Chùa Lưu Ly là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh tọa lạc trên núi Chùa (thuộc địa phận thôn Khánh Sơn, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), nằm cách thành phố Hà Tĩnh hơn 15km về phía Bắc. Chùa ngoảnh mặt về hướng Tây Nam. Phía sau chùa được bao bọc bởi rừng cây yên tĩnh, càng làm tăng thêm vẻ uy nghi, tĩnh lặng của chùa.
Chùa được xây dựng từ lâu đời nằm biệt lập với khu dân cư làng Khánh Lộc xưa, lưng chùa tựa vào rú Trùa, cảnh quan địa thế của chùa tĩnh lặng, thâm nghiêm là nơi lý tưởng cho các tín đồ hành đạo. Niên đại dựng chùa không rõ năm nào, nhưng nguồn tư liệu dân gian và khảo cứu những dấu tích kiến trúc cho biết ngôi chùa đã có cách đây hàng trăm năm.
Chùa Lưu Ly song hành tồn tại gắn bó với cuộc sống của nhân dân trong vùng từ bao đời nay, qua vết tích còn lại của các hạng mục công trình như nền chùa, sân chùa có thể đoán rằng trước đây hoạt động của đạo Phật ở đây khá phát triển. Tuy nhiên, do những biến động của lịch sử nên nhiều công trình của ngôi chùa có lịch sử hàng trăm năm chỉ còn đọng lại trong tiềm thức dân gian.
Dù vậy, người dân nơi đây bằng đức tin vẫn còn lưu giữ được nét văn hóa tín ngưỡng truyền thống có từ ngàn đời của dân tộc, hàng ngày dân làng vẫn đến chùa lễ Phật nhưng không đi tu, không trai giới, không ăn chay, tụng kinh gõ mõ lần tràng hạt, họ chỉ niệm Nam mô A Di đà Phật coi như lời răn dạy của đức Phật để tự bản thân giác ngộ hướng tới cái thiện, tu nhân tích đức. Bên cạnh đó, làng còn tổ chức lễ Phật đản, lễ Thượng nguyên, hội trai đàn, hội chay đã thu hút đông đảo dân làng đến dự và ai cũng là phật tử, nhờ đó Phật giáo có điều kiện gần gũi gắn với thực tiễn cuộc sống làng xã nên tính chất nhập thế của Phật giáo càng sâu sắc đậm nét. Vì vậy, mọi giáo lý cao siêu của nhà Phật được dân gian hóa làm cho chùa Lưu Ly trở thành địa điểm sinh hoạt văn hóa tâm linh không thể thiếu được của người dân địa phương từ xưa đến nay.
Sau cách mạng tháng Tám, thực hiện chủ trương hợp tự hệ thống tượng Phật cổ ở chùa Lưu Ly được hợp tự về chùa Đô Hành (xã Mỹ Lộc) và hiện nay một số tượng đang được lưu giữ nguyên vẹn. Bên cạnh đó, trong thời chiến tranh và sau ngày đất nước thống nhất do không được quan tâm gìn giữ bảo tồn chu đáo đã làm cho ngôi chùa có lịch sử lâu đời cổ kính cùng hệ thống tượng Phật, đồ tế khí quý hiếm đã bị mất mát, hư hỏng và xuống cấp nghiêm trọng.
Trong những năm gần đây, dưới ánh sáng Nghị quyết TW5 - khóa VIII của Đảng, việc khôi phục trùng tu các đình, chùa, đền, miếu được quan tâm, công tác xã hội hoá trong lĩnh vực này được tích cực đẩy mạnh đã đem lại nguồn động viên khích lệ, đáp ứng được sự kỳ vọng của người dân trong vùng. Vì vậy, đến nay chùa vẫn là địa điểm hoạt động tâm linh tín ngưỡng, ngày càng thu hút đông đảo du khách gần xa và nhân dân vùng tham quan hành lễ qua đó gửi gắm tâm linh cầu yên, cầu phúc cho cuộc sống an lành của nhân dân trong vùng.
