bệnh và thân nhân cũng sẽ cố gắng hết sức. Chứng kiến những người con tận tình chăm sóc cha, người vợ chu đáo chăm chồng, anh và đồng nghiệp như được tiếp thêm sức mạnh. Mọi người bảo nhau, mình vất vả nhưng người bệnh còn khổ hơn, mình phải là chỗ dựa cho họ về mọi mặt. Cứ thế, toàn “đội” không ai bảo ai, đoàn kết và nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Trong điều trị bệnh nhân Covid-19, bác sĩ Quyến cho rằng, ngoài việc tuân thủ phác đồ hướng dẫn của Bộ Y tế, bác sĩ trực tiếp điều trị cần biết kết hợp nhiều yếu tố khác. Như quan tâm đến vấn đề tâm lý, phát hiện sớm các biến chứng của bệnh nền do sử dụng thuốc, đối với những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ thì thường xuyên theo dõi chỉ số SpO2, nhằm tránh việc trở nặng, giúp khả năng khỏi bệnh cao... Kể cả trong những ngày bệnh nhân đông, việc thăm khám thường xuyên từng bệnh nhân cũng phải thực hiện ít nhất 2 lần/ngày để phát hiện sớm những ca có khả năng trở nặng đột ngột.

Với công việc thường xuyên đặt nội khí quản cho bệnh nhân trở nặng, thêm vào đó, anh còn làm những công việc của một điều dưỡng như chăm sóc răng miệng, thay tã cho bệnh nhân… nên anh cũng không tránh khỏi rủi ro và đã trở thành F0. Những ngày nhiễm bệnh, anh cũng bị “hành” đầy đủ các cung bậc. Nhưng thay vì nghỉ ngơi anh chọn cách làm việc. Theo anh, khi bị nhiễm bệnh, cơ thể rất mệt, khó thở, nếu mình chỉ nằm một chỗ thì càng mệt hơn. Khi làm việc vừa giúp cơ thể bớt mệt vừa hỗ trợ đồng nghiệp. Sau hơn 2 tuần nhiễm bệnh, anh đã khỏe mạnh, tiếp tục với công việc mình. Anh muốn nhắn gửi đồng nghiệp, với Covid-19 thì không thể chủ quan, trong mọi trường hợp phải hết sức cẩn thận.

Bác sĩ Quyến chia sẻ, anh đam mê chuyên ngành gây mê vì đây là chuyên ngành đòi hỏi nhiều kỹ năng, vì vậy nó “bắt” anh luôn phải học hỏi rất nhiều chuyên ngành khác như nội, ngoại, sản, nhi… Nhờ đó, khi được phân công điều trị hồi sức cho bệnh nhân Covid-19, anh tiếp cận khá thuận lợi. Nếu được lựa chọn thì anh vẫn muốn tiếp tục điều trị bệnh nhân Covid-19. Điều mà anh đau đáu trong lòng là những việc mình làm đã tốt nhất hay chưa… Qua thời gian làm việc này, anh ngộ ra nhiều điều. Trong những chuyện đau thương, mất mát ẩn chứa những điều tốt đẹp, đó là chữ hiếu, chữ tình, là những điều nhân văn. Anh liên tục nhắc đến sức mạnh của sự đoàn kết tập thể và tự hào về bản thân đã góp chút công sức trong việc giúp nhiều người bệnh mạnh khỏe trở về đoàn tụ với gia đình.

Bệnh viện Bình Minh hiện nay là một bệnh viện chuyên điều trị hồi sức Covid-19. Từ ngày thành lập đến nay, Bệnh viện đã thu dung, điều trị cho 4.826 bệnh nhân F0, với 3.884 người xuất viện. Trong đó, có 75 bệnh nhận trở nặng được điều trị thành công. Có những thành quả đó, phải khẳng định rằng, “Bệnh viện may mắn có được những người bác sĩ giỏi về chuyên môn và tận tâm với người bệnh như bác sĩ Nguyễn Hữu Quyến” - bác sĩ Phan Bá Chung, phụ trách Bệnh viện chia sẻ./.

Theo hcmcpv.org.vn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/bac-si-nguyen-huu-quyen-va-nhung-ngay-dang-nho-tai-benh-vien-da-chien-dieu-tri-covid-19-thu-duc-so-1-a19250.html