Giai thoại về di tích mộ phần của phu nhân Nguyễn Trung Trực ở Phú Quốc (Kỳ cuối)

Khi thấy tàu của phu nhân mắc cạn, Nguyễn Trung Trực nhận ra kế hoạch bị vỡ. Ông vội vã nhét đứa con trai sơ sinh vào một bọng cây cổ thụ (Hiện vẫn còn di tích ở Cửa Cạn) rồi chỉ huy binh sỹ xông ra giải cứu. Ra đến nơi thì bà đã hy sinh.

12994360-1280660321948223-4762905893766127526-n-1634956005.jpg
Gian thờ cúng Bà phía bên ngoài 

Nguyễn Trung Trực mới ra đảo nên không hiểu đặc tính cửa sông Cửa Cạn. Ở cửa sông này, mỗi khi triều dâng, sóng đẩy cát lấp cửa sông nhưng tàu bè vẫn ra vào được. Khi triều rút, nước từ sông đẩy cát ra biển nhưng tàu bè không thể ra vào. Quân Pháp tấn công đúng lúc triều rút, tàu nghi binh của bà Điều bị mắc cạn. Không nao núng, bà vẫn chỉ huy binh sỹ vừa đối kháng quân Pháp quyết liệt vừa cho người móc cát để tàu lui vào nhánh sông.

Khi thấy tàu của phu nhân mắc cạn, Nguyễn Trung Trực nhận ra kế hoạch bị vỡ. Ông vội vã nhét đứa con trai sơ sinh vào một bọng cây cổ thụ (Hiện vẫn còn di tích ở Cửa Cạn) rồi chỉ huy binh sỹ xông ra giải cứu. Ra đến nơi thì bà đã hy sinh.

Quân Pháp đánh cấp tập, ông đành lui quân về bắc đảo (Ghềnh Dầu) để bảo toàn lực lượng. Trong cơn nguy biến, sinh mạng binh sỹ quan trọng hơn, ông đành rứt lòng bỏ con ở lại bọng cây.

Mấy ngày sau, ông cố kỵ của Tư Ngây là một binh sỹ thuộc hạ của Nguyễn Trung Trực giả dạng ngư phủ đánh liều vượt vòng vây quân Pháp trở ra Cửa Cạn để tìm con trai Nguyễn Trung Trực. Khi đến nơi, công tử đã không còn ở đó nữa. Ông đành ngậm ngùi kéo tử thi phu nhân Nguyễn Trung Trực đưa lên bãi biển hoang vu cách Cửa Cạn vài cây số mai táng tạm và khấn hứa sẽ dặn con cháu đời sau xây mộ khang trang cho bà.

Năm 1963, ông Tư Ngây căn cứ theo sự hướng dẫn của cha tìm đến mộ bà. Dù đã tìm được mộ nhưng do nghèo khó, ông Tư Ngây cũng chỉ biết thắp hương, vén đất cho ngôi mộ.

phu-quoc-52014-170-1634955503.JPG
Tác giả chụp lưu niệm bên ngôi mộ Bà

Người chủ tàu ở Rạch Giá tìm gặp Tư Ngây đúng thời điểm đó. Cả hai đều vui mừng bắt tay nhau tiến hành xây dựng mộ cho Bà. Ông chủ tàu bỏ tiền, ông Tư Ngây bỏ công xây ngôi mộ đá có bia đề "Mộ Bà Lớn Tướng".

Căn cứ vào hồ sơ chính sử thì đêm 16-06-1868, nghĩa binh Nguyễn Trung Trực đánh chiếm và làm chủ thành Kiên Giang (Rạch Giá) tạo nên chiến công hiển hách "kiếm bạc Kiên Giang khốc quỷ thần". Ngày 21-06-1868, quân Pháp gồm Thiếu tá Hải Quân Léonard Ausart, Đại úy Dismuratin, Trung úy hải quân Richard, Trung úy Taradel cùng 1 số Việt gian kéo quân phản công, ông phải lui quân về Hòn Chông rồi ra đảo Phú Quốc, lập chiến khu tại Hàm Ninh nhằm tổ chức kháng chiến lâu dài.