Như vậy, trải qua hàng trăm năm hình thành và phát triển, chùa Lưu Ly trở thành địa chỉ nối nhịp tâm linh, nơi gửi gắm khát vọng bình yên, hạnh phúc của người dân trong vùng, đây cũng là địa điểm đã lưu lại sự kiện lịch sử vẻ vang trong công cuộc chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
Vào những ngày lễ Tết, ngày Phật đản nhân dân trong xã đều lên chùa thắp hương với lòng thành kính sâu sắc, gửi gắm niềm tin và những điều cầu mong của mình vào đức Phật. Những ngày rằm lớn như ngày rằm tháng 7, rằm tháng Giêng ở chùa Lưu Ly thật sự là những ngày lễ hội tâm linh của nhân dân trong vùng. Du khách thập phương không chỉ làm lễ mà còn vãn cảnh chùa, ngắm núi non hùng vỹ thường rất lâu mới xuống núi.
Có thể nói, chùa Lưu Ly là một trong những ngôi chùa thể hiện được khá rõ nét bản sắc văn hóa dân gian, văn hóa tâm linh về tín ngưỡng, thờ Phật trên mảnh đất Can Lộc nói riêng và đất Hà Tĩnh nói chung.
Chùa Lưu Ly bao gồm những công trình chính: Cổng vào di tích; thượng điện... Trong đó, thượng điện gồm 3 gian, 2 mái, bít đốc 2 đầu. Nhà được làm theo lối Tam oai kẻ chuyền. Có ba chiếc kẻ nối với nhau. Kẻ thứ nhất nối từ Thượng ốc xuống đến cột cái, kẻ thứ hai nối từ cột cái xuống cột con và kẻ thứ ba từ cột con vươn ra thềm. Xây tường bao quanh, mái lợp ngói mít. Câu đầu nối hai cột cái với nhau tạo thành vì nóc, đỡ lấy hai hàng mái chạy dài theo chiều dốc mặt mái.
Thượng điện trổ hai cửa gỗ, sơn son, phía ngoài cửa có bức đại tự: "Uy linh lẫm liệt" và cặp câu đối chữ Hán như sau:
Phiên âm: “Đức Phật Quan âm phù chúng loại/ Thiên đình thánh mẫu cửu nhân sinh”. Dịch nghĩa: “Đức phật Quan âm phù hộ cho chúng loại/ Cửa trời thánh mẫu cứu thế nhân sinh”.
Trước sân Thượng điện ngoài hệ thống bàn thờ tả vu, hữu vu cùng với bàn thờ ngoài trời thì chùa Lưu Ly còn bài trí bệ thờ to ở giữa trung tâm sân chùa, đặt trước tam cấp ra vào Thượng điện.
Có thể thấy, chùa Lưu Ly là ngôi chùa nhỏ kết cấu kiến trúc đơn giản, chất liệu chỉ bằng gạch bao quanh vôi vữa, do nhiều lần tu bổ nên có phần chắp vá và làm mất đi nét cổ kính ban đầu.
Từ bao đời nay, mái chùa không chỉ là nơi hoằng truyền Phật pháp, nơi tu học của các tu sĩ mà đó còn là nơi những trái tim thiện lành, những người con Phật trở về để mong tìm thấy sự bình an, tốt lành, để mầm thiện được nảy nở và đơm hoa. Chính vì vậy, chùa Lưu Ly đã trở thành điểm tựa tinh thần trong cuộc sống của bà con nhân dân, để trong khói hương và tiếng chuông chùa lòng người ấm áp, thanh tịnh hơn,…
“Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống bao đời của tổ tông”.
(Mãn Giác thiền sư)
Viết Hải
Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/chua-luu-ly-ngoi-chua-hang-tram-nam-tuoi-linh-thieng-diem-den-tam-linh-tai-ha-tinh-a19241.html