Tháng 9-1868, Việt gian Huỳnh Công Tấn - Vốn là bạn kháng chiến với ông Nguyễn Trung Trực thời điểm đánh trận đốt tàu L’Espérance của quân Pháp trên sông Nhật Tảo (10-12-1861) đã đầu hàng giặc Pháp - được Thiếu tá Hải Quân Léonard Ausart trưng dụng đưa lên chiếc tàu chiến Groeland cùng 150 lính ở Gò Công ra đảo Phú Quốc truy kích quân Nguyễn Trung Trực. Tại đây, Nguyễn Trung Trực bị Huỳnh Công Tấn viết một trá thư cho rằng Pháp đã bắt được mẹ Nguyễn Trung Trực, ông phải nộp mạng để đổi lấy mạng mẹ. Vì vậy, ông ra hàng và bị Pháp giết.

13055588-1280660285281560-4333138911265159201-n-1634955607.jpg
Dinh Bà được tôn tạo khang trang

Trong chính sử, không nhắc đến chuyện Nguyễn Trung Trực có vợ.

Tuy vậy, căn cứ vào các sử liệu của các nhà nghiên cứu trong thời gian gần đây đều có những chi tiết cho rằng, phu nhân của Nguyễn Trung Trực có tục danh là Điều hoặc Đỏ, mỹ danh là Lê Kim Định. Bà là một người sát cánh bên vai Nguyễn Trung Trực trong các hoạt động kháng Pháp. Có nhiều nguồn khẳng định, bà đã từng bị Pháp bắt 2 lần giam tại Rạch Giá và đều được Nguyễn Trung Trực giải cứu thành công. Khi ông lui quân về Phú Quốc, bà Điều cũng được đi theo.

Vì bà là vợ chính thức nên dân địa phương Phú Quốc gọi là "Bà Lớn Tướng".

Cũng theo các nguồn này, mãi đến năm 1867, quân Pháp mới đánh ra Phú Quốc. Và "Bà Lớn Tướng" hy sinh tại Cửa Cạn là chi tiết có thật chứ không chỉ là giai thoại.

Với nhân dân Phú Quốc, sự kiện vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực xây dựng căn cứ kháng chiến ở địa phương là niềm tự hào khá sâu đậm. Đó cũng là câu chuyện liên quan đến nguyên do hình thành 1 cụm dân cư giữa vùng hoang vu Cửa Cạn từ những năm giữa cuối thế kỷ 19.

Cho đến ngày nay, giai thoại "Nguyễn Trung Trực đặt con ở bọng cây sao với nải chuối vàng để nếu có ai đó gặp mang về nuôi giúp" vẫn còn được truyền tụng. Về sự kiện Nguyễn Trung Trực rơi vào tay giặc cũng có nhiều ý kiến sử học khác nhau. Có người cho rằng do Huỳnh Công Tấn bắt mẹ của ông, rồi vì chữ hiếu, ông phải ra nộp mình.

13051533-1280660291948226-8424038094845984552-n-1634955687.jpg
Tượng thờ Nguyễn Trung Trực hướng ra biển

Cũng có người cho rằng Huỳnh Công Tấn bắt giết dân, mỗi ngày giết 10 người, vì không muốn dân phải chết oan uổng nên ông phải tự trói mình bằng dây rau muống biển rồi ra hàng. Cũng có người cho rằng ông đã bị bắt sau một trận ác chiến với quân thù.

Ngày nay ngôi mộ đã được bá tánh góp tiền xây một mái nhà che và cử một người thủ từ nhang khói, chăm sóc. Hàng năm, vào ngày rằm tháng 8 (âm lịch), cư dân địa phương thường xuyên tổ chức cúng giỗ cho bà. Ông Tư Ngây đã qua đời ở tuổi 109, mang theo nhiều ký ức truyền đời./.

Nông Huyền Sơn

Link nội dung: https://phuongnam.vanhoavaphattrien.vn/giai-thoai-ve-di-tich-mo-phan-cua-phu-nhan-nguyen-trung-truc-o-phu-quoc-ky-cuoi-a19219.html